Sắp cập nhật, sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu
Sau khi Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu được sửa đổi, cập nhật, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn sẽ tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine bạch hầu. (Ảnh minh họa)
Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn bệnh truyền nhiễm để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu diễn ra hôm 9/7, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế) nhấn mạnh, thời gian qua, toàn ngành Y tế đã cùng chiến đấu với dịch COVID-19 xong tiếp tục đương đầu với dịch bạch hầu, khi xuất hiện gần 70 trường hợp dương tính, trong đó ba trường hợp đã tử vong.
Cuộc họp gồm 30 thành viên do Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên Hội đồng chuyên môn tham dự tại điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã họp bàn để cập nhật, sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Sau khi Hướng dẫn được sửa đổi, cập nhật, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn sẽ tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế.
Trước đó, ngày 8/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ban hành hai Công văn khẩn số 842/NV-KCB và 843/NV-KCB gửi ba bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh là các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị bệnh truyền nhiễm và các Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk về việc tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu.
Video đang HOT
Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận, tại Kon Tum có 24 trường hợp dương tính với bệnh (tăng hai ca so với trước đó), tại Đắk Nông đã có 28 trường hợp, Gia Lai có 16 trường hợp và Đắk Lắk cũng đã ghi nhận một trường hợp dương tính với bệnh. Trong đó, ba trường hợp tử vong xảy ra ở hai tỉnh Đắk Nông (hai ca) và Gia Lai.
“Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine nên các địa phương không cần phải lo về việc này. Dự kiến hàng triệu liều vaccine sẽ được hỗ trợ cho các địa phương, những liều vaccine này sẽ nhanh chóng được chuyển đến. Ngoài ra sẽ cung cấp 200.000 khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho mỗi địa phương, nếu thiếu Bộ sẵn sàng giúp đỡ thêm” – ông Nguyễn Thanh Long (Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phân luồng, cách ly bệnh nhân COVID-19
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác tiếp đón, phân luồng, cách ly bệnh nhân để phòng, chống dịch COVID-19 tại một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn Hà Nội.
Diễn tập tình huống đón tiếp bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. (Nguồn: baochinhphu.vn)
Ngày 10/3, Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế do phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác tiếp đón, phân luồng, cách ly bệnh nhân để phòng, chống dịch COVID-19 tại một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn Hà Nội.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, việc kiểm tra để đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn những việc chưa làm được, từ đó làm tốt hơn công tác khám sàng lọc bệnh nhân, để phòng, chống dịch COVID-19.
"Việc phân luồng đón tiếp bệnh nhân ngay từ đầu, cách ly riêng bệnh nhân nghi ngờ là đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đã lan rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, các cơ sở y tế phải chủ động trong công tác tiếp đón, phân luồng, sàng lọc, cách ly bệnh nhân nếu có biểu hiện nghi ngờ," phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Medlatec, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đã yêu cầu bộ phận tiếp đón người bệnh "diễn tập" tình huống tiếp đón người bệnh để phân loại, sàng lọc ngay trong trường hợp người bệnh có yếu tố dịch tễ.
Tại bàn tiếp đón, nhân viên y tế đã hướng dẫn bệnh nhân khử khuẩn tay, đồng thời đo nhiệt độ cho bệnh nhân, kết quả bệnh nhân sốt 38 độ C. Ngay lập tức, nhân viên y tế đã hỏi tiền sử tiếp xúc của bệnh nhân rất cụ thể, có tiếp xúc với người trở về từ vùng dịch không, có sống gần khu Trúc Bạch không? gần đây có ho, sốt, khó thở không?... Bệnh nhân cho biết, 2 ngày trước khi đến bệnh viện thăm khám, bệnh nhân bị sốt, ho, khó thở, đau đầu. Bệnh nhân có đi qua vùng dịch, từ Anh, Italia về nước được 1 tuần.
Ngay lập tức nhân viên y tế gọi bộ đàm cho bác sĩ trên tầng 3, phân công tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ qua thang máy riêng, đưa lên thăm khám tại phòng cách ly đã chuẩn bị sẵn.
Tại Bệnh viên đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Bệnh viện Medlatec, qua kiểm tra thực tiễn và nghe báo cáo, thảo luận của các thành viên trong đoàn công tác và hai bệnh viện, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê ghi nhận những nỗ lực của hai bệnh viện trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, phòng khám riêng bệnh nhân nghi ngờ, phòng cách ly... Tuy nhiên, việc thực hiện sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh đến khám vẫn chưa phù hợp, chưa khoa học và chưa đúng hướng dẫn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Medlatec, mặc dù "diễn tập" tình huống bệnh nhân nghi ngờ khá tốt, nhưng vẫn chưa có bàn tiếp đón, phân luồng riêng người bệnh nghi ngờ và người bệnh đến khám bình thường. Người bệnh nghi ngờ và người bệnh đến khám bình thường vẫn ngồi chung ghế, đo chung nhiệt kế...
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, tất cả các cơ sơ khám chữa bệnh phải tăng cường hơn nữa, chủ động hơn nữa trong công tác khám phân loại, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh. Qua kiểm tra cho thấy có bệnh viện đã có khu cách ly nhưng có bệnh viện làm chưa chuẩn.
"Từ bài học kinh nghiệm của Bệnh viện Hồng Ngọc cho thấy nguồn lây ở các bệnh viện là hiện hữu. Do đó, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện," phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nêu rõ.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện công bố công khai đường dây nóng để chủ động từ chối bệnh nhân đến khám những bệnh không nằm trong chuyên môn của bệnh viện, nhằm tránh việc người bệnh đến quá nhiều nhưng không đáp ứng được./.
Theo vietnamplus
Buôn Diêo đồng lòng chống dịch bạch hầu 169 hộ gia đình của Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lăk hợp tác cùng chính quyền địa phương và ngành y tế ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm. Ngay sau khi xác nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên, ngành y tế Đắk Lắk đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan...