Sáng 16/4, xét xử sơ thẩm đại án bầu Kiên
Theo kế hoạch của TAND TP Hà Nội, phiên xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm sẽ diễn ra từ sáng 16/4, dự kiến kéo dài 14 ngày.
Ông Nguyễn Đức Kiên (áo đen) trong một lần ghi lời khai với điều tra viên
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Kiên(tức bầu Kiên, 50 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản tri (HĐQT), phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu – ACB) ra trước tòa án để xét xử về 4 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế và kinh doanh trái phép.
8 bị cáo khác cũng bị đưa ra xét xử cùng bị cáo Nguyễn Đức Kiên về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng của cơ quan công tố, từ tháng 6 đến tháng 9/2011 ACB ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718,908 tỉ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 3,7-13%/năm.
Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt.
Trong đó, hành vi của ông Phạm Trung Cang đã cùng các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.
Video đang HOT
Ông Cang biết rõ việc ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là chưa có hướng dẫn nhưng không có ý kiến ngăn cản.
Ông Nguyễn Đức Kiên với tư cách là chủ tịch hội đồng đầu tư ACB, phó chủ tịch HĐQT ACB, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB đã thành lập sáu công ty và trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động các công ty này.
Trước phiên xử diễn ra, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đã có ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội chưa có thông tin phản hồi các ý kiến này.
Ngày 15/4, các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí vẫn được TAND cấp thẻ tác nghiệp tại phiên tòa.
Theo Xahoi
Bầu Kiên: Từ đỉnh cao danh vọng đến cánh cửa trại giam
Ngày bầu Kiên bị bắt, một câu hỏi đặt ra: Tại sao ông bầu đầy quyền lực, một đại gia khét tiếng trong giới tài chính ngân hàng... chỉ sau thời gian ngắn lại tới nỗi vào tù.
Bầu Kiên ngày còn đương nhiệm
Vụ án Nguyễn Đức Kiên ( bầu Kiên) được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố với 4 tội danh, dự kiến đưa ra xét xử trong ngày 17/4 tới.
Đây là một trong 10 đại án mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã từng nêu đích danh bởi mức độ nghiêm trọng.
Con đường danh vọng
Sinh năm 1964 và lớn lên tại Gia Lâm, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) và cương vị lãnh đạo của cả chục tổ chức tài chính, doanh nghiệp khác.
Năm 1980, ông Kiên thi đậu vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), khóa 15. Chỉ sau một năm học tại Học viện, đạt kết quả xuất sắc, ông được chọn đi du học tại Trường Kỹ thuật Quân sự Zalka Maté Hungary.
Cuộc đời bầu Kiên có nhiều ngã rẽ bất ngờ. Có bố mẹ là giáo viên giỏi và nổi tiếng cả miền Bắc khi đó, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên không theo nghề sư phạm, mà vào... quân đội. Sau khi đi học quân sự từ Hungary, Nguyễn Đức Kiên trở lại làm... cán bộ Tổng công ty Dệt may - Bộ Thương mại.
Bên cạnh việc giữ vai trò chủ chốt ở ACB, ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính Á Châu và là Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội...
Ngoài ra, bầu Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long Bank, Vietbank, Đại Á, Techcombank. Ông cũng tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc, bất động sản...
Ông trùm bóng đá...
Ông Kiên nổi danh với tên gọi "bầu Kiên" khiến cho nhiều người "lầm tưởng" rằng tên tuổi của ông gắn với bóng đá nhiều hơn.
Tuy nhiên, với bóng đá, Nguyễn Đức Kiên không phải là ông bầu giỏi. Thậm chí nếu căn cứ vào thành tích, bầu Kiên còn có một khoảng cách khá xa so với bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển trong việc đầu tư và mang lại hiệu quả. Thế nhưng bầu Kiên lại nổi bật trong vai trò một... ông trùm.
Dù không được mời tham dự hội nghị tổng kết mùa giải năm 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nhưng tại đây ông Kiên đã bất ngờ lên phát biểu với hàng loạt "khẩu đại liên" nhằm vào những tiêu cực, yếu kém của giải bóng đá và trách nhiệm VFF. Những phát biểu của Nguyễn Đức Kiên được báo chí coi là "quả bom" chưa từng có tại các hội nghị tổng kết.
Cũng chính bài phát biểu ấy đã nâng tầm bầu Kiên thành một ông trùm đầy quyền lực có khả năng tạo sóng dư luận. Đó là thời điểm VFF và lãnh đạo VFF bị cái bóng của bầu Kiên che mờ tới mức chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận là từng muốn "nhường chức Chủ tịch VFF" cho bầu Kiên.
Sự thuyết phục càng tăng lên khi bầu Kiên đưa ra lộ trình ra đời VPF - Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam với vai trò kéo cả con tàu bóng đá Việt trì trệ trong bao nhiêu năm.
Nhưng khi mọi sự đang "xuôi ngọt", bất ngờ cơ quan tiến hành tố tụng sờ gáy. Từ đây, hàng loạt phi vụ đình đám liên quan đến ông bầu bí ấn này bị lật tẩy...
Theo Xahoi
Xử 'bầu Kiên': Hơn 60 phóng viên sẽ đưa tin phiên xử ngày mai (16/4) Theo danh sách, ngày 15/4, khoảng 60 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí được TAND TP Hà Nội cấp thẻ để tham dự đưa tin về phiên tòa xử vụ "bầu Kiên". Ông 'bầu' Nguyễn Đức Kiên Theo kế hoạch của TAND TP Hà Nội, phiên xử vụ án N guyễn Đức Kiên và đồng phạm sẽ diễn...