Sao bóng đá Việt xả hơi thời bão giá
Hầu hết đội bóng V-League chưa tập trung trở lại, các cầu thủ tranh thủ đi du lịch hay tổ chức đám cưới, nhưng đều rất… tiết kiệm.
Sau đợt tập trung tuyển quốc gia, Công Vinh bay luôn vào miền Nam để ở bên bạn gái – nữ ca sĩ Thủy Tiên đang mang bầu.
Không như các đợt nghỉ mùa giải ở những năm trước, do biến động kinh tế, các cầu thủ Việt Nam vốn có tiếng là ăn chơi cũng cắt giảm chi phí tối đa. Chính vì thế, những cuộc du lịch nước ngoài đã được đổi bằng du lịch trong nước. Thậm chí từ việc đi máy bay như đi chợ, các cầu thủ cũng đã bắt đầu rất hạn chế, chuyển sang các phương tiện khác như tàu hỏa, ôtô.
Ngay sau khi trở về CLB sau đợt tập trung đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ Hà Nội T&T đều chọn cho mình những cách xả hơi khác nhau và có một điểm chung là trên tinh thần tiết kiệm hết mức.
Thủ môn Dương Hồng Sơn sau khi du lịch ít ngày trên biển để thỏa mãn với niềm đam mê câu cá, đã đón ông bà nội ngoại ở quê ra Hà Nội chơi. Lâu lắm rồi, cả nhà mới được xum tụ, khi mà thủ môn người Nghệ An phải thi đấu quanh năm suốt tháng. Đồng đội của thủ môn Hồng Sơn là Văn Quyết cũng có sở thích câu cá. Được nghỉ ngơi ít ngày, anh chàng này vác cần đi câu tối ngày. Chẳng biết có câu được cá không nhưng cứ được thoải mái là thích rồi.
Vài hôm trước, cả đội Hà Nội T&T đã quyết định chinh phục “mái nhà Đông Dương” – đỉnh Phan Xi Păng với quyết tâm sẽ quyết vượt qua những thử thách, khó khăn đang chờ đợi mình ở phía trước. HLV Phan Thanh Hùng sau khi vội vàng từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng để tổ chức lễ ăn hỏi cho con gái mình, lại bay ra để cùng đội đi du lịch.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những cuộc vui chơi của các cầu thủ đều được giản tiện, thậm chí là không có gì. Như Việt Thắng, sau khi từ tuyển về, tiền đạo này chỉ tổ chức sinh nhật bù với vợ và con. Trước đó, ngày sinh nhật của Việt Thắng rơi đúng vào trận giao hữu với Indonesia. Việt Thắng cho biết, anh chỉ ở nhà nghỉ ngơi và chơi với con, thỉnh thoảng cả nhà tổ chức đi ăn. Cả mùa giải hầu như Việt Thắng chỉ về nhà vài lần nên khoảng thời gian bên vợ con là rất quý giá.
Video đang HOT
Một ông bố khác là Thành Lương cũng đang trổ tài nội trợ để giúp bà xã. Từ hồi có em bé, hai vợ chồng ít đi đâu xa, thường thì chỉ tranh thủ dịp nghỉ tụ tập cùng bạn bè. Hiện tại, CLB của Thành Lương đang chưa biết rõ tương lai thế nào nên anh càng có lý do cắt giảm các cuộc du lịch nước ngoài tốn kém. Chưa tổ chức cưới như Thành Lương, nhưng người đồng đội ở CLB Hà Nội là Công Vinh lại sắp có em bé. Vợ chưa cưới của Công Vinh, ca sỹ Thủy Tiên bụng to thấy rõ và chỉ vài tháng nữa sẽ “nhảy ổ”. Ngay sau khi kết thúc đợt tập trung đầu tiên cùng đội tuyển Việt Nam, Công Vinh bay vào miền Nam luôn để… “canh đê”.
Đa số các ông bố đều muốn dành thời gian nghỉ ngơi cho gia đình. Còn những cầu thủ độc thân hay mới cưới, cũng không ăn tiêu bạt mạng như trước. Không có tên trong danh sách tập trung đội tuyển, tiền đạo Tăng Tuấn (Bình Dương) xách hành lý đi lặn biển ở Nha Trang cùng với người bạn ở CLB Đà Nẵng là Hoàng Quãng. Vừa nhận tiền lót tay lên tới 8 tỷ đồng từ CLB Bình Dương nhưng Tăng Tuấn tâm sự, giờ là thời điểm cần phải tiết kiệm, mùa tới, chẳng biết lương thưởng sẽ thấp như thế nào.
Thú lặn biển dường như là cái mốt của các cầu thủ, khi vừa có cảm giác mới mẻ, sảng khoái, lại không tốn kém chi phí. Rất nhiều cầu thủ ở ngoài Bắc đã rủ nhau vào Nha Trang để được bơi lội ngắm san hô và cá. Khó khăn kinh tế dường như đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống bóng đá Việt Nam. Ngay cả những cầu thủ vừa tổ chức lễ cưới, cũng đều rất gọn nhẹ và đặc biệt không đi tuần trăng mật ở nước ngoài như những năm trước. Hồng Tiến sau khi tổ chức lễ cưới ở quê nhà Nghệ An, đã cùng vợ đi Phú Quốc. Chi phí cả chuyến đi, cũng chỉ hơn 10 triệu đồng, tiết kiệm hơn nhiều so với các địa điểm quen thuộc như Malaysia hay Singapore. Một cầu thủ ở Nghệ An khác là Quốc Vượng cũng vừa chia tay cuộc sống độc thân. Tuy nhiên, Vượng cho biết sẽ không đi tuần trăng mật cho tốn kém vì tiết kiệm và vợ cũng đã có bầu 5 tháng.
Theo VNE
Chiêu kiếm bộn tiền của "đồng nát VIP" thời bão giá
Biết tâm lí người tiêu dùng thời buổi khó khăn, thị trường vật liệu xây dựng, đồ dùng cũ phát triển rầm rộ.
Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện mua sắm những đồ dùng, vật liệu xây dựng đắt tiền. Họ đua nhau "săn tìm" đồ vật liệu xây dựng cũ để giảm sức gánh về tài chính, vô hình trung tạo cơ hội cho nhiều chủ đồng nát thỏa sức xuất chiêu nghề kiếm lời.
Một cơ sở thu mua vật liệu xây dựng cũ ở phường Đồng Mai, Hà Đông
Đồng nát thời hiện đại
Qua một cuộc "cải cách" xây lại dãy nhà trọ ở Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội), tôi được biết thị trường thu mua đồng nát đang "sốt xình xịch". Tại các trục đường quốc lộ 5, quốc lộ 6, hay các điểm thu mua sắt vụn lớn ở Hà Nội như phố Triều Khúc (Thanh Xuân), điểm quanh cầu Mai Dịch (Hoàng Mai) nhộn nhịp cảnh thu mua nội thất cũ. Ngoài các mặt hàng truyền thống là sắt vụn, nhôm đồng... là sự góp mặt đa dạng của các mặt hàng mới như: Vật liệu xây dựng, bàn ghế, thiết bị vệ sinh, cửa gỗ, đồ gỗ gia đình...
Qua khảo sát thì một bộ cánh cửa kính 2m có giá dao động từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/bộ, giá cửa gỗ từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/bộ, cửa cổng sắt cao 2m có giá từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng... Đồ nội thất cũng có giá rẻ đến "bất ngờ". Một bộ ghế salon kymdan vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện" có giá 5 đến 6 triệu đồng, tủ gỗ cao 2m có giá 2 triệu đến 3 triệu đồng, tủ lạnh samsung 2 cửa từ 5 đến 6 triệu đồng... So với sản phẩm mới trên thị trường thì những đồ cũ này có giá bằng 30% đến 40%.
Thâm nhập vào giới kinh doanh đồng nát được biết, giá mua vào và bán ra chênh nhau rất lớn. Dù đồ có còn mới như thế nào thì cũng bị quy thành "đồng nát" và chỉ mua dưới 10% trị giá lúc đầu. Một bộ cửa gỗ 2m còn "nguyên sơn" được mua với giá 700 nghìn đến 1 triệu đồng/bộ, cổng sắt cao 2m thường được mua với giá 500 nghìn đồng, tủ lạnh LG 2 còn "chạy êm ru" thì giá cao nhất là 2 triệu đồng,... Đặc biệt là vật liệu xây dựng được thu mua tính theo kg với giá "siêu rẻ".
Các loại sắt, thép khi phá nhà được mua với giá 8000 đồng đến 10 ngàn đồng/kg nhưng khi bán lại cho những người có nhu cầu thì giá của các vật liệu này được đội lên gấp đôi. Tùy vào mức độ "cũ", han, rỉ mà chủ buôn sắt vụn có thể chặt chém khách hàng từ 20 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/kg sắt thép. Vì thế, những người làm nghề đồng nát thu được nguồn lợi khá "khủng".
Bộ cổng cũ này được mua vào với giá vài trăm ngàn đồng, bán ra khoảng một triệu đồng
Tham rẻ dễ mua phải của ôi
Để tiết kiệm tối đa chi phí, nhiều người mua các mặt hàng cũ để sử dụng. Thế nhưng khi sử dụng chúng, họ rơi vào cảnh "dở khóc dở cười". Vợ chồng chị Nguyễn Thu Quỳnh (Trương Định, Hà Nội) cũng sắm nội thất cũ cho gia đình. Chị chia sẻ, hơn chục năm tích cóp cộng với vay mượn, vợ chồng chị Quỳnh mới xây được căn nhà theo thiết kế của mình.
Ngoài một số đồ dùng cho sinh hoạt gia đình: chiếc tủ lạnh cũ nát, bộ bàn ghế nhựa cũ kỹ... thì căn nhà không còn đồ đạc. Thế nên, nhìn ngôi nhà "trống rỗng" không có điểm nổi bật, chị bị bạn bè thân nói "cạnh khóe": "Nhà rộng, đẹp mà chẳng có gì. Thế này khác gì thùng rỗng". Nghe vậy, chị quyết tâm vay tiền họ hàng để "thị uy" với bạn.
Khi có tiền, đang định "rinh" đồ mới về nhà, chị được người hàng xóm mách nước sắm đồ cũ về dùng, vừa tiết kiệm được chi phí (vì giá rẻ hơn đồ mới gần một nửa) lại có thể sắm sửa nhiều vật dụng khác. Nghe hàng xóm nói có lý, chị cùng chồng đi vài nơi để tìm hiểu.
Chị tâm sự: "Tôi tìm mua ít đồ nội thất cũ, chủ yếu là đồ gỗ: Tủ và bàn ghế. Dù là cũ nhưng vẫn tốt chán. Thời buổi kinh tế khó khăn, tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Mua đồ cũ nhưng về nhà mình sơn lại thành mới, "cũ người mới ta", bản thân mình thích là được".
Đang tính toán xem nên mua sắm, thay thế vật dụng gì trong gia đình, chị Lê Thị Bích (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được người đồng nát đang trọ ở nhà bên mách nước: "Tôi đang dọn chuyển nhà trong phố Hàng Khoai, họ muốn bán một số đồ cũ, chủ yếu là đồ điện tử mới dùng được hơn năm. Nếu chị ưng, tôi sẽ mua lại giúp chị với giá "mềm". Nghe nói toàn đồ mới dùng chưa được bao lâu, chị gật đầu đồng ý. Bởi từ ngày chuyển chỗ làm mới, thu nhập của chị thấp hơn trước gần một nửa khiến chị phải tính toán chi tiêu sao cho tiết kiệm tới mức tối đa. Cuối cùng, chị mua lại được chiếc điều hòa và chiếc tủ lạnh với giá 3 triệu đồng/hai sản phẩm, rẻ hơn nhiều so với mua đồ mới.
Vui mừng vì mua được giá "hời", mỗi khi bạn bè đến nhà chơi, chị đều mang ra khoe. Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang", cuối tháng nhận hóa đơn thanh toán tiền điện, chị sốc với số tiền điện phải trả. Chị tâm sự: "Cứ nghĩ mua được đồ cũ là tiết kiệm được tiền, ai ngờ phải mất thêm một khoản lớn tiền điện. Trước đây, một tháng dùng điện hết 300 ngàn đồng/tháng thì nay mất gần 1 triệu đồng".
Chị Bích còn khẳng định thêm: Dùng thêm tháng nữa, chiếc điều hòa 2 triệu đồng phải nhờ tới thợ sửa chữa đến 3 lần vì sự cố. Theo lời thợ sửa, chiếc điều hòa này bị lỗi kỹ thuật, nếu bán đi chỉ đáng vài trăm nghìn đồng, giá 2 triệu đồng là quá đắt. "Đúng là tham rẻ thì mua được của ôi", chị Bích ngán ngẩm.
Không chỉ chị Bích, rất nhiều người khi mua đồ điện tử, điện lạnh cũ, nếu không có sự hiểu biết, thì dễ mua phải đồ rởm. Bên cạnh đó, một số đồ dùng trong xây dựng cũ: Cánh cửa, tủ, bàn ghế, tấm lợp... khi dùng cũng gặp phải sự cố: Hỏng hóc, mối mọt... Thế nên, để tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả, nhiều người có thói quen tìm mua và sử dụng đồ cũ khuyên nên đo đạc, tìm hiểu thật kỹ sản phẩm mình mua để tránh "tiền mất tật mang".
Theo NDT
Ảnh cưới của cựu tuyển thủ Hoàng Lâm Sau thời gian dài yêu nhau, mới đây tiền vệ Phan Quý Hoàng Lâm (CLB Bình Định) quyết định đưa nàng về dinh. Cô dâu xinh đẹp của Hoàng Lâm là Nguyễn Lê Nha Trang sinh năm 1987 quê ở Khánh Hòa. Theo nhận xét của mọi người, Nha Trang là một cô gái dễ mến và là fan trung thành của bóng...