Sáng tạo ít hay nhiều, 3 phim này vẫn ‘tuột tay’ giải thưởng Cánh Diều Vàng vì cùng một lý do
Remake một kịch bản phim nước ngoài dẫu có thêm thắt ít hay nhiều những dấu ấn sáng tạo, các tác phẩm Việt hóa như “ Sắc đẹp ngàn cân”, “ Bạn gái tôi là sếp”, “Yêu đi, đừng sợ!” vẫn bỏ lỡ cơ hội nhận giải thưởng Cánh Diều Vàng danh giá.
Giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam, có tên gọi là Cánh diều vàng (tiếng Anh: Golden Kites Awards) là một giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngày 05/04/2018, buổi họp báo Cánh Diều vàng 2017 chính thức diễn ra tại Hà Nội, nhằm công bố quy chế lựa chọn giải thưởng năm nay, cũng như danh sách các tác phẩm tham dự. Theo đó, tiêu chí Cánh diều vàng là “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.
Đánh giá cao tiêu chí sáng tạo, giải thưởng không xét trao giải Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc và bằng khen cho các bộ phim Việt hóa (remake) từ kịch bản phim nước ngoài. Do đó, không ít phim remake Việt có trong danh sách tham dự phải tiếc nuối lỡ hẹn với giải thưởng danh giá này.
Bạn gái tôi là sếp
Làm lại từ nguyên tác Thái Lan có tên ATM: Er Rak Error, bộ phim của đạo diễn Hàm Trần – Bạn gái tôi là sếp kể về chuyện tình giữa sếp nữ khó tính Oanh ( Miu Lê) và anh chàng nhân viên tên Cường ( Đỗ An). Vì ngân hàng có quy định cấm nhân viên yêu nhau, cặp đôi phải lén lút hẹn hò. Câu chuyện dở khóc dở cười bắt đầu khi cây ATM ở Cần Thơ bị lỗi, cho tiền gấp bốn lần bình thường, đẩy hai nhân vật vào tình huống oái oăm.
Công chiếu những ngày đầu năm 2017, Bạn gái tôi là sếp được xem là tín hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt Nam. Phim nhanh chóng thu về 16 tỷ đồng với gần 230.000 lượt xem chỉ sau bốn ngày ra rạp. Con số doanh thu đáng ngưỡng mộ của dự án phim do đạo diễn Hàm Trần cầm trịch là minh chứng rõ nét cho sự yêu thích, đón nhận từ khán giả trong nước dành cho bộ phim.
Dù làm lại từ nguyên tác Thái Lan, phim Bạn gái tôi là sếp không gây thất vọng như những dự án Việt hóa trước đó. Tác phẩm không bị bó hẹp trong khuôn khổ bản gốc mà những người “cầm trịch” đã khéo léo đan cài các tình tiết “rất Việt Nam”, tạo sự gần gũi, chân thật. Ngoài ra, hai diễn viên thủ vai chính từng gây nghi ngại là Đỗ An và nữ ca sĩ “đá chéo sân” Miu Lê cũng vào vai tròn trịa. Do vậy, việc phim không có cơ hội dành giải Cánh Diều Vàng là một điều nuối tiếc cho người hâm mộ.
Trailer “Bạn gái tôi là sếp”.
Sắc đẹp ngàn cân
Tương tự như Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân là dự án phim Việt remake từ bộ phim Hàn Quốc cùng tên từng “làm mưa làm gió”, thu hút đông đảo người xem Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tác phẩm kể về Hà My, cô gái sở hữu giọng hát đầy nội lực, thu hút nhưng mang thân hình to béo, đồ sộ. Ngoại hình xấu xí khiến nữ chính không được trân trọng, bị lợi dụng, luôn đứng sau cánh gà hát thay ngôi sao xinh đẹp, lộng lẫy Jolie. Không bằng lòng trước sự bất công này, Hà My quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi cuộc đời. Từ đây, cuộc sống cô bước sang trang mới, được mọi người đón nhận, yêu quý. Tuy nhiên, Hà My phải chấp nhận mất đi nhiều điều quý giá khác.
Ngay khi dự án Việt hóa của Sắc đẹp ngàn cân được “thai nghén”, phim đã dành nhiều sự quan tâm nhờ sức nóng từ nguyên tác, cũng như những cái tên gây chú ý như Minh Hằng, Rocker Nguyễn, Jolie Phương Trinh. Trong ba ngày đầu tiên công chiếu, phim Sắc đẹp ngàn cân nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu toàn quốc với gần 1000 suất chiếu.
Tuy nhiên, bộ phim nhận nhiều ý kiến trái chiều, do cái bóng của nguyên tác quá lớn, trong khi phiên bản Việt Nam chưa đủ sức nặng về cả diễn xuất của diễn viên, cho đến phần âm nhạc – “đặc sản” tạo nên linh hồn cho Sắc đẹp ngàn cân.Thậm chí, tác phẩm bị xem là quá rập khuôn với bản gốc, không mang đến nét chân thật, gần gũi với khán giả Việt Nam. Do đó, người hâm mộ chỉ có thể mong chờ ở những giải thưởng cá nhân dành cho dàn cast cũng như đoàn làm phim tại giải thưởng Cánh Diều Vàng.
Trailer “Sắc đẹp ngàn cân”.
Yêu đi, đừng sợ!
Yêu đi, đừng sợ! là bộ phim remake từ nguyên tác nước ngoài mang tên Spellbound. Tác phẩm xoay quanh cuộc gặp gỡ và tình yêu giữa Phương ( Nhã Phương) – cô gái có khả năng nhìn thấy những hồn ma và Tùng ( Ngô Kiến Huy) – chàng ảo thuật gia chuyên nhát ma người khác. Phim giành giải Khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và Bộ phim được yêu thích nhất ở Lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 23.
Việt hóa một bộ phim nước ngoài, đạo diễn quá cố người Mỹ gốc Việt – Stephane Gauger đã thổi vào hơi thở mới và có không ít dấu ấn sáng tạo trong đó. Phim không phụ thuộc kịch bản và cách thức xây dựng, phát triển nhân vật ở nguyên tác. Đạo diễn Stephane Gauger đã tạo nên không khí, màu sắc “rất Việt Nam”, đặc biệt là tạo hình, tính cách hai nhân vật chính do nữ diễn viên Nhã Phương và Ngô Kiến Huy thể hiện. Bản thân đạo diễn cũng chia sẻ, anh luôn nỗ lực khiến bản remake đậm chất Việt Nam, phù hợp với người xem trong nước hơn.
Đạo diễn quá cố người Mỹ, gốc Việt của “Yêu đi, đừng sợ!”.
Yêu đi, đừng sợ! là minh chứng cho tình yêu với mảnh đất Sài thành của đạo diễn quá cố người Mỹ. Bên cạnh những nét sáng tạo, Stephane Gauger muốn truyền thông điệp ý nghĩa đến khán giả: “Chuyện tình giữa Tùng và Phương trong phim không chỉ là tình yêu trai gái, mà còn là tình yêu với đời sống nói chung. Qua phim của mình, tôi muốn gởi thông điệp rằng: Hãy yêu đi, đừng sợ! Bởi chỉ có tình yêu mới làm cho ta thấy con người, công việc, cuộc sống, xứ sở… thật đáng yêu, đáng sống”.
Trailer “Yêu đi, đừng sợ!”.
Remake một kịch bản, bộ phim nước ngoài, dẫu có thêm thắt ít hay nhiều những dấu ấn sáng tạo, các tác phẩm Việt hóa vẫn bỏ lỡ cơ hội nhận giải thưởng Cánh Diều danh giá. Điều này mang đến không ít tiếc nuối cho người hâm mộ, đồng thời khiến khán giả lo ngại về các dự án phim remake được yêu mến thời gian gần đây như Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30…
Theo Saostar
Cánh diều Vàng 2017 nói không với phim Việt hóa
Các bộ phim Việt hóa kịch bản sẽ không được xét trao tặng giải Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc và Bằng khen, mà chỉ trao giải cho các cá nhân diễn viên đóng góp cho bộ phim.
Bộ phim "Em chưa 18" hứa hẹn sẽ làm nên chuyện tại Cánh diều vàng 2017
Sáng 5.4, buổi họp báo thông tin giải Cánh diều Vàng đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam.
Cánh diều Vàng năm nay thu hút hơn 51 phim tham gia tranh giải bao gồm 13 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Do lượng phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài năm nay khá lớn, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết sẽ không trao giải chung cho phim nhưng sẽ xem xét các giải cá nhân để ghi nhận những đóng góp xứng đáng của các nghệ sĩ, diễn viên.
13 bộ phim sẽ tranh giải Cánh diều Vàng năm nay bao gồm: Bạn gái tôi là sếp, Giấc mơ Mỹ, Em chưa 18, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Yêu đi đừng sợ, Dạ cổ Hoài Lang.
Cánh diều Vàng là giải thưởng Điện ảnh thường niên do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức để trao giải cho các tác phẩm và nghệ sĩ xuất sắc có những sáng tạo độc đáo trong năm 2017.
Được biết, Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2017 sẽ diễn ra vào ngày 15.4.2018 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Theo Linh Chi (Lao Động)
Liên hoan phim Việt Nam 2017 chiếu miễn phí 29 tác phẩm Tuần phim chào mừng liên hoan lần thứ 20 diễn ra từ ngày 8 đến 14/11 tại Hà Nội và TP HCM. Trong 29 phim được chiếu, có 16 phim dự thi ở Liên hoan phim Việt Nam 2017, 12 phim thuộc "Chương trình phim truyện Toàn cảnh" trong khuôn khổ liên hoan và một phim tham dự giải thưởng "Phim ASEAN" (xem...