Sau 20 năm cầm quyền, ông Putin đã thay đổi nước Nga như thế nào?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nắm quyền ở Nga trong suốt 20 năm qua, để lại nhiều di sản quý giá cùng đường lối lãnh đạo cứng rắn và không thể phủ nhận rằng ông Putin là người không thể thiếu của nước Nga.
Nửa đêm ngày 31.12.1999, Quảng trường Đỏ khi đó chật kín người đổ ra đường đón năm mới. Đám đông hướng tầm mắt lên màn hình lớn. Theo thông lệ hàng năm, họ lắng nghe thông điệp của tổng thống.
Thay vì Boris Yeltsin, một người đàn ông khác xuất hiện trên màn hình. Người đàn ông này giải thích Yeltsin đã từ chức và theo hiến pháp mình giữ chức vụ tổng thống tạm quyền. Đó chính là Vladimir Putin, người trước đó đã trở thành Thủ tướng Nga vào tháng 8.1999.
Ông Putin bắt tay với Boris Yeltsin, người sau này từ chức để ông Putin làm Tổng thống Nga.
Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Tổng thống, ông Putin cam kết giữ vững luật pháp, quyền tự do ngôn luận và quyền sở hữu tư nhân.
Thời trẻ, ông Putin theo học luật ở Leningrad (nay là St Petersburg). Ông Putin gia nhập Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) và có 5 năm hoạt động ở Dresden – thành phố của Đức.
Đây là nơi ông Putin sống cùng người vợ Lyudmila và hai con gái. Cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm, cho đến khi ông Putin xác nhận mình đã ly dị vào năm 2014.
Nhưng vào năm 1999, không nhiều người dân Nga biết ông Putin là ai. Trong giới chính trị Nga, ông Putin được ủng hộ rộng rãi. Các nhà tài phiệt Nga thời bấy giờ như Boris Berezovsky, cũng quay sang ủng hộ ông Putin với hi vọng sẽ tiếp tục nhận được những ưu ái từ chính quyền.
Ông Putin trong bức ảnh chụp cùng người vợ Lyudmila năm 1985.
Trong giai đoạn đầu nắm quyền, ông Putin tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ trong nước. Ông Putin phát động cuộc chiến nhằm vào các nhà tài phiệt chi phối nước Nga, chỉ biết làm lợi cho bản thân, trong đó có Boris Berezovsky.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Putin đã vực dậy nền kinh tế Nga, từ chỗ suy thoái nhiều năm liền chuyển sang tăng trưởng. Nước Nga bắt đầu hồi sinh dưới sự lãnh đạo của Putin.
Sự thành công của ông Putin còn gắn liền với việc khôi phục ý thức tự hào của dân tộc Nga. Ông Putin lên nắm quyền vào cuối những năm 1990, khi nước Nga trải qua một thập kỷ đầy biến động, với việc Liên Xô sụp đổ, khiến cho nhiều người dân cảm thấy họ bị mất đi bản sắc dân tộc.
Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada, nói rằng mục tiêu của nhà lãnh đạo Putin là “khôi phục hình ảnh nước Nga như một siêu cường, ít nhất trong mắt đồng bào, và khôi phục sức mạnh vốn có”.
Ông Putin gắn liền với những hình ảnh mạnh mẽ.
Sau 20 năm, ông Putin chưa dẫn dắt nước Nga trở lại vị thế như thời Liên Xô, nhưng ông Putin đã đưa nước Nga trở thành cường quốc quân sự và địa chiến lược toàn cầu.
Kể từ năm 2014, những quyết sách của ông Putin như sáp nhập bán đảo Crimea, đưa quân đến Syria chống khủng bố, tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Hungary… đã khiến phương Tây phải dè chừng. Đó là khi châu Âu và Mỹ không thể “muốn làm gì thì làm như trước”, mà còn phải đánh giá hành động của Nga.
Trong thời đại mới, nền kinh tế Nga đã qua giai đoạn phát triển nhảy vọt, gặp nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây. Nhưng ông Putin vẫn đưa nước Nga đạt đến những đỉnh cao mới, chế tạo thành công những vũ khiến chiến lược chưa từng có từ trước đến nay trên thế giới.
Ông Putin sẽ nắm quyền trong nhiệm kỳ hiện tại đến năm 2024.
Tỷ lệ ủng hộ ông Putin sau năm 2018 có phần giảm sút, nhưng vẫn ở mức cao. Nhà lãnh đạo Nga vẫn còn nhiều điều phải làm để cải thiện đời sống của người dân, trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra rải rác ở nhiều nơi.
Ông Putin vẫn còn 5 năm trong nhiệm kỳ, đến năm 2024 để hoàn thành những lời hứa của mình với người dân. Sau thời điểm đó, không ai biết ông Putin có còn tiếp tục nắm quyền hay không, nhưng không thể phủ nhận rằng ông Putin là người không thể thiếu của nước Nga, là người đưa nước Nga bước vào giai đoạn phát triển mới.
Theo danviet
Đội quân bí mật của Nga đổ bộ vào quốc gia Trung Phi như thế nào?
Không có gì bí mật về sự hiện diện của Nga ở Cộng hòa Trung Phi (CAR). Trên đường phố tràn ngập khẩu hiệu tuyên truyền của Nga trong khi đài phát thanh phát ca khúc tiếng Nga.
Nga không hề che dấu sự hiện diện ở quốc gia Trung Phi.
Nhóm phóng viên của CNN mới đây đã trở về từ CAR với phóng sự về sự hiện diện quân sự của Nga ở quốc gia Trung Phi này. Các tân binh của quân đội Cộng hòa Trung Phi được quân nhân Nga huấn luyện, dùng vũ khí Nga.
Theo CNN, cuộc điều tra dẫn đến những bằng chứng về việc Yevgeny Prigozhin - nhà tài phiệt Nga đứng sau việc đưa binh sĩ đến CAR. Đáng chú ý, Prigozhin là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhân vật này hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Ước tính có 250 lính đánh thuê Nga được Prigozhin đưa đến CAR để huấn luyện tân binh cho quân đội nước Cộng hòa Trung Phi. Prigozhin cũng sở hữu quỹ đầu tư Lobaye, rót tiền vào trạm phát thanh phủ sóng toàn quốc ở CAR.
Theo CNN, ngoài việc gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Phi và huấn luyện binh sĩ bản địa, Prigozhin còn nhắm đến kim cương và nguồn tài nguyên dồi dào ở quốc gia này.
Prigozhin được cho là người đứng sau công ty Wagner, chuyên cung cấp lính đánh thuê Nga chiến đấu ở Syria và miền đông Ukraine.
Lính đánh thuê Nga của công ty Wagner, chiến đấu ở Syria.
Nhóm phóng viên của CNN may mắn phỏng vấn được một lính đánh thuê Nga giấu mặt ở CAR. Người này nói mình từng chiến đấu ở Chechnya chống phe nổi dậy, rồi sau đó là ở Syria.
Lính đánh thuê nói được Wagner trả tiền. "Chỉ là một đơn vị chiến đấu sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh từ Putin", người này nói thêm.
Điện Kremlin từ lâu đã phủ nhận mối liên hệ với lính đánh thuê Nga ở nước ngoài. Hồi tháng 6, ông Putin từng phát biểu về lính đánh thuê Nga ở Syria: "Những người này đánh cược mạng sống để chiến đấu chống khủng bố... nhưng họ không đại diện cho nước Nga, hay quân đội Nga".
Nhưng các nhà phân tích nói rằng, Wagner không thể tồn tại nếu không được ông Putin cho phép. Căn cứ huấn luyện của Wagner ở miền nam nước Nga nằm trực thuộc căn cứ của lực lượng đặc nhiệm Nga, do binh sĩ Nga canh gác và không ai lạ mặt được phép xâm nhập, theo CNN.
CNN cho biết, Prigozhin giờ đây đã chuyển hướng sang châu Phi, với các quốc gia tiềm năng khác ngoài CH Trung Phi, như Libya hay Sudan. Ở CAR, trung tâm chỉ huy của nhóm lính đánh thuê Nga là một lâu đài bỏ hoang, cách thủ đô Bangui khoảng 2 giờ lái xe. Dĩ nhiên lính đánh thuê Nga luôn che mặt và không hé răng nếu gặp người lạ, theo CNN.
Người may mắn CNN phỏng vấn được tên Valery Zakharov. "Nga đang trở lại châu Phi", Zakharov nói ngắn gọn. "Chúng tôi từng hiện diện ở khắp nơi thời Liên Xô, và quá khứ đó đang trở lại. Chúng tôi vẫn còn đầu mối ở đây, chỉ cần khôi phục lại".
Zakharov nói mình là cố vấn quân sự cho chính quyền của Tổng thống CAR, Faustin-Archange Touadéra.
Lính đánh thuê Nga huấn luyện tân binh ở CH Trung Phi.
Theo tài liệu mà CNN thu thập được, Zakharov được công ty của Prigozhin trả lương trực tiếp. Nhờ mối liên hệ quân sự mà quỹ đầu tư Lobaye của nhà tài phiệt Nga trúng thầu nhiều dự án khai thác mỏ kim cương và vàng.
Tại một khu mỏ ở Yawa, người dân địa phương nói người Nga đến đây từ 18 tháng trước. Bất cứ thứ gì tìm thấy, họ đều đưa cho người Nga.
Ngược lại, nhà tài phiệt Prizoghin đăng tải đoạn video dài 15 phút, cáo buộc nhóm phóng viên CNN đã hối lộ người địa phương để họ nói xấu về người Nga.
Cả Mỹ và Pháp, hai quốc gia từng chi phối CH Trung Phi, đã bày tỏ lo ngại về hoạt động của Nga ở khu vực. Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, tướng Stephen Townsend, mô tả lính đánh thuê Nga ở CAR đóng vai trò như lực lượng bán quân sự, có liên hệ gần gũi với Điện Kremlin.
"Những người này có mặt ở đó để huấn luyện lực lượng địa phương", Townsend nói trong phiên điều trần hồi tháng 4. "Đó có thể chưa phải là tín hiệu đáng lo ngại, nhưng cũng có thể sẽ tồi tệ hơn".
Trên thực tế, Mỹ vẫn đang có xu hướng cắt giảm binh sĩ hiện diện ở châu Phi, trong khi Nga lại có chiều hướng ngược lại. Moscow đạt 20 thỏa thuận quân sự với các nước châu Phi và sự hiện diện không chính thức của lính đánh thuê Nga ở CAR cho thấy những tham vọng lớn hơn của Moscow đối với lục địa này, CNN kết luận.
Theo Danviet
Park Yoochun mếu máo khóc, chính thức bị tuyên án tù vì bê bối với hôn thê tài phiệt Park Yoochun đã phải chịu mức án nặng vì phạm tội liên quan đến chất gây nghiện, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Theo tin nóng từ tờ DongA, Tòa án quận thành phố Suwon tuyên án Park Yoochun 2 năm tù treo, 10 tháng tù giam nếu tái phạm. Cụ thể, thành viên nhóm JYJ, ca sĩ Park Yoochun đã tham...