Sắp có ‘quà riêng’ tái cơ cấu ngân hàng
Một cơ chế hỗ trợ được cho là cần thiết sắp hiện thực, sau bốn năm triển khai quá trình tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam.
Dù không nhiều ý nghĩa khi so với thực tế hiện nay, nhưng ở khía cạnh môi trường và cơ chế kinh doanh, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần tham gia thị trường ở đây là đáng chú ý.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo một chính sách, trong đó tạo sự hỗ trợ cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu. Nhưng cơ chế này lại chỉ dành riêng cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Với dự thảo trên, dự kiến tới đây, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc cổ phần nhưng Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối sẽ được áp cơ chế sử dụng vốn rộng hơn trong cho vay.
Theo quy định hiện hành ở Thông tư 36, chỉ ngân hàng thương mại nhà nước mới được áp tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) ở mức cao nhất với 90%; các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài thấp hơn với 80%.
Theo chính sách đang soạn thảo, tới đây dự kiến đối tượng được áp giới hạn 90%, được một trong những điều kiện để cho vay ra nhiều hơn, sẽ mở rộng.
Cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), từ năm 2015, khối ngân hàng thương mại nhà nước có thêm các “ ngân hàng 0 đồng” mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại, bao gồm Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây Dựng và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu.
Trường hợp Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã là ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng Nhà nước vẫn sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Video đang HOT
Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là những ngân hàng thương mại có vai trò dẫn đầu và tạo lập thị trường, tiên phong trong việc thực hiện các định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường tiền tệ.
Cùng đó, ba “ông lớn” trên được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của một số ngân hàng yếu kém, tham gia sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Với những lý do trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc xem xét nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng này từ 80% lên 90% là cần thiết nhằm hỗ trợ các ngân hàng này hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Về cơ chế, dự kiến điều chỉnh trên sẽ là “món quà” dành riêng cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
Còn trên thực tế, điều chỉnh dự kiến đó không có nhiều ý nghĩa.
Bởi lẽ, dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước suốt thời gian qua cho thấy, khối ngân hàng “được quà” nói trên luôn có tỷ lệ LDR ở mức cao vượt trội; cập nhật gần nhất đến tháng 11/2015 ở mức 98,38%, trong khi giới hạn dự kiến trên chỉ 90%.
Trong khi đó, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, khối ngân hàng thương mại cổ phần gần như tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm túc, về số liệu báo cáo, khi duy trì LDR luôn thấp hơn giới hạn quy định 80%.
Dù không nhiều ý nghĩa khi so với thực tế hiện nay, nhưng ở khía cạnh môi trường và cơ chế kinh doanh, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần tham gia thị trường ở đây là đáng chú ý.
Theo VnEconomy
Những 'ghế nóng' nhà băng đổi chủ sau 3 năm tái cơ cấu
Chỉ sau hơn 3 năm tái cơ cấu, nhiều ghế "nóng" của các ngân hàng đã được đổi chủ. Làn sóng biến động nhân sự cấp cao trong ngành dự báo tiếp tục dâng trào trong thời gian tới, khi quá trình tái cấu trúc vào giai đoạn cuối.
Vất vả tìm người ngồi ghế "nóng"
Vị trí sếp ngân hàng ngày càng trở nên nóng bỏng khi cuộc "đại phẫu" ngành ngân hàng sắp đến giai đoạn kết thúc, nhất là ở những ngân hàng quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng, nhưng kết quả kinh doanh sa sút, nợ xấu tăng, buộc phải tái cấu trúc.
Tìm người ngồi vị trí ghế "nóng" hết sức khó khăn, đơn cử như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tìm người vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Sau cuộc họp Đại hội cổ đông kéo dài cả một ngày, từ 9h sáng đến 17h chiều mà chưa chọn được ai, phải sang ngày hôm sau, thêm một cuộc họp căng thẳng kéo dài 3 tiếng đồng hồ mới chọn được ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập Eximbank vào vị trí Chủ tịch HĐQT.
Chỉ sau hơn 3 năm tái cơ cấu, nhiều ghế "nóng" của các ngân hàng đã được đổi chủ
Thậm chí, hiện vẫn còn tin đồn, ông Lê Minh Quốc chưa hẳn là người ngồi ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT Eximbank, mà khả năng sẽ còn thay đổi. Phía Eximbank cũng chưa phát đi thông điệp nào về việc Ngân hàng đã có tân Chủ tịch HĐQT, mà chỉ trả lời là đang chờ phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã hoàn tất và sắp tới đây, Sacombank chuẩn bị tiến hành Đại hội cổ đông bất thường, nhưng ông Trầm Bê, người từng giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank, đã phải bàn giao công việc trước ngày 30/10/2015. Ông Bê sẽ không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu.
Dự kiến, đại diện của Nhà nước tham gia vào HĐQT Sacombank sau hợp nhất sẽ chính thức có mặt trong Đại hội cổ đông sắp tới. Thị trường còn xuất hiện thông tin khả năng ghế "nóng" điều hành cao nhất Sacombank cũng thay đổi.
Chủ tịch HĐQT nhưng không có cổ phiếu nhiều nhất
Chỉ trong vòng chưa đầy một quý giữa năm 2015, có không dưới 3 ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT ở 3 ngân hàng đã được soán ngôi. Saigonbank vừa đưa ra thông báo đến cổ đông về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Phước Minh thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 từ ngày 1/9 để nghỉ hưu theo chế độ. Người thay thế ông Minh là ông Trần Quốc Hải, thành viên HĐQT.
Không chỉ Saigonbank, mà trước đó vào giữa tháng 7/2015, Nam A Bank cũng bất ngờ tiến hành Đại hội cổ đông bất thường, thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nhiệm kỳ VI (2011-2016) của ông Nguyễn Quốc Toàn. Trong khi đó, ông Toàn chỉ mới được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của Nam A Bank từ ngày 27/3/2015.
Một trong những ngân hàng được dư luận quan tâm nhất trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2015 chính là DongA Bank. Ngân hàng này rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Tại kỳ Đại hội cổ đông ngày 21/7, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank xin từ nhiệm và Đại hội cổ đông đã bầu ông Võ Minh Tuấn vào vị trí Tổng giám đốc, đồng thời làm Chủ tịch HĐQT.
Với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành của Ngân hàng Nhà nước, theo các chuyên gia, sẽ còn nhiều ngân hàng thay ghế chủ tịch HĐQT và người mới chưa hẳn là các ông chủ thực sự của nhà băng đó.
Việc các chủ tịch HĐQT không nắm giữ cổ phiếu nào của ngân hàng xem ra không phải hiếm, khi gần đây, không ít người ngồi vị trí này thẳng thừng tuyên bố không có một cổ phiếu nào. Trong khi theo thông lệ, Chủ tịch HĐQT thường là người có cổ phần nhiều nhất. Giải thích cho điều này, một chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP và được ghi trong Điều lệ Ngân hàng TMCP. Nhưng Chủ tịch HĐQT cũng chưa hẳn đã là người nhiều vốn nhất, vì pháp luật chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, mà không hề nói người được bầu đó là ai, có phải là người nhiều vốn nhất hay không.
Trả lời phóng viên, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và xu hướng sắp tới là sẽ sáp nhập, hợp nhất không ít ngân hàng nhỏ. Trong xu thế hiện nay, việc sáp nhập, hợp nhất là điều đương nhiên. Vì muốn cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường ngày một khó khăn thì phải hợp nhất lại để lớn mạnh, không chỉ về công nghệ, mạng lưới và con người, mà cả việc nâng tầm mô hình quản trị và tăng trưởng. Do đó, không chỉ ngân hàng yếu sáp nhập với nhau, mà ngay cả ngân hàng lớn cũng M&A. Cùng với làn sóng M&A sẽ kéo theo sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, cũng như giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo Báo đầu tư
Ngân hàng 0 đồng lỗ hàng chục nghìn tỷ: Ai chịu trách nhiệm? Đánh giá cao về các phương án xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Ngọc Vinhviệc để cho nhiều ngân hàng lỗ hàng chục nghìn tỷ trong thời gian dài là một lỗ hổng trong quản lý và cần có người chịu trách nhiệm với những khoản lỗ tại các ngân hàng 0 đồng. Về...