Sao không dám nhìn thẳng vào sự thật?
Những hình ảnh ghi lại màn ẩu đả của đám người cầm gậy tre lao vào nện nhau không nương tay ở Hội Gióng trong ngày khai hội sáng 24/2 để làm cái việc gọi là “cướp” hoa tre tranh “lộc thánh” khiến dư luận mấy ngày qua bức xúc và cho rằng đấy là hành động bạo lực, gây phản cảm đối với một lễ hội tầm cỡ như Hội Gióng. Vậy mà quan chức địa phương có mặt tại Lễ hội lúc đó, ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn lại khẳng định: “Sự việc trên là bình thường, bởi đây là phong tục của hội”. Còn ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch HN cũng đồng tình với ông phó huyện: “Tôi và các Thứ trưởng Văn hóa, Thứ trưởng Giao thông có mặt ở hội Gióng rất lâu nhưng không thấy hỗn chiến, đánh nhau nào”
Hình ảnh phản cảm trong tục “cướp lộc” hoa tre tại hội Gióng (Ảnh: Q.Đô)
Cứ như lời khẳng định của hai ông thì các phóng viên có mặt hôm đó đã viết bài, quay phim, chụp ảnh đưa tin trên các báo với những cái tít kiểu như “Hỗn chiến cướp lộc…” đều mắc tội vu khống? Có điều, “ngôn ngữ” phim ảnh đã nói lên tất cả. Nhìn những bức ảnh hay đoạn vi deo mà báo chí đã công bố thì rõ ràng là không thể có ngôn từ nào chính xác hơn những cụm từ “hỗn chiến”, “ẩu đả” hay “đánh nhau” để gọi cho hành động cướp lộc được cho là “bình thường” như ông Phó chủ tịch huyện nói.
Mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng cho biết, UBND huyện Sóc Sơn trong báo cáo gửi cấp trên đã khẳng định: “Việc một số tờ báo nêu có hiện tượng thanh niên đua nhau cướp lộc đầu năm tại lễ hội Gióng gây hỗn loạn khiến du khách kinh hoàng là chưa khách quan, chưa đúng với bản chất của sự việc. Trong đoàn rước có một số thanh niên cầm gậy bảo vệ kiệu, khi khiêng kiệu do đoàn người vào xem hội đông gây ra xô đẩy, một số người bảo vệ bị ngã, dẫn tới xô xát”.
Vậy là không vấn đề gì. Từ “hỗn chiến, ẩu đả” bỗng mềm hóa thành “xô đẩy”. Nhưng “xô đẩy” mà dẫn tới “xô xát” thì đích thực là “ẩu đả” rồi. Thì ra cái “đuôi” con nòng nọc người ta cố che giấu bằng nghệ thuật “uốn dẻo” ngôn từ theo kiểu “đường cong mềm mại” hay “đầu tự va vào ly bia” nhưng nó vẫn bị tòi ra. Màn đánh lộn của mấy thanh niên mặt bặm trợn, tay chạm trổ rồng rắn chắc không phải là kịch bản để “diễn” cho hội tăng thêm phần hấp dẫn?
Tại sao trước những hành động biến tướng đáng lo ngại của một lễ hội truyền thống như Hội Gióng mà các nhà chức trách địa phương vẫn bao biện, không dám gọi đích danh bản chất sự việc? Họ sợ xấu đi hình ảnh của lễ hội hay là sợ cái trách nhiệm của mình? Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức tốt thì những lễ hội lần sau dù có họp rút kinh nghiệm như ông Giám đốc Sở VH, TT&DL đã hứa, cũng không chắc tránh được những hành vi tranh cướp lộc cầu may bị tha hóa, biến chất thành những màn đánh lộn, đổ máu như GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã khẳng định.
Video đang HOT
Nguyễn Duy Xuân
Theo dantri
Không có "hỗn chiến" cướp lộc tại hội Gióng?
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết đã có kết luận cuộc kiểm tra của đoàn phối hợp giữa Sở VH-TT&DL, Viện kiểm sát nhân dân, công an thành phố Hà Nội trước thông tin tranh cướp ẩu đả bạo lực tại hội Gióng sáng ngày 24/2.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) cho biết sáng ngày 26/2, UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo bằng văn bản số 41 do Chủ tịch huyện Sóc Sơn, ông Vương Văn Bút ký gửi Sở VH,TT&DL về sự việc ẩu đả, tranh cướp hoa tre tại hội Gióng.
Văn bản báo cáo được gửi sau khi có đoàn kiểm tra của Sở VH,TT&DL, Viện kiểm sát nhân dân, công an thành phố Hà Nội xuống hội Gióng kiểm tra ngày 25/2.
Cảnh cướp lộc tại hội Gióng được báo chí phản ánh gay gắt
Theo ông Tô Văn Động, văn bản báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn khẳng định tục cướp lộc là nghi thức lâu đời, là một nội dung trong lễ hội đã được các cấp thẩm quyền cấp phép. Sự việc gây mất trật tự an ninh được giải tán ngay sau đó và chưa đến mức xử lý về mặt pháp lý. Ban chỉ đạo lễ hội cũng xin rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở những trường hợp gây mất an ninh trật tự.
"Về cơ bản, văn bản báo cáo chính thức của UBND huyện Sóc Sơn có 3 ý: Việc một số tờ báo nêu có hiện tượng thanh niên đua nhau cướp lộc đầu năm tại lễ hội Gióng gây hỗn loạn khiến du khách kinh hoàng là chưa khách quan, chưa đúng với bản chất của sự việc.
Tục cướp lộc là nghi thức lâu đời của lễ hội. Trong đoàn rước có một số thanh niên cầm gậy bảo vệ kiệu, khi khiêng kiệu do đoàn người vào xem hội đông gây ra xô đẩy, một số người bảo vệ bị ngã, dẫn tới xô xát. Tuy nhiên sự việc đã được các lực lượng chức năng can thiệp, giải tán ngay, không có cá nhân nào bị thương.
Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc, Bản chỉ đạo lễ hội đã họp, rút kinh nghiệm và hứa sẽ chỉ đạo những lễ hội lần sau tốt hơn", ông Tô Văn Động tiết lộ.
Cũng theo ông Tô Văn Động, kết luận cuộc kiểm tra của đoàn phối hợp giữa Sở VH, TT&DL Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân, công an thành phố Hà Nội thống nhất với báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn. Ban kiểm tra liên ngành đồng tình với cách xử lý sự việc như trong báo cáo.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội cảm thấy đáng tiếc trước sự việc xảy ra tại hội Gióng
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ trách nhiệm của ngành văn hóa, ông Tô Văn Động cho rằng sự việc đã xảy ra khiến báo chí phản ánh gay gắt là điều đáng tiếc, đáng buồn đối với hội Gióng nói riêng và các lễ hội nói chung.
Ông Tô Văn Động nói: "Ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, Sở VH, TT&DL đã có văn bản chỉ đạo gửi tới các địa phương nhắc nhở ban tổ chức các lễ hội trên địa bàn Hà Nội cần chặt chẽ, nghiêm khắc hơn nữa. Đồng thời có những tuyên truyền đôn đốc, kịp thời để người dân, du khách có sự nhìn nhận, hành động đúng mực khi tham gia các lễ hội truyền thống mang tính chất vui vẻ, cầu may."
Trước đó, dư luận không khỏi có cái nhìn tiêu cực trước thông tin phản ánh từ báo chí về tình trạng cướp lộc hoa tre gây nên tình trạng "hỗn chiến" tại hội Gióng sáng ngày 24/2. Khi xem hình ảnh, video sự việc, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đều khẳng định đây là cuộc ẩu đả bạo lực chứ không còn là nghi thức cướp lộc mang tính chất vui vẻ truyền thống.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thì nghi tranh cướp truyền thống cầu may tại lễ hội đang bị tha hóa, biến thành những màn đánh lộn, đổ máu...
Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) khẳng định những hình ảnh bạo lực tràn lan tại các lễ hội một phần do lỗi chúng ta đã trót phục dựng những giá trị không còn phù hợp. Ngày nay, khi chúng ta phục dựng những giá trị được cho là di sản văn hóa phi vật thể của cha ông, chúng ta đã làm sống lại những hành vi như chém lợn, cướp lộc, đánh nhau. Ông cho rằng, trong nền văn minh phát triển của loài người, rõ ràng những hành vi đó phản cảm...
Nguyễn Hằng
Theo Dantri
Chợ đồng loạt tăng giá, siêu thị "giảm giá hết ga" Do nhu cầu thực phẩm tết của người dân tăng cao nên hầu hết các chợ đều đồng loạt tăng giá từ 10 - 15%. Tuy nhiên, hệ thống các siêu thị lại đua nhau khuyến mãi, "giảm giá hết ga". Các siêu thị đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi dịp cuối năm để thu hút người tiêu dùng Ghi nhận sáng...