Sắp xét xử đường dây làm CCCD ‘dịch vụ’ ở Gò Vấp
Từ phản ánh của PV Pháp Luật TP.HCM, đường dây làm CCCD ‘dịch vụ’ đã bị đưa ra ánh sáng.
Dự kiến ngày 12-3 tới, TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) sẽ đưa các bị cáo trong đường dây làm CCCD “dịch vụ” ra xét xử sơ thẩm. Đây là vụ án bị phanh phui từ phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM.
Bị cáo Lê Ngọc Minh (từng công tác tại Tổ cấp CCCD thuộc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp) bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ theo điểm b và đ khoản 2 Điều 354 BLHS.
Các bị cáo Lê Minh Hiếu, Phạm Đăng Vinh, Vũ Văn Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Mai và Trần Nguyễn Lưu Đức Hòa bị đưa ra xét xử về tội môi giới hối lộ theo Điều 365 BLHS.
Phá án từ phản ánh của PV
Theo cáo trạng, ngày 26-4-2022, PV THN của báo Pháp Luật TP.HCM phát hiện tài khoản Facebook “Hanh Vũ” (tên thật là Vũ Văn Hạnh) đăng thông tin có thể làm CCCD 3-5 ngày.
Từ phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM, đường dây làm CCCD “dịch vụ” đã bị phanh phui. Ảnh: SONG MAI
PV liên hệ với Hạnh và được báo giá 3,5 triệu đồng. Hạnh hẹn PV lúc 10 giờ ngày 28-4-2022 tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp sẽ có người hướng dẫn làm nhanh CCCD.
Như thỏa thuận, PV đến nơi và gặp Lê Ngọc Minh để làm thủ tục cấp CCCD. Sau khi làm xong, Hạnh nhắn tin cho PV biết chiều 4-5-2022 sẽ nhận được CCCD gắn chip.
PV báo cáo sự việc với Ban Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Báo có công văn gửi Công an TP.HCM.
Video đang HOT
Công an TP.HCM đã mời Lê Ngọc Minh đến làm việc. Minh khai được phân công lăn tay và kỹ thuật máy tính (nhập thông tin, chỉnh sửa và truyền dữ liệu).
Trong quá trình thực hiện cấp CCCD gắn chip điện tử, do số lượng quá nhiều (2.000-3.000 hồ sơ/ngày) nên ngay sau khi Tổ cấp CCCD chỉnh sửa thông tin của người dân làm CCCD cho đúng mẫu thì cuối ngày sẽ chuyển dữ liệu đã nhận trong ngày ra Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an trước rồi mới lập danh sách để lãnh đạo ký sau để kịp tiến độ.
Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, Minh nhận thấy việc chuyển dữ liệu làm CCCD gắn chip điện tử ra Cục C06 có khe hở; nhiều người nhờ làm và tra cứu thông tin nhanh; từ đó Minh nảy sinh ý đồ thu lợi bất chính từ việc này.
Móc nối với các đối tượng môi giới để hưởng lợi
Người môi giới sẽ giới thiệu các trường hợp muốn làm CCCD nhanh (3-7 ngày), bỏ qua bốc số thứ tự. Những trường hợp Minh nhận làm dịch vụ sẽ được nhập chung vào danh sách của Tổ cấp CCCD đã nhận trong ngày để chuyển tất cả về Cục C06. Sau đó, Tổ cấp CCCD nhận được CCCD gắn chip làm xong từ Bộ Công an chuyển về, Minh sẽ chủ động tìm những CCCD đã được nhờ và đưa cho các đối tượng môi giới liên hệ với người dân để lấy tiền.
Việc làm này của Minh là trái trình tự cấp, đổi, cấp lại CCCD được quy định tại Thông tư 60/2021 của Bộ Công an. Tính từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 5-2022, Minh đã móc nối, liên hệ với sáu người môi giới để cấp CCCD nhanh, nhận tiền chia nhau tiêu xài.
Tính đến ngày bị phát hiện, tổng số tiền Minh nhận hối lộ từ các đối tượng môi giới là 84,2 triệu đồng. Phạm Đăng Vinh, Lê Minh Hiếu, Vũ Văn Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trần Nguyễn Lưu Đức Hòa đã môi giới hối lộ cho Minh số tiền từ 1,4 đến 46 triệu đồng và hưởng lợi từ 1 đến 32,5 triệu đồng.
Theo cáo trạng, những người nhờ và đưa tiền làm nhanh CCCD gắn chip điện tử không nhận thức được việc đưa tiền để làm nhanh là sai quy định. Hành vi của họ tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm, không cần thiết phải xử lý hình sự. Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với họ.
Đang xem xét xử lý trách nhiệm của nhiều người
Nhiều người công tác tại Công an quận Gò Vấp đã nhờ và được Minh giúp làm nhanh CCCD gắn chip điện tử, tra cứu thông tin làm CCCD cho người thân. Họ không đưa tiền cho Minh nên hành vi của họ không cấu thành tội đưa hối lộ.
Đối với lãnh đạo Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp, do chỉ tiêu chung cần phải đẩy nhanh tiến độ làm CCCD gắn chip điện tử cho người dân theo Đề án 06 nên buông lỏng quản lý trong việc xét duyệt danh sách làm CCCD gắn chip. Công an quận Gò Vấp đang xem xét xử lý trách nhiệm của lãnh đạo đội.
Mẫu thẻ căn cước mới do Bộ Công an đề xuất áp dụng từ 1-7 có gì nổi bật?
Mẫu thẻ căn cước mới được Bộ Công an đề xuất áp dụng từ 1-7-2024 có nhiều thay đổi nhằm phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước mới.
Bộ Công an vừa công bố và đưa ra lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước.
Theo đó, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất về mẫu thẻ căn cước theo Luật Căn cước 2023 sẽ áp dụng từ 1-7-2024.
Mặt trước của mẫu căn cước mới được đề xuất áp dụng cho người từ 6 tuổi. Ảnh: BCA
Cụ thể, về hình dáng và kích thước của thẻ căn cước cơ bản vẫn giống như CCCD hiện nay. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt CCCD sẽ có những thay đổi theo quy định của Luật Căn cước.
Trên nền mặt trước của mẫu, chữ CCCD sẽ chuyển thành căn cước; số sẽ chuyển thành số định danh cá nhân.
Hai mục là quê quán được chuyển thành nơi đăng ký khai sinh và nơi thường trú được chuyển thành nơi cư trú. Hai mục này nằm ở mặt sau của thẻ căn cước thay vì mặt trước như CCCD hiện nay. Ngoài ra, mã QR code cũng chuyển về mặt sau của thẻ căn cước.
Mặt sau của mẫu căn cước mới được đề xuất áp dụng từ 1-7. Ảnh: BCA
Các thông tin về đặc điểm nhận dạng, vân tay của ngón trỏ trái và phải cũng không còn thể hiện trên thẻ căn cước...
Riêng mã QR được quy định có kích thước 11mm x 11mm, bao gồm những thông tin họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số chứng minh nhân dân 9 số của người được cấp thẻ (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).
Thẻ căn cước được sản xuất bằng chất liệu nhựa, được bảo an. Bộ phận lưu trữ thông tin là mã QR code và chíp điện tử được gắn ở mặt sau thẻ căn cước. Các thông tin lưu trữ trong chíp điện tử của thẻ căn cước được mã hóa bằng phương pháp sử dụng thuật toán và tham số mật mã.
Mặt trước của mẫu căn cước mới được đề xuất áp dụng cho người từ 0 đến 6 tuổi. Ảnh: BCA
Vẫn theo đề xuất của Bộ Công an, sẽ có hai mẫu căn cước được xem xét cấp cho người 0-6 tuổi và người từ 6 tuổi trở lên. Riêng mẫu dành cho người 0-6 tuổi sẽ không thể hiện ảnh trên thẻ căn cước.
Đối với mẫu giấy chứng nhận căn cước sẽ có hình chữ nhật, kích thước 125 x 170 mm. Trên giấy chứng nhận căn cước có ảnh của người được cấp giấy chứng nhận căn cước cỡ 25 x 33 mm; Mã QR code kích thước 18 x 18 mm; Ô vân tay ngón trỏ trái; Ô vân tay ngón trỏ phải.
Mẫu giấy chứng nhận căn cước được đề xuất sử dụng từ 1-7. Ảnh: BCA
Bên phải từ trên xuống sẽ có thông tin về số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; họ, chữ đệm và tên cha.
Tiếp đó là quốc tịch; họ, chữ đệm và tên mẹ; quốc tịch; họ, chữ đệm và tên vợ (chồng); quốc tịch; họ, chữ đệm và tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ; quốc tịch; thời hạn sử dụng đến; ngày, tháng, năm...
Nói về sự cần thiết của việc ban hành thông tư này, theo Bộ Công an là nhằm thực hiện nội dung quy định của Luật Căn cước mới sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024 cũng như thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Thông tư này được áp dụng với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; công an các đơn vị, địa phương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; công tác thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước theo quy định tại Thông tư này.
Truy tố nguyên Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh Ngày 1/7, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phan Minh Tân - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Cùng bị...