Sạt lở nghiêm trọng tại đại dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang
Kè chống sạt lở hạ lưu công trình Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Vũ Quang – Hà Tĩnh) vừa bị sạt lở nghiêm trọng không chỉ gây thiệt hại lớn công sức tiền của của nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao dự án mà còn ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ dân trên địa bàn.
Công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, tỉnh Hà Tĩnh, có dung tích 775 triệu m3 nước, cao trình đập 53,9m, bề rộng đỉnh đập 12m, là một trong ba hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay (chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đạt), có tổng mức đầu tư khoảng 1.380 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Sở Nông nghiệp (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Tập đoàn Sơn Hải, tỉnh Quảng Bình.
Đây là một công trình trọng điểm quốc gia đa mục tiêu, vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp, vừa kinh doanh thuỷ điện.
Sạt lở khiến bờ kè với hệ thống dầm bê tông chịu lực, cấu kiện bê tông hình lục lăng… bị nước cuốn trôi.
Tình trạng sạt lở xảy ra ngay chân đập dâng đe dọa đến thân đập.
Hạng mục bờ kè chống sạt lở của công trình được thiết kế, xây lắp bằng cấu kiện bê tông lục lăng dày 25cm, khung dầm chịu lực rộng 45cm, dày 25cm, đá dăm lót dày 15cm, đất đắp nền k95 và hệ thống vải địa kỹ thuật phủ kín. Hạng mục này vừa mới hoàn thành, hiện đã bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó mái kè gần 100m, chiều rộng khoảng 25m với toàn bộ cấu kiện bê tông và hệ thống khung dầm chịu lực bị cuốn xuống sông.
Video đang HOT
Tình trạng sạt lở đang tiếp tục diễn ra khi dòng nước từ thượng nguồn đổ về còn rất lớn.
Những gì đang xảy ra tại hiện trường cho thấy, dù nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải và Ban quản lí dự án đã cố gắng khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở, tuy nhiên tình trạng sạt lở vẫn được dự báo sẽ còn tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn. Hiện tại, con đường nằm sát mép kè đang từng ngày bị thu hẹp, khiến những hộ dân sống ngay cạnh hết sức hoang mang, lo lắng. Để cảnh báo nguy hiểm, hiện chủ đầu tư và đơn vị thi công cho căng dây tại khu vực sạt lở để cảnh báo mức độ nguy hiểm của công trình.
Phần bờ kè chống sạt lở này đang chực chờ rơi xuống dòng nước lớn.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, nguyên nhân ban đầu được xác định là do cống xả đáy nằm ngay sát mép kè, hướng xả lại đổ vào khúc eo, phía chân khay, rọ đá của mái kè, áp lực xả rất lớn nên công trình vừa thi công xong đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sạt lở nêu trên, theo ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban quản lí dự án, là do hậu quả của đợt mưa lũ từ tháng 10/2016.
Theo ông Đức, do công trình trong quá trình thi công, thời tiết không thuận lợi, nên hết mùa mưa nhà thầu sẽ xử lý sự cố này.
Hà Phương – Tiến Hiệp
Theo Dantri
Đèo Cả sạt lở, quốc lộ 1A và đường sắt ùn tắc
Trước tình trạng sạt lở gây ùn tắc trên đèo Cả, tỉnh Phú Yên đã mở hầm Cổ Mã cho ôtô chạy qua. Trong khi tuyến đường sắt qua đoạn này vẫn tê liệt.
Nhiều điểm trên quốc lộ 1A bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Ngọc
Ngày 16/12, nhiều điểm quốc lộ 1A trên đèo Cả, nối Khánh Hòa và Phú Yên, bất ngờ bị sạt lở. Hàng tấn đất đá, bùn đổ tràn xuống, nằm chắn ngang mặt đường, khiến dòng ôtô không thể qua, tuyến quốc lộ 1A chia cắt.
Ngoài ra, mưa lũ khiến quốc lộ 1A, qua TP Cam Ranh, Cam Lâm ngập sâu, có nơi bị sạt lở làm các xe không thể chạy qua, ùn tắc nghiêm trọng. "Chúng tôi phải chờ từ rạng sáng, tới giờ xe vẫn chưa chạy qua được", tài xế ôtô khách nói.
Sáng nay, chính quyền đặt biển cảnh báo, huy động máy xúc đào và dọn dẹp hiện trường trên đèo Cả, song mưa lớn làm nước chảy dồn dập khiến viêc xử lý gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho hay, sáng nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho mở hầm đường bộ Cổ Mã qua đèo Cả giúp giải quyết tình trạng ùn tắc. Hầm này dài 500 m được thông xe kỹ thuật hồi cuối năm 2015, dự kiến cho xe chạy khi hầm chính đèo Cả khánh thành vào năm sau.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải Đường sắt Nha Trang, cho biết tình trạng sạt lở ở đèo Cả cũng làm tuyến đường sắt qua Phú Yên và Khánh Hòa bị tê liệt.
"Hàng chục tàu bị kẹt cứng tại Phú Yên và Khánh Hòa. Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa 175 hành khách của tàu SE3 từ Phú Yên vào Khánh Hòa bằng ôtô", ông Sơn nói và cho biết, hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn chưa thông tuyến.
Lực lượng chức năng dọn dẹp bùn đất sạt lở trên đèo Cả. Ảnh: X.N
Trong khi đó, tuyến quốc lộ 1A qua các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng bị ngập sâu, có nơi hơn một mét khiến việc đi lại khó khăn. Hàng trăm cảnh sát giao thông được tăng cường chốt chặn tại những điểm lũ dọc quốc lộ đặt cảnh báo, điều tiết giao thông và hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn.
Từ đầu tháng 12 đến nay, miền Trung chịu hậu quả lớn do mưa lũ với 14 người chết, nhiều người bị thương, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Hình thái thời tiết này cũng làm 59 người chết, thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng trong hai đợt tháng 10 và 11.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Hàng nghìn khối đất đá lại sạt lở trên đường Nha Trang - Đà Lạt Đường Nha Trang - Đà Lạt (thuộc Quốc lộ 27C, đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bị chia cắt suốt 8 giờ sau khi hàng nghìn khối đất đá bị sạt lở do mưa lớn kéo dài. Một điểm sạt lở trên đường Nha Trang - Đà Lạt (thuộc quốc lộ 27C, đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vào đầu tháng...