Sáng kiến giúp người Hàn Quốc ngắm hoa anh đào nở giữa mùa dịch
Để người dân không bỏ lỡ một trong những cảnh đẹp nhất trong năm – hoa anh đào nở kín trời mùa xuân, các địa phương tại Hàn Quốc đã có nhiều sáng kiến giúp họ thưởng thức cảnh đẹp.
Công tác khử trùng được tiến hành tại công viên LetsRun Park Seoul. Ảnh: Yonhap
Lee Ga-ram (37 tuổi) buộc phải từ bỏ thói quen mọi năm đến hồ Seokchon để ngắm hoa anh đào nở rộ vì hiện công viên đóng cửa do sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Hàn Quốc.
“Chỉ mất 5 phút đi từ nhà, nhưng năm nay tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội. Ở nhà chăm con cả ngày trong thời tiết đẹp như này thực sự là một sự chịu đựng”, bà mẹ Lee bày tỏ.
Theo hãng thông tấn Yonhap, để giúp những người dân như cô Lee nguôi ngoai nỗi nhớ được thưởng thức cảnh đẹp hoa anh đào nở, văn phòng quận Songpa tại thủ đô Seoul liên tục phát sóng trực tiếp cảnh đẹp mùa xuân trên các nền tảng xã hội như Youtube và Facebook. Nhằm bắt trọn những khung cảnh tuyệt vời hơn, giới chức còn triển khai thiết bị bay không người lái.
Đây được coi là nỗ lực bước đầu và là một trong những sáng kiến của chính quyền địa phương trong bối cảnh người dân thực hiện “giãn cách xã hội” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong thời gian này, phần lớn các điểm du lịch, cảnh đẹp đóng cửa, các lễ hội buộc phải hủy. Một trong những lễ hội nổi tiếng nhất là Jinhae Gunhangje (lễ hội hoa anh đào) tổ chức tại thành phố Changwon lần đầu tiên bị hủy kể từ khi ra đời vào năm 1963. Năm ngoái, lễ hội này đã thu hút khoảng 4 triệu du khách.
Tuy nhiên, thay vì đơn thuần cấm công chúng tiếp cận, chính quyền địa phương đã cho ra mắt “chương trình lữ hành ngồi trên xe drive-thru”.
“Vì thành phố Gyeongju là nơi tập trung nhiều hoa anh đào nhất trong nước, nên mỗi mùa xuân về, cả thành phố như một rừng hoa bung nở. Lệnh phong tỏa không phải là một phương án hợp lý đối với khu vực này. Ngắm hoa cũng được, miễn là bạn ngồi trên xe”, một quan chức Gyeongju chia sẻ.
Video đang HOT
Cảnh sát và tình nguyện viên được điều động để điều tiết giao thông và đảm bảo các điểm đỗ xe đóng cửa. Người lái xe được phép đi chậm dọc các đường hoa anh đào nở kín hai bên. Tuy nhiên, vì không có bãi đỗ xe, nên lượng khách du khách tới đây đã giảm đáng kể.
Tương tự, một chương trình ngắm cảnh trên xe quanh đập Chungju Dam cũng đã đi vào hoạt động. Theo giới chức địa phương, chỉ tính riêng tuần trước, mô hình du lịch này đã thu hút hơn 15.000 du khách.
Hai em bé đeo khẩu trang ngắm nhìn hoa anh đào nở rực từ cửa trên xe ô tô tại tỉnh Nam Jeolla ngày 31/3. Ảnh: Yonhap
Trong khi đó, chính quyền thành phố Cheongju lại nghĩ ra sáng kiến “ngắm hoa một chiều” dọc sông Musimcheon. Để đáp ứng yêu cầu giảm sự tiếp xúc giữa các cá nhân, du khách chỉ được phép đi theo một chiều quy định để ngắm hoa và bắt buộc phải đeo khẩu trang. Đỗ xe và ăn uống tại điểm du lịch bị cấm.
Mặc dù còn nhiều hạn chế và bất tiện, song nhiều du khách vẫn có phản ứng tích cực.
“Tôi đọc được chương trình ngắm cảnh trên xe tại Gyeongju từ một bài viết. Tôi có thể thưởng thức những bông hoa trắng muốt mà không cần phải đeo khẩu trang hay chen lấn trong đám đông. Thật sự rất tuyệt vời”, một du khách viết bày tỏ cảm xúc trên Naver.
Đối với nhiều người, mùa xuân không chỉ là ra ngoài dạo phố ngắm hoa mà còn là mang hoa về nhà. Trong khi dịch bệnh bùng phát, xu thế giao hàng không chỉ dừng lại ở hàng hóa, đồ ăn.
Cuối tháng Hai, Market Kurly – dịch vụ giao hàng trực tuyến – đã đưa hoa tulip và hoa lan vào giỏ hàng. Dịch vụ cam kết khách hàng sẽ nhận được hoa vào sáng sớm hôm sau nếu như đặt hàng trước 23h. Kết quả là thắng lớn. Chỉ trong hai giờ đồng hồ ngày đầu tiên, 1.000 hộp hoa tulip đã được bán sạch. Những ngày sau đó, công ty đều nhận được hơn 500 đơn đặt mỗi ngày.
“Giá thành không hề rẻ vì một hộp đựng 6 bông tulip có giá 12.900 won (250.000 đồng), nhưng nó đáng vì tôi có thể thưởng thức chúng cả ngày khi ở nhà”, nhân viên văn phòng Kim Min-seon (35 tuổi) chia sẻ. Từ tháng trước, do dịch bệnh nên cô được làm ở nhà.
“Tôi thường gửi hoa cho mẹ để giúp bà cảm thấy tốt hơn. Gần đây tâm trạng bà không vui”, Kim nói thêm mẹ cô là nhóm đối tượng dễ tổn thương trước COVID-19 vì bà đã hơn 60 tuổi và có nhiều bệnh lý nền.
Các chủ cửa hàng hoa trực tuyến cho biết doanh số bán ra đầu năm nay tăng mạnh. Kukka – một công ty địa phương chuyên giao nhận hoa – tiết lộ doanh số bán ra vào tháng Hai và tháng Ba năm nay cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ngày càng có nhiều người phàn nàn về sức khỏe tâm lý khi trải qua sự bất thường và gián đoạn trong cuộc sống vì COVID-19. Gặp hoàn cảnh không mong muốn, mọi người nên tích cực tìm kiếm các lựa chọn thay thế mới và cố gắng thích nghi”, Kwak Keum-joo, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho hay.
Tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ kéo dài chiến dịch giãn cách xã hội ra thêm hai tuần, ít nhất cho tới 19/4. Tính đến sáng 8/4, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.384 ca mắc COVID-19, trong đó có 200 người tử vong.
Hồng Hạnh
Học sinh một số thành phố Nhật Bản đi học trở lại
Ngày 6/4, 230 học sinh tại một trường tiểu học ở thành phố Mito, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản đã tham dự lễ khai giảng, bắt đầu đi học trở lại.
Trong lễ khai giảng, các em đứng cách nhau 2 m và được thầy hiệu trưởng hướng dẫn cách phòng bệnh như rửa tay, đo nhiệt độ hàng ngày nhằm phòng Covid-19.
Kanon Nakamura, 11 tuổi, chia sẻ: "Em rất vui vì gặp lại bạn bè sau thời gian nghỉ. Hoa anh đào nở tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp cho buổi lễ khai giảng".
Cùng ngày, các trường học tại thành phố Saga, tỉnh Saga cũng chào đón học sinh trở lại. Đến ngày 5/4, Saga mới ghi nhận 8 trường hợp mắc Covid-19.
Học sinh tại thành phố Saga, tỉnh Saga trở lại trường, sáng 6/4. Ảnh: Kyodo/ Japan Today
Tại thành phố Nagoya, thủ phủ của tỉnh Aichi, học sinh các trường tiểu học cũng tham dự lễ khai giảng. Một phụ huynh tham dự cùng con cho biết rất vui vì buổi lễ được tổ chức nhưng "không biết mọi thứ sẽ diễn ra như nào tiếp theo, chỉ biết tuân thủ quyết định của thành phố".
Còn Ryoko Nishioka, 42 tuổi, sống tại Kochi, cảm thấy không yên tâm khi cho ba con đi học trở lại trong lúc dịch bệnh chưa được dập tắt. "Một lớp học có khoảng 40 học sinh, đó là mật độ quá đông. Để an toàn, tôi muốn sĩ số một lớp giảm xuống", Nishioka nói.
Các trường tiểu học tại Kyoto cũng dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 8/4. Bà mẹ Megumi Aoyama, 34 tuổi, hoan nghênh động thái này. Chị cho rằng việc đóng cửa trường học quá lâu sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con gái trong năm nay. "Tôi mong con bé sẽ được dạy cách rửa tay và một số kỹ năng phòng bệnh khác khi ở trường", Aoyama nói.
Trong khi nhiều nơi tại Nhật Bản cho học sinh đi học trở lại, các trường học tại Tokyo và một số khu vực có nhiều người nhiễm bệnh vẫn đóng cửa ít nhất một tháng nữa.
Trước đó ngày 27/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe yêu cầu tất cả trường tiểu học và trung học đóng cửa từ ngày 2/3 đến khi kết thúc kỳ nghỉ xuân đầu tháng 4. Quyết định này được đưa ra sau khi Hội đồng giáo dục Hokkaido kêu gọi chính quyền đóng cửa toàn bộ 1.600 trường tiểu học và THCS trong một tuần nhằm tránh lây nhiễm Covid-19.
Trong cuộc họp ngày 19/3, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đề xuất tại khu vực có số ca nhiễm bệnh thấp hoặc không ghi nhận ca nhiễm mới, các sự kiện thể thao, trường phổ thông, đại học hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em có thể hoạt động trở lại. Chính quyền địa phương nên cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định để giảm thiểu rủi ro.
Đến 6/4, Nhật Bản có 3.654 người nhiễm Covid-19, trong đó 85 người tử vong.
Thanh Hằng
24h qua ảnh: Người dân Ấn Độ đặt gạch để giữ chỗ xếp hàng Người dân Ấn Độ đặt gạch để giữ chỗ xếp hàng, nam thanh niên chụp ảnh hoa anh đào trên đường phố,... là những hình ảnh ấn tượng nhất thế giới 24 giờ qua. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso chỉnh khẩu trang trong một phiên họp quốc hội ở thành phố Tokyo. Ảnh: Reuters Nam thanh niên chụp ảnh hoa...