Sau Bắc Đại Bàng, diễn viên lại mất tên vì bạo chúa Thế ‘chột’
Nghệ sĩ Chu Hùng cho biết bạn bè, khán giả truyền hình, người hâm mộ bắt đầu gọi ông là Thế “chột” thay cho cái tên Bắc Đại Bàng đã quen thuộc suốt 20 năm.
Nghệ sĩ Chu Hùng là người đảm nhận vai Thế “chột” – kẻ thù số một của ông trùm Phan Quân trong Người phán xử. Tạo hình lạ, diễn biến tâm lý phức tạp, cùng sự nguy hiểm, lúc ẩn lúc hiện của nhân vật được nam diễn viên gạo cội thể hiện xuất sắc. Trên mạng xã hội, số phận của bạo chúa Thế “chột” đang được nhiều người quan tâm, bàn tán và dự đoán.
Tạo hình nhân vật Thế “chột” do nghệ sĩ Chu Hùng thủ vai. Ảnh: VFC.
Tạo hình mắt chột gây ức chế trong quá trình quay
- Ông đến với vai Thế “chột” trong “Người phán xử” như thế nào?
- Cách đây khoảng 2 năm, Khải Anh và Mai Hiền đến nhà tôi. Các em bảo là tôi nghỉ quá lâu rồi nên lần này không được trốn màn ảnh nữa, phải trở lại với khán giả. Lúc đầu tôi từ chối, nhất định không nhận vì cũng đã lâu không làm phim. Nhưng sau khi 2 đạo diễn thuyết phục, tôi đồng ý.
Tôi bảo Mai Hiền nói qua nhân vật. Sau khi nói, tôi hình dung ra ngay nhân vật mà không cần đọc kịch bản. Đó là một nhân vật có số phận và rất hấp dẫn, lại đóng cùng với Hoàng Dũng nên tôi rất hào hứng.
- Nhân vật này có gì đặc biệt khiến ông bị hấp dẫn đến vậy?
- Thế “chột” là một nhân vật có diễn biến tâm lý phức tập. Từ đầu đến cuối luôn ủ mưu, tính kế để trả thù ông trùm Phan Quân, tức phe đối lập.
Trong thế giới ngầm, không có chính tà. Họ đối phó với nhau bằng những thủ đoạn đấu đá. Chiêu của Thế “chột” là lúc ẩn, lúc hiện, mua chuộc đàn em của Phan Quân. Thế “chột” như con rắn bơm nọc độc dần dần vào Phan Thị.
Nhân vật này xuất hiện không quá nhiều nhưng có vai trò xuyên suốt bộ phim. Thú thật, đây là một nhân vật không đơn giản, để vào vai này, tôi phải vận dụng rất nhiều kiến thức, trải nghiệm và sự hiểu biết của bản thân.
- Đồng ý trở lại phim trường sau thời gian nghỉ ngơi, ông đặt điều kiện gì với đoàn làm phim?
- Tôi không đặt điều kiện gì cả, còn nếu có yêu cầu gì thì cũng chỉ nhằm phục vụ cho chất lượng của vai diễn. Tôi đồng ý đóng vai Thế “chột” khi đang trong thời gian giữ lời hứa tham gia một bộ phim khác.
Thế nên, tôi có đề nghị với các đạo diễn là phải hóa trang tôi thật khác với ngoại hình hiện tại, làm sao để gai góc và đúng chất nhân vật nhất. Sau đó, đạo diễn khuyên tôi cứ yên tâm vì chỉ với mắt chột, tạo hình nhân vật cũng đã khác nhiều so với tôi ngoài đời.
- Trong quá trình quay, tạo hình mắt chột gây khó khăn như thế nào đối với ông?
- Việc bịt một bên mắt trong suốt thời gian quay thực sự là một ức chế đối với diễn viên. Bịt 1-2 tiếng thì không sao nhưng đây là kéo dài hàng năm trời. Đầu tiên, đúng là rất đơn giản nhưng càng về sau, mắt của tôi như bị ám ảnh với việc bị bịt.
Điều này cũng gây phân tán về mặt diễn xuất vì cơ mặt không thoải mái. Chúng ta cũng không có kỹ thuật như nước ngoài. Bịt bằng dây chun và một miếng da nên rất khó chịu. Mùa hè, mồ hôi chảy ra, mắt tôi gần như bị nhòa. Nhiều lúc nhìn bạn diễn thành ra 2, 3 người.
Thế “chột” là nhân vật đặc tả đôi mắt rất nhiều. Nhưng một mặt bị bịt nên mắt còn lại phải bỏ sức ra gấp 3 lần. Đôi mắt ấy phải tập trung cao độ để thể hiện sự dữ dằn và nội tâm của nhân vật. Nếu không vượt qua được sự ức chế thì khó có thể hoàn thành được vai diễn.
Chu Hùng là nghệ sĩ thường xuyên đảm nhận những vai phản diện. Ảnh: Quang Đức.
Video đang HOT
Có kinh nghiệm vì thường xuyên vào vai xã hội đen
- Ngoài khó khăn liên quan đến tạo hình, hẳn trong gần một năm quay phim, ông còn nhiều câu chuyện hậu trường đáng nhớ?
- Đúng là có nhiều câu chuyện chưa kể vì trong đoàn làm phim tôi được xếp vào người lớn tuổi.
Người có tuổi mà theo các bạn trẻ trèo đèo lội suối, vượt qua mưa gió, trơn trượt để hoàn thành các cảnh quay thì chắc chắn sẽ có những kỷ niệm không thể quên được.
Thế nên, việc phim được khán giả yêu thích như vậy cũng là món quà cho anh em nghệ sĩ chúng tôi.
- Trong quá trình thực hiện “Người phán xử”, một số diễn viên chia sẻ rằng họ phải tự xây dựng lý lịch nhân vật bằng cách tìm hiểu giang hồ thực ở ngoài đời. Còn ông thì sao?
- Việc tìm hiểu giang hồ thực ở ngoài đời là có nhưng tôi không phải vay mượn một hình ảnh nào. Tôi thường xuyên vào vai xã hội đen nên bản thân cũng có ít nhiều có kinh nghiệm.
Là diễn viên, tôi cũng thường đứng ở con mắt của một người làm nghề để quan sát cuộc sống của thế giới ngầm và hình thành những tư liệu cho mình.
Chi tiết, câu chuyện nào hay thì lưu lại trong trí nhớ đến khi cần thì sử dụng. Nếu có kinh nghiệm thì đơn giản lắm, không cần phải sao chép hình ảnh của ai.
- Để đi đến thống nhất về biểu cảm nhân vật, hẳn ông và các đạo diễn có không ít tranh cãi?
- Thực ra, kịch bản đã mang đến 70% chất liệu để diễn viên xây dựng nhân vật. 30% còn lại bắt buộc đạo diễn và diễn viên phải có những tranh luận, miễn sao nó phù hợp với hoàn cảnh.
Câu thoại nào không phù hợp thì tôi đề nghị sửa đi. Tôi vẫn bảo với các đạo diễn là không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kịch bản, phải có sáng tạo trong quá trình quay. Có những câu thoại thể hiện ở ngoài không phù hợp, tôi mạnh dạn cắt bỏ và thay thế bằng những câu thoại mới.
Nam diễn viên cho biết nhiều người đã gọi ông là Thế “chột” thay vì Bắc Đại Bàng như trước.
Nhiều người đã gọi tôi là Thế “chột”
- Thế “chột” là kẻ thù số một của Phan Quân nhưng nhiều khán giả cho rằng trong gần 20 tập đầu của bộ phim, Thế “chột” vẫn chưa có những câu thoại nặng ký, điều mà nhân vật Phan Quân lại có thừa?
- Thế “chột” vẫn chỉ là mới xuất hiện, gần như cả phần đầu của phim là thế lực của Phan Thị. Do vậy, các bạn hãy chờ đi, càng về sau gã giang hồ này càng thể hiện bản thân.
Trong cấu trúc của kịch bản, các nhân vật phải nhường đất cho nhau. Càng về sau, nhân vật Thế “chột” càng có nhiều đất diễn, sự gay cấn được bóc dần, bóc dần. Đó là yếu tố hấp dẫn của bộ phim.
- Nếu được làm lại vai Thế “chột”, ông sẽ thay đổi những gì?
- Về diễn xuất thì không nhưng về tạo hình thì có, tôi chưa thực sự hài lòng với tạo hình của Thế “chột” trên phim. Nhưng đây là điều khó tránh, vì lúc đó, tôi phải giữ một phần hình ảnh vì trót nhận lời làm một bộ phim khác. Tôi vẫn rất lấy làm tiếc về điều này.
- Ông từng chia sẻ việc mình bị mất tên thật suốt 20 năm vì vai Bắc Đại Bàng trong phim “Nước mắt của mẹ”, ông có kỳ vọng mình sẽ có một cái tên mới sau “Người phán xử”?
- Hiện tại, nhiều bạn bè, khán giả truyền hình, người dân đã gọi tôi là Thế “chột” khi gặp trên đường. Nhưng để trả lời là liệu nó có gây được tiếng vang như vai Bắc Đại Bàng hay không thì phải để hết phim mới kết luận được.
Theo Zing
Vai 'giang hồ Bắc Đại Bàng' khiến diễn viên mất tên 20 năm
Nam nghệ sĩ gạo cội cho biết thành công của vai Bắc Đại Bàng trong phim "Nước mắt của mẹ" khiến ông gần như mất tên thật trong suốt 20 năm qua.
Cảnh sát hình sự là loạt phim truyền hình, bắt đầu lên sóng từ năm 1997, xoay quanh đề tài phòng chống tội phạm và phác họa lại những thủ đoạn của thế giới ngầm. Một trong những nhân vật giang hồ được nhắc đến nhiều nhất trong loạt phim này Bắc Đại Bàng do nghệ sĩ Chu Hùng thủ vai.
Nhắc đến Bắc Đại Bàng trong Nước mắt của mẹ, khán giả sẽ nhớ ngay tới hình ảnh một tên tội phạm với khuôn mặt dữ dằn, điệu cười đáng sợ nhưng vẫn còn chút lương thiện cuối cùng khi trở về vòng tay người mẹ ruột. Chu Hùng cho biết vai diễn này thành công tới mức ông mất luôn tên thật của mình.
Chu Hùng nổi tiếng với vai Bắc Đại Bàng trong Nước mắt của mẹ. Ảnh: Quang Đức.
'20 năm nay, tôi mất tên thật'
- Phim cảnh sát hình sự "Nước mắt của mẹ" đã phát sóng được tròn 20 năm. Hiện tại, nhìn lại vai diễn Bắc Đại Bàng gây chấn động màn ảnh thuở ấy, ông có cảm nghĩ gì?
- Nhiều lúc, tôi vẫn xem lại những hình ảnh của phim để nhớ về một thời tuổi trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề và cực kỳ sung sức. Đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước, ngày ấy, tôi trẻ hơn bây giờ rất nhiều, dãi gió dầm mưa với nghề, không nghĩ đến khó khăn, khổ cực.
Tôi cùng đạo diễn Trọng Trinh và các anh em trong đoàn làm phim đi về vùng nông thôn để quay, từ bờ sống đến cánh đồng. Mỗi khi nhớ lại, vẫn thấy rất mới dù phim đã phát sóng được 20 năm, và từ đó đến nay, biết bao bộ phim đã lên sóng, biết bao diễn viên đã trưởng thành.
- Trong quá trình làm phim có câu chuyện hậu trường nào mà 2 thập kỷ trôi qua ông vẫn không thể quên?
- Hậu trường thì nhiều lắm, không thể nhớ hết và cũng thể kể hết được. Nhưng có tình huống mà tôi không thể quên, đó là cảnh quay Bắc Đại Bàng bị công an bao vây.
Cảnh này quay ở khách sạn nhỏ, nôm na gọi là nhà nghỉ. Nhưng thời đó, không đủ điều kiện để thuê cả khách sạn nên mình vẫn quay còn khách sạn vẫn hoạt động bình thường.
Nhưng nhiều cặp đôi đến thuê khách sạn, vừa mới đỗ xe đã thấy xe công an rú còi, cầm súng bao vây khách sạn. Thấy vậy, ngồi ngay lên xe và phóng ra ngoài vì tưởng khách sạn bị bao vây thật.
- Vai diễn Bắc Đại Bàng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ông như thế nào?
- Tôi xuất thân là một diễn viên sân khấu nhưng khi chuyển sang điện ảnh và truyền hình thì được đông đảo khán giả biết đến. Trước Nước mắt của mẹ, tôi đã đóng vai phản diện trên màn ảnh. Nhưng đúng là với vai Bắc Đại Bàng, tôi trở thành một hình ảnh ám ảnh đối với người xem.
Tên Chu Hùng của tôi bị mất vì ai gặp ngoài đời cũng gọi là Bắc Đại Bàng. Nhưng đó là niềm hạnh phúc của người làm nghệ thuật vì đâu phải vai diễn nào cũng được khán giả nhớ đến.
Ngày đó, điện ảnh - truyền hình chưa phát triển như bây giờ nên khán giả nhớ mình làm, nó trở thành ký ức không thể quên được đối với họ. Ngày ấy, nhiều người còn tìm đến tận nhà tôi cho quà và bảo "Tao yêu mày quá".
Hàng ngày, nam diễn viên gạo cội dành thời gian đạp xe quanh khu phố.
- Ông có bao giờ gặp phải tình huống khó xử khi tên "cha sinh mẹ đẻ" của mình lại bị chuyển thành tên một vai diễn?
- Không có nhiều tình huống khó xử nhưng có một câu chuyện thế này, đó là khi tôi đến viếng đám tang của một người em quá cố. Thân nhân của người quá cố đã ôm chầm lấy tôi và khóc "Anh Bắc Đại Bàng ơi, vậy là em ấy đi rồi".
Trong lúc đau thương và bối rối nhất, người ta vẫn chỉ gọi tên Bắc Đại Bàng mà quên tên thật của tôi. Đó là dẫn chứng cụ thể nhất cho tình cảm và sự ghi nhớ của người xem đối với nhân vật Bắc Đại Bàng.
- Theo ông, điều gì ở gã giang hồ cộm cán này khiến khán giả không thể quên?
- Bắc Đại Bàng là giang hồ cộm cán. Nhưng cuối phim, gã giang hồ này đã thức tỉnh vì người mẹ của mình.
Lựu đạn đã rút chốt cầm tay, không ai có thể thuyết phục được nhưng giọt nước mắt của người mẹ đã kêu gọi được chút lương tri cuối cùng trong con người hắn. Và Bắc Đại Bàng đã từ bỏ con đường tội lỗi để về với mẹ.
Tình mẫu tử là thứ tình cảm căn bản của con người. Phim Nước mắt người mẹ đã khơi gợi được tình cảm chân thành đó, là lý do khán giả phải rơi nước mắt vì xúc động, ngay cả khi xem lại bộ phim nhiều lần.
'Về hưu, cuộc sống của tôi thanh thản'
- Ông có nghĩ mình bị đóng đinh cho những vai phản diện từ thành công của vai Bắc Đại Bàng?
- Thực ra, tôi là một diễn viên chuyên nghiệp. Vai gì tôi cũng có thể làm được. Nhưng ở Việt Nam, không phải đạo diễn nào cũng dám thử thách diễn viên. Mọi người phải hiểu là khi diễn viên đã làm tốt một dạng vai nào đó, đạo diễn sẽ mời luôn cho những phim sau thay vì mời họ cho dạng vai mới.
Nhưng trong điều kiện phát triển của điện ảnh - truyền hình Việt Nam, điều này cũng rất khó tránh. Tôi đã đóng không biết bao nhiêu vai phản diện không nhớ hết được cũng vì sự đóng đinh này của đoàn làm phim.
Gần đây, tôi có nhận được lời mời vào một vai chính diện, một hình ảnh khác hẳn với chất mà tôi từng đóng. Họ năn nỉ tôi, tôi đã đến thử vai, thậm chí diễn thử nhưng cuối cùng đoàn làm phim này lại lật lọng mà không thông báo lại lý do.
Chu Hùng cảm thấy thanh thản với cuộc sống hiện tại.
- Đằng sau màn ảnh, cuộc sống của ông diễn ra như thế nào?
- Tôi vui vẻ ở nhà với công việc gia đình. Nghỉ hưu đúng nghĩa và cảm thấy rất thanh thản. Nếu không trông cháu thì đi xe đạp quanh quẩn gần nhà, ăn bát mỳ, uống cốc cà phê, thăm nom mọi người.
Tối đến nếu không việc gì đột xuất, tôi đến sinh hoạt ở các câu lạc bộ điện ảnh. Nói là hướng dẫn cho các bạn trẻ thì không hẳn nhưng mình đến đó là trao đổi, chia sẻ và tiếp lửa nghề cho các bạn ấy.
Phim ảnh, tôi bắt đầu ít tham gia. Sau phim Người phán xử, quay hơn một năm, tôi chưa nhận dự án nào mới. Năm tháng cống hiến cho nghệ thuật như vậy là đủ rồi, giờ tác phẩm nghệ thuật nào thực sự thích, tôi mới nhận lời tham gia.
- Thấy ông sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội rất thành thạo. Ông dành thời gian cho thú vui này như thế nào?
- Tôi bị đám đàn em lên án là không chịu tham gia mạng xã hội (cười). Về nhà, các con cũng bảo là "Bố lập một cái Facebook đi", tôi thấy cũng hay nên lập thử xem thế nào.
Hàng ngày, lúc nào rảnh thì vào xem người thân, bạn bè chia sẻ những gì. Gần đây, tôi đóng vai Thế Chột trong Người phán xử, bạn bè trên mạng thường xuyên chụp ảnh màn hình gửi cho, thấy cũng thú vị.
Theo Zing
'Người phán xử' tập 8: Tại sao Thế 'chột' và Phan Quân thành kẻ thù? Thời trẻ, Phan Quân đã cướp đi người con gái mà Thế "chột" hết lòng yêu thương. Đó cũng là một trong những lý do khiến hai gã giang hồ khét tiếng trở thành kẻ thù của nhau. Tập 7 Người phán xử đánh dấu sự trở lại của Thế "chột" - gã giang hồ khét tiếng, đồng thời cũng là kẻ thù...