Sắp hết phim nhưng ‘Hậu cung Như Ý truyện’ vẫn chưa thể tạo được thành công như ‘Chân Hoàn truyện’
Quả thật “Hậu cung Như Ý truyện” có rất nhiều yếu tố khiến phim không tạo được thành công lớn như “ Chân Hoàn truyện” đã làm cách đây 6 năm.
Chỉ còn chưa đầy 10 tập nữa thì Hậu cung Như Ý truyện sẽ kết thúc chặng đường. Tuy nhiên theo đại bộ phận khán giả cho biết thì Hậu cung Như Ý truyệnkhông thành công được như “tác phẩm chị em” Chân Hoàn truyện. Từ mặt kịch bản, diễn viên, thời gian chiếu đều “kìm hãm” sự thành công của Như Ý truyện. Hãy cùng chúng tôi xem vì sao Như Ý truyện không thể thành công như Chân Hoàn truyện nhé!
Phim bị cắt xén, nội dung dài dòng và lan man
Kể từ khi bắt đầu quay cho đến khi đi xin xét duyệt cho chiếu, nhà sản xuất Như Ý truyện vẫn luôn “chấp niệm” về việc phim sẽ phải chiếu trên các đài lớn, chứ không thể để bom tấn đình đám này trở thành webdrama được. Khi đó, yêu cầu của Cục điện ảnh Trung Quốc đối với những phim cổ trang cung đấu chiếu đài rất chặt chẽ, Như Ý truyện đành phải cắt bỏ nhiều tình tiết phim, thay đổi các phân cảnh cho hợp lý.
Ban đầu Như Ý truyện có độ dài 99 tập, sau khi cắt xén nhiều tình tiết thì chỉ còn lại 87 tập. Chính việc bị cắt xén như vậy khiến cho nhiều tình tiết hay và đặc sắc nhất phim mất đi nhưng cuối cùng Như Ý truyện vẫn không thể chiếu đài, đành ngậm ngùi chiếu mạng.
Tuy bị cắt nhiều đoạn nhưng khán giả vẫn nhận xét rằng nội dung của Như Ý truyện quá lan man và dài dòng. Ngoài nữ chính Như Ý ra, phim còn kể về gần 30 vị phi tần của Càn Long, con cái của ông cùng một số nhân vật phụ khác. Đáng lý phim nên tập trung cho việc khắc họa cuộc đời của Như Ý và những sóng gió, đấu tranh nơi hậu cung thay vì quá chú trọng vào các nhân vật phụ khác vốn có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Những thủ đoạn nơi hậu cung không có gì quá khác biệt so với Chân Hoàn truyện, dễ tạo nên sự nhàm chán và khán giả sẽ thấy như vậy quá dài dòng.
Nhân vật Như Ý và Càn Long: Người quá hiền, kẻ quá ác
Cả cuộc đời trong hậu cung, bị hãm hại bao nhiêu lần nhưng Như Ý vẫn “hiền, hiền nữa, hiền mãi”. Ngoài việc cao giọng và nói “ Ta chính là hoàng hậu” ra mỗi khi xử phạt răn đe các phi tần khác thì Như Ý dường như chẳng làm việc gì quá hơn việc này.
Chính Châu Tấn đã thừa nhận là cô thay đổi kịch bản phim, cho rằng hoàng hậu không nên giết người, không nên quá độc ác. Nhưng đó chỉ là cảm nhận của Châu Tấn, khán giả lại không muốn điều này. Điều mà họ cần là một Như Ý mạnh mẽ, sẵn sàng “trả đũa” những kẻ rắp tâm ám hại mình chứ không phải ngồi yên như thế. Như Ý cứ mãi hiền lành khiến nhiều người cảm thấy chán ngán và thậm chí là bỏ phim.
Trong khi Như Ý quá hiền lành thì Càn Long của Hoắc Kiến Hoa càng ngày càng ác, trăng hoa và bạc tình. Bản tính đa nghi khiến Càn Long không thể tin tưởng bất kỳ ai, kể cả người mà ông yêu nhất, đó là Như Ý. Hình ảnh Càn Long “có trăng quên đèn”, thẳng tay tát Như Ý và các phi tần khác khiến khán giả rất ác cảm với nhân vật này. Chính vì thế mà Càn Long bị ghét nhất phim, ai cũng cầu cho Như Ý nhanh cắt tóc đoạn tuyệt với người đàn ông này.
Tạo hình trong phim
Video đang HOT
Có lẽ có rất nhiều khán giả đã ngay lập tức từ bỏ Như Ý truyện khi nhìn thấy tạo hình “màu mè hoa lá” của các nhân vật trong vài tập đầu tiên. Tuy bên nhà sản xuất đã đính chính tạo hình này khớp với lịch sử nhưng điều mà khán giả mong muốn là sự “vừa mắt” chứ không phải là “hoa mắt”. Bên cạnh đó, cách makeup khiến cho Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa trở nên già dặn như ở tuổi trung niên dù khi đó nhân vật của hai người mới 18 đôi mươi.
Thời điểm chiếu không hợp lý
Chiếu vào thời điểm nào là yếu tố cũng rất quan trọng có tác động đến thành bại của phim. Chính vì quá mong muốn chiếu đài nên thời gian chiếu của Như Ý truyện bị hoãn lại rất nhiều lần, phải sau 2 năm kể từ lúc khai máy mới được lên sóng. Nhưng rõ ràng cố gắng mất bao nhiêu công sức thì vẫn không thể chiếu đài, đành ngậm ngùi chiếu mạng.
Quay trước nhưng lại phải chiếu sau Diên Hi công lược, đó là lý do khiến Như Ý truyện không thể thành công như dự kiến. Diên Hi công lược đang làm mưa làm gió trên màn ảnh thì Như Ý truyện mới rục rịch chiếu, tầm ảnh hưởng quá lớn của Diên Hi công lược khiến Như Ý truyện trở nên mờ nhạt. Hôm đầu tiên, lượt xem online của Như Ý truyện chỉ bằng 1/10 Diên Hi công lược.
Vào đỉnh điểm, mỗi ngày Diên Hi công lược có hơn 600 triệu lượt xem, gấp đôi của Như Ý truyện. Ngoài Diên Hi công lược, Như Ý truyện còn đụng độ với Hương mật tựa khói sương càng khiến phim lép vế hơn hẳn. Dù sau đó Diên Hi công lược và Hương mật tựa khói sương đều lần lượt kết thúc, nhường lại sân chơi cho Như Ý truyện nhưng Như Ý truyện vẫn chẳng thể làm gì hơn được.
Kết:
Như Ý truyện không thành công như dự kiến nhưng công ty sản xuất là Tân Lệ dường như vẫn không bỏ cuộc. Để tiếp tục với “đế chế” cung đấu, Tân Lệ đang sản xuất bộ phim Hi phi truyện, nói về cuộc đời của Chân Hoàn trong Chân Hoàn truyện. Theo bạn thì liệu Hi phi truyện có thể xóa đi cú “flop” của Như Ý truyệnkhông?
Theo Saostar
Diên Hi Công Lược hay Như Ý Truyện hấp dẫn đến mấy vẫn thua "tượng đài cung đấu" Thâm Cung Nội Chiến
Mùa hè năm nay thể loại phim được quan tâm nhiều nhất chính là phim cung đấu, bởi độ nóng của Diên Hi Công Lược và Như Ý Truyện. Nhưng Thâm Cung Nội Chiến mới là đỉnh cao của dòng phim này.
Diên Hi Công Lược hay Hậu Cung Như Ý Truyện chính là những từ khoá "hot" nhất mùa hè năm nay với cộng đồng yêu phim Hoa ngữ. Cũng nhờ hai bộ phim này mà thể loại "phim cung đấu" được đại chúng quan tâm hơn. Những tượng đài trong dòng phim cung đấu cũng được nhắc đến liên tục như Chân Hoàn Truyện, Cung Tâm Kế, Vạn Phụng Chi Vương, Mỹ Nhân Tâm Kế, Bộ Bộ Kinh Tâm... Và nếu bỏ qua Thâm Cung Nội Chiến thì thật thiếu sót, bởi đây chính là bộ phim đã khởi đầu cho thời kì hưng thịnh của dòng phim cung đấu, với đỉnh cao từ diễn xuất đến nội dung.
Tác phẩm duy nhất của TVB có sự tham gia của 4 ảnh hậu
Thâm Cung Nội Chiến có tên gốc là Kim Chi Dục Nghiệt, chơi chữ từ thành ngữ "kim chi ngọc diệp/lá ngọc cành vàng". Tựa phim ám chỉ những người phụ nữ cao quý bị trói chặt giữa âm mưu và dục vọng, mà ở đây chính là những bức tường đỏ của Tử Cấm Thành, nơi mà tất cả những nữ nhân đều muốn bước vào để leo lên cao rồi vô tình đánh mất bản thân giữa những âm mưu tàn độc. Tử Cấm Thành với đàn quạ đen lúc nào cũng chực gào lên những tiếng kêu đáng sợ đã trở thành một Tử Cấm Thành lạ lẫm nhưng cũng đau thương bậc nhất trong lịch sử phim cung đấu.
Đây cũng là tác phẩm duy nhất đến thời điểm này của TVB có sự tham gia của 4 ảnh hậu của đài: Đặng Tuỵ Văn, Lê Tư, Trương Khả Di và Xa Thi Mạn, khiến tên tuổi của họ càng được khẳng định không chỉ ở Hong Kong mà cả khu vực.
Thành công về chất lượng, hiệu ứng, tỉ suất xem đài của Thâm Cung Nội Chiến đã khiến giám chế Thích Kỳ Nghĩa thực hiện Hoả Vũ Hoàng Sa (Bão Cát), cũng được đánh giá rất cao hai năm sau đó. Công bằng mà nói, những Hoa Phi, Chân Hoàn, Nghi Tu Hoàng hậu hay Như Ý, Lệnh phi, Cao quý phi sau này đều không thể nào qua được Ngọc Dinh, Nhĩ Thuần, An Xuyến hay Như phi của Thâm Cung Nội Chiến. Và, cũng không phim cung đấu nào có hai nhân vật nam hay ho như Tôn Bạch Dương (Lâm Bảo Di) và Khổng Võ (Trần Hào).
Phim cung đấu đỉnh cao không thể thay thế
Thâm Cung Nội Chiến có gì khác biệt so với những phim hậu cung tranh sủng khác mà lại được gọi là đỉnh cao? Tất nhiên là vì những chiêu trò, mưu lược của những người đàn bà trong cung với một mong muốn duy nhất là chiếm được ngôi cao. Tuy nhiên, điều tạo nên giá trị ở Thâm Cung Nội Chiến và xây dựng được sự chiêm nghiệm của khán giả lại nằm ở câu hỏi "tranh giành, đoạt lấy để làm gì?". Câu hỏi này được vẽ ra một cách chậm rãi, từ tốn trong suốt 30 tập, để đến cuối phim, khi mà dấu chấm hỏi được viết ra xong xuôi cũng là lúc người xem hiểu rõ câu trả lời khó giải bày như thế nào. Rồi một cái tặc lưỡi tiếc rẽ, hoặc thương cảm, thế thôi.
Xa Thi Mạn trong vai Nhĩ Thuần
Nếu như ở những bộ phim cùng chủ đề, khán giả đã quá quen với việc các phi tần đấu đá, tranh sủng bằng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt trái tim thánh giá thì ở bộ phim này, giám chế Thích Kỳ Nghĩa đã khéo léo, hay chính xác là tài tình, giăng một tấm lưới vào hậu cung không chỉ để nhốt phi tần, tú nữ hay thái giám, cung nữ mà còn cả ngự y và hộ vệ. Chỉ với 5 nhân vật nam, 2 chính 3 phụ, câu chuyện tưởng chừng chỉ có phụ nữ biết với nhau trong hậu cung dần dần trở thành những âm mưu man trá khó lường, nhưng cũng thật bi thương với một đại kết cục sửng sốt đầy nước mắt.
Chắc chắn một khi đã thẩm thấu trọn vẹn những tình tiết và nhân vật trong phi thì cứ bất giác nhắc đến là bạn sẽ thấy đăng đắng trong cuống họng, bởi chữ "nhân" và chữ "tình". "Nhân" và "tình" trong Thâm Cung Nội Chiến hoá ra lại dày và nhiều hơn những gì khán giả tưởng tượng. Nó bị vùi trong những u mê và tính toán bên ngoài. Như Tử Cấm Thành trắng xóa giữa mùa đông, đến khi tuyết tan rồi cũng là lúc "nhân", "tình" ló diện, chỉ tiếc rằng lúc này nó chẳng còn được bao nhiêu bởi đã ngấm vào tuyết, tan vào đất quá nhiều.
Những đoạn đường mà Như Phi đã đi qua khó biết bao nhiêu, suy tư bà mang trong mình nhiều biết bao nhiêu, sự đấu tranh bà phải đối mặt cay đến thế nào ắt hẳn chỉ một mình bà hiểu. Bởi đến cuối cùng, bà vẫn là một người đàn bà ôm xác đứa con trách hận ông trời, là một người phụ nữ cam lòng buông tay với tình yêu, vì số mệnh của bà là ở đây - Tử Cấm Thành. Đây là một nhân vật rất hay và khó diễn, Đặng Tụy Văn đã có màn thể hiện quá sức tuyệt vời.
Như Phi của Đặng Tuỵ Văn chính là đỉnh cao diễn xuất
Bên cạnh đó, thứ mà khán giả thích thú nhất trong phim là những lần đấu đá giữa Ngọc Dinh và Nhĩ Thuần. Tranh giành quyết liệt bằng mọi mưu kế nhưng hoá ra họ đấu không chỉ vì cùng là tú nữ muốn Hoàng Thượng để mắt, không chỉ vì cùng là quý nhân muốn độc chiếm Thiên Nhan mà còn vì phải mang trên mình món nợ gọi là "gia đình", vì những cảm xúc tình yêu đeo mang ngoài ý muốn. Chẳng người nào trong hai người có thể biết trước được một Tôn Bạch Dương sẽ xuất hiện và lay động hai trái tim có nhiều gai nhọn.
Nếu Nhĩ Thuần có thể lạnh lùng bất chấp thủ đoạn thì Ngọc Dinh cũng biết dối trá chờ đợi thời cơ. Đôi vai Nhĩ Thuần một bên hy sinh vì nghĩa phụ, thái giám Từ Vạn Điền, một bên âm thầm hứng chịu những suy tư. Ngọc Dinh thân cô thế cô chỉ một lòng mong ngặt nương nở mày nở mặt nhưng lúc nào cũng phải trong tư thế hiên ngang để không ai thấy sự yếu đuối của mình. Nhưng rốt cuộc, họ cũng chỉ là những cô gái đôi mươi, che giấu bao nhiêu con người thật của mình đi nữa thì cũng vô tình lạc bước trong tình yêu mà thôi.
Ngọc Dinh của Lê Tư cực kì được yêu mến dù rất hiểm ác, mưu mô
Phân đoạn cả hai "không hẹn mà gặp" cùng đến nhận tội trước Hoàng Hậu cốt để xin tha cho Tôn Bạch Dương khỏi chết là một chi tiết đắt giá. Có lẽ bản thân hai người họ đến lúc đó mới hiểu mình yêu nhiều đến thế nào. Hay như cảnh Tôn Bạch Dương chấp nhận ăn bánh bao có độc của chính người mình yêu "ban cho" cũng vậy, cay lắm, đắng lắm cho những kiếp người khi yêu không thể quay đầu.
Nhĩ Thuần và Ngọc Dinh (Lê Tư) đối đầu kịch liệt
Nhân vật thú vị nhất, lạ nhất trong phim có lẽ là An Xuyến, một cung nữ thông minh lần đầu được khai thác trong cuộc chiến của những phi tần. An Xuyến sống bao nhiêu năm trong Tử Cấm Thành rất được lòng các quý nhân, tiểu chủ, ai nấy đều ra sức lôi kéo cô về phía mình. Nhưng An Xuyến không ham quyền vị, cô chỉ muốn làm tròn bổn phận để được xuất cung đoàn tụ với bà ngoại ở quê nhà. Tiếc là lòng người hiểm độc đã khiến An Xuyến không thể thực hiện được ước mơ đơn sơ kia.
Mất đi mục tiêu để phấn đấu cả đời, An Xuyến còn gì trong tay ngoài hai chữ "trả thù" ? Cô không tiếc lòng hy sinh cả Hoa quý nhân mà mình từng xem là bạn tốt để đạt được mục đích tiến thân. Đừng đấu với một người thông minh nếu mình không thông minh bằng họ, An Xuyến chính là hiện thân của câu nói đó. Một nhân vật mà cả Diêu Kim Linh hay Nguỵ Anh Lạc, Vệ Yến Uyển đều không thể sánh bằng.
An Xuyến của Trương Khả Di là một nhân vật thông minh bậc nhất trong lịch sử phim cung đấu
Nếu kể hết các nhân vật trong Thâm Cung Nội Chiến có lẽ mỗi người sẽ mất cả nghìn chữ, bởi ai cũng được xây dựng quá chắc và thuyết phục. Nói về tuyến nhân vật nam thì Khổng Võ là một tượng đài trong dòng phim này. Khổng Võ là một võ phu chở cống phẩm cho triều đình mang đầy tham vọng đổi đời. Khi anh đặt chân đến đến Tử Cấm Thành, cuộc đời anh bắt đầu thay đổi. Khổng Võ không tiếc hy sinh bản thân, không ngại làm ra những chuyện trái đạo để có cơ hội làm người phải đạo. Từ một võ phu chuyển hàng, anh lên đến hàng thị vệ tứ phẩm. Anh ôm một giấc mộng đơn sơ là cưới An Xuyến và đỡ đần cho người anh em Trần Sảng. Nhưng tiếc thay, trên con đường vinh quang mà anh đi trên, đã có không ít những hy sinh và mất mát cũng như thù hận mà chỉ cần một lúc không khéo léo, biến cố sẽ ập đến.
Ngoài ra thì còn rất nhiều những nhân vật khác đáng ghi nhớ, dù chỉ là nhân vật phụ. Chẳng hạn như Nạp La Phúc Nhã, một quý nhân thất sủng nhưng chưa bao giờ cạn kiệt khao khát yêu thương, hằng ngày uống thuốc độc để được gặp người mình yêu; một Tôn Thanh Hoa cả đời nhẫn nhịn nhưng cũng sẽ đến lúc khuất phục trước uy quyền; một Trần Sảng lầm đường lạc lối đến vô nhân đạo; một Hạo Tuyết chờ đợi hết kiếp người mà vẫn bao dung... Họ là những nét tô điểm thêm màu cho bức tranh vốn chỉ đậm đặc 3 sắc đỏ-đen-trắng ở Tử Cấm Thành.
Không như bất kì phim cung đấu nào, đoạn kết của Thâm Cung Nội Chiến thật sự chua xót và nặng nề. Nếu những bộ phim khác vẽ ra con đường tranh sủng làm trọng tâm thì ở Thâm Cung Nội Chiến, càng xem đến cuối, khán giả càng cảm nhận được ai cũng muốn thoát ra khỏi Tử Cấm Thành. Biến loạn Thiên Lý giáo ở cuối phim đã khiến cổng Thần Võ được mở ra, binh biến và tháo chạy đầy náo loạn. Những tưởng đã được giải thoát nhưng mà rốt cục thì có ai rời khỏi được những bức tường đỏ kia đâu?
Rất nhiều những cái chết ở cuối phim nhưng cũng không ít những cái chết mang ý nghĩa của sự giải thoát. Người duy nhất bình an ra ngoài lại không có người thân, bơ vơ cô độc, mang những hy vọng yếu ớt lầm lũi giữa tuyết trắng kinh kì. Đường nào mới về đến hạnh phúc cho những đoá hoa đã nở rộ rồi tàn lụi giữa những bước tường thành đỏ chói?
Theo Trí Thức Trẻ
'Diên Hi công lược' và 'Hậu cung Như Ý truyện': Phim nào có tính cách nhân vật bám sát lịch sử hơn? Bản tính của các nhân vật trong "Hoàn Châu cách cách", "Chân Hoàn truyện", "Diên Hi công lược" và "Như Ý truyện" có thật sự giống trong lịch sử hay không? Hãy cùng tìm hiểu xem nhé. Bộ phim truyền hình Diên Hi công lược ( ó10;ă15;) hiện nay đang là tâm điểm của màn ảnh nhỏ, và bộ phim Hậu cung Như...