Sau chỉ đạo của Thủ tướng, giá lúa đã tăng thêm 100 đồng/kg
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo tăng cường thu mua lúa gạo vụ đông xuân 2018 – 2019, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhích lên.
Giá tăng trở lại
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ vài ngày kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường thu mua gạo vụ đông xuân 2018 – 2019, giá lúa ở một số địa phương tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) đã tăng thêm 100 đồng/kg.
Người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu hoạch lúa đông xuân 2019. Ảnh: Huỳnh Xây
“Vài ngày trước lúa IR 50404 có giá 4.300 đồng/kg, hôm nay lên được thêm 100 đồng, tức là 4.400 đồng/kg. Với giá này, 5ha lúa của tôi vẫn không có lời vì là đất thuê (3 triệu đồng/công (1.000m2). Tới đây, tôi còn thu hoạch thêm 10ha nữa, hy vọng giá lên được thêm 300 đồng/kg mới đỡ hơn” – ông Phạm Văn Teo, ấp Tân Thạnh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn cho biết.
Ngoài ông Teo, nhiều hộ dân khác ở huyện Tri Tôn cũng đã bán lúa với giá 4.400 đồng/kg (đối với giống lúa thường IR 50404). Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, hiện có 3 giống lúa tăng 100 đồng/kg (lúa tươi bán tại ruộng), cụ thể là IR 50404 (4.400 đồng/kg), OM 4218 (từ 4.500 – 4.600 đồng/kg), OM 6976 (từ 4.500 – 4.600 đồng/kg).
Video đang HOT
Tại Trà Vinh, đối với lúa IR 50404, một số nông dân đã bán được giá 4.400 đồng/kg, còn các giống lúa hạt dài và lúa thơm cũng có giá từ 4.600 – 4.800 đồng/kg. Với mức giá trên và năng suất bình quân trên 6 tấn/ha, nông dân có lãi ít. Đến nay, người dân tỉnh này đã thu hoạch được khoảng 10% trong khoảng 8.000ha diện tích xuống giống.
Anh Lê Văn Nam, ngụ ở xã An Trường, huyện Càng Long (Trà Vinh) cho biết, anh vừa bán 8.000m2 lúa IR 50404 với giá 4.400 đồng/kg. “Cách đây 1 tuần, lúa có giá 4.300 đồng/kg, giờ tăng lên 4.400 đồng/kg” – anh Nam nói.
Ngoài An Giang và Trà Vinh, giá lúa tại TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… cũng bắt đầu tăng trở lại sau thời gian “lao dốc”. Một số hộ dân cho biết, sẽ trữ lại chờ giá lên, một số hộ còn lại thì nói “đã lỡ nhận cọc của thương lái trước đó vài ngày nên phải bán”.
Anh Lê Hữu Văn – người dân ở xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) cho biết: “Giá lúa tăng nhưng không cao, trong khi đó đa phần người dân đã nhận cọc của thương lái trước đó nên phải bán với giá cũ”.
Cần đẩy nhanh việc thu mua lúa
Ông Đoàn Trung Hoạch – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) thông tin, toàn xã có trên 2.100ha lúa đông xuân, hiện đã thu hoạch được khoảng 60%. Do giá lúa xuống thấp, người dân có động thái trữ lại, các thương lái thu mua không nhiều nên việc mua bán vẫn diễn ra chậm.
“Giá lúa hiện tại so với năm trước quá thấp, lợi nhuận của người dân không nhiều, những hộ có đất nhà còn đỡ, thuê mướn thì không lời. Hy vọng, giá lúa sẽ nhích lên cao hơn nữa để người dân có chút lợi nhuận” – ông Hoạch chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, 2 ngày nay giá lúa trên địa bàn tỉnh đã nhích lên. “Để người dân bán được lúa nhanh chóng, các bộ ngành Trung ương cần hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ, tránh tình trạng giá rớt xuống mức giá thành sản xuất. Về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ có định hướng điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thu hoạch tập trung và giảm dần diện tích lúa, tăng dần diện tích rau màu, cây ăn trái” – ông Liêm nói.
Theo ông Võ Nguyên Nam – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, vụ đông xuân 2018 – 2019, nông dân trong tỉnh xuống giống gần 23.400ha, đến nay đã thu hoạch được gần 11.000ha, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha và tổng sản lượng đạt khoảng hơn 1,7 triệu tấn lúa. Việc giá lúa tăng lên 100 đồng/kg chỉ là cục bộ, người dân vẫn chưa có lời. Theo đó, nhiều cánh đồng lúa đã chín vàng nhưng tiến độ thu hoạch vẫn còn chậm.
Sau chỉ đạo tăng cường thu mua gạo vụ đông xuân 2018 – 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành rà soát tình hình thu mua, lưu kho tại các hợp tác xã (HTX) có quy mô lớn.
Cụ thể, HTX Tân Bình có kho trữ lúa quy mô 1.000 tấn, hiện đã lưu kho 100 tấn, chuẩn bị nhận 700 tấn lúa của nông dân theo hợp đồng đã ký và còn khả năng nhận lưu kho thêm 200 tấn. HTX Tân Cường có kho trữ lúa quy mô 3.500 tấn, đến nay, HTX này đã lưu kho 1.500 tấn, chuẩn bị nhận 1.000 tấn lúa theo hợp đồng hợp đồng đã ký và còn khả năng nhận lưu kho thêm 1.000 tấn.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, các HTX trên đã thông báo rộng rãi trong nông dân về việc hỗ trợ lưu kho lúa gạo cho nông dân không tính phí (chỉ thu chi phí sấy nếu hộ dân có nhu cầu). Hiện Đồng Tháp đã thu hoạch được 91.000ha, chiếm 44,4% diện tích xuống giống, ước sản lượng 637.647,5 tấn, ước năng suất 7 tấn/ha.
Theo Danviet
Hà Nội: Hàng nghìn ha lúa chưa thể cấy vì thiếu nước
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, tính đến ngày 17.2, tổng diện tích canh tác vụ xuân 2019 trên địa bàn đạt trên 83.000ha (khoảng 91% kế hoạch gieo cấy). Toàn thành phố vẫn còn khoảng 8.000ha sản xuất vụ xuân 2019 chưa có nước.
Trong khi một số địa phương như: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng đã cơ bản lấy đủ nước, thì ở nhiều địa phương khác, diện tích canh tác vụ xuân có nước vẫn thấp. Thậm chí, một số diện tích vẫn thiếu nước khiến bà con nông dân chưa thể lấy nước, đổ ải, điển hình như tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, hay quận Nam Từ Liêm...
Trạm bơm Thanh Điềm (Mê Linh) đang hoạt động hết công suất để cung cấp nước cho các diện tích lúa trên địa bàn. Đăng Hải
Ông Phạm Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện, nhiều nơi vẫn đang trong tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ xuân như xã Tiến Thịnh, Hoàng Kim, Văn Khê... Vì vậy, huyện Mê Linh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp tích cực chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Mê Linh, tập trung nạo vét kênh mương, cải tạo trạm bơm tưới, lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa vụ xuân theo lịch đổ ải của Sở NNPTNT thành phố.
Ông Đoàn Mạnh Trường - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thịnh cho hay, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã phụ thuộc vào sông Hồng và sông Cà Lồ. Tuy nhiên, hiện nay, mực nước ở cả 2 sông này đều ở mức thấp khiến trạm bơm Thanh Điềm (trạm bơm tưới chính nằm trên địa bàn xã) cũng phải "bất lực".
Theo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh, đơn vị này đã lắp đặt và vận hành 16 máy bơm dã chiến, công suất 1.000m3/giờ/máy. Công nhân của công ty phải túc trực 24/24 giờ với 3 ca làm việc, mỗi ca 7 người để vận hành máy liên tục nhằm kịp thời cấp nước phục vụ bà con làm đất và gieo cấy. Tuy nhiên, chưa năm nào, mực nước sông Hồng lại thấp như năm nay (hiện tại đang ở mức 0,7m). Trong khi đó, nước sông chỉ thấp dưới 2m là trạm bơm Thanh Điềm không thể vận hành.
Nhằm sớm khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất cục bộ và đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân, UBND huyện Mê Linh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh phối hợp với các xã, thị trấn tập trung bơm nước tưới cũng như tích trữ nước trong ao hồ, kênh mương trên địa bàn. Đồng thời, nông dân được vận động tích cực gieo cấy lúa xong trong tháng 2.2019.
Theo Danviet
Giá lúa giảm, Bộ NNPTNT sang Philippines đàm phán xuất khẩu Trước tình hình giá lúa đông xuân 2018 - 2019 đang giảm mạnh, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức đoàn công tác sang Philippines đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu gạo Trung Quốc mua 100.000 tấn Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong bối cảnh giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đi xuống, sắp tới, Bộ NNPTNT...