Sát hạch công chức ở Hà Nội: Nhiều câu hỏi cần lời giải đáp
Trong thông báo số 570/HĐKTSH-SVN của Hội đồng kiểm tra sát hạch cho biết số thí sinh có thời gian công tác trên 5 năm là 77 người. Tuy nhiên trong bản đính kèm thông báo này, con số này là 80 người, và cuối cùng trả kết quả sát hạch lại có đến 83 người!
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, liên quan đến những “lùm xùm” trong việc sát hạch công chức đối với những ứng viên không thông qua thi tuyển, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội đã có giải thích khá rõ ràng về việc có hai đối tượng tham gia và nằm ở hai Quyết định khác nhau.
Để làm sáng tỏ một số vấn đề, phóng viên Dân trí đã vào cuộc xác minh và phát hiện ra nhiều điểm đòi hỏi cơ quan chức năng cần có lời giải đáp thỏa đáng.
Đề thi không có thang điểm
Theo tìm hiểu của Dân trí, ở Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND Thành phố về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch thi tuyển cụng chức làm việc tại sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2015, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức ngạch chuyên viên là 560 người.
Để thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô và thực hiện việc tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, sau khi xin ý kiến của UBND Thành phố, Sở Nội vụ Hà Nội đã có hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thông báo và thực hiện các nội dung để tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt trong kỳ thi tuyển công chức năm 2015. Theo đó, đối tượng tiếp nhận không qua thi là những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Trên website của Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định khá rõ ràng đối tượng tiếp nhận không qua thi tuyển đối với chỉ tiêu thuộc Quyết định 163/QĐ-UBND.
Các ứng viên này bắt buộc phải tham gia kiểm tra sát hạnh về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển; điểm sát hạch được tính theo thang điểm 100. Người trúng tuyển công chức bằng tiếp nhận không qua thi tuyển phải có điểm sát hạch đạt từ 50 điểm trở lên lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Tuy nhiên, trong kỳ kiểm tra sát hạch vừa qua xuất hiện một số tình huống khá khó hiểu khi không có thang điểm ứng với từng câu hỏi của phần thi viết, thí sinh dự sát hạch thì hoang mang vì không biết thang điểm phỏng vấn. Chỉ khi phóng viên Dân trí sang trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Sở Nội vụ thì barem điểm mới được tiết lộ: Điểm phần thi viết là 80 điểm, phần phỏng vấn chỉ là 20 điểm.
Một số ứng viên trượt sát hạch vừa qua cho biết: “Khi kết thúc phỏng vấn có người trong Hội đồng nói điểm phần này là 30 giờ lại được thông tin là 20. Đáng lẽ ra Hội đồng kiểm tra sát hạch phải công bố trước cho ứng viên được biết. Việc có kết quả rồi mới “tiết lộ” điều này thì chúng tôi hoàn toàn có thể đặt ra nghi ngờ về sự minh bạch của kỳ kiểm tra này”.
Nhiều “uẩn khúc” về đối tượng trên 5 năm
Quyết định số 1149/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức diện tiếp nhận không qua thi tuyển làm việc tại các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội là 294 người. Trong quyết định này giao cho Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức tuyển dụng trình UBND Thành phố ban hành; hướng dẫn các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thông báo, tiếp nhận xét duyệt hồ sơ đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo Quy định.
Video đang HOT
Điều 2 của Quyết định 1149 yêu cầu rất rõ việc thông báo công khai và tiếp nhận hồ sơ.
Quyết định cũng cho biết chỉ tiêu tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2015 ở từng đơn vị. Đồng thời đưa ra các thông tin về vị trí việc làm tuyển dụng; ngành hoặc chuyên ngành cần tuyển; đối tượng tiếp nhận công chức không qua thi tuyển.
Nếu như ở Quyết định số 163/QĐ-UBND thì Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn khá chi tiết và được đăng tải trên website của đơn vị này thì ở Quyết định số 1149/QĐ-UBND không thể tìm kiếm được thông tin liên quan nào về hướng dẫn thực hiện.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một số quận, huyện cho biết Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn xuống các đơn vị và các đơn vị thông báo công khai để ứng viên đạt yêu cầu đăng ký tham gia. Sau khi đăng ký các đối tượng này sẽ tham dự kỳ kiểm tra sát hạch, nếu đạt yêu cầu sẽ được xem xét tiếp nhận.
Điều khá bất ngờ ở đây, mặc dù khẳng định đã công bố công khai nhưng ở mỗi vị trí việc làm tuyển dụng số người được tham gia sát hạch so với chỉ tiêu công bố là bằng nhau (không có sự cạnh tranh). Theo Sở Nội vụ Hà Nội, có 83 người công tác 5 năm trở lên tham gia sát hạch và có đến 82/83 người “Đạt”, và chỉ có 1 trường hợp “Không đạt”. Đáng chú ý nữa là những người này có điểm số sát hạch tương đối cao, đa phần đều trên 70 điểm, nhiều người trên 90 điểm.
Câu hỏi đặt ra: Có phải chăng có quá ít người có thời gian công tác trên 5 năm đăng ký vào các vị trí tuyển dụng được thông báo ở Quyết định 1149 hay là do không biết thông tin để đăng ký?
Bên cạnh đó, Quyết định 1149 cho biết, trong số 294 chỉ tiêu dành cho công chức diện tiếp nhận không qua thi tuyển ngoài đối tượng công tác trên 5 năm còn có những chỉ tiêu dành cho thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại nước ngoài, thủ khoa. Những đến thời điểm hiện tại, Sở Nội vụ vẫn chưa có thông báo nào về việc tuyển dụng này. Thậm chí còn có dấu hiệu bất thường.
Rất nhiều vị trí việc làm thuộc Quyết định 1149 tiếp nhận thủ khoa, thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại nước ngoài.
Chẳng hạn như có 1 vị trí việc làm ở văn phòng Sở Công thương Hà Nội và đối tượng tiếp nhận công chức không qua thi tuyển là thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại nước ngoài. Nhưng kết quả cuối cùng, đối tượng được tham gia sát hạch lại chỉ có duy nhất một viên chức tham gia, kết quả ứng viên này trúng tuyển.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm sự việc này và sớm thông tin đến với bạn đọc.
S.H
Theo Dantri
Vì sao thủ khoa xuất sắc vẫn trượt công chức ở Hà Nội?
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: "Thi công chức như ta từng làm chưa chắc đã chính xác, khó tìm được người giỏi".
Mới đây, Sở Nội vụ TP.Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức thi trượt trong kỳ tuyển dụng công chức TP.Hà Nội năm 2015.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.
Nội dung kiểm tra, sát hạch công chức bao gồm kiến thức về công vụ, công chức; kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản.
Cách thi trái khoáy
Trao đổi với phóng viên, GS Huỳnh Hữu Tuệ, giảng viên Trường Đại học Laval (Canada) cho biết, cách thi tuyển công chức của Sở Nội vụ Hà Nội không phù hợp với kiến thức được đào tạo của thí sinh.
GS Huỳnh Hữu Tuệ
Ông Tuệ lý giải, những thủ khoa xuất sắc trong nước và ở nước ngoài đều được đào tạo bài bản, trong khi thi công chức lại thi cả luật hành chính, công vụ không liên quan đến kiến thức chuyên môn.
"Cách thi này hơi trái khoáy, vẫn theo kiểu hình thức", GS Tuệ bày tỏ.
Theo ông Tuệ, thi công chức tại Việt Nam, thí sinh vẫn phải biết guồng máy tổ chức Nhà nước và guồng máy của cơ quan sở tại (guồng máy hành chính). Nếu thí sinh không quan tâm, chắc chắn sẽ trượt. Do đó, thay vì thi công chức, nên để những thủ khoa tập sự, thử việc. Trong quá trình làm việc, họ sẽ biết các điều luật của cơ quan sở tại mà không cần phải thi.
GS Tuệ cho rằng: Thi trượt không có nghĩa là kém về chuyên môn, mà chưa đọc tài liệu về guồng máy hành chính của cơ quan sở tại đó. Nếu thủ khoa xuất sắc vẫn thi trượt nên phê bình những nơi không biết cách lựa chọn tuyển dụng. Ngoài ra, nếu người có năng lực vẫn thi trượt chỉ có thể do bất cẩn không quan tâm đến bộ máy hành chính, hoặc cách thức thi công chức quá cứng nhắc nên thí sinh sẽ trượt.
Theo GS Tuệ, tuyển người giỏi khác với người thích hợp với guồng máy hành chính. Nơi nào có chất lượng nhân sự vẫn phải kết hợp cả hai yếu tố này. Nếu thấy cần thiết phải thi công chức nên tổ chức thi riêng cho người đó. Các thủ khoa thi về điều lệ, thủ tục hành chính là hơi trái khoáy.
"Nếu thực sự nhà tuyển dụng muốn có người giỏi vào làm việc có thể chỉ cách học cho các em thi vào công chức", GS Tuệ chia sẻ.
Theo ông Tuệ, những cử nhân xuất sắc ở nước ngoài về thi không nên "sốc", bởi đã trở thành thủ khoa phải giỏi chuyên môn thực sự. Không ai có thể dựa vào các môn thi hành chính công vụ để đánh giá trình độ.
Ông Tuệ cũng cho biết, ở nước ngoài thi công chức không thi các môn công vụ hành chính. Họ chỉ cần dựa vào bằng cấp và vượt qua vòng phỏng vấn về kiến thức, tâm lý là có thể đỗ công chức.
Chưa chắc chính xác
Bày tỏ quan điểm của mình, GS.TS Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long cho biết, tuy gần một nửa thủ khoa xuất sắc trượt công chức ở Hà Nội nhưng ông không ngạc nhiên.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long lý giải, thí sinh giỏi chuyên môn là một chuyện, còn kiến thức, kỹ năng về hành chính - công vụ lại là chuyện khác. Tuy nhiên, 30/63 người thi trượt công chức ở Hà Nội rất đáng buồn.
Theo ông Dũng, thi công chức cũng nên thi kiến thức về pháp luật, hành chính - công vụ. Tuy nhiên, không thể xem nhẹ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng về chuyên môn của các ngành cụ thể mà thí sinh ứng tuyển. Ngoài ra, mỗi cơ sở có quyền quy định thi tuyển, tiêu chí riêng. Bên cạnh đó, cũng nên xem lại cách thức thi tuyển có thật sự khách quan, tránh làm theo hình thức. Tuy vị trí đó còn "chỗ", nhưng lại "nhắm" cho người khác từ trước.
Lãnh đạo Đại học Thăng Long cũng cho rằng, để tuyển một người có đủ năng lực, họ rất coi trọng thành tích đã đạt được. Ngoài ra, còn dựa vào năng lực thực tiễn.
GS Phạm Tất Dong
Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng không bất ngờ về kết quả thi công chức của Hà Nội. Bởi thí sinh chỉ có kiến thức đơn thuần, thi công chức sẽ trượt. Những người học nước ngoài không hiểu các thủ tục hành chính trong nước cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những thủ khoa thi trượt cũng rất đáng tiếc vì kiến thức chuyên môn của họ khá giỏi, trong khi chỉ cần đầy đủ năng lực thực sự, tri thức kỹ năng là có thể đỗ.
GS Dong cho rằng, Sở Nội vụ Hà Nội đánh giá những người thi trượt công chức do không tâm huyết là không đúng. "Không tâm huyết thì họ đã không đi thi. Vì thế, không thể kết luận những người thi trượt không tâm huyết".
"Nhân đây cũng cần xem lại cách tổ chức thi tuyển công chức, viên chức. Trước hết, cần xem nội dung thi tuyển có thật sự phù hợp với vị trí cần tuyển dụng không", GS Dong bày tỏ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thi công chức như ta từng làm chưa chắc đã chính xác, khó tìm được người giỏi. Hơn nữa, đây không phải là cách thi tuyển công chức mẫu mực. Do đó, để người giỏi làm việc phải dựa vào năng lực cụ thể. Ngược lại, nếu tuyển dụng dạng "công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" vào làm việc sẽ "chết" bộ máy hành chính sự nghiệp.
Theo Dân Việt
Nhiều thạc sĩ, cử nhân xuất sắc, giỏi ở nước ngoài trượt công chức Hà Nội Sở Nội Vụ Hà Nội vừa công bố danh sách kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển tại kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2015. Theo đó, nhiều thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp xuất sắc, giỏi ở nước ngoài bị trượt. Nhiều Thủ khoa tốt nghiệp đại học xuất sắc vẫn...