Sáng lòng nhân trong ‘bão’ sởi
Có lẽ, chưa bao giờ có bệnh dịch nào lại kéo cả xã hội vào cuộc như dịch sởi năm nay.
Nhóm tài trợ trao máy trợ thở và bơm tiêm điện hỗ trợ điều trị.
Căn bệnh này vẫn đang phải đối mặt với sự “thách thức” của thời tiết. Mưa phùn rả rích, độ ẩm cao là điều kiện “tối ưu” để bệnh sởi phát triển. 119 trẻ tử vong vì bệnh sởi và liên quan đến sởi đã khiến cộng đồng không thể thờ ơ, họ đang “chung tay” cùng các bệnh nhi chiến đấu với sởi – mà “vũ khí” giúp các cháu qua nguy kịch là máy trợ thở và bơm tiêm điện.
Cứu người như cứu hỏa
Là thân nhân của các bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại các bệnh viện ở thời điểm “đỉnh” dịch, là những bác sĩ đang ngày đêm giành giật sự sống cho các bệnh nhân bé bỏng, mới thấu hiểu được sự thiếu thốn máy trợ thở và bơm tiêm điện như thế nào, trong khi dịch sởi bùng phát ngoài tiên lượng của ngành y, dù những nhà chuyên môn vẫn tin rằng đó là sự “lặp lại của chu kỳ”, nhưng tỉ lệ tử vong của bệnh nhi mắc sởi đã khiến xã hội không an lòng và đặt câu hỏi về trách nhiệm với người đứng đầu ngành y.
Bệnh nhi nhập viện tăng cấp số nhân theo ngày, khiến bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Nhi T.Ư, khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) đều ở trong tình trạng quá tải. Giường bệnh “cõng” bốn, năm bệnh nhân – ưu tiên bệnh nặng – vẫn chưa đủ và hành lang là nơi dành cho bệnh nhân nhẹ.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) – cho biết, đã phải trưng dụng tối đa máy trợ thở ở các khoa khác, 7 máy thở chạy hết công suất. Một “cọc” vào ôxy được dùng cho một người bệnh, nay phải nối thêm ống dây cho các trẻ khác. Tương tự ở Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Saint Paul cũng thiếu thiết bị nghiêm trọng…
Vào đúng thời khắc mà các bệnh viện tuyến cuối đang gồng mình, “căng như sợi dây đàn”, thì thông tin ngắn ngủi trên facebook có nickname Minh Do đã “loang” nhanh như vết dầu trên cộng đồng mạng: “Bạn Lan Le đã liên lạc được với người quen là bác sĩ Hải – Phó khoa Lây, Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi T.Ư. Bác sĩ Hải cho biết, nếu bệnh viện có thêm ba máy thở, loại nhỏ của Nhật, giá khoảng 9 triệu đồng/máy thì sẽ rất tốt cho việc cấp cứu bệnh nhi lúc này”.
Cùng lúc đó, lời kêu gọi của lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư cũng xuất hiện không chỉ trên facebook mà cả trên báo giới về tình trạng thiếu trang thiết bị: “…Số lượng bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi T.Ư luôn trong tình trạng quá tải và có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi đó trang thiết bị y tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, Bệnh viện Nhi T.Ư mong muốn nhận được sự hỗ trợ những bơm tiêm điện cho bệnh nhi, nhằm góp phần đem lại hiệu quả cho quá trình điều trị, Bệnh viện Nhi T.Ư kính mong nhận được sự chung tay giúp đỡ…”.
Video đang HOT
Bơm tiêm điện là phương tiện hỗ trợ truyền thuốc có kiểm soát và độ chính xác cao về lượng và độ thời gian, và rất có ý nghĩa nếu cần dùng thuốc đòi hỏi độ an toàn cao và ổn định, thường dùng cho các bệnh nhi nặng.
Bệnh nhi mắc sởi – ba cháu phải chung một giường. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong những ngày “đỉnh” dịch sởi, trên facebook tràn ngập những hình ảnh, những lời tâm sự về nỗi đau đến xé lòng của những bà mẹ đang cùng đứa con bé bỏng ngày đêm chống chọi lại bệnh sởi và những biến chứng đang điều trị tại các bệnh viện. Có những bé yếu đến mức không thể lấy nổi ven và trên cơ thể bé, chỗ nào lấy được ven cũng đã “chi chít” mũi tiêm, và hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều còn quá nhỏ, vì vậy, bơm tiêm điện cho các bé bệnh nặng là cần thiết và hữu hiệu vô cùng.
Lời kêu gọi trên cộng đồng “Hãy cứu lấy các bé đang mắc sởi” đã nhận được sự hưởng ứng cao, người này “link” thông tin cho người kia. Số tiền quyên góp đã được nhóm của Minh Do cập nhật thông tin thường xuyên. Ngay cuối chiều ngày kêu gọi (17/4), 1 chiếc máy trợ thở giá 19 triệu đồng đã được nhóm Minh Do chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư, và vào lúc 20 giờ cùng ngày, chiếc máy trợ thở đã được đưa vào sử dụng. 3 chiếc máy trợ thở được đặt hàng để chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Saint Paul sớm nhất như “lời đã hứa”.
Máy trợ thở này rất phù hợp với những bệnh nhi mới nhiễm bệnh. Hai máy bơm tiêm điện cũng đang trên đường từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội.
Một ngày sau khi kêu gọi, đến trưa ngày 18/4, tài khoản của Minh Do đã tiếp nhận được gần 300 triệu đồng, tên tuổi những người quyên góp được nhóm công khai. Chiều cùng ngày số tiền quyên góp đã lên con số 400 triệu đồng, nhóm dự định mua khoảng 10 máy tiêm điện, từ 10-12 máy trợ thở, được chuyển đến 3 trung tâm dịch hàng đầu ở Hà Nội. Nhóm của Minh Do cũng thông báo rằng, Hội đồng bác sĩ ở Bệnh viện Nhi T.Ư đã thẩm định và khẳng định máy trợ thở công suất nhỏ dùng tốt và phù hợp với trẻ em và rất cần thiết cho giai đoạn mới nhiễm virus.
Vào lúc 10h30 ngày 19/4, nhóm Minh Do đã chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư 1 máy bơm tiêm điện và 1 máy thở CPAP. Và như đã hứa, máy trợ thở và máy tiêm điện cũng đã được nhóm bàn giao cho Bệnh viện Saint Paul (1 máy trợ thở, 1 máy bơm tiêm điện), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (1 máy trợ thở). Dự kiến, sáng ngày 20/4, nhóm sẽ nhận được 6 máy bơm tiêm điện, giao cho ba bệnh viện nói trên.
Thông tin từ Minh Do, với số tiền quyên góp được gần 800 triệu, đã mua được 18 máy bơm tiêm điện, 4 máy trợ thở, dự kiến mua thêm 4 máy trợ thở, số tiền còn lại, nhóm hỗ trợ trực tiếp đến các gia đình khó khăn đang điều trị ở bệnh viện.
Sau khi nhận được lời đề nghị “nhã nhặn” ngừng chương trình kêu gọi hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện từ các nhà hảo tâm của lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư vì đã có sự hỗ trợ của Đảng và Chính phủ, các nhóm từ thiện đã chuyển hướng đến giúp đỡ các gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Âu, đó cũng là một địa chỉ rất cần hướng đến trong những ngày khó khăn vì dịch sởi.
“Chị đã làm tôi khóc”
Không chỉ riêng nhóm Minh Do, một nhóm hoạt động từ thiện cũng đã đứng ra kêu gọi cộng đồng trợ giúp các bệnh nhi thoát khỏi lưỡi hái tử thần của dịch sởi. 10 máy bơm tiêm điện được nhóm chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư và nhóm hỗ trợ mỗi gia đình bệnh nhi khó khăn 2 triệu đồng vào chiều ngày 21/4.
Một bà mẹ có con bị sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã “thấy tận mắt” cảnh bệnh nhi “xếp hàng” chờ máy trợ thở, cũng đứng ra kêu gọi cộng đồng chung tay giúp các bệnh nhi, sau khi đề xuất với lãnh đạo khoa về việc gây quỹ để mua máy trợ thở và bơm tiêm điện, máy khí dung.
Nhật ký của mẹ bé Ong trong những ngày cùng con trai chiến đấu với bệnh sởi biến chứng “chân thực đến cay đắng” đã gửi đến các bà mẹ thông điệp về “gã bệnh sởi đáng ghét”. Một nickname đã thốt lên “Chị đã làm tôi khóc. Cảm ơn chị và chia sẻ nỗi đau với chị”. Chị – đó là bà mẹ vừa bị dịch sởi cướp đi đứa con bé bỏng, đã đóng góp 50 triệu để nhóm Minh Do mua thiết bị, thuốc… cứu các cháu, đừng để thêm cháu bé nào rơi vào hoàn cảnh như con chị.
Mọi lời nói lúc này với những người có tấm lòng thiện nguyện, đã chung tay cứu bệnh nhi khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh sởi, đều sẽ là vô nghĩa. Họ làm vì lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng, chứ không vì một động cơ nào khác. Gọi điện thoại đến số máy nào lại cũng nhận được lời từ chối “nhã nhặn” – có gì đâu. Thôi đành, mượn lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thay lời nói sau cùng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”.
Theo Xahoi
Chùm ca sởi đặc biệt thương tâm: Ông trời ơi, xin cứu lấy bé!
"7 năm mỏi mòn chờ đợi con mới có được mụn con. Con đã sung sướng đến ngất lịm ngày đón cặp song sinh chào đời. Nhưng nay, một đứa đã bỏ con đi, còn một đứa, đang nằm mê man...Ông trời ơi, xin cứu lấy bé", chị P.T.B nghẹn ngào.
Bé K.Đ.A vẫn rất nguy kịch sau 5 ngày thở máy. Ảnh: T.A
"Lẽ ra, ngày 21/4 chẳng phải là đặc biệt gì với cả gia đình em, thế nhưng, nó đã là một ngày định mệnh khi con gái hơn 4 tháng tuổi tử vong tại BV Nhi Trung ương vì không qua khỏi viêm phổi do sởi. Còn tối 21/4, đứa em song sinh cũng vào máy thở tại khoa Nhi (BV Bạch Mai)", chị P.T.B (32 tuổi, Hưng Yên) nức nở khóc.
Chị B cho biết, hai vợ chồng lấy nhau gần 7 năm, chạy chữa đủ các loại thuốc tây đến thuốc nam thuốc bắc mới có được hai mụn con. "Vợ chồng em chỉ buôn bán lặt vặt nhưng ai mách phương thuốc gì để có con hai vợ chồng cũng dồn tiền để chạy chữa rồi nuôi hy vọng", chị B. nói. Cách đây hơn 1 năm dồn được 1 khoản tiền kha khá, hai vợ chồng lên BV Phụ sản Trung ương để làm thụ kinh ống nghiệm. Mừng rơi nước mắt vì ông trời có lẽ đã rủ lòng thương, chị B đậu thai một cặp song sinh.
"Tuy lúc sinh bé trai chỉ nặng 2,7 kg và 1 bé gái 1,3 kg nhưng cả nhà vui lắm, sau một tuần nằm viện về nhà các bé mỗi ngày mỗi lớn. Không ngờ các đây hơn 3 tháng, bé K.P.L bị viêm phổi phải nhập BV Nhi Trung ương điều trị và cũng từ đó cháu được chuyển tới phòng cách ly...Ngày nào vợi chồng bị B cũng chạy đi chạy lại giữa Hưng Yên - Hà Nội vì còn con nhỏ ở nhà. Thế mà cách đây 2 tuần, thằng bé ở nhà bị sốt cao, vợ chồng em lại bồng bế nhau lên BV Nhi Trung ương dù biết ở đây đang có dịch sởi và cũng quá tải. Bác sĩ khám và làm xét nghiệm xong có nói gia đình đưa cháu về quê đề điều trị tiếp. Không đành lòng đưa con đang sốt cao về trong khi đứa khác đang nằm viện, vợ chồng em thuê trọ 4 ngày ở gần BV Nhi Trung ương để được vào nhìn con gái và lấy chỗ chui ra chui vào chăm con. Khi con trai nổi ban, gia đình cuống cuồng lo lắng nhưng BV quá tải, chỉ nhận những bệnh nhân nặng còn trường hợp con trai em không có chỉ định nhập viện...".
Lo lắng vì bé trai cứ yếu dần, quấy khóc, không chịu ăn uống, anh chị quyết định bồng con sang BV Bạch Mai với hy vọng BV bớt quá tải thì con trai sẽ có cơ hội được điều trị. Bác sĩ vừa khám đã chỉ định nhập viện điều trị ngay vì con có biến chứng viêm phổi.
Cứ thế, anh chị như thoi đưa giữa hai tâm sởi của cả nước để thăm con gái và chăm con trai. "3h sáng 21/3, vợ chồng em nhận được điện thoại của các bác sĩ bên BV Nhi thông báo con gái em nguy kịch. Hai vợ chồng bỏ thằng em cho bà trông rồi chạy sang BV Nhi Trung ương. Khi được vào thăm con, thấy con yếu ớt nằm giữa rây rợ máy móc, em khóc không thành tiếng vì đau đớn, vì thương con mà bất lực... Được thăm con trong chớp thoáng, em lại về chăm thằng bé con đang ở BV Bạch Mai. Đến chiều cùng ngày nghe tin bác sĩ thông báo con gái tử vong mà tim em rụng rời, chân đứng không vững... Chúng em đã đón con về Hưng Yên đưa con ra đồng...", không nén nổi nỗi đau, cả hai vợ chồng chị B. òa khóc nức nở.
Không kịp ở bên con lấy một đêm, bà ngoại lại gọi về thông báo, bé K.Đ.A cũng phải vào thở máy, hai vợ chồng lại nén nổi đau, tất tả lên bệnh viện chăm con.
Theo các bác sĩ Khoa Nhi (BV Bạch Mai), chùm ca bệnh của cặp song sinh này cũng là chùm ca bệnh vô cùng đặc biệt và thương tâm. Người chị song sinh của bé Đ.A thì đã mất, còn em bé này đã 5 ngày thở máy nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển mỗi ngày một nặng nề.
Trước đó, cũng sáng ngày 21/4, nhiều người cũng lặng đi đau đớn chứng kiến bé V.G.K (25 tháng tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) tử vong sau hơn 1 tháng chống chọi với căn bệnh viêm phổi do sởi. Em trai bệnh nhi là V.G.B (7 tháng tuổi) vẫn đang được theo dõi đặc biệt tại phòng Cấp cứu Nhi bởi phổi tổn thương nặng nề.
Tú Anh
Theo dantri
Thủ tướng yêu cầu sớm dập dịch sởi Tại cuộc họp khẩn chiều qua 23.4 về tình hình dịch sởi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt; đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất số ca tử vong lên hàng đầu, không để dịch lây chéo. Rất đông người chờ tiêm vắc xin...