Sáng kiến gần nửa tỷ USD của Mỹ cho an ninh biển Đông Nam Á
Mỹ dự kiến dành gần nữa tỷ USD chi cho Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á, hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển năng lực trên biển, trong đó có Việt Nam, Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh: AFP.
“Chúng ta phải tăng cường năng lực của kiến trúc an ninh khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong bài phát biểu chủ chốt tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2015 tổ chức cuối tuần qua ở Singapore, trước khi công bố Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á. Sáng kiến này được quốc hội Mỹ đưa ra, với ngân sách 425 triệu USD
Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á không xuất phát từ Lầu Năm Góc. Nó hình thành từ ngân sách Ủy ban Quân vụ Thượng viện (SASC) và được Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch SASC theo dõi chặt chẽ.
David Shear, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á – Thái Bình Dương, cho biết Lầu Năm Góc muốn dùng Đối thoại Shangri-La để thể hiện sự ủng hộ với ông McCain, vào thời điểm chiến thuật của Mỹ là tập trung xây dựng kiến trúc an ninh hàng hải nhằm đối phó với hành động cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Tôi nghĩ điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của quốc hội cũng như sự đồng thuận giữa lưỡng đảng về những gì chúng tôi đang thực hiện trong khu vực”, ông Shear nói.
Thượng nghị sĩ McCain, tới tham dự diễn đàn cùng một số đồng nghiệp tại Thượng viện, cho biết khoản tiền hỗ trợ “nhằm giúp các quốc gia trong khu vực tổ chức tập trận, tiếp nhận trang thiết bị (và) tăng cường khả năng phòng thủ”.
Theo SASC, khoản hỗ trợ sẽ cung cấp cho Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Chúng “có thể bao gồm cung cấp thiết bị, vật tư, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ” cùng đào tạo cho các lực lượng. Ngoài ra, kinh phí huấn luyện có thể được dành cho Brunei, Singapore và Đài Loan nếu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề nghị.
Khi được quốc hội thông qua, sáng kiến sẽ cấp 50 triệu USD cho năm tài chính 2016, 75 triệu USD cho năm 2017 và 100 triệu cho mỗi năm 2018, 2019, 2020.
Video đang HOT
Ông Shear gọi sáng kiến là một nỗ lực để “phát triển nhiều nguồn lực hơn” cho quốc gia đối tác. “Xây dựng năng lực cho đối tác là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của chúng tôi suốt một thời gian”, ông giải thích. “Chúng tôi đang xem xét những thiếu sót an ninh hàng hải của các đối tác. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với họ về thứ họ cần và cách sử dụng nó”.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, cho biết ông “cảm thấy vui mừng về tiềm năng” khoản tiền hỗ trợ và cách nó sẽ giúp đối tác trong nhận thức hàng hải.
Ông Ashton Carter tham quan tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại Vùng Cảnh sát biển một. Ảnh: canhsatbien.vn.
Chủ đề xây dựng đối tác an ninh hàng hải trong khu vực được tiếp tục thể hiện trong hai chuyến thăm tiếp theo của ông Carter đến Việt Nam và Ấn Độ.
Tại Việt Nam, ông Carter đến cảng Hải Phòng, động thái ông gọi là “chuyến thăm chưa từng có tới sở chỉ huy Hải quân Việt Nam và Cảnh sát biển”. Ông Carter sau đó tới cảng miền đông Visag, nơi được mô tả là chìa khóa trong chiến lược Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Van Jackson, chuyên gia Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới Mỹ, nhận định xây dựng năng lực cho đối tác trong khu vực là điều quan trọng để duy trì ổn định ở Thái Bình Dương. Nó bao gồm tăng cường tuần tra chung trên biển, huấn luyện chung cũng như đảm bảo các đồng minh trong khu vực còn có thể liên hệ với nhau thay vì chỉ thông qua Mỹ.
Tuy nhiên, Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, tỏ ra thận trọng khi được hỏi về sáng kiến mới. “Nếu sáng kiến mới thúc đẩy được nhận thức của từng nước, là sẽ phản ứng một cách hòa bình, tôi nghĩ điều đó là tốt”, ông nói. Nhưng “chúng ta hi vọng rằng nó không được dùng để làm gia tăng căng thẳng và nói phải được sử dụng trong khuôn khổ luôn thúc đẩy giải pháp hòa bình”.
Như Tâm
Theo Defense News
"An ninh biển ở Đông Nam Á đang đối diện nhiều thách thức"
Báo điện tử hãng truyền thông Sóng Đức (Deutsche Welle) ngày 28/5 có bài viết đáng chú ý về Đối thoại Shangri-La 2015 với tiêu đề "Tình hình an ninh Đông Á và Đông Nam Á."
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại
Theo bài viết, Đối thoại Shangri-la năm nay sẽ thảo luận những chủ đề địa chính trị-an ninh đang rất cấp bách của khu vực, trong đó trọng tâm là vấn đề Biển Đông và sự cạnh tranh Trung-Mỹ.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tham dự đối thoại năm nay cũng cho thấy Đức ngày càng quan tâm tới tình hình khu vực có nhiều diễn biến căng thẳng trên biển thời gian gần đây.
Bài viết đánh giá Trung Quốc đang có sự điều chỉnh chiến lược quân sự trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho phép Trung Quốc chi tiêu quốc phòng ngày càng lớn.
Tác giả dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển cho thấy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng tới 170% từ năm 2002-2013.
Theo bài báo, nội dung Sách Trắng quốc phòng mà Trung Quốc vừa công bố ngày 26/5 cho thấy nước này đã đặt vấn đề an ninh biển là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quốc phòng và tăng cường tiềm lực cho các lực lượng chiến đấu trên biển gồm hải quân và không quân.
Cũng theo bài báo, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược biển đầy tham vọng với việc triển khai đồng loạt các nội dung gồm hiện đại hóa không ngừng lực lượng hải quân, phát triển các vũ khí mới như tên lửa chống hạm Đông Phong 21D, thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông tháng 11/2013 và gần đây là đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Về chiến lược "Trở lại châu Á" của Mỹ, tác giả cho rằng Mỹ đang thúc đẩy chiến lược này bằng việc tăng cường hàng loạt các biện pháp cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế, nhất là với hai đồng minh Nhật Bản và Philippines.
Tác giả dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng Mỹ sẽ ưu tiên lắp đặt và xây dựng các thiết bị quân sự công nghệ cao nhằm đối phó với những năng lực quân sự mới của Trung Quốc.
Mỹ cũng hối thúc Nhật Bản gia tăng các năng lực hậu cần, phòng thủ tên lửa và do thám để sẵn sàng đối phó trong trường hợp xuất hiện xung đột và leo thang căng thẳng.
Liên quan Việt Nam và Philippines, bài viết nhận định cũng giống như Mỹ, Nhật Bản đang can dự mạnh mẽ hơn vào các diễn biến trên Biển Đông.
Bài viết cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo trong thời gian vừa qua đã làm căng thẳng trên Biển Đông tăng cao và cả Việt Nam lẫn Philippines đều phản đối quyết liệt kế hoạch mở rộng đảo của Trung Quốc.
Tác giả dẫn nhận định của tiến sỹ Gerhard Will, Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) cho rằng sự gia tăng can dự của Mỹ ở khu vực và việc Việt Nam, Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ là nhằm cân bằng với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc.
Về Indonesia, một chuyên gia Đông Nam Á khác của SWP là tiến sỹ Felix Heiduk trong trả lời phỏng vấn DW cũng cho rằng vấn đề Biển Đông hiện có vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Widodo, cũng như được Indonesia xem là vấn đề trọng tâm về địa chính trị-an ninh ở khu vực hiện nay.
Tổng kết bài viết, tác giả dẫn đánh giá của tiến sỹ Will cho rằng những chủ trương và hành động của các bên liên quan nhằm thích ứng với một môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực vẫn là chưa đủ.
Theo tiến sỹ Will, một cấu trúc an ninh khu vực mới trên cơ sở thỏa hiệp là điều cấp thiết bởi cấu trúc hiện nay thiếu ổn định, các bên đều tự do hành động và điều này có thể làm cho tình hình trở nên nguy hiểm trong dài hạn.
Tác giả bài viết đánh giá cuộc gặp của các bên tại Singapore năm nay có thể đóng góp nhất định vào việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề an ninh nóng của khu vực, tuy nhiên khả năng đạt được các giải pháp cụ thể là không cao và đây là điều mà Đối thoại Shangri-La cần tính tới để hiệu quả chương trình được nâng tầm hơn nữa trong tương lai./.
Theo Đức Chung/Berlin (Vietnam )
Mỹ mong ASEAN cùng phản ứng việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông Với việc công bố video cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đảo ở Biển Đông, Mỹ hy vọng các nước Đông Nam Á sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn. Theo Reuters, đoạn video mà Mỹ công bố gần đây cho thấy nhiều tàu và sà lan của Trung Quốc đang bận rộn san lấp và cải tạo các bãi...