Sanofi và GSK tham gia dự án COVAX
Ngày 28/10, công ty dược phẩm Sanofi ( Pháp) và GlaxoSmithKline – GSK (Anh) thông báo sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho dự án tiêm chủng toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Sanofi ở Val-de-Reuil, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông báo, hai công ty xác nhận đã tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX) do WHO, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) điều hành. COVAX đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào năm 2021.
Hai hãng dược phẩm AstraZeneca và Novavax trước đó cũng đã ký thỏa thuận tham gia COVAX. Dự án đa phương này còn có sự tham gia của trên 180 quốc gia. Mục tiêu của kế hoạch là tránh để các chính phủ tích trữ vaccine và tập trung nguồn cung vào những nhóm có nguy cơ cao nhất tại mỗi nước.
Trước đó, Sanofi và GSK đã ký thỏa thuận trị giá 2,1 tỷ USD với Mỹ để cung cấp hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho nước này. Hai công ty hy vọng sản phẩm của họ sẽ được Chính phủ Mỹ phê duyệt vào năm tới. Họ cũng đã ký thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada. Vaccine của họ sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, giống như một trong những loại vaccine ngừa cúm mùa của Sanofi. Vaccine này sẽ được kết hợp với một tá dược khác của GSK, đóng vai như chất trò bổ trợ cho vaccine.
Video đang HOT
* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã quyết định tài trợ 10 triệu USD cho sáng kiến COVAX AMC – một cơ chế được thiết lập để tài trợ cho việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển. Bộ này nêu rõ số tiền sẽ được tài trợ cho COVAX AMC để mua vaccine thông qua các hợp đồng mua trước với các nhà sản xuất và phân phối vaccine đến các khu vực dễ bị tổn thương hơn.
COVAX AMC do GAVI điều hành, là một quan hệ đối tác công tư quốc tế được thành lập để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine COVID-19 trên toàn thế giới.
Hàn Quốc đang nỗ lực đảm bảo đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm phòng cho 30 triệu người (tương đương 60% dân số đất nước) và có kế hoạch đảm bảo 20% số vaccine cần thiết thông qua việc tham gia vào liên minh COVAX.
Trung Quốc chính thức gia nhập sáng kiến vaccine COVID-19
Trung Quốc cho biết nước này chính thức tham gia sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu.
Hôm 9/10, Trung Quốc cho biết nước này đã tham gia sáng kiến vaccine COVID-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, trở thành nền kinh tế lớn nhất cho đến nay cam kết hỗ trợ để giúp việc mua và phân phối vaccine một cách công bằng.
"Chúng tôi đang thực hiện bước cụ thể này để đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng, đặc biệt là cho các nước đang phát triển và hy vọng các nước có năng lực hơn cũng sẽ tham gia và hỗ trợ COVAX", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, nước này có năng lực sản xuất vaccine COVID-19 phong phú và sẽ ưu tiên cung cấp cho các nước đang phát triển khi vaccine có sẵn.
Trung Quốc chính thức gia nhập sáng kiến vaccine COVID-19 toàn cầu. (Ảnh: Reuters)
Hiện Trung Quốc có ít nhất 4 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng - 2 loại được phát triển bởi Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) được nhà nước hậu thuẫn, và 2 loại còn lại do công ty Sinovac Biotech và CanSino Biologics triển khai.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho biết chi tiết về mức độ hỗ trợ mà Bắc Kinh sẽ cung cấp cho chương trình COVAX. Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết vaccine do Trung Quốc sản xuất sẽ được chia sẻ với tất cả các nước.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về việc xử lý đại dịch COVID-19, khiến dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
COVAX là sáng kiến do WHO, Liên minh toàn cầu về vắc xin (GAVI), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) đồng tài trợ, với sự tham gia của hơn 170 quốc gia. Hiện có 9 loại vaccine thuộc COVAX đang được nghiên cứu phát triển.
Sáng kiến COVAX đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, bảo đảm khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương được tiêm phòng.
Covid-19 tăng chóng mặt, WHO khuyến cáo châu Âu đóng cửa trở lại Trước tình hình số ca Covid-19 tăng "chóng mặt", WHO khuyến cáo các nước châu Âu cần mạnh tay, thậm chí phong tỏa toàn quốc để "chặt đứt" dây chuyền lây nhiễm. Các bệnh viện ở thành phố Liege, Bỉ những ngày này đã gần như quá tải. Lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện quá nhiều đã buộc nhà chức trách bệnh...