Sắp xử vụ “người mẹ ôsin bị mất nhà”
Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, sáng 26-2 tới, phiên tòa phúc thẩm vụ “ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” sẽ được mở.
Thẩm phán Phạm Hùng Nuôi được phân công làm chủ tọa phiên tòa. Nguyên đơn là chị Võ Thanh Thúy (SN 1974, HKTT: X.Trung Bình, H.Trần Đề), hiện làm nghề giúp việc tại TP.Hồ Chí Minh đã kháng cáo bản án sơ thẩm trước đó của TAND H.Trần Đề (Sóc Trăng).
Theo hồ sơ vụ việc, năm 1990, chị Thúy và anh Lữ Văn Thụy (SN 1972, ngụ cùng địa phương) tổ chức cưới sau thời gian tìm hiểu. Năm 1991 và 1992, lần lượt hai đứa con của họ ra đời. Năm 1993, cha mẹ chồng cho hai vợ chồng anh Thụy – chị Thúy căn nhà cấp 4, diện tích 108m2 (nay là số 067 ấp Chợ, X.Trung Bình, H.Trần Đề). Năm 2008, anh Thụy nhờ người làm thủ tục để được cấp sổ đỏ. Vì đơn giản nghĩ là tài sản chung của cả vợ chồng nên chị Thúy nói rằng, ai đứng tên trên sổ đỏ cũng được, không cần phải ghi cả hai người.
Ngày 23-9-2008, anh Thụy cần tiền nên vay của bà Nguyễn Kim Loan 40 triệu đồng. Nhưng thật ra, anh chỉ nhận được 34 triệu đồng vì bà Loan đã “hớt” trước một tháng tiền lãi (là 6 triệu đồng). Bù lại, anh Thụy một mình cầm sổ đỏ và lấy hợp đồng chuyển nhượng (do bà Loan đưa), tự mình ghi chép rồi lên UBND X.Trung Bình (H.Trần Đề) để chứng thực. Anh Thụy thừa nhận một mình ký, ghi họ tên thay vợ và ký tên cả… bên nhận chuyển nhượng (là bà Loan).
Kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an (ngày 2-11-2016) cho thấy, chữ ký bên nhận chuyển nhượng không phải của bà Loan, phù hợp với lời khai của anh Thụy. Suốt thời gian này, chị Thúy và hai con không hề hay biết.
Dựa vào hợp đồng chuyển nhượng này, đến ngày 19-8-2009, bà Loan đăng bộ và ngày 9-12- 2010 đã sang tên chủ sở hữu. Đầu năm 2014, khi phát hiện sự việc, chị Thúy đã kiện bà Loan ra tòa. Bản án sơ thẩm dù đã tuyên thua cuộc nhưng chị Thúy đã kháng cáo ra TAND tỉnh Sóc Trăng.
Chị Thúy với xấp đơn kêu cứu
Chị Thúy bức xúc cho rằng, bản án dân sự đã bỏ quên nhiều chứng cứ, có dấu hiệu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chị và các con. “Hợp đồng chuyển nhượng ngày 23-9-2008 giữa anh Thụy và bà Loan có chứng thực của UBND X.Trung Bình là gian dối, giả tạo và bất hợp pháp. Lý do là bà Loan không nhận chuyển nhượng vì bà này không ký tên, không tới UBND xã ký, không có thỏa thuận giao dịch, thanh toán tiền với anh Thụy và chỉ cho anh Thụy vay tiền (nhưng không ghi giấy vay)…
Điều này thể hiện rõ trong kết quả giám định nhưng tòa sơ thẩm đã bỏ qua chứng cứ này, không xem xét. Hình thức, nội dung của hợp đồng đều sai, không đúng theo pháp luật là phải công chứng, chứng thực. Ngay tại tòa sơ thẩm ngày 1-11-2019, anh Thụy cũng trình bày là do không hiểu biết nên ký… cả hai bên mua và bán”, chị Thúy nói.
Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm cho rằng, căn nhà của anh Thụy “gán” cho bà Loan là tài sản riêng của anh Thụy. Điều này là sai vì bản thu thập chứng cứ của tòa sơ thẩm thể hiện rõ, cha mẹ chồng của chị Thúy đã cho chung căn nhà cho hai vợ chồng chị Thúy và hai cháu nội.
Video đang HOT
Thực tế cuộc sống và các quy định của pháp luật đều thể hiện đó là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Việc anh Thụy tự mình mang chủ quyền căn nhà đi giao dịch hay cầm cố để vay tiền bà Loan là trái với ý chí tự nguyện của các đồng sở hữu, vi phạm điều cấm của pháp luật.
Bởi vậy trong bản kháng cáo, chị Thúy yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng ngày 23-9-2008 giữa anh Thụy và bà Loan mà UBND X.Trung Bình đã chứng thực là trái pháp luật. Giao trả lại căn nhà và quyền sử dụng cho chị Thúy và bồi thường thiệt hại cho bị đơn, hủy sổ hồng đã cấp cho bà Loan.
Chị Thúy rơm rớm nước mắt, tỏ bày: “Do không có cái chữ nên tôi phải xa nhà biền biệt, đi ở cho người ta, mong có thêm thu nhập lo cho các con. Vậy mà chồng tôi đã làm ra nông nỗi này. Rồi mai này, các con tôi sẽ phải tá túc ở đâu đây khi tương lai các cháu còn dài. Cũng may, bà chủ nhà biết việc nên hỗ trợ tôi đi kiện chứ không thì gia đình tôi đã mất nhà rồi. Vì các con, tôi phải sống và tin rằng pháp luật sẽ được thực thi…”.
Luật sư Lê Khắc Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hợp đồng chuyển nhượng ngày 23-9- 2008 giữa anh Thụy và bà Loan là vô hiệu theo quy định tại Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015 vì “giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”.
Dư luận tin tưởng vào công lý, kết quả của bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng sắp tới sẽ xét xử khách quan, công bằng để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.
An Hoà
Theo congan.com.vn
Long An: Đất bị lấn, còn bị tòa buộc làm thủ tục cho... người chiếm
Qua 2 cấp tòa, nguyên đơn không những bị bác yêu cầu khởi kiện, mà còn bị HĐXX buộc phải tự liên hệ cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh diện tích đất của mình... nhỏ lại.
Đồng thời, chỉ được nhận lại 8.095.000 đồng, là số tiền 20 năm trước nguyên đơn nộp để chuyển mục đích sử dụng hơn 112m2 đất.
Tòa hành chính cho rằng nguyên đơn, bị đơn đều đúng, vậy ai sai?
Mới đây, ông Châu Giang (SN 1956, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), đã nộp đơn xin giám đốc thẩm với kiến nghị hủy 2 bản án của TAND tỉnh Long An và TAND huyện Cần Đước vì bị xử bất công.
Theo nội dung vụ việc, năm 1993 bà Trần Thị Ta (SN 1939, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước) bán cho ông Giang 984m2 đất trồng lúa, thuộc thửa số 1494, gia đình ông Giang canh tác ổn định.
Ông Châu Giang trình bày bức xúc.
Đến năm 1996, đất của ông Giang được UBND xã đưa vào danh sách đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) và năm 1997 được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ diện tích 984m2. Năm 1999, ông Giang làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) 285m2 trong diện tích 984m2, thành đất ở và nộp 8.950.000 đồng. Sau đó được cập nhật, tách 285m2 và đổi thửa 1494 thành 2074.
Vào năm 2010, bà Trần Thị Ta bán nốt phần đất còn lại của bà thuộc thửa 1498, tờ bản đồ số 2 (liền kề đất đã bán cho ông Giang - PV) cho vợ chồng cháu ruột là bà Trần Thị Thu Dung (SN 1970), ông Phạm Văn Đức (SN 1964) diện tích 293,5m2. Việc chuyển nhượng có chứng thực, được cấp giấy CNQSDĐ số BE066939, đất trồng lúa. Vợ chồng bà Dung cũng xin chuyển mục đích SDĐ thửa 1498 thành đất ở rồi xây nhà. Khi xây dựng, vợ chồng bà Dung xây lấn sang phần đất ông Giang, bao gồm phần đã chuyển mục đích và phần đất lúa chưa chuyển dẫn đến tranh chấp.
Do ông Đức, bà Dung và bà Ta đều xác nhận phần xây dựng trên thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Dung có giấy tờ hợp lệ, nên ông Giang khởi kiện yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ đã cấp cho vợ chồng bà Dung tại thửa 1498. Lý do UBND huyện Cần Đước đã cấp chồng lấn lên đất của ông Giang.
Sau khi xác minh, 2 cấp tòa hành chính sơ thẩm, phúc thẩm cho rằng cơ quan chức năng xác định việc cấp giấy CNQSDĐ cho vợ chồng bà Dung đối với thửa 1498 diện tích 293,5m2 là đúng; việc cấp giấy cho thửa 1494 (bao gồm thửa 2074 đã tách) của ông Giang cũng đúng. Hai phần đất nằm ở 2 vị trí khác nhau, không có sự chồng lấn, hiện vợ chồng bà Dung đã xây nhà trên 1 phần đất đã được cấp cho ông Giang và các bên phải điều chỉnh bằng một quan hệ pháp luật khác.
Tòa buộc nguyên đơn đi làm giấy... giảm diện tích đất của mình!
Do toàn bộ lời khai của vợ chồng bà Dung, bà Ta và các cơ quan cấp giấy đều xác nhận vợ chồng bà Dung được nhận chuyển nhượng, sử dụng diện tích 293,5m2, nhưng thực tế vợ chồng bà Dung sử dụng gần 455,4m2 (gồm 293,5m2 có giấy, và 161,9m2 đất ông Giang khẳng định của ông - PV). Vì vậy, ông Giang tiếp tục kiện dân sự yêu cầu vợ chồng bà Dung tháo dỡ phần xây dựng, trả lại 161,9m2 đất cho ông Giang.
Trong thời gian TAND huyện Cần Đước thụ lý giải quyết vụ án "Tranh chấp QSDĐ và yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ", tháng 1/2019 vợ chồng bà Dung có đơn phản tố, yêu cầu hủy một phần giấy CNQSDĐ đã cấp cho ông Giang với lý do việc cấp giấy cho ông Giang là sai!
Từ năm 1996, UBND xã Long Hòa, huyện Cần Đước (Long An) đã xác định đất của ông Châu Giang có diện tích 984m2 và được cấp giấy CNQSDĐ.
Lạ lùng là TAND cấp sơ thẩm bác yêu cầu ông Giang đòi 161,9m2, nhưng lại chấp nhận yêu cầu hủy một phần giấy CNQSDĐ của ông Giang theo đơn phản tố của vợ chồng bà Dung! Tuy nhiên, tòa không yêu cầu thu hồi giấy CNQSDĐ, mà buộc ông Châu Giang... tự liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh trên giấy CNQSDĐ để giảm diện tích đất của mình, vì trên đó vợ chồng bà Dung đang sử dụng!
Tòa cấp sơ thẩm dựa vào các tình tiết: Đất do vợ chồng bà Dung đã xây nhà, đang trực tiếp sử dụng; bà Ta xác nhận không bán đất cho ông Châu Giang mà bán cho bố ông Giang chỉ có 780m2, còn phần đất vợ chồng bà Dung đang lấn chiếm là do bà Ta bán; hai bản án hành chính về việc yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ trước đây không liên quan nên không áp dụng hay xem xét trong vụ kiện tranh chấp đất.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Giang kháng cáo. Cuối tháng 11/2019, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm, tuyên bác toàn bộ kháng cáo của ông Châu Giang. Vô lý hơn khi tòa phúc thẩm sửa 1 phần bản án sơ thẩm với nội dung: Vợ chồng bà Dung chỉ phải trả cho ông Giang 8.950.000 đồng ông Giang đã nộp năm 1999, khi chuyển mục đích SDĐ!
Bản án phi lý
Luật sư Phan Duy Lân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), khẳng định: "Bản án sơ thẩm đã có nhiều sai sót nghiêm trọng về tố tụng cũng như về nội dung. Thứ nhất, các bản án hành chính trước đó đã xác định việc cấp giấy CNQSDĐ cho các bên là đúng, 2 phần đất liền kề nhưng ở 2 vị trí khác nhau, ông Giang có diện tích 984m2, trong đó có 285m2 đất ở; vợ chồng bà Dung có 293,5m2 đất ở.
Bản án cũng không xác định không ai lấn ai, nhưng xác định phần xây dựng của vợ chồng bà Dung có một phần thuộc đất đã cấp giấy CNQSDĐ cho ông Giang. Thứ nhì, ông Giang sử dụng và được cấp giấy từ năm 1997, trong khi vợ chồng bà Dung mới mua từ bà Ta vào năm 2010, không thể viện dẫn việc xây nhà lấn chiếm rồi công nhận quyền sử dụng. Trong khi ông Giang đã thực hiện nghĩa vụ nộp 8.950.000 đồng, mới được chuyển mục đích SDĐ. Thứ ba, bà Ta đã khai gian về người mua đất, bởi hồ sơ lưu thể hiện bà Ta giao dịch và ký giấy bán cho ông Châu Giang 984m2 từ năm 1993, chứ không phải bán cho ông Châu Cảnh Thân (bố ông Giang) diện tích 780m2 như bà Ta khai. Mặt khác, bà Ta là cô ruột của bà Dung, nên lời khai của bà Ta không khách quan".
Cũng theo luật sư Phan Duy Lân, bản án sơ thẩm đã sai, nay bản án phúc thẩm tiếp tục sai khiến người dân bất bình. Bởi lẽ, bản án phúc thẩm đã rất phi lý khi cho rằng đất của ông Châu Giang tuy được UBND tỉnh cấp giấy từ năm 1999, có thu tiền SDĐ. Nhưng vợ chồng bà Dung sử dụng ổn định từ năm 2011, nên yêu cầu hủy giấy CNQSDĐ của ông Giang và xin công nhận QSDĐ của vợ chồng bà Dung... là có căn cứ.
Tuy cấp sơ thẩm không tuyên hủy, mà yêu cầu ông Giang tự liên hệ cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy CNQSDĐ... vẫn không sai thẩm quyền, dù quyết định cấp giấy CNQSDĐ cho ông Giang vào năm 1999 là của tỉnh! Riêng diện tích đất đã chuyển mục đích SDĐ theo quyết định của UBND tỉnh Long An năm 1999, ông Giang đã nộp 8.950.000 đồng. Nay vợ chồng bà Dung sử dụng có một phần (112,6m2) nên phải tự nguyện trả lại 8.950.000 đồng... là đã có lợi cho ông Giang!
Vô lý khi lấy số tiền năm 1999, tuyên trả cho năm 2019
"Chưa bàn đến việc ông Giang được cấp giấy CNQSDĐ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ từ năm 1999, nhưng vẫn không được tòa công nhận, lại công nhận cho người lấn chiếm và sử dụng từ 2011. Ở đây, thẩm quyền xem xét yêu cầu phản tố xin hủy giấy CNQSDĐ vào tháng 1/2019 của vợ chồng bà Dung phải do tòa cấp tỉnh giải quyết. Vì quyết định cho ông Giang chuyển mục đích SDĐ do UBND tỉnh cấp, không phải do huyện.
Ngoài ra đơn phản tố của vợ chồng bà Dung lập ngày 4/1/2019, sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận chứng cứ là ngày 24/4/2018, và tòa sơ thẩm không lập biên bản, không ghi rõ nội dung chấp nhận hay không chấp nhận? Bên cạnh đó, tòa phúc thẩm lấy số tiền 8.950.000 đồng, do ông giang nộp chuyển mục đích SDĐ năm 1999 (theo ông Giang số tiền này cao gấp nhiều lần tiền mua 984m2 đất), để tuyên vợ chồng bà Dung chỉ phải trả số tiền này vào năm 2019 (20 năm sau) và được sử dụng phần đất đó là điều vô cùng phi lý.
Lẽ ra tòa phúc thẩm phải xem xét, định giá theo thời điểm hiện tại. Vì ngay cả tiền sử dụng đất của người nợ 5 năm, nhưng chưa thực hiện cũng phải bị tính lại theo giá mới, do bảng giá đất luôn thay đổi. Hơn nữa, nếu việc sử dụng đất năm 2011 của vợ chồng bà Dung là hợp pháp và được xem xét cấp giấy CNQSDĐ, cũng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại thời điểm 2011, chứ không được áp dụng giá năm 1999", luật sư Phan Duy Lân, khẳng định.
Theo kinhtedothi.vn
Vụ "Tranh chấp tài sản sau ly hôn" tại Hưng Yên: Vì sao hai người phụ nữ nhiều lần kháng cáo? Phản ánh đến Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Dinh (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết: Quyết định tại Bản án số 86/2019/HNGĐ-ST ngày 12/8/2019 của TAND huyện Văn Lâm về việc "Tranh chấp tài sản và nuôi con sau khi ly hôn" không khách quan, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của bà. Bà Dinh...