Sáng đèn chợ Bến Thành về đêm?
Đó là một trong những đề xuất đang được Sở Du lịch TP.HCM tham khảo ý kiến của UBND Q.1 nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch về đêm của thành phố.
Chợ Bến Thành là một trong những điểm đến được du khách yêu thích nhất tại TP.HCM.Ảnh: Khả Hòa
Chi tiêu tăng chưa tới 2% trong 5 năm
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong giai đoạn từ 2014 – 2018, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành du lịch TP có tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2017 và 2018. Nghịch lý là số lượng khách quốc tế đến TP tăng trưởng bình quân đạt hơn 20% nhưng mức tăng trưởng doanh thu trung bình chỉ hơn 11,5%. Chi tiêu trung bình 1 ngày của khách quốc tế (theo báo cáo kết quả của Cục Thống kê TP công bố tháng 6.2018) đạt khoảng 145 USD, chỉ tăng 1,09% so với con số khảo sát năm 2013 (133 USD/ngày). Mức chi tiêu của khách du lịch nội địa còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt gần 69 USD/ngày.
PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thừa nhận: Khách đến TP.HCM nhiều, có ở lại nhưng chi tiêu thấp là do TP chưa có sản phẩm vui chơi giải trí đủ để “móc hầu bao” họ. Các điểm tài nguyên du lịch ban ngày rất nghèo nàn dịch vụ bổ sung đi kèm như trải nghiệm hay quà lưu niệm hấp dẫn mà du khách buộc phải mua khi ra về. TP.HCM có nhiều mặt hàng để mua sắm, nhiều trung tâm thương mại, nhưng thiếu một trung tâm mua sắm chuyên về hàng VN trong đó gồm nông sản, đồ dùng, hàng lưu niệm hoặc mang dấu ấn miền Nam. Trong khi đó, sở hữu nền ẩm thực đa dạng, phong phú nhưng các khu chợ đêm vẫn chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, chưa được quy hoạch bài bản.
“Khu mua sắm, khu ăn uống muốn tập trung lại thành những điểm phục vụ du lịch cần có quỹ đất. Chúng tôi đang xây dựng một bản quy hoạch, tầm nhìn, chiến lược phát triển du lịch cụ thể cho TP, đi kèm cả đề xuất quy hoạch quỹ đất để làm du lịch. Trước mắt, Sở đã làm việc với UBND Q.1, nghiên cứu quản lý lại các khu chợ đêm, đề xuất sáng đèn chợ Bến Thành cả buổi tối, thay vì đóng cửa từ 18 giờ như hiện nay. Bên trong chợ Bến Thành hiện được quản lý tốt, hàng hóa đa dạng và nếu kéo dài thời gian hoạt động đến 21 – 22 giờ đêm, du khách sẽ có thêm điểm đến để vui chơi, thêm cơ hội tiêu tiền vào ban đêm”, bà Thúy thông tin.
“Lột xác” chợ đêm Bến Thành
Video đang HOT
Bất kể cuối tuần hay ngày thường, từ 8 – 9 giờ sáng, khu chợ Bến Thành đã tấp nập du khách tới tham quan, mua sắm. Khu chợ này cũng rất “hòa đồng” vì là điểm đến ưa thích của rất nhiều thị trường khách, từ khách châu Âu, Mỹ đến khu vực Trung Đông hay châu Á… Qua khảo sát, các gian hàng được khách quốc tế tập trung đông nhất là các quầy thủ công mỹ nghệ, giày dép, túi xách, hàng nữ trang và hàng vải. Các loại trái cây luôn tươi ngon, chuẩn loại 1, các quầy bánh kẹo đặc sản cũng thu hút rất nhiều du khách quan tâm. Nhiều món ăn trong chợ như hủ tiếu, bánh canh, chè không chỉ hấp dẫn khách nước ngoài nếm thử mà còn trở thành quán “ruột” của nhiều người dân địa phương vì giá cả hợp lý và ngon.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định chợ Bến Thành hiện là một trong những điểm đến yêu thích nhất của du khách quốc tế khi tới TP.HCM. Trong bối cảnh TP đang rất thiếu các sản phẩm vui chơi, giải trí về đêm, nếu có thể tận dụng mặt bằng, hoạt động hiện hữu của chợ Bến Thành, kéo dài thời gian hoạt động sẽ trở thành điểm đến mới hấp dẫn phục vụ du khách, thúc đẩy các hoạt động kinh tế về đêm của TP. Tuy nhiên, hiện nay hai bên hông chợ Bến Thành phía đường Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cũng đã hình thành khu chợ đêm buôn bán nhiều mặt hàng, chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ phụ kiện, trang sức… hàng “fake”, hàng nhái, hàng Trung Quốc kém chất lượng nên “khách Tây” không mấy mặn mà, giá trị thương mại không cao. Bên cạnh đó, khu buôn bán xen kẽ với các quán ăn, quán cà phê vỉa hè khiến toàn tuyến đường rất nhếch nhác. Chưa kể do quản lý lỏng lẻo, tình trạng giang hồ bảo kê rất phức tạp.
Do đó, ông Sơn cho rằng nếu muốn biến chợ Bến Thành thành điểm du lịch về đêm thật sự, cần thay đổi phương án quản lý cho bài bản, sắp xếp dịch vụ và có phân khu chức năng trong, ngoài cụ thể.
“Cần quy hoạch lại ngành hàng trong, ngoài hợp lý. Nên sắp xếp khu ẩm thực 100% vào bên trong chợ vì lòng đường không khắc phục được việc xử lý nước thải, bên ngoài là các ngành hàng phi ẩm thực được kiểm soát chất lượng, xuất xứ. Có thể điều tiết giao thông để tạo luôn hành lang đi bộ hai bên cửa Đông và cửa Tây của chợ. Quan trọng nhất vẫn là phương án quản lý chuyên nghiệp. Nếu không làm được điều này, TP sẽ tiếp tục lặp lại sai lầm như thất bại từ các khu chợ đêm, khu ẩm thực trước đây”, ông Sơn đề xuất.
Ý kiến du khách
Ông Bruce (Úc): Tôi sống ở Vĩnh Long đã 6 năm nay và đều đặn hằng tháng đều lên chợ Bến Thành mua một số đồ dùng cần thiết. Tôi rất thích không khí trong chợ Bến Thành, chủ một số cửa hàng có thể nói thách nhưng nếu bạn không mua, họ vẫn tỏ ra vui vẻ. Nếu chợ mở cửa cả buổi tối thì sẽ rất tuyệt, khách nước ngoài sẽ tụ họp về đây mua sắm, ăn uống. Nhưng nên cấm xe để mọi người có thể thoải mái mua sắm bên trong chợ, sau đó đi bộ ra ngoài thưởng thức ẩm thực hoặc ngược lại, ăn uống bên trong rồi lang thang chọn đồ bên ngoài.
Ảnh: Hà Mai
Sora và Tsuyoshi (Nhật Bản): Đây là lần đầu chúng tôi tới TP.HCM và đi chợ Bến Thành. Không khí ở đây khá vui vẻ nhưng chúng tôi chủ yếu chỉ đến mua đồ nên mở ban ngày là đủ rồi. Nếu chợ Bến Thành về đêm có thêm các hoạt động vui chơi giải trí hay biểu diễn nghệ thuật gì đó, chúng tôi sẽ đến.
Theo thanhnien.vn
Tạm giữ hình sự người đạp xích lô 'chặt chém' du khách Nhật 2,9 triệu ở Sài Gòn
Người đạp xích lô khai, du khách Nhật có ý trả cho cuốc xe là 500 ngàn đồng nhưng ông có ý "xin thêm" và tự ý giật tiền trong ví của người khách.
Công an Q.1, TP.HCM hiện đang tạm giữ hình sự người đạp xích lô chặt chém du khách Nhật 2,9 triệu đồng, là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4) để điều tra về hành vi "cướp giật tài sản".
Bước đầu, ông Dũng thừa nhận việc chiếm đoạt 2,9 triệu đồng từ du khách Nhật Bản, ông Oki Toshiyuki (83 tuổi) cho cuốc xích lô chưa đầy 1km.
Người đạp xích lô, Phạm Văn Dũng thừa nhận đã chiếm đoạt 2,9 triệu đồng của du khách Nhật Bản
Theo khai báo của ông Dũng, ngày 3/8 ông ta đeo bám du khách Oki Toshiyuki khi ông đi bộ gần chợ Bến Thành. Sau đó, cụ ông đồng ý lên xe yêu cầu chở về khách sạn nằm trên đường Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1. Ông Dũng khai báo rõ, giữa 2 người không có thoả thuận về giá cả cho cuốc xe.
Ông Oki Toshiyuki xuống ở vị trí gần khách sạn để đi bộ về và chủ động lấy 500 ngàn đồng để gửi tiền xe và cảm ơn. Ông Dũng cũng khai rằng, thấy cụ ông du khách lớn tuổi và có điều kiện nên ông "vòi thêm".
Ông Oki Toshiyuki có vẻ đồng ý cho thêm và lấy ví tiền ra. Nhưng khi ông Oki chưa kịp đếm tiền thì ông Dũng thò tay vào ví tiền của ông Oki, tự lấy thêm 4 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng và 2 tờ tiền mệnh giá 200 ngàn đồng, rồi bỏ đi.
Vụ việc khi được chia sẻ trên mạng xã hội, báo chí đã tạo ra sự bức xúc của cộng đồng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch TP.HCM nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Ông Oki Toshiyuki đã về nước từ 2 ngày trước, dù chưa nhận trình báo của nạn nhân nhưng Công an Q.1 đã chủ động vào cuộc điều tra.
Phước An
Theo vietnamnet
Người đạp xích lô 'chém' du khách Nhật cuốc xe giá 2,9 triệu đồng là ai? Công an Q.1 (TP.HCM) đã xác định người đạp xích lô 'chặt chém' du khách người Nhật sau cuốc xích lô ngắn ở trung tâm TP.HCM với giá 2,9 triệu đồng. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, chiều 6.8, cơ quan công an đã xác định người đạp xích lô "chặt chém" du khách người Nhật sau cuốc xích lô ngắn ở...