Sáng tạo cuộc đời
Bạn muốn bức tranh đời mình tươi đẹp, truyền cảm hứng cho người khác hay nhạt nhẽo, u tối? Đó – là – quyết – định – của – chính – bạn.
Giữa tiết trời mùa hè nóng bức, tiếng la hét vang lên giữa con hẻm lao động ngoằn ngoèo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chẳng ai trong xóm nhỏ quan tâm, bực tức, phiền hà, cũng chẳng thương xót. Vì gần 40 năm nay, ngày nào người phụ nữ trong căn nhà gỗ ọp ẹp cũng la hét như thế, mỗi ngày ít nhất một lần, có khi đến ba lần, bất kể trưa hay đêm tối.
Cô ấy bị chồng phụ bạc rồi từ đó nổi cơn điên loạn, cả gia đình ruột thịt cũng xa lánh. Nội dung những tiếng la hét ấy là những lời rất thô tục dành cho chồng và nhân tình. Cô ấy vẫn sống nhưng niềm hạnh phúc thì đã hóa thạch, cô như chết đi trong cái nhìn của mọi người xung quanh. Ngay cả một lời cằn nhằn vì tiếng ồn mà cô gây ra cũng chẳng có. Mấy mươi năm trói chặt mình vào tảng đá của quá khứ, cô không biết rằng đâu chỉ mình cô gặp những điều không như ý.
Chị bạn của tôi cũng gặp trường hợp tương tự. Chị có ba đứa con với chồng. Đứa lớn nhất học cấp II, đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo. Chồng có nhân tình và đưa đơn ra tòa ly hôn. Gia đình chồng ra sức giành quyền nuôi con. Biết mình một thân một mình, bỏ việc từ lâu vì bầu bì liên tục, sau đó lại một nách ba con và phụ việc cho chồng, chị đồng ý để gia đình chồng nuôi con nhưng xin được thường xuyên lui tới thăm nom. Ba đứa con quen có mẹ chăm sóc, cứ nằng nặc đòi ở bên mẹ, chồng và gia đình cũng chiều ý.
Video đang HOT
Một hôm, thằng út bị sốt, chị ngủ lại ở nhà chồng trong phòng của con. Nửa đêm, chị ra khỏi phòng xả khăn đắp trán cho con, chồng chếnh choáng hơi men, đè vật chị lên chiếc ghế sofa… Giây phút đó, chị có cảm giác như mình bị cưỡng bức bởi chính chồng cũ. Chồng còn dùng những lời lẽ cay độc, chẳng hạn như “còn trong trắng gì đâu mà giữ”, thậm chí là những lời tệ bạc hơn. Cảm giác đau đớn, ê chề, tủi nhục đôi khi biến thành cơn uất hận trong lòng. Chị đứng trước lựa chọn: cho qua hoặc sống cuộc đời này trong oán hờn, hoặc đưa ra pháp luật và cương quyết không ngủ lại nhà chồng thêm lần nào nữa.
Cuối cùng, chị chấp nhận cho qua. Nhưng chị tâm sự mọi điều với bố mẹ chồng. Ông bà cũng thấu hiểu, tạo điều kiện cho chị đưa con về ở với mình mỗi tuần vài lần. Nếu trước đây, chồng và gia đình tìm đủ mọi cách để không chia tài sản cho chị dù chị đã phụ giúp công việc kinh doanh của chồng trong suốt thời gian chung sống; thì bây giờ họ chủ động gọi chị đến và gửi phần chia cho chị. Chị kinh doanh nhỏ để nuôi sống mình, chăm nom con và dành thời gian rảnh cho các công việc thiện nguyện. Từ chỗ trắng tay, không có quyền nuôi con, chị trở thành người hỗ trợ tinh thần cho những phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự.
Cùng một sự việc, nhưng chúng ta có những lựa chọn ứng xử khác nhau. Nếu cuộc đời là một bức tranh thì chúng ta là họa sĩ sáng tạo nên những nét vẽ cho cuộc đời mình. Bạn muốn bức tranh đời mình tươi đẹp, truyền cảm hứng cho người khác hay nhạt nhẽo, u tối? Đó – là – quyết – định – của – chính – bạn.
Phương Trinh
Theo phunuonline.com.vn
Phòng thân
Sắp tới, tôi sẽ bán hết nhà đất, gom tiền về. Tôi chừa căn nhà vườn ở ngoại thành. Tới tuổi hưu, tôi sẽ về đó trồng rau, nuôi gà, thuê người giúp việc. Trong kế hoạch đó, không có bóng dáng của chồng.
Bạn của má tôi, chồng vừa mất không lâu, bỗng xuất hiện cậu trai trẻ, đòi nhận cha và chia tài sản. Tai họa như thể từ trên trời rơi xuống khiến bác ấy sốc. Kết quả thử ADN, xác nhận họ đúng là cha con. Tòa xử cậu trai ấy được hưởng phần tài sản bằng các con của bác.
Chứng kiến tấn bi kịch của gia đình bác, tôi quyết định sang tên căn nhà cho con gái. Chồng tôi, dù chẳng đóng góp chút công sức cho căn nhà, đã quyết liệt phản đối. Tôi và con gái dỗ ngọt mãi, chồng mới chịu ký tên. Trong những rủi ro, tôi chọn cái ít rủi nhất. Thà vậy.
Chồng hơn tôi tám tuổi.
Nhưng tám năm trải đời trước tôi không có nghĩa là anh biết làm chủ gia đình. Xót ruột vì đồng lương èo uột, tôi bàn với chồng kiếm việc làm thêm. Việc nào chồng cũng nói rủi ro nhiều, không sinh lợi. Tôi lén chồng thuê nhà mở tiệm bida. Chồng hùng hổ bảo tôi lộng hành, cảnh cáo có mắc nợ thì ráng chịu. Ngày nào, vợ chồng cũng cãi nhau. May cho tôi, tiệm ăn nên làm ra. Tôi thuê thêm căn nhà kề bên để mở rộng quán. Đến lúc này, chồng đòi nhảy vào quản lý. Chồng nói khách toàn dân phức tạp, phải có đàn ông họ mới sợ. Có lẽ khách "sợ" chồng quá nên lãng dần. Anh quản lý mới hơn một năm, cái quán tanh banh. Chồng đổ thừa, "hồi đó đã kêu đừng mở quán"...
Tôi gom chút tiền còn lại, hùn với bạn mua bán nhà đất. Việc này chồng không quản được, nhưng vẫn cứ cản. Sau mấy đợt mua bán, tôi đủ vốn làm ăn riêng. Có tiền, tôi bàn với chồng xây nhà mới. Tôi hỏi chồng góp vào bao nhiêu. Anh thản nhiên "có đồng nào mà góp". Từ ngày cưới, anh chưa bao giờ đưa tôi tiền chợ. Những lúc thiếu hụt, tôi thà vay mượn bạn bè, nín nhịn không hỏi tiền của anh. Giờ thì, tôi nhận lại quả đắng khi chồng hằn học: "Đàn bà khôn ngoan, không nên chõ mũi vào túi tiền của chồng"...
Bạn bè cảnh cáo tôi, "không chừng ổng dành tiền nuôi gái". Tôi không tin. Người trùm kiết như chồng, lẽ nào cho gái ăn. Không ngờ là thật. Tôi biết được, thì con riêng của chồng đã gần ba tuổi. Chồng nói bị cô ta dụ, giờ họ không còn quan hệ gì nữa, chỉ thỉnh thoảng anh chu cấp ít tiền nuôi con. Tôi cố thuyết phục mình, chồng chỉ lỡ dại thôi. Đến khi chồng có thêm con với cô gái khác, tôi mới biết kẻ dại là mình. Tôi bằng lòng ly hôn để chồng được tự do. Anh nói chỉ chơi qua đường, tôi mới là vợ "chính chủ". Tôi tưởng tượng mình đội chiếc mũ rách, ngồi ghé trên ngôi "chính chủ" đó mà cười chảy nước mắt...
Sau chuyện đó, tôi thấy lạ là vẫn có thể cư xử với chồng rất khoan dung, mỗi ngày vẫn chu đáo hai bữa cơm ngon. Lần chồng mổ sỏi thận, tôi lăn lóc thức trắng trong bệnh viện chăm chồng. Mấy nàng thơ của chồng, nào có ai ló mặt. Tôi nín nhịn để không hỏi chồng mấy câu sốc hông. Con gái có lần nói: "Ba mẹ mà có chuyện, con rầu dữ lắm". Tôi vì con, cố giữ đạo nghĩa với chồng, vá cho lành cái tổ rách bươm...
Bữa tôi dắt xe xuống thềm nhà cheo leo, xe ngã, chân tôi tóe máu. Chồng quát ầm ĩ, nào là cẩu thả, nào là dắt cái xe cũng không xong. Cái chân tươm máu của tôi, chồng chẳng thèm liếc qua. Tôi phải tự mình gọi taxi đến bệnh viện khâu vết thương. Mấy hôm trước, nửa đêm tôi chóng mặt. Khều chồng, anh làu bàu "kiếm thuốc uống đi, buồn ngủ thấy bà nè". Tôi rơi nước mắt thương mình. Nghĩ tới tương lai, tôi bỗng thấy sợ. Tôi còn đi đứng được, còn kiếm được tiền, chồng đã lạnh nhạt thế này. Lỡ nằm một chỗ, còn trông mong gì.
Sắp tới, tôi sẽ bán hết nhà đất, gom tiền về. Tôi chừa căn nhà vườn ở ngoại thành. Tới tuổi hưu, tôi sẽ về đó trồng rau, nuôi gà, thuê người giúp việc. Cuối tuần, đón cả nhà con gái về chơi. Trong kế hoạch đó, không có bóng dáng của chồng. Mình tính cho mình thôi, tự thương mình là đủ.
Đức Phương
Theo phunuonline.com.vn
Chồng mất, phận làm lẽ có được chia tài sản? Tôi làm lẽ. Sau khi cưới tôi, cả ba người cùng sống chung tại căn nhà chồng tôi đứng tên sở hữu. Tôi và chồng có với nhau 1 đứa con. Giờ chồng mất, tôi có được chia tài sản không? Hỏi: Tôi và chồng cưới nhau vào năm 1985. Chúng tôi có làm lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Trước...