Sạt lở đất tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: Sông lấn đất và nguy cơ “nuốt” đường
Nhiều năm nay, sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra đã khiến nông dân xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mất hằng trăm héc ta đất sản xuất.
Bên cạnh đó tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn chạy qua khu vực này cũng đang bị “hà bá” uy hiếp và có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào…
Hơn 200ha đất sản xuất bị cuốn trôi, sông đang lấn vào đường sắt
Khi “hà bá” nổi giận
Video đang HOT
Nằm ở khu vực hạ lưu Sông Lam, người dân xã Nam Cường đang hứng chịu sự tổn thất nặng nề trong sạt lở đất.
Ông Thái Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Trước đây, khi sạt lở chưa diễn ra, tại khu vực ven sông nói trên có 5 xóm sinh sống. Tuy nhiên, từ năm 1960 đến nay, do sông lấn vào nhà dân quá nhiều nên chính quyền địa phương đã chuyển 5 xóm trên tới các vùng kinh tế mới ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn,… Hiện tại, sạt lở đang diễn ra trên 3.000m chiều dài bờ sông và đã cuốn trôi 200ha trong tổng số 207ha đất sản xuất”.
Không những đất sản xuất bị cuốn trôi, trong đợt mưa lũ hồi tháng 9 vừa qua, hai cột điện thông tin của ngành đường sắt đã bị đổ ập xuống sông. Hiện tại, sạt lở đất đang tiếp tục diễn ra, đường dây thông tin đường sắt được chôn cách bờ sông 40m trước đó nay cũng đang đứng trước nguy cơ bị sông “ngoạm”.
Theo một số người dân địa phương, với tình trạng sạt lở diễn ra nhanh như hiện nay thì không chỉ đường dây thông tin đường sắt mà đường sắt Bắc – Nam cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất là cách cầu đường sắt Yên Xuân 100m, tại đây sông đã ăn sâu vào đất hơn 40m và chỉ còn chưa đầy 20m nữa sẽ tới đường sắt. “Trong tương lai không xa, nếu không có biện pháp khắc phục thì đường sắt cũng khó tránh khỏi nguy cơ bị đổ xuống sông” – Một người dân lo lắng nói.
Nạn khai thác cát trái phép được cho là nguyên nhân gây nên sạt lở đất
Nguyên nhân do khai thác cát?
Theo người dân địa phương, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở diễn ra nhanh chóng là do nạn khai thác cát trái phép diễn ra trong nhiều năm nay. Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, tàu hút cát công suất lớn hoạt động liên tục khiến sông Lam bị thay đổi dòng chảy nên mới xảy ra tình trạng trên.
Mặc cho sạt lở diễn ra, các tàu khai thác cát với khối lượng lớn được trang bị hiện đại không ngừng chạy hết công suất suốt ngày đêm. Đặc biệt tại chân cầu đường sắt Yên Xuân, nơi được cho là sạt lở đe dọa thì trên bờ là điểm tập kết cát với đủ các loại máy móc và xe vận chuyển.
Lý giải về tình trạng sạt lở, ông Thái Hồng Sơn, cho biết thêm: “Do khu vực trên nằm hạ lưu Sông Lam nên lượng nước đổ về lớn. Dòng chảy mạnh đã khiến tuyến kè bị cuốn trôi và dẫn tới tình trạng sạt lở. UBND xã đã thành lập tổ công tác để can thiệp, tuy nhiên do lực lượng mỏng trong khi tàu khai thác cát nhiều nên đành bó tay”.
Để vớt vát đất sản xuất cũng như tránh những vấn đề xấu, ông Sơn chia sẻ: “Hiện chính quyền địa phương đã kiến nghị lên UBND huyện Nam Đàn và báo cáo chi tiết tình hình lên TCty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có công văn, phương án giải quyết”.
Còn ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn thừa nhận tình trạng khai thác cát sỏi trái phép đang diễn ra rất mạnh trên Sông Lam, đoạn chạy qua địa phận địa phương này quản lý (khoảng 16km – PV). “Đây là vấn đề rất nhức nhối của chúng tôi, mặc dù hàng năm huyện có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi truy quét nhưng xong rồi đâu vẫn vào đấy. Để đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép trên Sông Lam là rất khó khăn nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhiều cơ quan liên quan” – ông Bình phủ định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù các lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm tra, xử phạt các “sa tặc”, nhưng chừng đó là chưa đủ sức nặng cũng như tính răn đe để đẩy lùi vấn nạn khai thác cát trái phép. Cá biệt, có một số địa phương còn buông lỏng quản lý, thậm chí cố tình làm ngơ để “sa tặc” vô tư hoành hành. Sông Lam vẫn ngày đêm bị “móc ruột”, nhiều diện tích đất canh tác bị sông “nuốt”, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Nhu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tài nguyên trên địa bàn huyện nào thì Chủ tịch UBND huyện đó phải có trách nhiệm đầu tiên trong công tác bảo vệ tài nguyên cũng như môi trường!”.
Xem ra để đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép trên dòng sông Lam nói riêng và trên toàn tỉnh Nghệ An nói chung còn là vấn đề nan giải và phức tạp. Và cùng với đó những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, sạt lở đất sẽ còn là nỗi ám ảnh của người nông dân ở lưu vực các dòng sông, đặc biệt là người dân ven Sông Lam.
Theo PLXH