Sao châu Á bị thất sủng ở Hollywood
Hồi chuông nạn “tẩy trắng” ở Hollywood vừa được dóng lại khi 2 bom tấn “Doctor Strange” “Ghost in the Shell” tung hình ảnh diễn viên phương Tây thủ vai diễn là người châu Á.
Hollywood đang giao những vai nhân vật châu Á cho các diễn viên da trắng với nhiều lý do khác nhau. Tháng trước, hình ảnh minh tinh Tilda Swinton đóng vai thầy phù thủy quyền pháp Ancient One trong bom tấn mới của Marvel Doctor Strange được công bố.
Cùng thời điểm đó, tác phẩm chuyển thể từ manga Nhật Ghost in the Shell tiết lộ tạo hình của Scarlett Johansson trong vai chính gây ra làn sóng phản đối từ công chúng. Bởi lẽ nhân vật mà họ đóng trong phiên bản truyện gốc đều là người châu Á.
Các vụ việc này này gợi nhớ lại trường hợp nữ diễn viên Emma Stone – vốn “thuần Mỹ” đảm nhận nhân vật gốc Á trong phim Aloha năm ngoái.
Tilda Swinton trong Doctor Strange, Emma Stone trong Aloha và tạo hình của Scarlett Johansson trong Ghost in the Shell vốn là những nhân vật người châu Á/gốc Á.
Trước phản đối từ cộng đồng yêu thích phiên bản truyện, Marvel giải thích rằng Ancient One là một biệt hiệu, không được cố định cho bất cứ ai, sẽ được truyền lại theo thời gian nên họ cần tuyển một diễn viên hội tụ đủ tài năng để thể hiện nhân vật quyền năng này.
Còn đạo diễn bộ phim – Scott Derrickson thì chia sẻ trên trang Twitter rằng anh đang “lắng nghe và học hỏi”.
Tình hình tồi tệ
“Chẳng gì bực bội hơn khi thực tế là không có đủ vai diễn cho chúng tôi. Ngay cả những nhân vật gốc Á, chúng tôi cũng không được xem xét để thể hiện. Họ đang khiến tình hình tồi tệ hơn” – Maggie Q – nữ diễn viên gốc Việt là một trong số diễn viên Mỹ gốc Á được tờ Hollywood Reporterhỏi về thực trạng này, nói.
Maggie Q còn cho biết, không một diễn viên gốc Á nào được mời đến tuyển chọn cho bộ phim Aloha, cụ thể là vai diễn Allison Ng – một người mang dòng máu châu Á của Emma Stone.
Maggie Q – đại diện gốc Á ở Hollywood.
Để diễn viên da trắng đóng vai châu Á đã tồn tại từ lâu, thậm chí khi nền công nghiệp điện ảnh mới chào đời. John Oliver trong Last Week Tonightvà Vox, Mickey Rooney đóng I. Y. Yunioshi trong Breakfast at Tiffany là những ví dụ điển hình nhất. Thậm chí có 2 diễn viên Linda Hunt và Luise Rainer đoạt giải Oscar vì màn hóa thân thành người Á.
Video đang HOT
Theo nghiên cứu mới nhất của USC về sự đa dạng trong ngành giải trí công bố vào tháng 2, diễn viên châu Á trên phim chỉ chiếm 5,1% bao gồm vai diễn có thoại, tên trên màn bạc, truyền hình và series phim số vào năm 2014, và ít nhất một nửa trong số tác phẩm này không hề có nhân vật người châu Á.
Lên tiếng về sự thiếu sót này, đồng sáng tạo series hài Master of None Alan Yang nói: “Có vô số vai diễn dành cho các diễn viên da trắng có ngoại hình và tài năng, họ đang làm rất tốt rồi. Đó là lý do tại sao sự phẫn nộ dấy lên khi những vai diễn châu Á, vốn đã ít ỏi rồi lại không dành cho diễn viên châu Á”.
Không đủ yếu tố để gánh vác vai chính thường là lý do được giới trong nghề đưa ra giải thích tại sao diễn viên gốc Á không được lựa chọn. Khi cư dân mạng đề xuất những cái tên có thể đảm nhận nhân vật chính Motoko Kusanagi trong Ghost in the Shell, hiếm có ai trong danh sách sánh được với Johansson về khoản danh tiếng.
Hollywood không có ngôi sao điện ảnh là người gốc Á – thực tế này đã được biên kịch đoạt giải Oscar Aaron Sorkin chỉ ra trong vụ hãng phim Sony bị rò rỉ loạt email vào năm 2014.
Theo nhà sáng tạo (creator) Alan Yang hãng phim cũng mạo hiểm chọn Chris Pratt đóng Guardians of the Galaxy nhưng không làm điều tương tự với diễn viên châu Á.
“Tôi hiểu rằng nền công nghiệp này có nhiều rủi ro, nhưng đó chỉ là cái cớ hèn nhát” – Alan Yang nhận xét và nói tiếp. “Hollywood chọn Chris Pratt đóng chính trong Guardians of the Galaxy và Jurassic World. Trước đó anh ấy đâu phải là ngôi sao cho tới khi đóng 2 bộ phim kia. Những người có quyền quyết định trong tay, họ phải chấp nhận mạo hiểm chứ”.
Giải pháp nằm ở hậu trường
Teddy Zee – cựu giám đốc điều hành hãng phim Columbia và Paramount đề xuất chìa khóa cho vấn đề này chính là khuyến khích sự đa bản sắc hơn ngay trong hàng ghế những người sáng tác ra tác phẩm. Teddy nói: “Nếu người điều hành hãng phim, biên kịch và đạo diễn chủ yếu vẫn là nam giới da trắng thì sản phẩm họ làm ra phản ánh gốc gác của họ”.
Cùng ý kiến này, Sung Kang – nam diễn viên đóng series Fast & Furiouscho biết: “Những đạo diễn như Justin Lin (đạo diễn gốc Đài Loan cầm trịch 3 phần phim Fast & Furious) sẽ tuyển chọn công bằng và có thể rất nhiều diễn viên khác có cơ hội gây dựng sự nghiệp nếu có những người như anh ấy”.
Diễn viên gốc Hàn Sung Kang.
Ở vai trò đạo diễn, Jon M. Chu đang có dự án mới Crazy Rich Asians có nhân vật chính là một người thừa kế gốc Singapore, sẽ chọn dàn cast chủ yếu gốc Á. Quyết định này của Chu được người cộng sự là nhà sản xuất Nina Jacobson đồng tình.
Trên trang cá nhân, Chu khẳng định “Các diễn viên châu Á đều rất hợp với vai diễn”. Đạo diễn của G.I. Joe: Retaliation cũng gọi những cái cớ khiến diễn viên châu Á ít đất diễn chỉ là “sự thiên vị được ngụy trang”.
Khâu tuyển chọn cần cải thiện
Nữ đạo diễn Karyn Kusama từng chỉ đạo Jennifer’s Body gần đây có dự án phim độc lập The Invitation. Karyn hợp tác với 2 giám đốc casting Sig De Miguel và Stephen Vincent để chọn ra dàn cast đa dạng theo ý cô. “Thật hiệu quả khi bạn có thể tìm được những giám đốc casting hiểu được rằng thế giới này đang ngày càng trở nên đa sắc”.
Nhiều diễn viên ý thức được rằng ngày càng nhiều những cuộc casting dành cho các diễn viên ở mọi sắc tộc, điều này cho phép hãng phim và nhà sản xuất chọn ra được người thích hợp nhất cho vai diễn. Nhưng các diễn viên châu Á hiếm khi được nhận vai.
“Một nhân vật được sáng tác là người da trắng và họ mong chờ chúng tôi hợp vai một cách hoàn hảo” – Justin Chon (Twilight, 21 & Over) giải thích lý do thất bại.
“Tôi đến phòng casting, ở đó có rất nhiều ứng cử viên, tất cả đều đến để thử cùng 1 nhân vật. Đôi khi bạn được nhận kịch bản cho một nhân vật mà rõ ràng là người gốc Latin, gốc Phi và bên casting bảo rằng họ mở cửa đón nhận cho tất cả. Ngay từ ban đầu, vai diễn đã không dành cho người gốc Á chúng tôi, ấy vậy mà họ đổ lỗi cho diễn viên. Thật điên rồ”.
Justin Cho trong 21 & Over.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, nhà sản xuất kiêm biên kịch Glen Mazzara (The Walking Dead, Damien) cho rằng giải pháp cần được thực hiện trước quá trình casting, nghĩa là khi nhân vật đang còn được thai nghén từ kịch bản.
“Trong Damien, tôi thay đổi cách thức và viết rõ về giới tính, nguồn gốc dân tộc ngay trực tiếp trên kịch bản. Tôi không thể sáng tạo ra một nhân vật mà không kèm theo giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội, nơi họ lớn lên – phải là một con người hoàn chỉnh…”.
Theo Guy Aoki, người đứng đầu kiêm đồng sáng lập ra Mạng lưới hành động truyền thông cho người Mỹ gốc Á (MANAA), sẽ phải mất thời gian để thay đổi gặt hái được hiệu quả. Năm ngoái, MANAA tới các công ty casting hàng đầu Hollywood để khuyến khích họ mở rộng dự án cho diễn viên gốc Á và thuần châu Á.
“Vấn đề là chúng tôi thảo luận với 4 đài truyền hình từ năm 1999 mà vẫn mất 3 năm để có kết quả. Với các hãng phim điện ảnh, quá trình sẽ tốn thời gian hơn” – Guy Aoki chia sẻ.
Lạc quan về tương lai
Đối diện với những vai diễn bị đồng nghiệp da trắng lấy đi, nhiều nhân vật gốc Á tự tạo cho mình cơ hội. Nam diễn viên gốc Hàn Quốc Daniel Dae Kim của series truyền hình Hawaii Five-0 mở công ty sản xuất banner 3AD hồi năm 2013 đang hợp tác với đài CBS để sản xuất phiên bản Mỹ của drama Hàn Good Doctor.
Theo Kim, có nhiều người Mỹ gốc Á nắm quyền lực trong ngành công nghiệp phim ảnh và anh tự hỏi “Liệu tự mình sản xuất nội dung riêng có cải thiện được vấn đề này?”.
Diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran sẽ tham gia Star Wars: Episode 8
May mắn là trong năm tới, có ít nhất 1 phim điện ảnh chắc chắn có vai chính là diễn viên gốc Á. Nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran đã trúng vai chính trong phần mới trong dự án thương hiệu phim Star Wars của nhà làm phim J. J. Abrams.
Người quản lý của Tran cho biết: “Với vai diễn này, Kelly Marie Tran có được cơ hội tuyệt vời để phá vỡ rào cản với diễn viên gốc Á và hy vọng chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều người châu Á nữa góp mặt trên màn bạc trong tương lai”.
Theo Zing
Tuyên bố cải cách "lịch sử" giải thưởng Oscar
Hôm qua (22-1), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, nhà sáng lập giải thưởng Oscar, đã đưa ra cam kết tăng gấp đôi số thành viên hội đồng là phụ nữ và người da màu vào năm 2020 thông qua một kế hoạch hành động táo bạo, đồng thời tước bỏ quyền bình chọn của một số thành viên cũ.
Thông báo này được đưa trong bối cảnh mùa giải Oscar năm nay bị "ném đá" dữ dội bởi số đề cử ít ỏi dành cho các diễn viên hay nhà làm phim da màu.
Cải cách lịch sử
Nam diễn viên Will Smith, đạo diễn Spike Lee và nhiều nghệ sĩ khác cho biết sẽ tẩy chay lễ trao giải Oscar vào ngày 28-2 sắp tới. Vào thứ Năm (21-1), điều lệ chỉnh sửa đối với thành viên Hội đồng thẩm định đã được Hội đồng quản trị nhất trí thông qua. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử 88 năm của Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh. Tuy nhiên, thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến bầu cử cho giải Oscar năm nay. Thành phần hội đồng bất cân đối khi phần lớn thành viên là đàn ông lớn tuổi da trắng đã bị chỉ trích là rào cản công bằng chủng tộc trong giải thưởng danh giá nhất của Hollywood. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình chỉ ra một nguyên nhân khác là do ngành công nghiệp điện ảnh không dành nhiều cơ hội cho người da màu và phụ nữ, phần lớn bị đóng khung trong một số vai diễn nhất định.
Cheryl Boone Isaacs, người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ vị trí Chủ tịch Viện Hàn lâm, đã ca ngợi động thái hôm thứ Sáu là "minh chứng cho vai trò tiên phong của Viện Hàn lâm nghệ thuật trong nền công nghiệp điện ảnh".
Tượng vàng Oscar
Dù vậy, Ava DuVernay, nhà làm phim da màu đầu tiên được nhận đề cử Quả cầu vàng cho bộ phim về nhân quyền "Selma" vào năm ngoái, cho biết đây chỉ là động thái xoa dịu công chúng trước sức ép dư luận.
"Họ vờ không nghe, không thấy hàng thập kỷ" "Các nghệ sĩ đã đấu tranh hàng thập kỷ cho sự thay đổi của Viện. Chỉ là họ cố tình không nghe, không biết" - Ava viết trên Twitter. Warner Bros, một trong những hãng phim lớn của Hollywood, vài giờ sau thông báo của của giải Oscar, gọi đó là "một bước tiến lớn hướng tới việc mở rộng và đa dạng hóa của Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh nói riêng và toàn ngành công nghiệp điện ảnh nói chung". Nhưng Kevin Tsujihara, Chủ tịch của Time Warner Inc (TWX.N) studio, nói thêm "sẽ có rất nhiều việc phải làm để biến tham vọng này thành sự thật". Là một phần nỗ lực thúc đẩy đa dạng hóa giới tính và chủng tộc các thành viên, Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh cho biết họ sẽ bổ sung thêm ba ghế mới dành riêng cho phụ nữ và người da màu vào hội đồng quản trị. Thêm vào đó, Viện cũng thực hiện "một chiến dịch tìm kiếm và chọn lọc các thành viên từ nhiều quốc gia, sắc tộc trên toàn cầu nhằm đa dạng hóa thành phần hội đồng. Mục tiêu của Hội đồng quản trị là tăng gấp đôi số lượng phụ nữ và các thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau của học viện vào năm 2020". Theo quy định mới hiện hành, quyền bình chọn của mỗi thành viên mới sẽ mất hiệu lực sau 10 năm, trừ trường hợp thành viên có đóng góp tích cực trong 10 năm đó. Quyền bình chọn suốt đời sẽ chỉ được trao sau khi ba nhiệm kỳ 10 năm hoặc nếu thành viên giành được hoặc được đề cử cho giải Oscar. Tương tự, các thành viên hiện tại của hội đồng nếu không hoạt động cho nghệ thuật trong vòng 10 năm sẽ phải có được ít nhất một đề cử cho giải Oscar mới có quyền bình chọn. Quyền lợi của các thành viên này trong Viện vẫn sẽ được giữ nguyên, trừ quyền được bình chọn. "Vấn đề lớn của viện là có rất nhiều thành viên lão làng trong hàng ngũ của họ" - Tom O"Neil, biên tập viên của trang web Gold Derby nói. "Vì vậy đây là một tin chấn động, một bước đột phá rất đáng hoan nghênh". Trước mắt vẫn chưa ai biết rõ viện sẽ phải tăng bao nhiêu số lượng thành viên là nữ và người da màu hay tước bỏ quyền bình chọn của bao nhiêu thành viên gạo cội để thực hiện được mục tiêu của mình. Danh sách khoảng 6.000 thành viên Viện Hàn lâm chưa bao giờ được tiết lộ công khai, mặc dù theo phát hiện của Los Angeles Times vào năm 2012, có gần 94% thành viên là người da trắng và 77% nam giới. Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ đã phải đối mặt phản đối gay gắt từ dư luận khi tất cả đề cử cho bốn hạng mục diễn xuất của năm nay lại một lần nữa thiếu vắng tên tuổi các diễn viên da màu hay sự thờ ơ của Viện với bộ phim hip-hop "Straight Outta Compton" - vốn được đánh giá cao về chất lượng.
Vũ Phương Thảo (Theo Reuters)
Theo_PLO