Sáng 25/9, cựu Chủ tịch VEC hầu tòa trong vụ “rút ruột” đường cao tốc
Sáng mai (25/9), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 2, dài 74km).
Bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch HĐQT VEC) và bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC) cùng đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ thành phố Đà Nẵng tới thành phố Tam Kỳ ( tỉnh Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017; giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ thành phố Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thông xe tháng 9/2018.
Bị cáo Mai Tuấn Anh (trái) và bị cáo Trần Văn Tám.
Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc trên đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Các vi phạm tại giai đoạn 1 dài 65km đã được xử lý với 35 người Việt và 1 người Nhật Bản chịu chế tài hình sự.
Trong vụ án giai đoạn 2 xét xử ngày 25/9, Viện kiểm sát truy tố 22 bị can về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo hầu tòa gồm: Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch HĐQT VEC), Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó Tổng Giám đốc VEC), Lê Quang Hào (cựu Phó Tổng Giám đốc VEC), Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) và Nguyễn Tiến Thành (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Video đang HOT
Trước đó, liên quan đến những sai phạm trong giai đoạn 1, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng đã bị tuyên phạt 7 năm tù và bị cáo Lê Quang Hào bị phạt 6 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ở giai đoạn 2 Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 74km, cáo trạng xác định, dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc của Mỹ thực hiện giám sát thi công.
Phụ trách thi công đều là những tập đoàn lớn của nước ngoài gồm Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group – Sơn Đông, Jiangsu Provincial – Giang Tô (Trung Quốc).
Việc chỉ dẫn kỹ thuật do liên danh các nhà thầu Nippon Koei – Nippon Engineering (Nhật Bản) – Chodai và Thai Engineering (cùng từ Thái Lan) thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán.
Quá trình xây dựng, 22 bị cáo trong vụ án cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế trộn, thi công… Khi nghiệm thu, các bị cáo không đo đạc đầy đủ và có những hạng mục được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban quản lý dự án.
Viện kiểm sát cáo buộc, hành vi của của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và hư hỏng sau đó. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 dài 74km.
Ngoài việc đưa ra xét xử đối với 22 bị cáo trong giai đoạn 2 vụ án, cơ quan điều tra còn xác định, có 27 đối tượng người nước ngoài đã có hành vi phạm tội liên quan các gói thầu thuộc giai đoạn 2 dự án. Những người này là công dân Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Austraylia, Philipines.
Do đó, cơ quan chức năng đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp đến cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia nêu trên nhưng đến nay chưa có kết quả. Vì thế 27 người nước ngoài liên quan đến vụ án được tách hồ sơ và xử lý sau.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư và quản lý công trình. Bộ đã từng 81 lần kiểm tra hiện trường nhưng không phát hiện vi phạm. Cơ quan điều tra nhận thấy, không có căn cứ xử lý hình sự với các cá nhân liên quan ở Bộ Giao thông Vận tải nên chỉ đề nghị xử lý theo quy định của Đảng và chính quyền.
Theo kế hoạch, phiên tòa diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 30/9. Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa phiên tòa.
Vụ án AIC: Sai phạm của cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai ở mức độ nào ?
Sáng 26/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và những đơn vị liên quan. Sang ngày làm việc thứ 5, các luật sư đưa ra các luận cứ để bào chữa cho thân chủ của mình.
Theo luật sư Nguyễn Thị Thu (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Thu bỏ qua các bước thẩm định khi ký tờ trình bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế không vì động cơ vụ lợi mà chỉ với mục đích để kịp thời gian nộp hồ sơ đăng ký kế hoạch xin vốn ngân sách từ Trung ương.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung phần thiết bị y tế chuyên môn vào dự án để báo cáo Bộ đăng ký vốn kế hoạch dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai sau đó đã ký Văn bản số 5006/UBND-CNN gửi Thủ trưởng các đơn vị.
Trong đó, đối với Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư theo hướng bổ sung đầy đủ vốn đầu tư thiết bị để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai tước ngày 2/7/2010 để thẩm định và trình duyệt theo quy định, đảm bảo điều kiện hồ sơ đăng ký kế hoạch năm 2011 các dự án trọng điểm của tỉnh kiến nghị Trung ương đưa vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ có mục tiêu của kế hoạch năm 2011 trước thời điểm làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến cuối tháng 7/2011.
Cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai- bị cáo Bồ Ngọc Thu.
Vì đã đến hạn gửi hồ sơ ra Trung ương để xin hỗ trợ vốn nên khi nhận được hồ sơ từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Thu đã báo cáo và được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đồng ý bỏ qua các bước thẩm định hồ sơ. Ngày 20/7/2010, bị cáo Thu đã ký Tờ trình 1472 tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai về quyết định điều chỉnh dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong đó bổ sung thêm phần đầu tư thêm thiết bị y tế số tiền hơn 756 tỷ đồng.
Từ các phân tích trên và xét các tình tiết giảm nhẹ của thân chủ mình, luật sư cho rằng, bị cáo Thu có đủ các điều kiện để được xem xét mức án dưới 36 tháng tù, và được hưởng án treo theo quy định của pháp luật. Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thu từ 4-5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cũng ở phần tranh luận sáng nay, các luật sư: Đỗ Mạnh Trường, Phí Hồng Quân và Phan Mậu Thìn (bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNT) cho biết, qua phần xét hỏi và tranh luận trực tiếp tại phiên tòa đã làm rõ hành vi đồng phạm giúp sức mờ nhạt của bị cáo Thủy.
Các luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo tại phiên tòa.
Theo các luật sư, thời điểm năm 2012 và 2013, Công ty TNT và các doanh nghiệp khác để bán thiết bị y tế vào Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC.
Với cơ chế đó, bị cáo Thủy phải chấp nhận làm "quân xanh", "quân đỏ" cho Công ty AIC để có lợi cho công ty. Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do Công ty AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 02 Gói thầu số 07 và số 65.
Theo phân tích của các luật sư, như vậy, Công ty TNT của bị cáo Thủy không nằm trong "hệ sinh thái" với Công ty AIC. Các luật sư đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát khi nhận định về hành vi của bị cáo Thủy là "đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể".
Đồng thời các luật sư cũng trình bày một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: bị cáo Thủy là người có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh; bị cáo Thủy có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội; bố đẻ của bị cáo là người có công với cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Chủ tịch nước tặng thưởng "Huân chương chiến công Hạng ba"...
Với những phân tích của mình, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận để áp dụng những chính sách khoan hồng đặc biệt khi quyết định mức hình phạt cho bị cáo. Các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, áp dụng mức hình phạt án treo cho bị cáo Thủy để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện sự khoan hồng đối với bị cáo Thủy.
Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thủy từ 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Xét xử vụ án giết bạn nhậu, cướp tài sản rồi đốt luôn nhà Bị bạn nhậu gọi điện chửi, người đàn ông ở Kiên Giang đến nhà giết nạn nhân, cướp tài sản, sau đó đốt nhà. Ngày 22.9, TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm, tuyên tử hình bị cáo Nguyễn Văn Nguyên (63 tuổi, ngụ xã Mỹ Thái, H.Hòn Đất, Kiên Giang) về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại...