Sao Mai Phạm Thùy Dung: “Thính phòng là ‘bản ngã’ của tôi”
Sau khi giành vị trí Á quân Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung đã tạm gác lại ánh hào quang sân khấu, lặng lẽ theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc cổ điển. Cô đã dành 6 năm bền bỉ, miệt mài trau dồi kỹ năng thanh nhạc và sẽ tái ngộ khán giả trong live-concert “Trăng Hát” diễn ra tại Nhà hát Lớn ngày 29/9 tới.
Ca sĩ Phạm Thùy Dung và nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời Olivier Ochanine
Trước thềm của buổi biểu diễn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phạm Thùy Dung.
Âm nhạc cổ điển vốn kén người nghe, đồng thời cũng đòi hỏi một quá trình rèn luyện nghiêm túc, gian khổ. Vì sao Phạm Thùy Dung lại lựa chọn con đường đầy chông gai này?
Ngày bé, Dung đã được hát Thánh ca trong nhà thờ, cứ mỗi tuần tôi đều theo các anh chị đi lễ và sau thánh lễ thì được tập hát. Ngày đó cũng chưa hiểu thế nào là “âm nhạc nhà thờ” mà chỉ thấy khi những giai điệu đó vang lên cứ đắm say ngân nga, cảm giác âm nhạc đó có một sức lôi cuốn kỳ lạ, càng hát càng thấy mê. Đó chính là nguồn gốc của âm nhạc cổ điển.
Sau khi đoạt giải Sao Mai, tôi tiếp tục hoàn thành hệ đại học và cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Dung hát nhiều tác phẩm opera kinh điển nhất từ trước tới giờ, càng học càng thích, càng hát càng mê.
Bên cạnh đó, tôi được nhiều chuyên gia gợi ý hát thính phòng vì họ nghe mình hát và cảm nhận rằng nếu Dung theo dòng nhạc thính phòng thì sẽ khai thác được rất nhiều tiềm năng đang ẩn sâu trong giọng hát và con người của minhf. Tại thời điểm đó Dung được học thêm với bà giáo Hồ Mộ La – một người đã có rất nhiều học trò thành danh như Rơ Chăm Pheng, Thanh Xuân, Thanh Hoa, Anh Thơ… và là người truyền thêm ngọn lửa opera đến với tôi.
Và càng học, càng hát thì tôi càng nhận ra rằng thính phòng mới chính là “bản ngã”, là “con người” của tôi. Mỗi khi cất lên tiếng hát một bài cổ điển nào đó, Dung thấy mình như được bay lên, thăng hoa, ngập tràn trong cảm xúc và một tình yêu rộng lớn.
6 năm khổ luyện, giờ thì khán giả sẽ được thấy một Phạm Thùy Dung trưởng thành như thế nào?
Đó chính là sự trưởng thành về giọng hát, sự chín chắn trong cách làm nghề và sự trải nghiệm với nghệ thuật cũng như cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ vẫn chưa hoàn hảo. Tôi còn phải tiếp tục hoàn thiện nhiều hơn, điều khiến tôi thấy những cố gắng của mình được công chúng ghi nhận là bây giờ khi nhắc đến Phạm Thuỳ Dung người ta nghĩ ngay đến một cô ca sĩ opera thính phòng chứ không chỉ là một giọng hát dân gian như trước nữa (cười).
Video đang HOT
Thùy Dung
Dung cũng may mắn được gặp nghệ sĩ người Nga Lyubov Kazanovskaya – một trong 5 ngôi sao opera thành công nhất thế kỷ 20. Bà là người có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách hát opera của Phạm Thuỳ Dung. Vài tháng một lần, Dung lại bay sang Nga để gặp bà và được bà chỉ dạy rất tận tình. Tôi may mắn được bà yêu thương như một người con nên bà không nề hà bất kỳ điều gì thuộc về âm nhạc mà tôi muốn được giúp đỡ. Những tháng ngày được học bà, theo bà đi diễn ở nhiều nước trên thế giới đã giúp Dung có thêm kiến thức, thêm trải nghiệm thực tế và thêm tự tin vào bản thân mình.
Live-concert “Trăng Hát” liệu có phải mà một sự kiện đánh dấu cho sự trưởng thành nghề nghiệp của Phạm Thùy Dung không?
Dòng âm nhạc cổ điển thính phòng vốn đã kén người nghe nên nếu làm không hiệu quả sẽ có rất nhiều “tác dụng phụ”. Nhưng từ rất lâu trước đó, Dung đã luôn mơ ước được đứng trên sân khấu của chính mình, được toả sáng. Muốn thế thì phải trau dồi về kỹ thuật, học thuật cũng như cảm xúc và kinh nghiệm biểu diễn. May mắn là trong suốt 2 năm học cao học, dưới sự hướng dẫn của GS-NSND Trung Kiên, tôi đã được hát và trau dồi rất nhiều.
Sau một quá trình rèn luyện liên tục, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đấy để đánh giá lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Từ suy nghĩ ấy, tôi quyết định làm concert “Trăng Hát”.
Được biết , live concert này có sự đồng hành Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và hai nghệ sĩ tên tuổi là Đăng Dương , Tùng Dương . Phạm Thùy Dung có thấy rằng mình rất may mắn không?
Khi biết tin Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời sẽ đồng hành cùng mình trong live-concert “Trăng Hát”, tôi vui sướng vô cùng. Không từ gì có thể diễn tả được cảm xúc đó, bởi Dung không nghĩ mình sẽ được hát với một dàn nhạc mang tầm vóc quốc tế ngay trong live concert đầu tiên của mình. Thành viên của dàn nhạc ấy đều là những nghệ sĩ giỏi trong nước và thế giới. Với tôi, đó vừa là điều may mắn, cũng vừa là động lực để cá nhân mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.
Họp báo liveconcert Trăng Hát của ca sĩ Phạm Thùy Dung
Khách mời đồng hành với Phạm Thùy Dung ở concert lần này chính là hai người nghệ sĩ đàn anh thân thiết là Đăng Dương và Tùng Dương. Nếu Đăng Dương là một giọng ca opera mẫu mực của làng nhạc thính phòng hiện nay thì Tùng Dương lại là người luôn sáng tạo, phá cách và mang nhiều màu sắc đương đại, tươi mới. Khi được hát cùng hai anh, Phạm Thùy Dung sẽ được thể hiện nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau và họ sẽ là những người hỗ trợ để chắp cánh cho giọng hát được bay bổng và thăng hoa.
Sau “Trăng Hát”, Phạm Thùy Dung đã có những dự định gì cho sự nghiệp âm nhạc của mình chưa?
Sau live-concert này, Dung cũng có dự định làm thêm một dự án âm nhạc nữa với dòng opera. Vì tôi nghĩ, tuổi đời nghệ sĩ không có nhiều nên mình sẽ dành những gì tốt nhất cho con đường mình đã chọn. Nghệ thuật sẽ không phụ mình nếu mình cố công. Và khi mình đạt được những thành công nhất định thì có thể sẽ trở thành động lực cho các bạn đồng nghiệp theo đuổi nghề.
Xin cảm ơn và chúc Phạm Thùy Dung thành công với Trăng H át!
PV
Theo Petrotimes.vn
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: "Khi tôi nhận lời làm "Trăng Hát", nhiều người cũng tò mò về lý do..."
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - một nghệ sỹ nổi danh cả về tài năng và độ khó tính coi live- concert "Trăng Hát" mà ông giữ vai trò Giám đốc Âm nhạc là một "cuộc sát hạch" với Phạm Thùy Dung - một gương mặt triển vọng của dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam hiện nay.
Trước thềm live-concert"Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung diễn ra vào tối 29/9 tại Nhà hát Lớn, phóng viên có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng về câu chuyện "Trăng Hát" cũng như những kỳ vọng của anh về tương lai của dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam.
Lý do gì đã thuyết phục được anh (một nhạc sĩ "khó tính," thường "bắt tay" cộng tác với những ngôi sao đã khẳng định chỗ đứng) nhận lời làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert "Trăng Hát" của Phạm Thùy Dung - một ca sĩ còn khá trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khi tôi nhận lời làm "Trăng Hát" cùng Phạm Thùy Dung, nhiều người cũng tò mò về lý do. Thực ra, tôi nghĩ, sự kết hợp này có lợi, là cơ hội tốt cho cả tôi và Phạm Thùy Dung.
Ở Việt Nam, rất hiếm có ca sĩ nhạc thính phòng làm live-concert với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ như Phạm Thùy Dung. "Trăng Hát" mới là concert thứ ba làm được như vậy. Trước đó, nhạc Việt mới chỉ có "Mặt trời của tôi" của Đăng Dương và "Ánh trăng tình yêu" của Lan Anh. Còn phần lớn trong số đó chỉ làm liveshow với ban nhạc điện tử hay kết hợp với những ban nhạc của dòng nhạc nhẹ.Những âm thanh của ban nhạc nhẹ không lột tả được vẻ đẹp của nhạc thính phòng, không khai thác được chất riêng của nhạc thính phòng. Đây là một thiệt thòi với các ca sĩ thính phòng Việt Nam.
Tuy nhiên, cần thấy rõ, Đăng Dương và Lan Anh đều là những nghệ sỹ có kinh nghiệm lâu năm trên sân khấu, có chỗ đứng vững chắc ở "làng nhạc," tên tuổi được định vị rõ ràng trong lòng công chúng.
Ở chiều ngược lại, bắt tay cùng Phạm Thùy Dung làm "Trăng Hát" cũng là một cơ hội tốt. Bởi như đã nói, Việt Nam chưa có nhiều live-concert mà ở đó, ca sĩ hát cùng dàn nhạc giao hưởng đầy đủ để những nghệ sỹ sáng tác, chuyển soạn như tôi được "tung hoành ngang dọc." Hơn nữa, dàn nhạc xuất hiện trong "Trăng Hát" lại là Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời khiến tôi cảm thấy rất thích thú bởi đây một dàn nhạc đẳng cấp châu lục với vị nhạc trưởng tài năng người Pháp Olivier Ochanine.
Vậy, trong quá trình làm việc, anh có cảm nhận thế nào về ca sĩ Phạm Thùy Dung?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khi nghe Phạm Thùy Dung hát, tôi nhận thấy chất giọng của cô ấy có nhiều ưu điểm. Cô ấy được học hành, đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thậm chí, Phạm Thùy Dung đã từng có thời gian đi nước ngoài học thanh nhạc.
Hơn nữa, quá trình tiếp xúc, làm việc, tôi thấy Phạm Thùy Dung không chỉ có tố chất của một nghệ sỹ mà còn là một con người rất dũng cảm, có nội lực mạnh mẽ.
Phạm Thùy Dung khác nhiều ca sĩ ở dòng thính phòng. Cô ấy có khả năng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để tới đích. Nói khác đi, Phạm Thùy Dung có những ưu điểm mà một nghệ sỹ đích thực cần có.
Anh định nghĩa thế nào là một nghệ sỹ đích thực?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Đó phải là người có tố chất nghệ thuật, cá tính ở bên trong. Họ xác định rõ ràng họ muốn làm gì, muốn trở thành gì, chứ không phó thác bản thân mình để người khác tô vẽ lên. Ngược lại, họ có ý đồ rõ ràng, khát khao muốn thể hiện, có âm nhạc bên trong muốn giãi bày. Những nhạc sĩ, người làm nhạc như chúng tôi chỉ là những người hỗ trợ để làm rõ ra ý tưởng của họ.
Có một thực tế khá buồn rằng, ở Việt Nam hiện nay, khá hiếm ca sĩ thính phòng có được điều đó. Họ thường nghĩ, những người khác hát thế nào thì mình hát như thế; người khác học ở đâu thì mình cũng đến đó học; người đi trước đã làm ra sao thì mình cũng làm như vậy. Họ không có khát khao rằng mình phải có dấu ấn riêng, sự khác biệt. Nguyên nhân cũng có thể là vì ở sâu thẳm bên trong, họ không có gì khác biệt, tạo thành nét riêng.
Tuy nhiên, Phạm Thùy Dung lại khác. Cô ấy biết rõ mình muốn gì, quyết tâm thục hiện điều đó dù cô ấy luôn rất khiêm tốn, cầu thị. Tôi đánh giá cao ưu điểm này của Phạm Thùy Dung.
Họp báo liveconcert Trăng Hát của ca sĩ Phạm Thùy Dung
Như anh có chia sẻ, Phạm Thùy Dung là người có khả năng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để tới đích. Vậy, những khó khăn mà cô ấy đang phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị "Trăng Hát" cụ thể là gì?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Việc thực hiện một concert nhạc thính phòng ở Việt Nam không hề đơn giản. Khó khăn, thử thách nhân lên gấp nhiều lần khi cô ấy dũng cảm hát cùng một dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ.
Hầu hết ca sĩ học ở trường ra đều chưa bao giờ hát với dàn nhạc giao hưởng. Kể cả những ngôi sao lớn như Đăng Dương, Lan Anh, mỗi năm cũng chỉ có vài lần hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Vậy thì làm sao họ có kinh nghiệm làm việc với nhạc trưởng và dàn nhạc. Tôi đã từng ngồi dưới hàng ghế khán giả và chứng kiến không ít nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam gặp "tai nạn," sự cố trên sân khấu khi hát cùng dàn nhạc. Bởi lẽ, họ không có kinh nghiệm, không hiểu được ngôn ngữ từ đôi tay của nhạc trưởng, không hiểu ý nhạc trưởng, không quen âm sắc của dàn nhạc.
Khi học hát một thầy một trò với nhau hoặc khi hát với piano, nếu ca sĩ có lỡ sai nhịp thì piano vẫn có thể lượn theo được, hay khi ca sĩ ngân thêm chút thì piano cũng kéo theo được. Thế nhưng, hát live với dàn nhạc thì không có chuyện đó. Hàng chục nhạc công nhìn theo bản nhạc, mình có hát sai thì họ vẫn đánh đúng theo nhạc. Vậy là lệch nhau, sự cố xảy ra!
Phạm Thùy Dung còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề nhưng đã dũng cảm đặt mình vào thử thách này - hát live cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với 60 nhạc công.
CT
Theo congthuong
"Phạm Thùy Dung trong mắt tôi là một người khiêm tốn" Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert "Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung Sau thành công với concert của ca sĩ Đăng Dương, ca sĩ Lan Anh, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lại rục rịch chuẩn bị làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert "Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung diễn ra ngày 29/9...