Sắp xếp việc nhà, tham gia phòng dịch
Từ khi Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu ( Nghệ An) được giao nhiệm vụ tiếp nhận công dân từ các vùng dịch về cách ly, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, ở khối 1, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu luôn hăng hái, nhiệt tình, tự nguyện cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị chăm sóc, giúp đỡ người thực hiện cách ly.
Nhà chị Yến gần cơ quan quân sự huyện Quỳnh Lưu. Khi biết huyện nhà chuẩn bị tiếp nhận công dân từ các vùng dịch về cách ly, chị suy nghĩ, lúc này cả nước đang quyết liệt phòng, chống dịch, mình cần phải làm gì để góp phần đẩy lùi “giặc” Covid-19, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.
Một hôm, chị Yến đến nhà đồng chí Hồ Sỹ Nguyệt, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cầu Giát, đề nghị được tham gia chống dịch. Ngay sau đó, chị Yến được lãnh đạo thị trấn giới thiệu với Ban CHQS huyện bổ sung vào lực lượng tham gia giúp đơn vị phục vụ công dân cách ly.
Tại đây, chị Yến cùng với nhiều bà con trên địa bàn và cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện đảm nhiệm công tác hậu cần, từ phục vụ cơm nước hằng ngày cho hàng trăm người về cách ly, quét dọn vệ sinh, đến tiếp nhận lương thực, thực phẩm do bà con đóng góp…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến chế biến thực phẩm phục vụ người cách ly.
Thời gian đầu, số lượng người phục vụ ít, trong khi khối lượng công việc nhiều, cơ sở vật chất còn thiếu nên mọi người làm việc rất vất vả. Khi biết huyện Quỳnh Lưu chuẩn bị mở thêm điểm cách ly ở xã Quỳnh Hoa, đón khoảng 200 công dân từ vùng dịch trở về, chị Yến không khỏi lo lắng về người phục vụ và cơ sở vật chất hậu cần, vì khu cách ly mới nằm cách Ban CHQS huyện khá xa.
Video đang HOT
Sau khi trao đổi với chỉ huy đơn vị về những khó khăn đó, chị tình nguyện đi vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn thị trấn Cầu Giát, xin ủng hộ cả về vật chất cũng như nhân lực tham gia phòng, chống dịch. Ban ngày chị đi làm, tối chị đến từng ngõ, gõ từng nhà để vận động.
Điều đáng mừng là đi đến đâu chị cũng được người dân ủng hộ và tham gia tích cực. Ngoài ra, còn có 12 cơ quan, đơn vị đăng ký hỗ trợ: Bàn ghế, bát, đĩa, nồi, xoong, chảo, bếp ga công nghiệp, tủ đông, rạp che nắng che mưa, quạt cây, in ấn băng rôn tuyên truyền và 3 xe ô tô tải lưu động…
Từ ngày tham gia công việc này, ngày nào chị Yến cũng thức khuya, dậy sớm, vừa chủ động lo cơm nước cho chồng con và mẹ già, vừa hoàn thành tốt công việc được phân công. Ngày nào cũng vậy, khi công việc ở khu cách ly hoàn thành, chị về đến nhà thì mọi người đã đi ngủ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Yến bộc bạch: “ Sức khỏe của mình không được tốt, nhiều hôm đi làm về người đau ê ẩm, nhưng được chồng con động viên và thấy việc làm của mình góp phần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, nên mình càng cố gắng”.
Đại úy Bùi Duy Hiếu, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật, Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu cho rằng: “Việc làm tự nguyện của chị Yến và nhiều hộ dân trên địa bàn càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong đợt cao điểm phòng, chống dịch”.
Được biết, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến từng là giáo viên tiếng Anh, nhưng sau một vụ tai nạn, sức khỏe giảm sút, không thể đứng lớp, chị xin nghỉ ở nhà giúp chồng kinh doanh. Ngoài thời gian phụ giúp chồng phát triển kinh tế gia đình, chị còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo trên địa bàn, được bà con nhân dân địa phương quý mến.
Bài và ảnh: TƯỜNG HIẾU – HOÀNG KỲ
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N6 từ giết mổ không được kiểm soát
Mặc dù trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N6 tại 5 xã song việc giết mổ gia cầm tại các chợ vẫn không được kiểm soát. Đây là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lớn làm bùng phát dịch cúm gia cầm nguy hiểm này.
Quỳnh Lưu là địa phương đầu tiên ở Nghệ An xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N6. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, virus cúm H5N6 lây lan và bùng phát rất nhanh trên đàn vật nuôi và có khả năng lây bệnh sang người. Tuy nhiên, sau khi trên địa bàn xuất hiện dịch, việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm tại đây vẫn chưa được quan tâm, kiểm tra nghiêm ngặt.
Quan sát tại 1 hộ dân chuyên mua bán gia cầm ở khối 4, thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), chúng tôi ghi nhận có rất nhiều thương lái chở từng xe ngan, vịt đến đây để bán lại cho cơ sở. Việc giết mổ gia cầm tại đây không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Toàn bộ nước thải phục vụ giết mổ gia cầm đều chảy xuống kênh. Điều đáng nói khu giết mổ này nằm giáp với trung tâm chợ Giát nên nếu không có sự kiểm tra về nguồn gốc gia cầm thì nguy cơ lây lan dịch cúm là rất cao.
Điểm bán gia cầm lớn tại chợ Giát. Ảnh: Việt Hùng
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hàng trăm hộ gia đình giết mổ gia cầm nhỏ, lẻ với hàng nghìn con xuất ra thị trường mỗi ngày. Theo tìm hiểu, tại các điểm chợ lớn như: chợ Giát, chợ ngã tư Giát, chợ Quỳnh Ngọc, chợ Ngò... đang bày bán gia cầm rất nhiều. Tuy nhiên, không ai có thể biết được trong số đàn gia cầm được bán trên thị trường có biểu hiện dịch hay không? Đối với gia cầm đã qua giết mổ thì không có bất kỳ sự kiểm soát của cơ quan thú y nên đây là điều đáng lo ngại về sự lây lan dịch cúm.
Ông Trần Minh Quân - Quyền trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 1,7 triệu con gia cầm đang được chăn nuôi trong dân. Địa phương hiện chưa có lò giết mổ gia cầm tập trung, nên số gia cầm bày bán ở các điểm chợ đều do bà con tự thu mua về rồi giết mổ để bán. Trong thời điểm đang xảy ra dịch cúm H5N6, việc buôn bán và giết mổ gia cầm nhỏ, lẻ xuất phát tại các nhà dân dễ là nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Mỗi ngày, gia đình bà Phạm Thị Loan ở khối 1, phường Vinh Tân (TP. Vinh) giết mổ khoảng 300 con gia cầm. Ảnh: Phú Hương
Ngoài việc giết mổ không được kiểm soát trên địa bàn thì gia cầm từ Quỳnh Lưu còn được vận chuyển đi nhiều địa phương khác, trong đó có thành phố Vinh. Khối 1, phường Vinh Tân, TP Vinh được coi là điểm tập trung giết mổ gia cầm lớn nhất trên địa bàn với trên 80 hộ chuyên làm dịch vụ giết mổ gia cầm; ngoài ra, tại khối Vĩnh Mỹ và Yên Giang có gần 20 hộ hành nghề, đưa tổng số hộ làm nghề này trên địa bàn toàn phường lên tới trên 100 hộ.
Mỗi ngày, gia đình bà Phạm Thị Loan ở khối 1, phường Vinh Tân giết mổ bình quân 300 con gia cầm, cả gà, vịt, ngan và ngỗng. "Tôi mua gà từ các trang trại ở trong tỉnh rồi về thịt và nhập cho các chợ, nhà hàng. Hoặc các nhà hàng đưa gà sống đến thuê làm thịt. Thấy họ nói gia cầm đều đã qua kiểm dịch nhưng tôi không xem giấy mà chỉ nghe nói vậy. Còn những người đưa đến 5 - 10 con thì hoàn toàn không có, mà chỉ xác định gà khỏe dựa trên cảm quan", bà Loan cho biết.
Bà Đỗ Thị Hà - chợ Hưng Dũng tự tin có thể phân biệt được gà khỏe và gà bị ốm. Ảnh: Phú Hương
Tại các chợ trên địa bàn thành phố Vinh, tình trạng giết mổ gia cầm cũng diễn ra sôi động không kém "làng giết mổ" ở Vinh Tân. Theo quan sát của phóng viên, các điểm giết mổ này đều mất vệ sinh, lông gà, lông vịt, chất thải, phân gà vừa được giết mổ xong chảy tràn lan, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Từ ngày 5/2 đến nay, trên địa bàn Nghệ An, đã xảy ra dịch cúm gia cầm H5N6 chưa qua 21 ngày tại 5 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu là Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng và mới đây là xã Quỳnh Ngọc. Tổng số gia cầm buộc tiêu hủy trên 700 con.
Theo ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong khi cả tỉnh đã có 58 cơ sở giết mổ gia súc, thì lĩnh vực giết mổ gia cầm lại hoàn toàn chưa có. Người dân tự mua về giết mổ hoặc ra chợ mua và thuê giết luôn tại chợ. Điều này không những làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây nhiễm cúm gia cầm cho cả người giết mổ, người trong chợ và người tiêu dùng, làm phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm. Mầm bệnh có thể tồn tại trong phân, phát tán trong môi trường, không khí, đặc biệt nguy hiểm khi con người có thể bị lây nhiễm từ dịch bệnh này.
Việt Hùng - Phú Hương
Theo baonghean.vn
Hai vụ tai nạn trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Nghệ An khiến 4 người thương vong Trong sáng ngày 30/11, 2 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Thông tin ban đầu cho biết, vào khoảng 3h sáng chiếc xe khách BKS: 43B - 024.74 do anh Trương Tấn Sơn (SN 1982, trú xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh...