Sao suy nghĩ của bố mẹ luôn khác con?
Nhiều khi tôi thấy, làm cha mẹ khó đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu. Làm sao để vừa có thể nghiêm khắc với con lại vừa có thể cởi mở với con như một người bạn?
Ảnh minh họa
Chiều qua, trong khi chờ đón con ở một lớp học hè, có chị phụ huynh có con học cùng lớp với tôi hỏi chuyện. Ban đầu cũng chỉ là chuyện học hành của lũ trẻ, đến những thất thường của lứa tuổi dậy thì. Rồi chị hỏi tôi ‘Con gái em có hay trò chuyện tâm sự với em không? Chị rất muốn trở thành một người bạn với con mà nghe chừng khó quá’.
Chị kể, con gái chị rất dễ thương, là một cô gái nhẹ nhàng, tình cảm. Anh chị có mỗi một đứa con gái, bao nhiêu yêu thương, kì vọng đều đặt vào đó cả. Con gái chị ngoan, học giỏi, chưa từng làm chị thất vọng điều gì.
Cho đến một ngày, lúc con chị vắng nhà, chị vào dọn phòng giúp con, vô tình thấy một bức thư kẹp trong tập vở. Bức thư của một cậu trai nào đó cùng lớp viết, lời lẽ bày tỏ tình cảm khá vụng về. Chị lục tìm trong ngăn bàn con, đọc được quyển nhật ký. Con gái chị đã biết rung động rồi. Nó mới chỉ mười ba tuổi. Việc của nó bây giờ đâu phải là nhăng nhít yêu đương? Chị hoảng hốt và lo lắng thật sự.
Khi chị đặt cuốn nhật ký và bức thư trước mặt con gái, cô bé ban đầu bối rối, sau rồi nó khóc:
- Sao mẹ lại xem nhật ký của con, mẹ không được phép.
- Mẹ được phép làm bất cứ việc gì liên quan đến con. Và việc con đang làm khiến mẹ vô cùng thất vọng. Tuổi của con là tuổi ăn tuổi học, con còn cả một cuộc đời rất dài để yêu đương, không phải bây giờ. Con đốt bỏ những thứ linh tinh này đi, hay mẹ sẽ làm?
Cô bé đã đốt bỏ cuốn nhật ký trước mặt mẹ, đốt bỏ cả những cảm xúc trong sáng đầu tiên của mình. Và từ đó, nó như trở thành một đứa trẻ khác, ít nói và lặng lẽ hơn. Điều đáng nói, nó chẳng chia sẻ với chị bất kì điều gì nữa.
Nhiều khi thấy con buồn, chị cũng lân la muốn con kể mình nghe. Nhưng nó lảng tránh chị khiến chị không nắm bắt được tâm tư con mình nữa. Chị nhớ khi chưa xảy ra chuyện, nó luôn tíu tít kể chị nghe chuyện trường lớp bạn bè, giờ thì, nó như giăng ra một bức tường vô hình khiến chị không gần lại được.
Chị nói ‘con cái không bao giờ hiểu được nỗi lòng cha mẹ. Chị lo cho nó, sao nó không hiểu điều đó chứ?’. Một câu hỏi, cũng có thể là một câu trả lời. Chúng ta là cha mẹ, nhưng có thật sự đã hiểu hết con mình chưa?
Chúng ta, ai cũng đã từng trải qua thời kì mới lớn, cũng hiểu được những cảm xúc rung động đầu tiên trong sáng và đẹp đẽ đến nhường nào. Những thứ đó sẽ là kỉ niệm tuyệt vời khi thời gian qua đi mỗi người nhìn lại. Cha mẹ có thể tâm lý một chút, thủ thỉ tỉ tê cho con hiểu nên và không nên những gì chứ không thể chỉ vì không muốn là ngang nhiên dập tắt.
Video đang HOT
Tôi cũng có một cô con gái, mới bảy tuổi thôi. Con gái tôi cũng ngoan lắm, rất biết chiều lòng bố mẹ. Con bé thích để tóc dài nhưng chồng tôi thì chỉ muốn cắt tóc ngắn. Anh bảo, tóc ngắn cho gọn gàng khỏe khoắn. Tôi thì nghĩ, cắt tóc ngắn cho khỏi mất thời gian tết tóc, buộc tóc cho con, đỡ lôi thôi luộm thuộm. Vậy nên cứ tóc dài quá vai một chút là tôi đưa con đi cắt tóc, lần nào cũng phải dỗ dành nó vì nó không chịu và lần nào tôi cũng thắng.
Một lần, trên đường chở con đi cắt tóc về, con hỏi tôi:
- Sao suy nghĩ của bố mẹ lúc nào cũng khác con thế?
- Khác như thế nào?
- Mọi hôm con bảo thích học vẽ, nhưng bố lại bảo con gái thì nên học múa. Bố mẹ cứ thích tóc ngắn, con chỉ thích tóc dài thôi Con thích tóc dài như bạn Bông, bạn Len. Con thích tết tóc như công chúa Elsa ấy, tóc ngắn thì chẳng tết được.
Ngay lúc đó, tôi nghĩ có lẽ mình đã sai rồi. Con chỉ mới bảy tuổi, nhưng đã định hình được những gì mình muốn. Chỉ là muốn có một mái tóc dài giống như các bạn, để tết tóc giống nàng công chúa con yêu thích cũng không được sao? Bố mẹ chỉ làm theo ý muốn của bố mẹ, chẳng quan tâm con muốn cái gì, kể cả chuyện nhỏ như mái tóc của con, như con thích học vẽ nhưng bố lại nhất quyết đăng ký cho con học múa vào dịp hè. Và sau này là làm nghề gì, lúc nào thì nên yêu đương… chắc cũng giành phần định đoạt.
Tôi bảo con: Từ nay mẹ cho con nuôi tóc dài để tết tóc như công chúa Elsa nhé. Mắt con bé lung linh vui, bắt mẹ hứa. Ngón tay con bé xíu ngoắc vào ngón tay mẹ, trông thương biết bao nhiêu.
Nhiều khi tôi thấy, làm cha mẹ khó đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu. Làm sao để vừa có thể nghiêm khắc với con lại vừa có thể cởi mở với con như một người bạn? Làm sao để kiểm soát con mà con vẫn cảm thấy thoải mái tự do. Làm sao để cho con nghe theo mình nhưng vẫn cảm thấy được tôn trọng? Khó, rất khó.
Ảnh minh họa
Tôi nhớ, ngày xưa, khi tầm 6, 7 tuổi như con thì tôi đâu đã biết gì. Học lớp 6 rồi bị bạn bè ghép đôi với cậu bạn nào đó còn khóc nức nở như chuyện gì khủng khiếp lắm. Nhờ sự tiến bộ của thời đại, trẻ bây giờ khác nhiều rồi, chúng nhanh nhạy và hiểu biết hơn nên đòi hỏi bố mẹ cũng phải tinh tế và cẩn thận hơn trong cách dạy trẻ.
Mới đây, cô con gái bé bỏng của tôi hỏi bố mẹ trong bữa ăn “Lớn lên con làm họa sĩ được không bố?”. Chồng tôi chau mày “Làm họa sĩ làm gì hả con. Con phải học thật giỏi, làm bác sĩ, làm doanh nhân chứ”. Con nghe xong liền phụng phịu “Nhưng con thích vẽ cơ”. Tôi thầm nghĩ, thay vì áp đặt cho con gái, chi bằng mình định hướng lại suy nghĩ của mình trước đã. Có những thứ chúng ta biết là không nên nhưng vẫn làm, là vì chúng ta nghĩ mình làm cha mẹ mình có quyền.
Cha mẹ nào cũng thương yêu con cái hơn mọi thứ trên đời, coi con là báu vật, là lẽ sống. Cha mẹ có thể làm mọi thứ vì con, hi sinh tất cả vì con, nhưng trớ trêu thay, trong mắt những đứa trẻ, cha mẹ không phải lúc nào cũng là những người tuyệt vời. Cũng là sự quan tâm yêu thương ấy thôi, nhưng vì chúng ta đã chọn nhầm cách thể hiện khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Tôi tự nghĩ: Mình sống cuộc đời của mình được rồi, phải để cho con sống cuộc đời của con chứ.
Theo vietnamnet.vn
Tôi có quyền thu xếp và quyết định đời mình
Tôi muốn là mình chứ không muốn bắt chước hay thành bản sao của ai đó, nhất là những bản sao yếu thế, đáng thương và tội nghiệp.
Ngày quen anh, tôi ngạc nhiên khi thấy nhà anh có đến tám anh chị em, càng ngạc nhiên hơn khi biết tám anh chị em là con của hai mẹ cả và mẹ hai, xen kẽ nhau. Anh cười nói do hoàn cảnh thôi. Tôi thầm phục ba anh đã dung hòa được hai bà vợ và các con rất hòa thuận và thân thiết, không phân biệt con của mẹ nào.
Nhà đông anh chị em tính ra rất vui, trừ hai anh chị ở xa, tháng một lần cả nhà lại tụ họp. Nhà đông người nếu đi ăn ngoài sẽ rất tốn kém nhưng tự đi chợ nấu ăn lại tiết kiệm hơn nhiều, mỗi người một chân một tay tham gia, người lớn việc người lớn, trẻ con có việc của trẻ con. Nhà ai có việc gì như mua đất xây nhà mua xe nếu cần sẽ nhận được sự giúp đỡ.
Ảnh minh họa
Tôi cứ nghĩ mình sẽ sống vui cùng đại gia đình, hai con tôi có nhiều anh chị em để vui chơi nếu chiều đó tôi không phát hiện chồng mình đang chở một người phụ nữ, hai tay người đó vòng lên trước ôm lơi lả, đầu dựa vào tấm lưng rộng bấy lâu tôi từng dựa. Tôi đã theo họ một đoạn đường dài, con đường này tôi chưa đi bao giờ, chỉ vì chị Năm nhờ tôi ghé nhà bạn lấy thuốc cho má Hai nên tôi mới đi. Hẳn chồng tôi cũng biết vậy nên họ tự nhiên lắm, dáng vẻ quen thuộc như vợ chồng lâu năm chứ không phải mới quen biết sớm chiều còn mặn nồng thắm thiết.
Lúc họ dừng xe trước cổng ngôi nhà nhỏ có giàn hoa giấy, tôi cũng vừa kịp tới nơi. Tôi không biết tả gương mặt gã đàn ông tôi gọi là chồng lúc này có màu gì. Tôi lại bình thản mỉm cười:
"Em tới nhắc anh, cái xe đó em mua, bộ đồ anh mặc đó, em sắm. Đôi giày đó cũng em tặng, em dám chắc cái quần xì trên người anh cũng là em tự lựa tự mua. Anh có cởi thì nhớ giùm!"
Tôi về, lặng lẽ thu dọn đời mình. Tôi nghĩ mình sẽ không thỏa hiệp hay nhẫn nhịn sống vì con, cho con có đủ bố mẹ. Con tôi vẫn có đủ cả bố lẫn mẹ nếu bố mẹ thật lòng quan tâm yêu thương, không vì sống riêng mà nhạt nhòa tình cảm, trái lại con cái sống trong nhà với bố mẹ không hòa thuận nay chằng mai chuộc mới tội nghiệp đáng thương.
Ảnh minh họa
Tôi đưa ra quyết định cuối cùng này không phải vì chuyện anh có người đàn bà khác, dù chuyện này là giọt nước tràn ly. Anh là người không có chí tiến thủ, sống ỷ lại vì dựa vào các anh chị. Đi làm mà không ưng là nghỉ, mai anh chị sẽ tìm ngay cho việc mới. Anh còn nói đó là bổn phận của các anh chị, ngày bé nhà đông con nên ba mẹ không có tiền cho anh học cao, vì vậy anh mới kém cỏi như giờ. Cần mua sắm gì anh cũng nói em quyết đi, và em quyết nghĩa là em trả tiền!
Dạy con thì anh nay nọ mai kia không có chút chính kiến, góp ý thì anh nói mình là út, đó giờ toàn được nuông chiều quen rồi, trẻ con cứ để chúng phát triển tự nhiên, đến tuổi nào đó sẽ ngoan.
Nhìn thấy tờ đơn ly hôn, anh quay sang trách tôi ích kỷ, sống không biết nhìn trước ngó sau. Ba anh có hai vợ và hai dòng con đó có sao, hai bà hòa thuận gọi nhau chị em, đám con thương yêu nhau như ruột thịt.
Rồi anh kể căn chung cư chúng tôi đang ở được vay của những ai, khi con bé ốm, đã bao nhiêu cô bác tới thăm, khi con bé được giải cầu lông, bao nhiêu người tới chúc mừng.
Tôi thở dài, hòa thuận thì có hòa thuận, thương yêu thì có thương yêu, nhưng làm sao ai biết trong lòng người này nghĩ gì khi đêm nay mình hâm hấp sốt mà chồng lại ở bên người đàn bà khác. Liệu cả hai người đàn bà buổi tối có vui như ban ngày không? Anh cũng nói việc mình có hai má là do hoàn cảnh, nay việc gì tôi phải đẩy mình vào hoàn cảnh trớ trêu.
Ảnh minh họa
"Ba anh và hai má anh làm được, em thì không. Em và con sẽ đi, để anh tự do."
Khi mẹ con tôi ổn định chỗ ở, các anh chị mới biết và tìm đến. Sau vài lần khuyên giải không thành, các chị hứa sẽ giúp tôi đòi ít nhất một nửa tài sản để nuôi con. Chị Ba còn nói nếu chồng cũ không gửi tiền nuôi con bé thì các chị sẽ gửi, các anh chị sẽ chung tay lo cho con bé tới khi nó tốt nghiệp đại học ra trường.
Các chị còn nói, ba con bé biết lỗi rồi, mấy tháng nay đi làm về chỉ ở trong nhà, không đến tìm người đàn bà kia nữa. Tôi cười nhạt, mỗi người mỗi tính, hai má sống hòa thuận nhưng tôi không làm được, anh cũng tham lam muốn mình có tay ôm tay níu nhưng thất bại. Sao có thể rập khuôn đòi người này phải giống người kia.
Các chị thở dài nói tôi cứng nhắc quá, mạnh mẽ quá chỉ làm khổ mình. Phụ nữ đôi khi phải tỏ ra yếu mềm xíu để gợi lên bản năng che chở của đàn ông, hai má ngó vậy thôi nhưng mỗi người đều có chiêu trò hết đó. Tôi cười mỉm, đã nói ngay anh chị em ruột còn chẳng giống nhau nữa là người dưng. Tôi muốn là mình chứ không muốn bắt chước hay thành bản sao của ai đó, nhất là những bản sao yếu thế, đáng thương và tội nghiệp.
Tôi có quyền thu xếp và quyết định đời mình, phải không?
Trâm Anh
Theo phunuonline.com.vn
Ông chủ lẻo mép đa tình và 'bài học khôn' đắt giá cho gái trẻ Nếu còn nuôi ảo tưởng đổi đời ở phố mà nhẹ dạ, cả tin và ham tiền trong túi người khác một cách mù quáng như bạn thì không bị sa ngã, không bị lừa tình nhiều lần nữa mới là điều đáng ngạc nhiên đấy. Ảnh minh hoạ: Internet Theo tôi, với những gì đã xảy ra trong câu chuyện Osin trẻ...