Sau 2 năm, ngôi làng gần 70% trẻ em nhiễm độc chì giờ ra sao?
Sau đợt công bố gần 70% trẻ trong làng nhiễm độc chì gây hoang mang, các xưởng tái chế chì đã được đưa ra khỏi khu dân cư. Gần 2 năm sau trở lại làng tái chế chì, vẫn còn nhiều nỗi lo, đặc biệt là sự chủ quan của người làng.
Ô nhiễm đã được giải quyết?
Tháng 5/2015, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã về khám bệnh cho dân làng tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hồi đó, Viện Sức khỏe công bố con số gần 70% trẻ em ở Đông Mai nhiễm độc chì khiến dư luận sửng sốt.
Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì máu của Viện cho 618 người, (283 người lớn và 335 trẻ em). Trong đó có tới 207 (chiếm 66,7%) trẻ bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ. Đối với người lớn, thì có tới 99,1% người lao động có nồng độ chì máu vượt mức cho phép.
Nghề tái chế chì ở Đông Mai. Ảnh: TL
Chúng tôi trở lại làng Đông Mai, không còn các cơ sở tái chế trong khu dân cư như một vài năm trước đây. Xưởng tái chế chì đã được di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai cách khu dân cư vài km.
Tuy nhiên, kể từ ngày đó đến nay để loại trừ chì ra khỏi môi trường sinh sống hàng ngày của người dân hiện nay chưa có một đánh giá cụ thể nào.
Rác, xác chết động vật bao vây người dân Đông Mai. Ảnh: HP
Không còn mùi a xít, không còn những cột khói len lỏi trong khu nhà dân, nhưng đất đai làng Đông Mai vẫn một màu đen thẫm.
Trước mặt nhà văn hóa Đông Mai là một hồ nước lớn. Điều đáng nói là nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác, xác động vật chết dạt về một góc hồ. Ở vị trí khác, người dân vẫn vô tư rửa rau, giặt quần áo.
Video đang HOT
Người dân sử dụng nguồn nước đen kịp này để rửa rau. Ảnh:HP
Ông Đinh Bá Thúc 65 tuổi ở Đông Mai cho biết: “Nước hồ màu đen không biết có phải do trước đây chì ngấm xuống đất hay không nhưng không ít ống xả vệ sinh của một số gia đình gần đây xả thẳng vào hồ”.
Chủ quan
Ông Thúc cho biết, người làng làm nghề tái chế chì đã vài chục năm trước, có những thời điểm gần 2000 người làng tham gia việc này. “Chẳng có ai đi khám gì cả. Mấy lần có đoàn bác sỹ nghe nói ở bệnh viện Bạch Mai về kiểm tra thì bà con mới đi kiểm tra. Xong đợt đó lại thôi, không ai tự đến bệnh viện để kiểm tra mình hết độc hay chưa. Mọi người vẫn sống, khỏe mạnh, làm việc bình thường”.
Sau khi phát hiện nhiều người làng bị nhiễm độc chì, ông Thúc cho biết có nghe thông tin cơ quan chức năng sẽ tiến hay thau rửa đất đai của làng. “Chỉ nghe nói, nhưng từ ngày ấy đến giờ chưa thấy làm”, ông Thúc nói.
Một cuộc kiểm tra sức khỏe tháng 5/2015 cho thấy gần 70% trẻ em làng Đông Mai bị nhiễm độc chì. Ảnh:HP
Cũng theo ông Thúc, trước đây người dân chủ yếu dùng nước giếng. Bây giờ, người dân Đông Mai đã có nước máy. Tuy nhiên, “nước máy chủ yếu để ăn, còn rửa tắm giặt vẫn dùng nước giếng”, ông Thúc nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, 50 tuổi ở Đông Mai cho biết: “Hồi đó, khi y tế trung ương về làng, các cháu nhà tôi đều được kiểm tra. Kết quả cả mấy đứa đều bị nhiễm độc chì. Họ đã phát thuốc uống trong 2 tháng. Sau đó có một lần kiểm tra lại. Độ nhiễm độc đã giảm. Từ đó, gia đình tôi cũng chưa cho các cháu đi kiểm tra sức khỏe thêm lần nào nữa”.
Bà Hạnh cho biết, trước đây các con trai của bà đều tham gia làm trong các cở sở tái chế chì. Sau lần công bố nhiễm độc chì của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, các con của bà đều bỏ nghề này để đi làm công nhân.
Bà Hạnh cho biết, các cháu của bà cũng bị nhiễm độc từ kết luận của đoàn kiểm tra và được cấp miễn phí thuốc giải độc. Từ đó, cũng chưa một lần gia đình cho các cháu đi kiểm tra lại. Ảnh:HP
Hiện nay, nguồn tiền chính của người Đông Mai vẫn từ nghề tái chế chì từ ắc quy cũ. Ông Thúc nhẩm tính có vài trăm người kiếm sống bằng nghề này. Công việc tái chế chì tuy không còn diễn ra ngay trong khu dân cư, nhưng với việc một thời gian dài trước đây, người làng phá dỡ bình ắc quy đã xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít ngấm vào lòng đất và nước ngầm qua nhiều năm.
Đặc biệt, hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế đã phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nặng nguồn không khí, đất và nước ngầm của cả thôn
Chúng tôi rời làng Đông Mai, cụ bà Nguyễn Thị Hiền vô tư bảo: “Tôi năm nay đã 80 tuổi, vẫn khỏe mạnh đây. Có làm sao đâu. Vả lại, bây giờ người ta gom lại thành một khu tập trung cách xa làng rồi. Yên tâm rồi. Không vấn đề gì nữa đâu”.
Theo Hà Phương
Gia đình & Xã hội
Tranh cãi nghi vấn "làng ung thư"
Nhiều chuyên gia cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận 10 "làng ung thư" với nguyên nhân có thể do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất được công bố bởi Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại kết quả công bố mới đây của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cơ quan này cũng khẳng định không ghi nhận bất thường về số ca mắc ung thư ở "làng ung thư".
Công bố từ dự án: Do nguồn nước bị ô nhiễm (?)
Theo dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của Việt Nam" do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 "làng ung thư" đều ô nhiễm nặng.
Tiếp xúc với chì trong quá trình tái chế chì cũng có nguy cơ mắc ung thư Ảnh: Ngọc Dung
Cụ thể, dự án đã điều tra 37 làng, trải dài trên khắp các tỉnh - thành trong cả nước và cho kết quả 10 làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất là: làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa và làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội; làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; làng An Lộc, xã An Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; làng Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; làng Mê Pu, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Theo điều tra này, có tới 1.136 người chết trong vòng từ 5-20 năm trở lại đây do mắc các bệnh ung thư khác nhau, trong đó nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ với 136 người chết trong 10 năm vì nguồn nước nhiễm chất độc hóa học. Còn ở làng ít nhất cũng có 6 người chết. Tại làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khi điều tra có tới 5 người bị ung thư và 3 người trong đó đã chết.
Trước đó, đại diện dự án cho rằng từ kết quả điều tra có thể thấy số người chết vì ung thư có liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điểm chung là nguồn nước tại những nơi này đều bị ô nhiễm nặng do nhiễm bẩn vi sinh, một số mẫu có hàm lượng phenol, asen hoặc mangan vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Đây cũng chính là tác nhân gây ra những căn bệnh ung thư.
Bộ Y tế: Nước sinh hoạt nằm trong giới hạn cho phép
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng danh sách 10 "làng ung thư" có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất mà Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung công bố là chưa đủ căn cứ kết luận. Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), cũng cho biết từ các báo cáo thông tin về số liệu mắc, tử vong do ung thư của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận và kết quả xét nghiệm chất lượng nước do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường; Viện Pasteur Nha Trang tiến hành tại 10 làng nghi ngờ nhiễm ung thư không ghi nhận những bất thường ở các địa phương này về tỉ lệ mắc ung thư. "Tỉ lệ mắc ung thư tại các làng dao động từ 73-169 trường hợp/100.000 dân, tương đương tỉ lệ chung cả nước (160/100.000 dân) và thấp hơn so với tỉ lệ chung của thế giới. Các loại ung thư chủ yếu gặp phải là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm, hầu họng, lưỡi, tử cung, máu, xương" - ông Cường nói.
Cũng theo ông Đỗ Mạnh Cường, kết quả nghiên cứu tình hình chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt được lấy chủ yếu từ nước giếng ở các hộ gia đình có người mắc, chết do ung thư và phân tích 24-25 chỉ tiêu bao gồm: clorua, sắt tổng số, mangan, nhôm, asen, xyanua, antimon, cadimi... cho thấy các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép. Một số mẫu (22/63 mẫu) có các chỉ tiêu như độ đục, clorua, sắt, mangan, pecmanganat, E.Coli, coliform cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, các chất này chưa có khả năng gây ung thư.
Chưa thấy tỉ lệ mắc ung thư cao bất thường
"Với kết quả xét nghiệm chất lượng nước này chưa thấy có tỉ lệ mắc ung thư cao bất thường tại 10 làng được điều tra. Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi tác nhân có khả năng gây ung thư. Chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này" - ông Cường khẳng định.
Liên quan đến các yếu tố nguồn nước ô nhiễm có thể tác động đến sức khỏe, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho rằng nếu người dân sử dụng nguồn nước bề mặt (ao, hồ, kênh) bị ô nhiễm và chưa qua xử lý cũng có thể bị các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như: viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư... Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư, thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1 mg/l. Vì vậy, cần xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống. "Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các làng được xếp trong nhóm nghi ngờ là "làng ung thư", chúng tôi nhận thấy người dân đều không dùng nước sông, nước ao để ăn uống mà sử dụng hệ thống lọc hoặc dùng nước mưa. Qua xét nghiệm, chúng tôi không phát hiện asen vượt ngưỡng cho phép" - ông Sơn thông tin.
Nhiều nguyên nhân GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết các nghiên cứu mới nhất cho thấy căn bệnh ung thư đang cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 người mỗi năm và khiến 150.000 người mắc mới. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này có 35% do thực phẩm chưa an toàn, 30% do thuốc lá, 5%-10% do di truyền và các nguyên nhân khác còn lại. Theo các chuyên gia về sức khỏe môi trường, thực tế nghiên cứu cho thấy độ tuổi mắc bệnh ung thư thường rơi vào lứa tuổi ngoài 50, trong khi hàng chục năm trước đây, tuổi thọ trung bình của người Việt thấp nên người ta ít để ý. Ngoài ra, điều tra tại những vùng từng được gọi là "làng ung thư" có ghi nhận yếu tố di truyền trong các gia đình có người mắc căn bệnh này. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ nên được chẩn đoán và điều trị sớm. N.Dung
Theo NGỌC DUNG - PHƯƠNG NHUNG (Người lao động)
Ám ảnh ung thư: Tan tác làng quê Cùng một huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có tới ba làng nằm trong danh sách "làng ung thư". Bà Nguyễn Thị Yến (thôn 5, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, Bình Thhuận) chỉ cho PV những gia đình có người chết vì ung thư. Ảnh: HÀ PHƯỢNG Lần theo danh sách "làng ung thư" có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất mà...