Sang Thái Lan đẻ thuê vì túng quẫn
Gia đình các cô gái đẻ thuê trở về từ Thái Lan hầu như chỉ biết loáng thoáng về việc con gái họ xuất cảnh đi nước ngoài nhưng không biết đi đâu, làm gì.
Trong 15 cô gái Việt Nam bị đưa sang Thái Lan trong đường dây mang thai hộ vừa bị phanh phui có đến tám cô ở Bạc Liêu.
Biết đẻ thuê vẫn muốn đi
Nhà của H. (thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai) nằm khuất phía trong khu vực thưa thớt dân cư. Tiếp chúng tôi, mẹ cô lo âu: “Hổng biết con H. đi nước ngoài làm gì mà gần nửa tháng nay không thấy điện thoại về, mấy hôm nay lại thấy có nhiều người ghé lại nhà hỏi thăm. Tui lo không ngủ được”.
Gia đình H. rất nghèo. Cha bị bệnh tai biến dẫn đến tâm thần. Nhà có tám người thì hết bốn người thần trí không bình thường. H. đi làm thuê ở Sài Gòn, từ giúp việc nhà đến làm công nhân may, chủ yếu công việc chỉ là cắt chỉ. Khoảng tháng 8, tháng 9-2010, do công ty gặp khó khăn, H. có về nói chuyện với mẹ là có người rủ ra nước ngoài làm thuê giúp việc nhà. Rồi cô đi làm hộ chiếu, theo bạn bè đi luôn năm tháng nay. Cho đến bây giờ, gia đình bà cũng không thể ngờ con gái mình đã bị lừa sang Thái Lan để làm công cụ đẻ mướn cho một đường dây có tổ chức.
Các cô gái trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan. Ảnh: AFP
N. và Nh. cũng ở thị trấn Giá Rai có cùng cảnh ngộ. Cả hai đi Thái Lan chung và về chung khi đã hoàn tất hợp đồng. Gia đình giấu rất kỹ, chỉ nói là các cô đi làm ở TP.HCM, Bình Dương. Mẹ của Nh. khi thì nói Nh. đi xuất khẩu lao động, khi thì nói Nh. đi làm ở Bình Dương, Sài Gòn. Còn mẹ của N. thì khăng khăng con bà từ hồi nào tới giờ chỉ đi làm ở Bình Dương, Sài Gòn thôi.
Tuy nhiên, những người thân quen với cha của Nh. cho biết ông có tâm sự về chuyện con gái ông và bạn nó đi theo một đường dây để sang Thái Lan đẻ thuê từ đầu năm 2010. Gần tết vừa rồi, Nh. có về và ở nhà sau khi đã giao con cho người ta. Ông còn cho biết Nh. cũng định đi nữa nhưng chưa có chuyến nên vẫn đợi, còn N. thì đã sang Thái Lan lần thứ hai và đang ở bên đó.
Có nhiều hoàn cảnh khiến các cô gái Việt Nam, trong đó có tám cô gái ở Bạc Liêu quyết định sang Thái Lan để kiếm tiền. Hầu hết đều không biết mình sang để đẻ thuê nhưng khi đã biết, không ít trong số các cô vẫn có ý định muốn trở sang bên đó để tiếp tục được đẻ thuê.
Video đang HOT
Bi kịch chỉ vì cái nghèo, cái khó
Trong số 15 cô gái Việt Nam sang Thái Lan đẻ thuê, Hậu Giang có một trường hợp là chị H. ở huyện Vị Thủy. Vì cái nghèo, nợ nần đeo bám nên đây cũng là chuyện chẳng đặng đừng. “Nó đi qua bển và khẳng định là làm công chuyện đàng hoàng. Má tui mà biết chuyện nay, bả bệnh luôn quá” – người chị gái khi gặp chúng tôi và các cán bộ hội phụ nữ đã rấm rứt khóc bày tỏ như thế.
Ngôi nhà bằng cây xập xệ, mái lợp tôn thấp lè tè, vách thưng bằng lá dừa… Mẹ chị H. đi vắng, chị gái của H. nói: “Sáng nay tui mới nghe mấy chị bên hội phụ nữ tỉnh điện thoại hỏi thăm và báo tin em gái tui đang ở Thái Lan, đi đẻ mướn gì đó chứ có hay biết gì đâu”. Chị vừa rấm rức khóc vừa nói: “Hồi trước tết, nó đi làm ở hãng ve chai ở Tiền Giang về biểu tui đưa giấy tờ hộ khẩu để nó đi làm giấy. Cách nay hơn hai tuần, nó điện thoại về, tui thấy số điện thoại lạ hoắc mới biết nó qua Thái Lan đi mần”.
Theo lời người chị: “Gia đình có 10 anh chị em, không đất đai canh tác nên mấy anh chị em chỉ học tới lớp 2, lớp 3 là nghỉ hẳn, lớn lên thì đi cắt lúa thuê, ai mướn gì làm nấy. 18 tuổi, nó đã lập gia đình”. H. lấy chồng nhưng vài năm sau, vợ chồng lục đục rồi chia tay, hai đứa con gái ở với bà nội. Sau khi chia tay chồng, H. về nhà sống với mẹ, làm thuê đó đây để kiếm sống qua ngày.
Chị Nguyễn Thị Rớt, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vị Thủy, cho biết: “Ở huyện trước đây chuyện lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thì hạnh phúc cũng có, bị ngược đãi ôm con về địa phương cũng có. Nhưng chuyện ra nước ngoài đẻ mướn thì đây là trường hợp đầu tiên. Đây là chuyện đáng tiếc, chẳng ai muốn cả. Mà qua tìm hiểu hoàn cảnh của chị H. thì tất cả cũng từ cái nghèo, lại bỏ học sớm nên nhiều khả năng không nhận thức hết mọi chuyện và bị lôi kéo, dụ dỗ”.
Theo Pháp luật TP
Lật tẩy trò lừa đảo đi Mỹ
Ông Phạm Thanh Tùng (ngụ Hòa Thành, Tây Ninh) đại diện hàng chục nạn nhân có thư tố cáo gửi Tuổi Trẻ về việc bị lừa đảo đưa người đi định cư tại Mỹ theo diện HR (Tiến trình tái định cư Hoa Kỳ). Lần theo đơn tố cáo này, phóng viên Tuổi Trẻ đã lật tẩy trò lừa kéo dài suốt mấy năm qua.
Một trong hai nhân vật lừa đảo (phải) hướng dẫn một phụ nữ trong đường dây làm thủ tục xuất cảnh vào chích ngừa tại Viện Pasteur (TP.HCM) sáng 1-3 - Ảnh: H.K.
Chỉ cần vài mảnh giấy viết tay kèm theo cái mác "có người nhà làm ở Tổng lãnh sự Mỹ", một ông già bán vé số và cô con dâu bán trái cây dạo đã lừa hàng tỉ đồng của nhiều người dân lao động nghèo.
Bị chích ngừa đến... 5 lần!
Sáng 1-3, chúng tôi có mặt tại Viện Pasteur (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM). Theo thông tin bạn đọc, hôm nay các đối tượng trong đường dây lừa đảo sẽ đưa gần 100 người (chủ yếu ở Tây Ninh) đi chích ngừa để chuẩn bị... xuất cảnh. 7g, hai xe loại 16 chỗ chạy thẳng vào cổng. Từ trên xe túa xuống gần 50 người gồm già trẻ, gái trai, trẻ em còn ẵm ngửa.
Lân la trò chuyện, chị N. (ngụ thị xã Tây Ninh) cho biết gia đình chị hôm nay đi chích ngừa để chuẩn bị xuất cảnh. Hỏi đi theo diện nào, chị N. nói: "Ông già trước đây làm ở sở Mỹ nên bảo lãnh cả nhà đi theo diện HR". Hỏi: "Tốn nhiều không?", chị N. trả lời: "Vài trăm triệu".
Chúng tôi hỏi ai lo giấy tờ, chị N. thật thà: "Ông Tư Nỉ, bà Cúc lo trọn gói từ A-Z". Tương tự, vợ chồng ông T. (Gò Dầu, Tây Ninh) đã "cúng" cho cha con ông Nỉ 50 triệu đồng từ hơn một năm trước nhưng vẫn chưa "lên máy bay".
Còn bà Y. (ngụ Hòa Thành, Tây Ninh) than thở: "Chích hoài mà chẳng thấy được đi". Nhiều người cho biết mỗi lần đi chích ngừa phải nộp tiền cho bà Cúc cả triệu đồng. Có người chích ngừa đến... năm lần nhưng vẫn chưa được đi Mỹ.
Ông Nỉ đếm tiền nhận được từ người "đi làm thủ tục xuất cảnh" - Ảnh: H.k.
Chương trình HR đã đóng cửa Văn phòng chương trình tái định cư nhân đạo của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết văn phòng này đã đóng cửa vào năm 2009. Nếu ai đó tin rằng mình là nạn nhân của các trò lừa đảo về di trú vào Hoa Kỳ hay được tiếp cận bởi bất kỳ ai tự cho là đại diện của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ thì nên thông báo cho công an và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ. Theo đại tá Lê Xuân Viên - phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, tiến trình tái định cư Hoa Kỳ đã kết thúc ngày 15-5-2008. Hiện không có chương trình nào để người dân làm hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ theo diện này.
Buổi trưa, điểm chích ngừa của Viện Pasteur đón thêm khoảng 40 người. Lúc này xuất hiện một phụ nữ trạc 45 tuổi dáng người phốp pháp và một người đàn ông gần 70 tuổi thấp gầy, trán hói, tóc bạc. Vừa xuống xe, hai người này liền gom tất cả những người (gần 100 người) đang chờ đợi vào một chỗ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi xác định đó chính là cha con ông Nỉ, bà Cúc - hai mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo.
Chừng 10 phút sau, bà Cúc tuyên bố đầu giờ chiều mới được chích ngừa. Từng nhóm người lục tục mở cơm hộp ra ăn. Lúc này ông Nỉ bắt đầu đi thu tiền của những ai còn đóng thiếu. Đầu giờ chiều bà Cúc hướng dẫn từng nhóm người vào nộp tiền, chích ngừa.
Theo quy định, giai đoạn chích ngừa được thực hiện khi nào đã có giấy hẹn phỏng vấn, phiếu chích ngừa (của Trung tâm Kiểm dịch quốc tế) kèm theo hộ chiếu, ảnh... Trong khi đó, phần lớn những người có mặt trong nhóm chích ngừa này chẳng có một trong những thứ giấy tờ như vậy.
Đó là chưa kể, theo Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, chỉ đi chích ngừa, khám sức khỏe khi có thư mời từ phía Chính phủ Hoa Kỳ, sau đó đến một nơi duy nhất là Trung tâm Kiểm dịch quốc tế (40 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình) để chích ngừa.
Lừa đảo trắng trợn
Ngay trong chiều 1-3, chúng tôi có mặt tại Tây Ninh để gặp một số nạn nhân của đường dây lừa đảo. Ông Phạm Thanh Tùng (ngụ huyện Hòa Thành) cho biết năm 2005, ông và khoảng 25 hộ dân liên hệ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM xin hồ sơ xuất cảnh theo diện HR. Sau một năm chờ đợi, tất cả hồ sơ không được giải quyết.
Trong lúc tưởng như hết hi vọng thì ông Tùng gặp ông Lê Văn Nỉ (ngụ xã Trường Tây, Hòa Thành). Ông Nỉ hứa sẽ giúp đỡ. Ông Nỉ còn giới thiệu người nhà của con dâu (bà Cúc) làm ở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ và là "đệ tử ruột của thiếu tá P.". Sau khi nộp hồ sơ 24 giờ là hoàn tất. Ông Nỉ quảng cáo đường dây của ông "mạnh" đến nỗi những trường hợp không đủ tiêu chuẩn về thời gian học tập cải tạo cũng "qua" hết, miễn sao đóng đủ tiền.
Tiếp đó, bà Cúc hướng dẫn ông Tùng photo giấy tờ và nộp 16 triệu đồng để lo thủ tục. Ngoài đương sự chính, cứ mỗi người trong gia đình, từ vợ chồng con cái, dâu rể, cháu... muốn đi cùng phải nộp 50 triệu đồng/người (về sau "linh động" còn 30 triệu, 20 triệu, 5 triệu đồng/người).
Sau khi nhận 100 triệu đồng của ông Tùng (ba suất), ông Nỉ tự điền vào hồ sơ và đưa ông Tùng ra Bệnh viện Tây Ninh... khám sức khỏe (mẫu giấy chứng nhận khám sức khỏe thông thường) và tuyên bố "sắp lên máy bay".
Chờ đợi ròng rã từ năm này qua năm khác không thấy động tĩnh gì, ông Tùng thắc mắc thì bà Cúc giở quẻ "muốn đi thì chờ, không thì gạch tên ra, trả lại tiền". Nhưng khi đòi lại tiền thì cha con ông Nỉ giở bài "xuống tổng lãnh sự mà đòi".
Đầu năm 2010, qua tìm hiểu bà con được biết chương trình HR đã kết thúc. Tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng không có ai là "thiếu tá P.". Ông Tùng và nhiều hộ dân biết chắc chắn mình bị lừa.
Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, chỉ riêng tại Tây Ninh đã có hàng trăm người sập bẫy lừa đảo của cha con ông Nỉ, bà Cúc. Cụ thể: hộ bà Ngọc (thị xã Tây Ninh) gần 1 tỉ đồng, hộ ông Nguyễn Văn Xuân (ngụ KP4, thị trấn Hòa Thành) bị lừa 176 triệu đồng, hộ ông Lê Công Tâm (Hòa Thành) 157 triệu đồng, hộ bà Hai (Tân Biên) 200 triệu, hộ bà Linh (thị xã Tây Ninh) 200 triệu đồng, ni cô H. đưa 25 triệu đồng... Huyện Bến Cầu có gần mười hộ gia đình cũng rơi vào cảnh trắng tay vì giấc mộng xuất cảnh.
Tháng 4-2010, các nạn nhân viết đơn tố cáo gửi Công an huyện Hòa Thành. Ông Tùng cho biết sau khi gửi đơn, Công an huyện Hòa Thành có mời một số người đến làm việc nhưng sau đó không thấy tăm hơi gì.
Chiều 2-3, ông Nguyễn Văn Ky, phó Công an huyện Hòa Thành, cho biết trước đây cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của một số nạn nhân về hành vi lừa đảo của ông Nỉ, bà Cúc. Cơ quan điều tra cũng đã mời các đương sự lên làm việc. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, củng cố chứng cứ.
Theo Tuổi trẻ
Vụ 14 cô gái Việt đẻ mướn ở Thái Lan: Rắc rối quốc tịch của trẻ Cn nhắccp quốc tch nếua trc sinh ra từ trng và tinh trùng khôngi cat Nam. Nảy sinh tranh chấpn nuôi con Ngày 28-2, Phòng Quản lý Xuấtp cảnh - Công an tỉnh Bc Liêu cho biết sẽ nhanh chóng xác minh thông tin về nhn thn ca 8/14 côi vừac giải thoát trong dyn ti Thái La s vềoàn tụ vi giaình....