Sạt lở núi kinh hoàng ở miền Trung
Mưa lớn vừa dứt, lũ miền xuôi đã rút, người dân vùng hạ du miền Trung đang oằn mình khắc phục. Trong khi đó, người miền ngược ở sườn đông dãy Trường Sơn lại bắt đầu chịu thảm họa sạt núi liên tục xảy ra tại các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…
Đào bới tìm kiếm xác nạn nhân cuối cùng trong vụ lở núi khu vực hòn Chúa – Mũi Thuyền huyện Tây Hoà (Phú Yên). Ảnh: L.Phong
Thương vong về người, thiệt hại về tài sản lên hàng trăm tỉ đồng. Nhưng để giải “bài toán” này lại là vấn đề quá tầm của chính quyền các địa phương…
Hàng loạt vụ lở núi
Đến cuối ngày 24/11, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân bị sạt núi, vùi mất tích tại khu vực Hòn Chúa – Mũi Thuyền, huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn tiếp tục. Trước đó, lúc 11h ngày 23/11, 4 thanh niên địa phương này đi bẫy rừng, bị “mất tích”. UBND xã Sơn Thành Tây đã huy động các lực lượng vào núi tìm kiếm thì phát hiện một đoạn núi bị sạt lở.
Sau nhiều giờ đào bới đã tìm thấy 3 thi thể. Nạn nhân là Trương Quốc Công (SN 1980), Bùi Công Khải (SN 1983 – đều trú tại thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây) và Phạm Ngọc Nghĩa (SN 1982, trú thôn Mỹ Bình). Nạn nhân còn lại là anh Lương Ngọc Tính (SN 1979, trú thôn Tịnh Thọ) vẫn chưa tìm thấy. Suốt ngày 24/11, chính quyền xã Sơn Thành Tây huy động các lực lượng để tìm kiếm nạn nhân.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) cũng xảy ra vụ sạt lở núi nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nhiều người dân. Chủ tịch UBND huyện – ông Lê Văn Tùng – cho biết, vụ sạt núi xảy ra rạng sáng 22/11 với khối lượng đất đá hơn 20.000m3. Có ít nhất 3 cơ quan nhà nước là Trạm khuyến nông, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sơn Tây đã bị vùi lấp nặng, làm hư hỏng bàn ghế, tủ, máy tính… Rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Sống chung với sạt lở
Tại huyện Bắc và Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn đang xảy ra tình trạng cô lập vì sạt núi, tắc đường. Tại huyện Bắc Trà My, số lượng đất đá do sụt trượt núi vùi lấp công trình giao thông lên đến 60.000m3. Tại đèo An Khê, QL19 đi qua TX.An Khê (Gia Lai) và huyện Tây Sơn (Bình Định) cũng đang trong tình trạng sạt lở, sụt lún suốt 8km với 21 điểm sạt lở, nhiều đoạn bị lở đến nửa phần đường, có nơi đất, đá sụt lún tạo thành những vực sâu hàng trăm mét. Riêng đoạn đỉnh đèo tiếp giáp tỉnh Bình Định dài 3km đã có hơn 10 điểm sạt lở.
Sạt lở nghiêm trọng trên QL24 – Quảng Ngãi đi Kon Tum – đang được khắc phục. Ảnh: Linh Phạm
Video đang HOT
Ông Lê Quý Đức – GĐ Cty sửa chữa đường bộ Gia Lai – cho biết, nguyên nhân sạt lở ở đèo An Khê là do mưa lớn khiến nước từ trên núi đổ xuống, bị ảnh hưởng nặng nhất là các điểm từ Km64 500 đến Km67 500. Hiện lượng đất, đá sạt lở của đèo An Khê chưa thống kê được.
Ông Võ Đình Dũng – GĐ Khu Quản lý đường bộ 5 (Cục Đường bộ Việt Nam) – cho biết, mưa lũ, sạt lở, tắc đường… đã là “điệp khúc” chưa bao giờ dứt tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Mỗi năm, thiệt hại riêng ngành giao thông lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng. Để khắc phục bước đầu, đảm bảo giao thông cơ bản, các địa phương đều phải ứng vốn, khắc phục với số tiền 400 – 500 tỉ đồng mỗi tỉnh.
Tuy nhiên, để có phương án kiên cố hóa, xây dựng bền vững thì kinh phí cần tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi tỉnh vẫn chưa đủ. Còn theo ông Tùng – Chủ tịch huyện Tây Trà, Quảng Ngãi – thì thực trạng sạt núi có từ lâu, song hiểm họa này ngày càng bất thường và gia tăng tính khốc liệt, khó lường. Khó có thể đổ lỗi cụ thể, nhưng có thể thấy thực trạng phá rừng, làm thủy điện, cắt núi làm đường giao thông… có ảnh hưởng nhiều đến hiện tượng sạt núi. Tuy nhiên, đó là vấn đề quá tầm của chính quyền địa phương, trước mắt phải biết “sống chung” với sạt lở. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng xung yếu, chính quyền các địa phương chỉ còn biết cách “dò đoán”, tổ chức hỗ trợ di dời từng phần trong nhiều năm.
Theo Nhóm phóng viên
Lao động
Cận cảnh Nhà máy thủy điện An Khê bị "chôn vùi" trong cát
Đợt lũ dữ đã kéo hàng ngàn khối đất, cát từ trên núi đổ xuống "chôn vùi" Nhà máy thủy điện An Khê (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) khiến nhà máy bị tê liệt hoàn toàn.
Đến 23/11, Ban Quản lý thủy điện 7, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện An Khê đã huy động khoảng 500 người cùng phương tiệp nỗ lực khắc phục sự cố lũ cuốn đất cát vùi lấp nhà máy thủy điện xảy ra tối 15/11.
Nhà máy thủy điện An Khê bị "chôn vùi" trong lớp cát dày khoảng hơn 4m
Nhận được tin báo, PV Dân trí đã tới nhà máy ghi nhận tình hình. Một cán bộ của nhà máy tên Cương dẫn nhóm phóng viên vào thực địa hiện trường nhưng cho biết "không tiện" cung cấp thông tin. Ông Cương cho rằng sự cố nhà máy bị vùi lấp là do lũ ống quá lớn, đất cát không biết từ đâu tuôn chảy xuống. Hiện nhà máy đang huy động cán bộ, công nhân nỗ lực khắc phục hậu quả.
Theo ghi nhận tại hiện trường, hàng ngàn khối cát vùi lấp sâu đến 4-5m, lấp nhiều bộ phận như nhà kho, máy móc, hệ thống kênh thoát nước... khiến nhà máy phải ngừng hoạt động.
Không chỉ khu vực trong nhà máy mà quanh khu vực bên ngoài như tại suối Cát, kênh dẫn xả nước từ Nhà máy thủy điện An Khê ra sông Kôn (Bình Định), cũng bị cát lấp dày, nhiều đoạn bị sạt lở nặng. Đường ống dẫn nước từ nhà máy ra bên ngoài cũng bị hư hỏng nhiều đoạn. Cầu Soi Lốt đường dẫn vào nhà máy bị lở một mố cầu, cầu tràn suối Cát bị vỡ tường dẫn và bị nước cuốn trôi một nhịp.
Ông Trần Phi (57 tuổi, thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận) cho biết: "Từ nhỏ đến giờ tôi chưa chứng kiến đợt lũ nào lớn như thế này. Ở đây nhân dân rất phân vân không biết có phải do nhà máy thủy điện xả lũ mới gây ra sạt lở hay không".
Còn ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết, lâu nay Nhà máy thủy điện An Khê hoạt động cũng gây xói lở một phần nhưng đợt này kết hợp với mưa nên xói lở đất rất nhiều và làm hư hỏng cầu Suối Cát do công ty làm trước đó. Còn vấn đề lũ lụt có phải do nhà máy thủy điện hay không thì cần có ngành chức năng chuyên môn thẩm định.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó GĐ Sở Công thương Bình Định, cho biết: "Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường. Thực tế cho thấy, trong cơn lũ vừa qua, trong lúc nước lũ đang lên cao thì bất ngờ có 1 cơn lũ quét ập xuống Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nat. Hai sức nước cộng hưởng đã dâng ngập nhà máy, lút cả tháp thủy lực. Khi ấy nhà máy dừng vận hành ngay để bảo toàn thiết bị".
Ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: "Ngay từ cuối năm 2011, khi Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nat đóng trên đại bàn (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) đi vào hoạt động, hai bên đã xây dựng Quy chế phối hợp điều tiết lũ. Theo đó, khi nhà máy xả lũ phải báo trước cho ngành chức năng của Bình Định ít nhất là 2-3 giờ đồng hồ. Khi nhà máy xả nước để sản xuất mà gây hại vùng hạ du, ngành chức năng của Bình Định yêu cầu dừng là nhà máy phải dừng ngay. Hoặc ngành chức năng Bình Định yêu cầu cung cấp số liệu về dung tích hồ, lưu lượng qua tràn, lưu lượng xả...thì nhà máy phải cung cấp kịp thời. Từ ngày nhà máy vận hành đến nay, giữa 2 bên luôn có sự phối hợp tốt, mọi thông tin được cung cấp kịp thời".
Tuy nhiên, đợt lũ vừa qua nước dâng rất nhanh khiến người dân vùng lũ Bình Định không kịp trở tay. Con số thống kế ban đầu, có 18 người chết và 1 mất tích, nhiều nhà bị sập, hư hỏng nặng; thiệt hại ước tính gần 1.600 tỷ đồng do mưa lũ gây ra.
Một số hình ảnh Nhà máy thủy điện An Khê (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) tê liệt trong lớp đất cát dày:
Càn đổ xuống vùi lấp nhà máy sâu trong lớp đất cát dày cả 5 m
Một chiếc xe máy bị vùi lấp
Bên trong nhà máy
Anh Cương cán bộ công ty dẫn chúng tôi vào thực địa
Khu vực bên ngoài nhà máy nơi kênh nước nhà máy chảy ra bị sạt lở nghiêm trọng
Một cầu tràn con đường cho nhân dân vào cánh đồng bên suốt Cát bị cuốn trôi dân mất đường vào vận chuyển nông sản.
Doãn Công
Theo Dantri
Hãi hùng nhìn đèo sạt lở sau trận lũ lịch sử Nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, hàng ngàn khối đất, đá từ trên núi đổ ào xuống vùi lấp mặt đường.Trong khi trời vẫn tiếp tục mưa khiến các phương tiện lưu thông chưa hết lo ngại sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra. Đến chiều 21/11, các điểm sạt lở trên QL 19 đoạn chạy qua đèo An Khê (dài...