Sắp xét xử kẻ bắt cóc bé 2 ngày tuổi ở Bệnh viện phụ sản
Vì muốn có con để giải tỏa sức ép với gia đình nhà chồng, Lệ đã nghĩ ra việc đến Bệnh viện phụ sản rình bắt cóc cháu bé sơ sinh về làm con mình.
Theo thông từ TAND TP Hà Nội, dự kiến ngày 9/4, phiên tòa sơ thẩm sẽ xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lệ (SN 1982) ở Việt Yên, Bắc Giang về tội chiếm đoạt trẻ em theo Khoản 1, điều 120 Bộ luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất với tội này lên tới 10 năm tù.
Lệ chính là người phụ nữ bắt cóc cháu Phạm Văn Trường con sản phụ Thơm trong Bệnh viện phụ sản Trung ương khiến dư luận hết sức xôn xao vào cuối năm ngoái.
Ban đầu, tại cơ quan điều tra, Lệ vẫn cho rằng vì mình đẻ non, mất con nên mới bắt trộm cháu bé về nuôi.
Vụ việc xảy ra ngày 3/11/2011, tại khoa sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sản phụ bị mất con là chị Trần Thị Thơm, sinh năm 1977 tại Yên Mỹ, Hưng Yên. Con trai chị là cháu Trường, sinh ngày 1/11/2011, nặng 3,4 kg.
Video đang HOT
Ngày 8/11/2011, Phòng CSHS, CATP Hà Nội đã bắt đối tượng Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, trú tại Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội) vì hành vi bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương vào ngày 3/11/2011. Lệ được lấy lời khai để làm rõ hành vi này.
Lệ vốn có con riêng rồi mới lấy chồng ở Đông Anh. Nhưng vì lâu không có con, sợ gia đình chồng không vui về mình, Lệ đã giả mang bầu. Tới gần ngày sinh, Lệ tìm cách xuống Bệnh viện phụ sản trung ương để bắt cóc trẻ về làm con mình. Sau vài ngày theo dõi ở các phòng có các bà mẹ mới sinh xong về nằm nghỉ, Lệ trộm áo bác sĩ, tiếp cận chị Thơm rồi bế cháu bé đi. Lệ trốn về nhà mẹ đẻ vài ngày, nói đó là con mình rồi sau đó bế cháu bé về nhà chồng ở huyện Đông Anh.
Cơ quan điều tra đã bắt Lệ khi chị ta đang ở nhà chồng, chăm sóc đứa trẻ.
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Đối với nhiều trẻ em; đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; e) Để đưa ra nước ngoài; g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; i) Tái phạm nguy hiểm; k) Gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
nhật mai
Theo Infonet
Nguyễn Thị Lệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Vụ việc bắt cóc cháu bé sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 3-11 vừa qua có một kết thúc có hậu. Để xác định trách nhiệm của đối tượng bắt cóc cháu bé, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
- PV: Dưới góc độ luật sư, hành vi của đối tượng Nguyễn Thị Lệ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh nào trong Bộ Luật Hình sự, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Tại khoản 1, Điều 120 BLHS đã nêu: "Người nào mua bán, đánh tráo, hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm"... Rõ ràng sự việc xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy người phạm tội đã thực hiện hành vi chiếm đoạt đứa trẻ đó. Với những dấu hiệu này đủ để cơ quan CSĐT và cơ quan tố tụng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng phạm tội theo Điều 120 BLHS.
- PV: Giả định, đối tượng bắt cóc cháu bé sơ sinh rồi đem bán ra nước ngoài thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Việc bắt cóc trẻ em dù nhằm bất kỳ mục đích nào cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi nó không chỉ gây tổn thất cho người mẹ sinh ra đứa trẻ mà còn gây ảnh hưởng đến vấn đề ANTT trong xã hội. Ngay tại khoản 2, Điều 120 BLHS cũng đã quy định: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Vì động cơ đê hèn; Đối với nhiều trẻ em; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Để đưa ra nước ngoài; Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; Để sử dụng vào mục đích mại dâm; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng". Điều này có nghĩa, trong trường hợp CQĐT xác định được động cơ phạm tội thực sự của người phạm tội rơi vào một trong những trường hợp kể trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội CQĐT, cơ quan tố tụng sẽ đưa ra những hình phạt tương xứng. Khung hình phạt cao nhất đối với tội bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em là tù chung thân. Ngoài ra, hình phạt bổ sung được quy định cho tội này là phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
- PV: Trong trường hợp CQĐT có kết luận hành vi bắt cóc cháu bé của đối tượng Nguyễn Thị Lệ chỉ đơn thuần nhằm mục đích để nuôi dưỡng, được bố mẹ cháu bé có đơn đề nghị CQĐT xem xét để giảm nhẹ tội danh cho đối tượng thì có được coi là tình tiết giảm nhẹ?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Về căn bản tội phạm đã hoàn thành kể từ khi người phạm tội bắt cóc đứa trẻ nên vẫn sẽ bị truy cứu theo Điều 120 BLHS. Tuy vậy, nếu CQĐT xác định được người phạm tội do chịu áp lực từ gia đình muốn nuôi dưỡng đứa trẻ để giải quyết vấn đề tâm lý, mặt khác gia đình cháu bé bị bắt cóc có đơn bãi nại gửi CQĐT xem xét đến hoàn cảnh của đối tượng Nguyễn Thị Lệ, thì đây sẽ được coi là một trong những căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét theo quy định tại Điều 46 BLHS. Trong đó, các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;... Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, động cơ, mục đích của đối tượng phạm tội để tòa án, viện kiểm sát xem xét đây có được coi là tình tiết giảm nhẹ hay không.
- PV: Trường hợp đối tượng phạm tội thực hiện hành vi bắt cóc cùng với những người khác có liên quan thì sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ: Trong trường hợp có sự tiếp tay, có sự phân công, giao nhiệm vụ nhiều của nhiều đối tượng khác nhau, thì sẽ được coi là phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp. Đối với những người có liên quan thì có thể chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm hoặc tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm theo quy định của BLHS. Tùy theo hành vi phạm tội thực tế của đối tượng phạm tội sẽ xác định tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này theo luật định.
Theo ANTD
BV Phụ sản lắp camera chống bắt cóc trẻ em Sau khi công an giải cứu thành công cháu Phạm Xuân Trường trao trả cho gia đình, chiều 10/11, ông Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bằng mọi giá sẽ cho lắp ngay hệ thống camera theo dõi ở tất cả các ngõ, ngách, khoa phòng của bệnh viện, phòng khi nhỡ có xảy ra sự...