Sập bẫy trai già
Bây giờ, các anh chị em trong công ty không còn thấy chàng trai già dễ mến đưa đón cô nữa, hỏi thăm thì Ngân chỉ biết gượng cười.
Ngày cưới, nắm tay “chồng già” hơn mình 13 tuổi, Ngân (Quận 5, TP HCM) cười tít mắt không biết trời đất trăng mây gì nữa. Cô vui sướng vô cùng khi có được một người chồng chín chắn, đĩnh đạc, bao dung, lại rất mực chiều chuộng cô.
Năm nay Ngân 25 tuổi trong khi chồng cô – Cương đã 38 tuổi. Anh có một sự nghiệp kha khá, hơn nữa lại hơn Ngân nhiều tuổi nên bản thân cô, đến cả gia đình, bạn bè đều nghĩ Ngân mà lấy Cương nhất định sẽ sướng, sẽ được chiều chuộng và có chỗ dựa vững vàng.
Nhưng khi cuộc sống hôn nhân chưa qua nổi một tháng thì Ngân đã choáng váng khi phát hiện ra: tất cả sự hoàn hảo “chồng già” dành cho cô lúc yêu nhau chỉ là một màn diễn quá ư tài tình của anh ta mà thôi.
Ngày xưa, nếu Cương làm gì mà Ngân không vừa ý, cô sẽ giả bộ giận dỗi, anh liền xoắn xít dỗ dành cô ngay. Mỗi khi cô nổi nóng thì anh lại im lặng, đợi lúc Ngân hạ hỏa sẽ vừa đùa đùa vừa góp ý với cô.
Ngân thầm cảm ơn người yêu lớn tuổi, suy nghĩ có phần chín chắn và sâu sắc hơn hẳn mình. Từ khi quen anh, tính tình của cô đã tốt lên rất nhiều, đã biết nhịn và biết lắng nghe.
Nhưng bây giờ, Cương nói gì mà Ngân cãi lại hay làm mặt phụng phịu là nhận được ngay câu nói: “Có nghe không thì bảo? Cho cái tát cho biết mặt bây giờ!”. Có lần Ngân làm căng thì nhận được một cái tát nảy lửa của chồng, kèm theo câu đe dọa: “Cho chừa đi!”. Ngân hãi hùng mãi mới tin đó là sự thật, người đàn ông rất mực yêu chiều cô lại ra tay đánh cô không chút nao núng.
Ngày xưa, Cương rất chiều chuộng Ngân, chuyện gì anh không thích nhưng cô đã nhờ thì anh sẽ cố gắng làm bằng được. Chuyện gì không thể làm được, anh luôn xin lỗi rối rít rồi trình bày lý do rất khẩn thiết. Khi cô giận, anh lẽo đẽo theo sau, nhìn mặt rất là tội nghiệp. Những lúc ấy Ngân lại thấy thương và yêu anh “trai già” của mình hơn bao giờ hết.
Video đang HOT
Nhưng bây giờ, chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà, một tay Ngân phải lo liệu hết, Cương ngoài thời gian đi làm, về nhà anh tự cho mình là một ông tướng. Những việc nhà nặng nhọc như bê chậu quần áo, phơi cái chăn bông, thay cái bóng điện… Cương cũng nhất định không giúp Ngân, để cô tự xoay xở.
Ngân hãi hùng mãi mới tin đó là sự thật, người đàn ông rất mực yêu chiều cô lại ra tay đánh cô không chút nao núng (Ảnh minh họa).
Ngân luôn bị coi là kẻ ăn bám trong nhà, là kẻ vô tích sự lương ba cọc ba đồng nên anh không cần phải để tâm đến suy nghĩ, nguyện vọng cũng như những khó khăn của cô. Việc của cô là phải phục dịch chồng hết sức, anh đi làm kiếm tiền, cho cô ở nhà cao cửa rộng, đi “bốn bánh” là phúc cho cô lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa.
Ngày xưa, Cương chia sẻ với Ngân tất cả mọi chuyện về công việc, cuộc sống của anh. Dù Ngân và Cương chưa phải là vợ chồng nhưng anh có chuyện gì cũng hỏi ý kiến cô, ngay chuyện anh mua đất làm nhà cũng vậy. Ngân cảm thấy mình được tôn trọng và hạnh phúc vô cùng khi người yêu làm nghĩ cũng nghĩ đến mình, coi mình là trung tâm.
Nhưng bây giờ, chồng làm gì cũng chẳng hỏi Ngân lấy một câu. Tiền Cương làm được bao nhiêu Ngân chẳng hề biết, mỗi tháng anh đưa cô bao nhiêu cô biết bấy nhiêu. Hỏi thì Cương gắt: “Đàn bà biết gì việc làm ăn mà hỏi?”, hay: “Hỏi gì mà hỏi lắm thế?”.
Ngày trước, hai người em của Cương rất thân thiện với cô, thường xuyên qua rủ cô đi shopping, café tán gẫu. Nhưng bây giờ chẳng thấy đả động gì đến Ngân nữa, mỗi lần qua chơi cũng chỉ một điều anh trai, hai điều anh trai, coi Ngân như không khí trong nhà.
Có lần Ngân ở trong nhà, nghe thấy anh em chồng nói chuyện ngoài phòng khách, cô em hỏi chồng Ngân: “Em bé của anh đâu rồi? Có hay khóc nhè không?” rồi phá lên cười với nhau. Ngân chỉ biết lau vội giọt nước mắt vừa chảy ra.
Ngày xưa, Cương luôn đưa Ngân đi làm rồi dặn dò đủ thứ, lúc đón về lại cẩn thận đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm, tới ngõ nhà cô thì lại căn dặn một hồi nữa, còn đứng chờ tới khi cô vào nhà mới quay xe đi.
Bây giờ, các anh chị em trong công ty không còn thấy chàng trai già dễ mến đưa đón cô nữa, hỏi thăm thì Ngân chỉ biết gượng cười. Chả lẽ lại bảo anh ấy lấy được cô rồi nên không thèm làm xe ôm nữa.
Ngày yêu nhau, Cương không những quan tâm tới Ngân từng li từng tí mà còn để ý quan tâm tới bố mẹ cô rất chu đáo. Lần nào Cương tới chơi nhà cũng quà cáp ra trò, lễ phép điềm đạm khiến cả họ ai cũng quý. Không đến chơi được thì Cương lại gọi điện hỏi thăm, tỉ tê dặn dò hai bác giữ gìn sức khỏe, khen ngợi hai bác đã dạy dỗ nên cô con gái tuyệt vời như Ngân. Cứ thế, cả nhà Ngân ai cũng đều bị cưa đổ dúi dụi.
Nhưng bây giờ, khoản điện đóm hỏi thăm và quà cáp qua chơi bị cắt hẳn. Ngân có kì kèo chồng đưa về cũng chẳng ăn thua, một là: “Cô về một mình đi!”, hai là: “Ở nhà, không đi đâu cả!”. Khi nhà cô có việc quan trọng không thể vắng mặt được, Cương lại tìm mọi lí do để trốn, trốn không xong thì vác cái mặt như đưa đám đến nhà vợ.
“Ngày xưa…”, “Ngày nay…”, Ngân quay cuồng trong sự so sánh ấy để nhận ra rằng, mình đã bị lừa một vố quá to. Người ngoài sẽ hỏi, chồng cô không gái gú, ít nhậu nhẹt, không bài bạc, vị chi là chẳng có tệ nạn nào, cô lấy đâu lí do để phàn nàn đây?
Nhưng Ngân đau lắm vì rơi vào cái bẫy mà “trai già” giăng ra, trong khi cô còn đang hý hửng tưởng mình số may.
Theo Ngoisao
Bị đánh vì quên bật nước tắm cho chồng
Lúc mới cưới, chưa biết bản chất của chồng nên chị còn mở lời nhờ chồng việc nọ việc kia.
"Đi làm về là tất bật cơm nước, dọn dẹp, trông con, cày như một con trâu. Còn chồng thì mỗi việc ôm máy tính rồi ăn cơm. Thế mà chỉ quên bật nước tắm cho chồng là ăn ngay cái tát", chị Loan ấm ức kể.
Chồng nói là cấm cãi!
Sĩ diện, lười biếng, cộc cằn, thô bạo với vợ con là những gì chị N. Loan (Tây Hồ, HN) nhìn ra ở chồng sau hai năm chung sống. Chị bảo, chồng chị luôn thường trực tư tưởng "đàn bà đái không qua ngọn cỏ" nên là vợ thì nhất nhất phải phục tùng, chồng nói là cấm cãi, lắng nghe và làm theo không thì...ăn tát.
Chị kể: "'Lão' chồng tôi chỉ hơn tôi 5 tuổi thôi mà gia trưởng và độc đoán kinh khủng. Luôn mồm bảo vợ làm việc xã hội ít thôi, chỉ cần cơm ngon canh ngọt, nhà cửa gọn gàng và con cho tốt. Đi làm về 'lão' chỉ việc ngồi máy tính và đợi ăn cơm, chưa bao giờ động tay vào bất cứ việc gì. Vợ nấu nướng xong mời xuống ăn, nếu 'lão' đang xem dở cái gì đó thì cằn nhằn, bảo đợi xem nốt đã. Ngồi cạnh nồi cơm vẫn chìa bát sang bên kia bảo vợ xới, ăn xong bảo vợ lấy tăm dù lọ tăm chỉ cách một cánh tay".
Lúc mới cưới, chưa biết bản chất của chồng nên chị còn mở lời nhờ chồng việc nọ việc kia. Nhưng lần nào chị nhờ, chồng cũng chỉ ném lại một câu: "Việc của đàn bà, không lèo nhèo". Cảnh báo là chồng "làm" thật, chỉ cần chị "lèo nhèo" lắm lời là chồng cho ngay cái bạt tai.
"Ngoài những việc nấu nướng, chăm con, giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Sáng sáng tôi phải là quần áo, sắp sẵn để lão mặc đi làm. Buổi chiều về thì phải bật nước, chuẩn bị sẵn quần áo, khăn lau cho 'lão' tắm. Có lần mải nấu cơm, tôi quên không bật nước tắm cho 'lão', thế là 'lão' mặt hằm hằm chạy vào bếp như muốn ăn tươi nuốt sống quát tôi. Điên tiết tôi cũng quát lại, thế là 'lão' lao tới cho tôi cái bạt tai và rít lên: "Dám hỗn à?", chị Loan ấm ức kể lại.
Cảnh báo là chồng "làm" thật, chỉ cần chị "lèo nhèo" lắm lời là chồng cho ngay cái bạt tai.(ảnh minh họa)
Những người biết chuyện đều hỏi chị Loan: "Tại sao lại cam chịu như vậy, ly dị quách cho xong". Chị Loan cũng nhiều lẫn nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng thương con mới hơn một tuổi. Với lại chị cũng nhận ra "lão chồng" vẫn còn một số điểm tốt như biết kiếm tiền, chu đáo với gia đình hai bên, không rượu chè, cờ bạc...
Cũng phải sống chung với ông chồng gia trưởng, chị P. Dung (Phú Mỹ, Mỹ Đình) rất khổ tâm. Chị bảo, ngay từ ngày mới cưới, chồng đã bắt chị phải học thuộc nguyên tắc: điều một chồng luôn đúng. Điều hai, nếu chồng sai, quay lại điều một. Thế nên chồng nói chỉ có đúng, không được cãi, dù chồng có sai, chị cũng phải nhận lỗi.
Chị kể: "Chồng là con trưởng trong gia đình nên gia trưởng khủng khiếp. Về nhà là phải cơm bưng nước rót. Nhà chồng có ai qua thăm là bắt mình nghỉ làm ở nhà cơm nước. Các mối quan hệ của chồng mình không được phép can thiệp, chồng đi đâu mình không được phép hỏi, chồng kiếm được bao nhiêu tiền mình cũng không biết.
Không cho mình mặc váy ngắn quá đầu gối, không mặc áo hai dây. Tan giờ là phải về nhà, không tập thể dục, không gặp gỡ bạn bè. Chỉ cần hôm nào cơ quan có việc về muộn một chút thôi là điện thoại réo inh ỏi, lớn tiếng quát mắng. Muốn mua bộ váy, đôi dép cũng phải hỏi chồng".
Xã hội đang ngầm cho phép thói gia trưởng?
Bà Hoàng Thị Kim Thanh, Giảng viên Khoa Văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, phần lớn đàn ông Việt đang tận hưởng sự sung sướng đó là "đi làm về chỉ việc vắt chân đọc báo, xem tivi, đợi vợ dọn cơm dâng tận miệng". Dù Việt Nam đã có luật bình đẳng giới và cũng đã thực hiện nhiều chương trình hành động để xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ nhưng sự thống trị mang tính hệ thống của nam giới đối với phụ nữ còn khá phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Bà Thanh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cái nhìn của xã hội đang ngầm cho phép đàn ông có đặc quyền trong gia đình.
"Nếu vào một gia đình thấy chồng ngồi xem tivi, đọc báo vợ nấu cơm thì mọi người thấy là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên. Nhưng nhìn thấy cảnh ngược lại, một số người thán phục, khen ngợi người đàn ông "Biết thương vợ, biết chia sẻ". Sự thán phục đó cũng ngầm chứa trong đó cách nhìn nhận mang tính chuẩn mực kép, cùng một việc làm nhưng phụ nữ làm thì coi là đương nhiên, còn đàn ông làm thì nhận được lời khen của xã hội.
Và không ít người khi nhìn thấy cảnh tượng đó sẽ đưa ra nhận xét thiếu thiện chí "Làm trai rửa bát quét nhà..." mà thông điệp ngầm của nó như đang mỉa mai vị thế và phần nam tính của người đàn ông. Với cách nhìn đó, xã hội đang ngầm cho phép và hợp lý hóa sự bất bình đẳng giới trong gia đình ", bà Thanh phân tích.
Dù đã ở thế kỷ 21, nhưng nhiều đàn ông Việt, bao gồm cả trí thức, vẫn có tư tưởng: lấy vợ về là để vợ phục vụ, người vợ phải có trách nhiệm chăm lo việc gia đình còn đàn ông thì làm "việc lớn" nên họ không chia sẻ việc nhà với vợ. Suy nghĩ này xuất phát từ thói gia trưởng.
Tuy nhiên, ngay cả những người lấy vợ vì tình yêu, vì cần có vợ, thì khi về sống chung với nhau, vai trò giới mà xã hội quy định cũng tự nhiên đẩy người vợ về phía nội trợ, chăm lo công việc gia đình và người chồng làm việc lớn.
"Pierre Bourdieu, nhà xã hội học người Pháp đã nói rằng "Sự thống trị của nam giới neo chắc vào vô thức của chúng ta đến mức không nhận thấy nó nữa và nó phù hợp với mong đợi của chúng ta đến mức mà ta khó xét lại nó" vì vậy, quan niệm "đàn ông việc nhà đàn bà việc cửa" đã "neo chắc" vào mỗi con người và biến thái dưới nhiều dạng thức khác nhau tạo nên sự bất bình đẳng trong gia đình mà nhiều khi chúng ta không ý thức được", bà Thanh nói.
Theo Eva
Chồng hả hê thấy vợ sợ mình Nếu cự cãi, hai vợ chồng lại to tiếng, xô xát mà phần thiệt thòi luôn về chị. Là viên chức nhà nước, đảng viên hẳn hoi nhưng hễ về nhà, chị lại phải răm rắp nghe lời chồng. Nếu cự cãi, hai vợ chồng lại to tiếng, xô xát mà phần thiệt thòi luôn về chị. Lắng nghe bi kịch của người...