‘Sát thủ mặc váy’ Scotland thuyết hàng 20.000 lính Đức
Thiếu tá Macpherson một mình đe dọa tướng chỉ huy của Đức, khiến gần 20.000 lính phát xít tại Pháp đầu hàng.
Macpherson trong giai đoạn tham chiến tại Pháp. Ảnh: War History.
Trong Thế chiến II, một sĩ quan người Scotland từng nhiều lần mặc váy ra trận và gây thiệt hại nặng cho phát xít Đức bằng khả năng chiến đấu của mình, trong đó có chiến công buộc gần 20.000 lính Đức tại Pháp đầu hàng, theo War History.
Ronald Thomas Stewart “Tommy” Macpherson sinh ngày 4/10/1920 ở thành phố Edinburgh, Scotland. Khi Thế chiến II nổ ra, ông gia nhập Trung đoàn bộ binh số 79 của quân đội Anh. Tháng 10/1941, ông được triển khai đến Libya để tham gia chiến dịch Flipper, với mục tiêu ám sát chỉ huy Quân đoàn châu Phi Erwin Rommel nhưng thất bại.
Macpherson và đồng đội sống sót nhưng bị quân Italy bắt giữ khi tìm cách trở lại thành phố Tobruk do Anh kiểm soát. Ông bị chuyển tới nhiều trại tù binh khác nhau, trước khi trốn thoát vào tháng 10/1943 và tiếp tục tham chiến.
Macpherson được điều động tham gia chiến dịch Jedburgh, tiến hành chiến tranh du kích ở những khu vực do Đức chiếm đóng tại châu Âu. Sau khi được huấn luyện cách thức liên lạc và phá hoại, ông được thăng hàm thiếu tá, chỉ huy nhóm ba người gồm một trung úy Pháp và liên lạc viên radio người Anh.
Nhiệm vụ tại Pháp của Macpherson và đồng đội là ngăn quân Đức đến bờ biển Normandy, nhằm bảo đảm chiến dịch đổ bộ diễn ra thành công. Ngày 8/6/1944, nhóm ba người nhảy dù xuống Aurilac để hội quân cùng một đơn vị kháng chiến. Du kích Pháp ban đầu tưởng ông là phụ nữ, tỏ ra hoài nghi do ông mặc váy truyền thống của người Scotland.
Một đơn vị lính Scotland tham chiến tại Pháp. Ảnh: War History.
Video đang HOT
Tối hôm sau, Macpherson dẫn đầu đơn vị đi đặt mìn phá hủy cầu đường sắt Aurillac-Maurs để khẳng định trang phục không ảnh hưởng đến vẻ nam tính và khả năng của ông. Từ đây, người ta gán cho Macpherson biệt danh “sát thủ mặc váy”. Trong đợt tập kích Sư đoàn tăng số 2 của Đức trên tuyến đường Figeac-Tulle đến Normandy, đội của Macpherson gài mìn dày đặc để phá hủy xe tăng tiên phong của địch. Quân Đức đuổi theo nhưng bị cây đổ và mìn cản đường.
Những chiến dịch tương tự nhằm cản trở các đoàn tàu chuyển quân cũng được đội Macpherson thực hiện. Ngày 15/8, khi quân Đồng minh đổ bộ xuống vùng Côte d’Azur miền nam nước Pháp, Macpherson chỉ huy nhóm của mình phá hủy thêm các tuyến đường sắt, đường bộ và nhiều cây cầu, đồng thời lôi kéo được nhiều quân kháng chiến Pháp tham gia. Phát xít Đức truy nã Macpherson với giá 300.000 franc Pháp.
Một trong những thành tích ngoạn mục của Macpherson là đợi đoàn tàu chở 300 lính Đức và 100 lính Pháp thân Đức đi vào đường hầm, trước khi cho nổ bom để nhốt đối phương bên trong. Bản thân ông cũng suýt bị nhốt trong hầm sau vụ nổ.
Chiến công lớn nhất của “sát thủ mặc váy” là buộc gần 20.000 lính Đức đầu hàng. Tháng 8/1944, thiếu tướng Đức Botho Henning Elster cảm thấy thất bại đang cận kề, liền cử người tới liên hệ với các lực lượng của phe Đồng minh.
Biết tin này, Macpherson mặc trang phục hoàng gia Scotland, lấy xe của Hội Chữ thập đỏ Đức để tới thành phố Beaugency, Pháp và đích thân gặp tướng Elster. Macpherson đe dọa với tướng Đức rằng rằng mình có thể liên lạc với không quân Anh để dội bom xóa sổ đơn vị của ông ta.
Thiếu tá Macpherson không có khả năng này, nhưng Elster đã tin lời ông. Tướng Elster ngày 16/9/1944 quyết định đầu hàng cùng 18.850 binh lính và 754 sĩ quan Đức.
Macpherson khi về già. Ảnh: War History.
Sau khi giải phóng Pháp, Macpherson được điều đến giúp Italy, tiếp tục tham gia các chiến dịch phá hoại và tập kích cho đến khi chiến tranh kết thúc. Vì thành tích chiến đấu xuất sắc, “Sát thủ mặc váy” Macpherson được trao tặng huân chương Chữ thập và nhiều huân huy chương khác.
Duy Sơn
Theo VNE
59 ngày tử thủ của trung đội Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad
Trung đội Hồng quân giữ vững tòa nhà chiến lược giữa hai chiến tuyến trong gần 2 tháng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của phát xít Đức.
"Nhà của Pavlov" ngay sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia.
Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức xâm lược. Trên chiến trường này, trung đội Hồng quân do trung sĩ Yakov Pavlov chỉ huy đã lập nên kỳ tích khi giữ vững vị trí chiến lược trước lực lượng áp đảo về quân số và hỏa lực của Đức trong suốt 59 ngày đêm, theo War History.
Trung sĩ Pavlov nắm quyền chỉ huy trung đội trinh sát sau khi tất cả sĩ quan trong đơn vị lần lượt hy sinh trong chiến đấu. Đơn vị 30 người của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững một tòa nhà 4 tầng gần bờ sông Volga do lính Đức chiếm giữ.
Pavlov nhận lệnh giữ tòa nhà này và không được rút lui, bởi nó nằm ở vị trí quan trọng chiến lược, giúp lực lượng phòng thủ quan sát cả hai phía chiến tuyến ở khoảng cách tới một km.
Cùng các đồng đội thuộc Sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13 danh tiếng, Pavlov gia cố tòa nhà bằng 4 lớp hàng rào thép gai, gài mìn, thiết lập các ụ súng máy ở tầng hầm và trên mái nhà. Tường bên trong được đục thủng để tăng cường khả năng liên lạc, một hào giao thông trở thành tuyến đường kết nối với lực lượng bên ngoài.
Hồng quân Liên Xô đánh trả đợt tấn công của Đức. Ảnh: Bashny.
Quân Đức bắt đầu tấn công để tìm mọi cách chiếm lại tòa nhà từ ngày 27/9/1942. Khẩu súng chống tăng PTRS-41 duy nhất của trung đội được bố trí trên nóc nhà, xe tăng Đức không thể nâng nòng pháo để bắn trúng, trong khi lính Liên Xô có thể bắn xuyên qua lớp giáp mỏng trên tháp pháo xe tăng, loại chúng khỏi vòng chiến.
Nhờ chiến thuật này, trung đội Pavlov đã diệt hơn 10 xe tăng Đức trong những đợt phản kích dồn dập của địch. Quân Đức phát động nhiều đợt tấn công với tần suất ngày càng dồn dập hơn để đẩy lùi trung đội của Pavlov. Tuy nhiên, mỗi lần tấn công, quân Đức đều bị các ụ súng máy ở tầng hầm, cửa sổ và mái nhà của Hồng quân đánh bật trở lại.
Khi trận đánh kéo dài đến tháng thứ hai, trung đội Pavlov thiếu thốn lương thực và nước uống dù không bị chia cắt khỏi quân chủ lực ở phía sau. Pavlov và đồng đội không có thời gian chợp mắt do quân Đức bắn thâu đêm. Cuộc vây hãm kéo dài tới mức tòa nhà này được gọi là "nhà của Pavlov".
Do không có giường, những người lính phải ngủ trên tấm cách nhiệt lấy từ các bức tường. Một số nhóm quân tiếp viện vượt qua được vòng vây để tới tòa nhà bổ sung lực lượng cho trung đội, nhưng quân số phòng thủ thường trực luôn giữ ở mức chỉ hơn 10 người. Sau một vài cuộc tấn công, xác lính Đức bắt đầu chất đống trước tòa nhà. Trung đội Pavlov phải ra ngoài dọn dẹp giữa các trận đánh, bởi lính Đức sử dụng chúng như lá chắn để tấn công.
Trận phòng ngự này trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bất khuất của Hồng quân Liên Xô. Chỉ có 4 người thuộc trung đội ban đầu, trong đó có Pavlov, sống sót sau chiến dịch vây hãm của phát xít Đức. Trong 59 ngày bị vây hãm, những cư dân sống tại đây được sơ tán xuống tầng hầm. Họ ở đó tới khi Hồng quân giải vây cho trung đội Pavlov ngày 25/10.
Một góc của tòa nhà được giữ lại như một tượng đài. Ảnh: Google.
Sau trận phòng ngự này, Pavlov tiếp tục tham gia trận Berlin và trở về nhà với nhiều huân chương chiến công. Năm 1945, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Sau chiến tranh, "nhà của Pavlov" được xây dựng lại với một tượng đài trên nền nhà ban đầu.
Duy Sơn
Theo VNE
Trận chiến kỳ lạ nhất giữa lính Mỹ và Đức trong Thế chiến II Trận đánh tại lâu đài Itter, Áo vào cuối Thế chiến II được đánh giá "có một không hai" trong lịch sử khi binh sĩ Mỹ và quân Đức chiến đấu trên cùng một chiến tuyến. Một xe tăng Sherman của Mỹ. Ảnh: National Interest. Năm 1943, Heinrich Himmler chỉ huy lực lượng SS của phát xít Đức biến lâu đài Itter trên...