Sáp nhập trường, phân công đúng định mức thì lương giáo viên, nhân viên sẽ tăng
Phân công giáo viên dạy đúng định mức, sáp nhập các trường học một cách khoa học, hài hòa thì nhân sự sẽ dôi dư nhiều, đầu tư cho cơ sở hạ tầng đỡ lãng phí…
Câu chuyện lương giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục đã được đề cập, bàn tới, bàn lui rất nhiều lần.
Nhưng, có một thực tế là kinh tế đất nước còn khó khăn, biên chế ở ngành giáo dục- nơi đang có khoảng một nửa biên chế của cả nước hiện nay ở một số nơi lại đang rất lãng phí, dư thừa.
Vì thế, câu chuyện tăng lương cứ lãi loay hoay, có nhiều giáo viên vẫn chưa sống được bằng lương, đa phần nhân viên trường học vẫn sống bằng những đồng lương èo uột hàng tháng.
Lương công chức, viên chức thấp do chúng ta đang lãng phí quá nhiều về nhân sự – (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Chúng ta đang lãng phí trong việc sắp xếp biên chế ngành giáo dục
Nhìn vào tổng thể biên chế nhân sự của ngành giáo dục ở các địa phương, chúng ta thấy đang thừa thiếu cục bộ ở tất cả các cấp học. Đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học phổ thông tương đối ổn nhưng cấp trung học cơ sở ở đa phần các địa phương hiện nay lại đang thừa ở một số môn học.
Giáo viên nhiều môn học vẫn chưa dạy đủ định mức 19 tiết/ tuần vì trường thừa giáo viên. Vì thế, Ban giám hiệu nhà trường phải phân công nhiều công tác kiêm nhiệm cho giáo viên thiếu tiết mà đáng lẽ ra không cần thiết.
Chẳng hạn trường loại II, III không cần thiết phải phân công giám thị vì trường có Tổng phụ trách Đội, bảo vệ, giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban giám hiệu.
Nhiều trường còn bố trí giáo viên trực văn phòng, tiếp phổ cập, trong khi những công việc này cũng đều đã có chức danh, vị trí làm việc cụ thể. Nhưng vì “thừa giấy nên vẽ voi” để giáo viên đủ số tiết.
Thực tế, có những môn học ở trường trung học cơ sở thì giáo viên chỉ có định mức số tiết dạy thực tế trên lớp còn lại kiêm nhiệm những công việc không tên trong nhà trường.
Khi phân công như vậy, rất lãng phí cho nhà trường mà thực tế giáo viên vào trường làm những công việc “kiêm nhiệm” cũng chẳng mấy khi có việc để làm. Đến trường quanh quẩn hết tiết trực rồi về.
Khi bị phân công những công việc không tên như vậy, giáo viên cũng thấy nhàm chán nhưng rồi cũng phải đến trường. Một tiết thiếu bằng 3 tiết trực nhưng trực mà không có việc để làm thành ra cũng chủ yếu là đày đọa nhau cho hết giờ.
Ban giám hiệu nhà trường năm nào cũng loay hoay để giải bài toán này nhưng có lẽ cũng không hề đơn giản chút nào.
Nhiều trường cùng một cấp học trên cùng một địa bàn.
Đối với những phường ở các nơi đô thị lớn có nhiều trường mầm non, tiểu học công lập là điều bình thường vì mật độ dân số đông, số học sinh nhiều.
Nhưng, một số địa phương mật độ dân số thấp, số học sinh ít nhưng vẫn đang tồn tại một xã có nhiều trường, điểm trường tiểu học- dù có những trường chưa đến 10 lớp học.
Thực tế trước đây, khi mà đường xá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, phải qua sông, qua đò thì việc lập nhiều trường, điểm trường là cần thiết.
Thế nhưng, nhiều năm nay thì hệ thống đường sá khá tốt giữa các địa bàn. Sông ngòi, kênh rạch đều đã có cầu bắc qua, điều kiện đi lại của người dân thuận tiện, kinh tế cũng khá lên.
Vậy nhưng, tình trạng mỗi xã có đến 3-4 trường tiểu học vẫn đang tồn tại khá phổ biến tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thì rất lãng phí.
Video đang HOT
Sự lãng phí này được thể hiện ở chỗ mỗi trường dù quy mô lớn hay nhỏ thì địa phương cũng phải bố trí quỹ đất. Cũng phải có Ban giám hiệu nhà trường và tất cả các chức danh trong trường học.
Những chức danh này dù trường lớn hay nhỏ thì chế độ tiền lương cũng như nhau. Những thành viên Ban giám hiệu chỉ chênh lệch vài trăm ngàn tiền phục cấp đối với các loại trường mà thôi.
Còn chế độ lương của Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên nhà trường thì hệ số, chế độ ưu đãi đều giống nhau nhưng công việc rõ ràng lại rất khác nhau.
Tinh giản, sắp xếp lại biên chế, sáp nhập trường cùng cấp học là điều cần thiết.
Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới thì cấp trung học cơ sở vẫn là cấp học dễ phát sinh dư thừa giáo viên nhiều nhất.
Môn Tin học giảm đi 1 tiết so với hiện hành, môn Sử, Địa thành môn Lịch sử và Địa lý, môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên. Bây giờ các môn này đang thừa nhiều nhất, khi dạy các môn tích hợp trong những năm tới thì giáo viên còn dư thừa nhiều hơn.
Trong khi, cấp tiểu học có khả năng sẽ thiếu vì phải dạy 2 buổi. Vì thế, giải pháp đưa giáo viên trung học cơ sở xuống dạy một số môn ở tiểu học thì ngành giáo dục và các địa phương cũng cần phải tính đến để không phải tuyển thêm ở tiểu học.
Vì tiểu học có môn Tin học (chương trình hiện hành không có) và các môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý thì hiện nay do giáo viên chủ nhiệm lớp đảm nhận.
Ngoài ra, từ nay đến 1/7/2020 thì Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực và yêu cầu về chuẩn đào tạo. Vì thế, đối với những giáo viên chưa đủ chuẩn nhưng không muốn học tập nâng cao hoặc yếu về chuyên môn cũng là lúc các địa phương có thể tiến hành tinh giản biên chế theo các hướng dẫn hiện hành.
Đối với những trường nhỏ dưới 10 lớp nên sáp nhập lại với những trường cùng cấp học trên cùng địa bàn, thậm chí sáp nhập liên cấp (tiểu học với trung học cơ sở và trung học cơ sở với trung học phổ thông) bởi thực tế các trường liên cấp như thế này vẫn đang khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện việc sáp nhập ở khối trường trung học phổ thông và chúng ta thấy công việc này cũng khá ổn, không gây xáo trộn nhiều.
Vì vậy, nếu ngành giáo dục ở các địa phương trên cả nước cùng thực hiện đồng bộ về phân công giáo viên dạy đúng định mức, sáp nhập các trường học một cách khoa học, hài hòa thì nhân sự sẽ dôi dư nhiều, đầu tư cho cơ sở hạ tầng đỡ lãng phí thì đương nhiên việc chi tiêu ngân sách sẽ hiệu quả.
Nhất là từ 2021 thì chế độ tiền lương sẽ có nhiều thay đổi khi chúng ta thực hiện việc khoán lương ở các đơn vị. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng làm tốt các công việc này thì lương giáo viên, nhân viên đương nhiên cũng sẽ được nâng lên đáng kể.
Lúc ấy, cho dù công việc có vất vả hơn nhưng tăng thêm thu nhập thì có lẽ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng đỡ phải than van chuyện lương thấp và hạn chế được tình trạng một số vị trí “sáng cắp ô đi, tối cắp về” như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua…
Phản ứng trái chiều về bài viết "Nhân viên trường học có vất vả thật không?"
Đã có không ít Ban giám hiệu lợi dụng nhân viên để bắt họ làm những công việc không tên, những công việc không thuộc trách nhiệm của họ...
Bài viết "Nhân viên trường học có vất vả thật không?" của tác giả Đăng Bình đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 20/4 đã nhận được phản ứng trái chiều của dư luận bạn đọc.
Học sinh đến thư viện đọc sách chủ yếu vào giờ ra chơi (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Rất nhiều ý kiến cho rằng tác giả viết bài không am tường thực tế, chỉ nói theo lý thuyết nên những nhận định đưa ra là không đúng. Vì, nhân viên trường học luôn vất vả, bận rộn nhưng thu nhập lại quá thấp.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến tỏ ra đồng tình và nói bài viết phản ánh đúng sự thật 100%, có người còn cho rằng thực tế bên ngoài nhân viên trường học còn nhàn hơn thế nữa.
Những ý kiến đồng tình với bài viết
Bạn Nguyễn Quyên nêu quan điểm: "Tôi đoán không nhầm thì tác giả bài viết là giáo viên nên hiểu rõ sự việc".
Bạn Tu Let nói: "Nhân viên thư viện ngồi chơi xơi nước thôi, bài viết đúng đấy. Nói 8 tiếng chứ nhân viên hành chính trường học ai làm 8 tiếng? Bài viết đúng thực tế, ví dụ như ở trung học cơ sở học sinh chỉ học buổi sáng, chiều học thêm thì nhân viên thư viện, thiết bị chiều đến làm gì?".
Bạn Lê Khánh: "Bài viết quá đúng. Nơi chúng tôi nhân viên ngày làm khoảng 6 tiếng rồi về mà còn đòi hỏi gì nữa? 3 tháng hè các vị cũng có làm đâu? Mà có làm cũng chẳng việc gì để làm trừ nhân viên kế toán".
Bạn Minh Minh nói rất rõ tại tỉnh Đắk Lắk: "Trương tôi câp 2 co 12 lơp, hoc 1 buôi nên nhân viên chi đi 1 buôi. Sang 7 giơ 30 vao trương, đên 10 giờ 30 thi vê. Vi trương nho nên nhân viên như thiêt bi, thư viên....cung chăng co viêc gi đê lam.
Thê nhưng lương cua ho cung chăng thâp đâu nhe, 4,5tr/thang chư it gi? Thư hoi moi ngươi lương nhân viên như vây la thâp hay cao trong khi thời gian, công sưc bo ra như thê?".
Bạn Nguyễn Nhật Đãng khẳng định: "Tác giả nói rất thật. Vị trí công việc với bằng trung cấp thì chỉ được xếp bậc lương cán sự, thì ở cơ quan, doanh nghiệp nào cũng thế thôi.
Nếu so với giáo viên tốt nghiệp đại học chắc chắn thấp hơn nhiều vì họ còn có thêm các phụ cấp.
Thời gian vất vả của nhân viên trường học ít thôi. Vất vả nhất là gò bó về thời gian 8 tiếng so với giáo viên.
Ai thấy phù hợp thì nên yêu nó, còn không hãy nhường việc đó cho người khác".
Bạn Bão Quân: " Tôi công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên ở tỉnh lớn. Đứng góc độ cơ quan, tôi thấy nhân viên thiết bị tương đối nhàn vì giáo viên không dùng thiết bị mấy, chỉ khi vào mùa thao giảng dự giờ mới dùng đến.
Sáng 7 giờ 30 phút đi, về 11giờ, chiều 2 giờ đi nhưng 4 giờ đã về. Còn nhân viên y tế quản lý một tủ thuốc có vài ba loại thuốc thông thường chẳng mấy khi dùng đến với 2 cái giường ngủ cho học sinh phòng khi nhức đầu, đau bụng.
Sáng 7 giờ đến về 10 giờ 30 phút, chiều không đi làm vì trường không có dạy buổi 2. Nhân viên thư viện đã giải tán vì học sinh không bao giờ lên thư viện (do thư viện được xếp vùng xa xôi lầu 4 nên chả học sinh nào thèm mò đến).
Bạn My Leo nói rằng: "Mình không biết cấp 1, 2, 3 như thế nào nhưng bài viết này đúng với trường đại học mình dạy. Một số nhân viên đặc biệt, nhân viên thư viện thực sự rất nhàn. Nên cần có biện pháp tốt hơn".
Bạn Đặng Trí Dũng khẳng định: "Bài viết rất hay, nhà trường biết vậy nhưng cứ loay hoay vì cái biên chế theo thông tư bộ ban hành nên khó xếp dồn công việc được. Nhân viên trường học có mặt nhưng không giải quyết công việc một cách chủ động mà chờ Ban giám hiệu nhắc mới làm, còn thì tìm cách lãng công, thậm chí bày cờ tướng ra chơi nữa!".
Bạn No NaMe cho biết: "Những nhiệm vụ cần làm của nhân viên thư viện là đúng nhưng không phải làm mỗi ngày. Nhân viên thư viện những trường mà tôi biết và đã công tác thì giống như bài viết đã nói. Hằng ngày, vô trường lên mạng nghe nhạc, xem phim..hết giờ thì về. Khi nào cần báo cáo thì có mẫu sẵn, nhập vào số liệu thôi. Bạn đừng kể ra kiểu như không ai hiểu về nó".
Bạn Nguyễn Phúc Huy nói rằng: " Tôi vừa là giáo viên đứng lớp vừa kiêm nhân viên thư viện nè bạn. Tôi trực thư viện 3 buổi/ tuần, tuy nhiên có những việc ngoài giờ hành chính vẫn liên quan đến thư viện:
Sắp xếp sách theo danh mục, nhập sổ sách mới, cho mượn sách, thống kê lượng bạn đọc, ghi chép tên học sinh/giáo viên mượn sách, lên kế hoạch hàng tháng, đề xuất mua sách mới, thống kê sách cũ, lập bảng thống kê sách và thanh lý cuối năm, ... Ngần ấy ấy việc với vai trò nhân viên kiêm nhiệm thư viện đó bạn !".
Bạn Thanh Hà nói rằng: "Học sinh vào học là thời gian các vị nhân viên trường học tụm năm tụm ba ăn sáng, tám chuyện. Học sinh chưa về đã thấy các vị về rồi mà la mệt nỗi gì?".
Bạn DR.Lecture: "Tôi là 1 giáo viên, lãnh đạo cấp khoa 1 trường đại học. Tôi thấy ở trường tôi nhân viên ở 1 số phòng ban, giáo vụ khoa rất nhàn. Nên có chính sách riêng cho nhóm này. Tôi thấy bài viết đúng với cả trường đại học nơi tôi đang làm việc".
Bạn ToILa Toi: "Nhân viên thư viện trường tôi (THCS Tân An) - sáng 8 giờ vào 10 giờ về, chiều 14giờ vào 16 giờ về. 1 tuần nghỉ 2 buổi! Nhiều hay ít? Việc này tồn tại trên 10 năm rồi! Có sao đâu!".
Bạn Phong: "Tôi đang là giáo viên trung học phổ thông. Ở đâu không biết nhưng ở trường tôi nếu được chọn tôi sẵn sàng bỏ giáo viên để làm kế toán thậm chí đút lót thêm chút ít cũng được".
Bạn Hoangha: "Bài viết rất hay trong giải pháp đề xuất. Trên thực tế họ nhàn hơn rất nhiều so với bài viết của bạn".
Bạn Le Thuy: "Thật ra, có vất vả hay không còn do năng lực của kế toán nữa, có người chỉ 1 báo cáo mà làm đi làm lại mấy lần cũng chưa đúng, cả tháng có mấy báo cáo làm hoài không xong".
Bạn Phạm Dũng lại nói: "Các vị trong cuộc thì đương nhiên là thấy vất vả. Mà vất vả thật.
Nhưng đấy lại chẳng phải là do công việc vất vả mà là do kỹ năng và ý thức lao động của các vị dưới mức trung bình so với công việc tương tự ở các đơn vị khác ngoài xã hội.
Người ta làm một phút xong việc thì các vị mất đến 4 phút, chưa nói có vị còn làm rối tung công việc lên. Người làm vị trí tương tự ở doanh nghiệp chẳng hạn thì luôn sợ bị cho thôi việc nên luôn phải cố gắng để đáp ứng thu nhập được trả, còn các vị...".
Cần nhìn vào sự thật mới mong mức lương được cải thiện
Đó là ý kiến của bạn đọc ở nhiều trường và ở nhiều địa phương, chứng tỏ chuyện nhân viên trường học không vất vả là sự thật. Nhưng tại sao lại có quá nhiều bình luận tỏ ra bức xúc như vậy?
Bạn Quang Anh cho rằng: "Tất cả các bình luận (không đồng thuận với bài viết) đều bảo thủ khi người khác chọc vào quyền lợi riêng của mình. Nên xã hội khó tiến lên được".
Nếu đọc hết hàng trăm lời bình luận tỏ ra bức xúc với việc tác giả bài báo cho rằng nhân viên trường học làm việc nhàn và chưa đảm bảo thời gian quy định phần lớn là của chính các nhân viên nhà trường.
Gộp việc mới có cơ hội tăng lương
Sự phản ứng thái quá của các bạn chứng tỏ mọi người đã không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Ai cũng chỉ biết nhìn vào đồng lương ít ỏi để kêu than. Nhưng nếu vẫn để biên chế các vị trí nhân viên trường học nhiều như hiện nay thì mọi người đừng bao giờ mơ đồng lương có thể cải thiện.
Bạn Thanh Hà: "Ơ trương vất va và nhiêu viêc chỉ co kê toan va văn thư chuyên trach, con y tê, thiêt bi, thư viên thi đung la ranh viêc. Nên ghep 3 chưc danh nay thi giam đươc 2 suât lương. Co kinh phi tăng lương cho nhân viên
Bạn Hg Minh: "Tôi rất ủng hộ ý kiến bài viết của tác giả. Gộp việc, gộp lương tương xứng. Hiện tại nhóm nhân viên này ở các trường đang rất lãng phí, có trường tận 1 thư viện, 1 thiết bị, 1 y tế, 2 tạp vụ, 1 kế toán mà thủ quỹ lại là giáo viên".
Cần xác định rõ vai trò nhiệm vụ của từng vị trí
Tất nhiên vẫn sẽ có những nhân viên trường học bận rộn, vất vả như một số bạn nêu ý kiến. Thế nhưng sự vất vả, bận rộn ấy hoàn toàn không phải đến từ chính công việc của họ.
Đã có không ít Ban giám hiệu lợi dụng nhân viên để bắt họ làm những công việc không tên, những công việc không thuộc trách nhiệm của họ. Vì "thấp cổ bé họng", vì "sợ mất lòng cấp trên" nên ai nấy đều phải nín chịu làm hết. Điều này, đã làm cho công việc của nhân viên trường học thêm phần vất vả.
Ví như, có trường học bắt văn thư phô tô tài liệu, đề kiểm tra, đề ôn tập. Trường lớn, học sinh đông nên công việc phô tô cũng quá bận rộn. Thế nhưng mấy ai biết máy phô tô lại của riêng một nhóm người làm văn phòng như một hình thức kinh doanh bên ngoài.
Bởi thế, để giảm những công việc không tên, để không phải làm những công việc không đúng chức trách thì ngay từ đầu năm học các nhân viên nhà trường cần đồng lòng yêu cầu hiệu trưởng đọc rõ những nhiệm vụ của các vị trí.
Qua đó, các bạn sẽ thấy rõ những công việc cụ thể của mình và từ đó sẽ biết cách nói không với những việc bị phân công sai chức trách tránh.
Việt Đăng
Không thể bổ nhiệm nhân viên nhà trường làm hiệu trưởng được Chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra. Những ngày qua, trên Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh về đội ngũ nhân viên trường học của tác giả Bùi Nam và nhận...