Sang tên đổi chủ xe: Cần gì và bao lâu?
“Trong trường hợp người mua xe cuối cùng đánh mất nốt giấy tờ mua bán xe hợp lệ thì người bán xe gần nhất phải làm giấy tờ trình báo đến cơ quan chức năng…”
Đại tá Đào Vịnh Thắng.
“Người mua xe cuối cùng phải cam đoan tính hợp lệ của xe, đảm bảo trước pháp luật xe đó không phải xe trộm cắp, đục số khung số máy thì vẫn được sang tên đổi chủ”.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi PV về thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện theo Nghị định 71.
- Hiện nay, người dân đang rất quan tâm về thủ tục sang tên chuyển chủ, vậy ông có thể nói rõ thủ tục được tiến hành như thế nào?
Thông tư 36/2010 Bộ Công an có quy định về trách nhiệm của chủ xe: Sau khi điều chỉnh thay đổi địa chỉ; đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; bán cho, tặng xe (tổ chức cá nhân cho tặng); điều chuyển xe phải gửi ngay giấy báo theo mẫu (ban hành theo thông tư) đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi qua đường bưu điện, đến trực tiếp.
Trường hợp sang tên ô tô, xe máy khác huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đến cơ quan đăng ký xe nơi chủ xe cư trú hoặc có trụ sở để làm thủ tục sang tên.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ (mua bán, cho, tặng, thừa kế) xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, thay đổi đăng ký xe. Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục số máy số khung đăng ký xe.
- Người đăng ký sang tên đổi chủ phải nộp lệ phí như thế nào, thưa ông?
Lệ phí đối với việc sang tên chuyển chủ đối với ô tô xe máy cũng đã được quy định rất cụ thể.
Trong đó, lệ phí trước bạ sang tên đổi chủ của ô tô là 12%, tính theo giá trị còn lại của xe. Đối với xe máy là 1%, tính theo giá trị còn lại của xe.
Sau khi xong thuế trước bạ rồi quay về đăng ký tại phòng CSGT thì lệ phí đối với người sang tên đổi biển từ 4 số lên 5 số là 150.000 đồng đối với ô tô, 50.000 đồng đối với xe máy.
Làm thủ tục xong 3 ngày thì phương tiện sẽ được cấp biển mới.
- Người dân hiện cũng rất lo ngại về những rắc rối hay khó khăn khi sang tên đổi chủ?
Khi chủ phương tiện đến cơ quan CSGT để làm thủ tục sang tên đổi chủ thì bao giờ cũng phải có thủ tục mua bán, giấy tờ chứng từ kèm theo.
Video đang HOT
Có trường hợp khi và quệt tai nạn rồi bỏ chạy hay các vụ án liên quan đến hình sự, nếu chiếc xe gây tai nạn hoặc gây án chưa sang tên chính chủ thì sẽ gây khó khăn cho lực lượng CSGT trên đường.
Nhiều vụ việc khi tai nạn xảy ra, người gây tai nạn bỏ chạy, thông qua biển số xe CSGT có thể xác minh nóng ngay để biết chủ xe là ai. Nhưng thực tế chủ xe đã bán xe qua nhiều lần, sang nhiều chủ khiến công tác kiểm tra xử lý của lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn.
- Trong trường hợp người điều khiển xe không phải chủ sở hữu xe gây tai nạn giao thông trên đường, vậy chủ xe có phải chịu trách nhiệm không?
Nếu không sang tên đổi chủ, người đi xe trên đường (không chính chủ) vi phạm luật lệ giao thông, lực lượng tuần tra kiểm soát chỉ xử lý lỗi vi phạm giao thông trên đường.
Trong trường hợp vi phạm đó vượt quá thẩm quyền của chiến sỹ CSGT thì người điều khiển phương tiện sẽ được yêu cầu đưa về các Đội CSGT gần nhất để có bộ phận xác minh nóng ngay chủ xe vi phạm là ai.
Khi giải quyết, nếu chủ phương tiện không đúng tên đúng chủ phương tiện thì CSGT phải yêu cầu chủ đứng tên sở hữu phương tiện đến để giải quyết cùng với người vi phạm.
Chủ xe phải chứng minh được xe đó là xe cho mượn chứ không phải là không sang tên đổi chủ.
Nếu chủ phương tiện nói tôi đã bán rồi thì đương nhiên người vi phạm luật lệ giao thông đó phải bị xử lý vi phạm về lỗi không sang tên đổi chủ.
Rất khó để xác định xe chưa sang tên chuyển chủ phương tiện nếu người mua xe không khai báo.
- Có những trường hợp xe được mua bán qua 3-4 người và giờ không biết người chủ đầu là ai. Với trường hợp này, liệu có thể làm thủ tục sang tên đổi chủ được hay không?
Trường hợp bán xe qua 3 đến 4 người mà không xác định được chủ đầu, chỉ cần người cuối cùng có giấy bán hợp lệ thì người đó vẫn có thể đến để đăng ký được.
Điều 20, khoản 3 của thông tư 36 Bộ CA quy định, xe mua bán cho tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán xe cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển.
Tuy nhiên phải có đầy đủ giấy tờ mua bán, cho tặng và hợp lệ theo quy định.
- Nhưng thực tế có rất nhiều người mua xe không biết chủ đầu và không có đủ giấy tờ để sang tên đổi chủ vì không có giấy mua bán xe hợp lệ?
Người cuối cùng phải có giấy bán của người bán xe cho mình và xác minh không phải xe trộm cắp, không phải xe thế chấp tại cơ quan công an thì đương nhiên vẫn sẽ được sang tên chuyển chủ.
Trong trường hợp người mua cuối cùng đánh mất nốt giấy tờ mua bán xe hợp lệ thì đương nhiên phải làm giấy tờ trình báo đến cơ quan chức năng để báo cáo cấp trên (Cục CSGT, GĐ Công an Thành phố) bổ sung vào theo Thông tư điều chỉnh đăng ký phương tiện sang tên chuyển chủ.
Người mua xe cuối cùng phải cam đoan tính hợp lệ của xe, đảm bảo trước pháp luật xe đó không phải xe trộm cắp, xe đục số khung số máy.
Trong trường hợp do cháy nổ, người đăng ký xe chết hoặc mất tích thì phải chứng minh có giấy chứng tử hoặc toà án tuyên bố mất tích.
Nếu có nhu cầu sang tên cho người khác (không có tranh chấp) thì sẽ được giải quyết sang tên chuyển chủ sở hữu.
- Xin cám ơn ông!
Trong năm 2012 Phòng CSGT TP Hà Nội đã làm thủ tục sang tên chuyển chủ, di chuyển 10.385 trường hợp phương tiện ô tô, trong đó sang tên riêng trong Thủ đô Hà Nội là 6.255 trường hợp.
Sang tên chuyển chủ di chuyển đi tỉnh ngoài 4.130 trường hợp.
Thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ đối với những trường hợp không sang tên chuyển chủ, cơ quan chức năng đã xử phạt 650 trường hợp ô tô sang tên chậm, không sang tên chuyển chủ theo quy định với mức tiền là 975 triệu đồng.
Đã có 1.948 xe máy sang tên chuyển chủ, trong đó sang tên trong Thủ đô Hà Nội là 582 trường hợp, sang tên chuyển chủ di chuyển ra ngoại tỉnh 1.596 trường hợp.
Theo xahoi
Kiến nghị chưa phạt người đi xe không chính chủ
Ngày 11/11, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, sẽ tham mưu chưa phạt người đi xe chưa sang tên đổi chủ.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: "40% lượng xe trong cả nước không chính chủ"
- Ông nghĩ sao về việc xử phạt người đi xe không chính chủ mà Công an Hà Nội vừa thực hiện?
- Việc sang tên đổi chủ phương tiện là nguyên tắc thế giới áp dụng từ lâu. Bất cứ tài sản nào cũng phải thay tên đổi chủ, vì liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Nếu người dân không làm việc này là vi phạm luật pháp và phải chịu xử lý hành chính. Có điều từ lâu các cơ quan quản lý quên việc xử phạt hành vi không thay tên đổi chủ nên người dân thấy không cần thiết phải sang tên.
Do vậy, phương tiện không chính chủ là tràn lan, chưa có tài liệu nào chính thức thống kê được số xe không chính chủ, song theo điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì con số này không nhỏ, thậm chí lên tới khoảng 40%. Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý.
- Vậy tại sao trước đây, cảnh sát giao thông không xử phạt người không sang tên chính chủ?
- Quá trình xác minh có chính chủ hay không rất khó, thậm chí chi phí đi xác minh còn cao hơn tiền phạt. Luật pháp không cấm chuyện mượn xe đi lại, song nếu phát hiện xe không đúng tên và để phạt được thì cảnh sát cũng phải chứng minh xe đó chưa sang tên đổi chủ. Vì thế, khi người dân chứng minh là xe mượn thì cảnh sát cũng phải xác minh là xe đó mượn hay là đã bán rồi. Nếu không xác minh mà dựa vào một giấy mượn xe thì không đúng. Quy trình này cũng rất phức tạp.
- Như ông nói, hiện có tới 40% xe không chính chủ và nguyên nhân một phần do cơ quan quản lý lơ là xử phạt. Vậy tại sao giờ lại đưa ra mức phạt tăng mạnh hơn cho hành vi này?
- Khi sửa đổi Nghị định 34 thành Nghị định 71, tất cả các mức xử phạt hành chính đều tăng. Đặc biệt có 2 nhóm tăng mạnh là nhóm các hành vi nguy hiểm như uống rượu bia, đua xe; và vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sang tên đổi chủ... Hiện chúng ta không thể thực hiện các giải pháp như xử phạt bằng camera vì không biết chủ xe là ai. Song, về quản lý xã hội sau này, chắc chắn phải áp dụng vì không thể đưa quá nhiều cảnh sát giao thông ra đứng đường.
Nghị định 71 đã được soạn thảo từ năm 2011, lấy ý kiến rất nhiều cơ quan chức năng, địa phương. Có thể mức phạt được đưa ra không thỏa mãn một số nơi song theo tôi đã đủ sức răn đe. Nhưng tôi thấy, lực lượng chức năng nên tập trung trước vào các hành vi nguy hiểm như chạy quá tốc độ, đua xe, uống rượu bia, còn các hành vi khác cũng phải xử phạt song có thể chưa tập trung.
- Vậy, theo ông, làm cách nào để khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên, đổi chủ?
- Theo tôi, các ngành chức năng phải có nghiên cứu và hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Quy định hiện nay chỉ rõ, chủ xe phải có trách nhiệm khai báo, nhưng nếu người dân không thể xác minh chủ nhân trước đây là ai thì công an cũng phải đi xác minh xe đó không vi phạm pháp luật (như không phải xe ăn cắp) thì cho phép người dân được quyền sang tên đổi chủ.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra quy trình để người dân có thể nhanh nhất làm thủ tục thay tên đổi chủ phương tiện. Thứ hai, mức phí trước bạ cần giảm tới một mức hợp lý bởi mức hiện nay quá cao. Ví dụ, người ta mua một ôtô cũ giá 500 triệu và phải mất 60 triệu đồng (12%) chỉ để sang tên thì là bất hợp lý. Thực ra, người dân ai cũng muốn có phương tiện chính chủ, đặc biệt với tài sản lớn. Đối với nhà giàu thì ôtô là tài sản, nhà nghèo thì xe máy là tài sản, song do điều kiện kinh tế khác nhau người ta phải mua xe cũ, thì nhà nước nên có tính toán điều chỉnh mức phí.
Nhà nước cần xác định mức phí trước bạ không phải là nguồn thu ngân sách, mà là để người dân chấp hành pháp luật, phục vụ công tác quản lý. Nhà nước cần quản lý xe chính chủ và người dân cũng muốn có xe chính chủ, hai phía này cần hài hòa với nhau. Tuy nhiên, về quản lý nhà nước cần tính toán việc thực thi phù hợp với hoàn cảnh của đại bộ phận người dân hiện nay.
- Về phía Ủy ban An toàn giao thông sẽ có đề xuất gì về vấn đề này?
- Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11, nhưng theo tôi các hành vi như đua xe, vượt tốc độ... phải phạt ngay, còn phương tiện không chính chủ chưa nên phạt mà cần có thời gian để người dân chuẩn bị. Trước mắt cần tuyên truyền và thời gian phạt sẽ phụ thuộc vào cơ quan quản lý thực hiện quy trình chứng nhận sở hữu xe cho dân.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng sẽ tham mưu cơ quan chức năng xem xét tạm thời chưa phạt người đi xe không chính chủ, tính toán lại thủ tục hành chính và xem xét lại mức phí.
- Tuy nhiên, một số người dân sẽ lo ngại bị xử phạt nếu họ đi xe không chính chủ trong những ngày này, ông có ý kiến gì?
- Chắc chắn trước mắt trong vài ngày tới, cảnh sát giao thông ở các địa phương sẽ chưa bắt đầu xử phạt mà chỉ tuyên truyền nên dân chưa quá lo ngại bị phạt. Tuy nhiên, người nào chưa chuyển tên mà xác định được chủ xe cũ thì nên đi làm thủ tục chuyển nhượng. Thực tế, các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng mới xem xét chủ sở hữu, chứ đi trên đường thì cảnh sát giao thông hầu như không hỏi.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ làm việc với cảnh sát giao thông và yêu cầu trước mắt làm công tác tuyên truyền cho dân biết. Nhưng chúng tôi cũng kêu gọi người dân không vi phạm Luật giao thông đường bộ vì mức xử phạt rất cao có thể ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình.
- Vậy, vấn đề xe không chính chủ ở gia đình ông ra sao?
- Vợ chồng tôi đều đi xe chính chủ, còn gia đình lớn thì cũng có người đi xe không đúng sở hữu, đó là người em mua xe máy cũ chưa chuyển nhượng. Tôi sẽ khuyên người em đó đi trên đường cần cẩn thận để không bị cảnh sát giao thông hỏi về chuyện chính chủ và cũng nên đi chuyển đổi sở hữu sớm.
Theo xahoi
'Nên hoãn phạt xe không chính chủ 6 tháng hay 1 năm' "Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ, song phải làm sao thuận lợi cho dân", Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo trao đổi với báo chí sáng 12/11 về quy định phạt xe không chính chủ. - Ông nghĩ sao về quy định xử phạt xe không chính chủ theo Nghị định 71? - Quy định pháp luật...