Sáng 16/2: Gần 3.000 ca COVID-19 nặng đang điều trị; vì sao 36 xã, phường ở TP HCM tăng cấp độ dịch?
Bộ Y tế cho biết đến nay đã có hơn 2,24 triệu ca COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh; trong số các F0 đang điều trị hiện có gần 3.000 ca nặng; 36 xã, phường ở TP HCM tăng cấp độ dịch từ xanh lên vàng; Hải Phòng thí điểm thành lập các tổ chăm sóc cộng đồng hỗ trợ người mắc COVID-19
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.572.087 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.045 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.564.888 ca, trong đó có 2.239.456 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (516.477), Bình Dương (293.201), Hà Nội (176.043), Đồng Nai (100.141), Tây Ninh (88.836).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 27.330 ca/ngày.
Bộ Y tế cho biết đến nay đã có hơn 2,24 triệu ca COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh; trong số các F0 đang điều trị hiện có gần 3.000 ca nặng
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.242.273 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.926 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.222 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 305 ca; Thở máy không xâm lấn: 94 ca; Thở máy xâm lấn: 289 ca; ECMO: 16 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 86 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.122 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.808.038 mẫu tương đương 77.963.670 lượt người, tăng 42.810 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 186.479.340 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.226.500 liều, tiêm mũi 2 là 74.769.707 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 32.483.133 liều.
Hải Phòng: thí điểm thành lập các tổ chăm sóc cộng đồng hỗ trợ người mắc COVID-19
Ngày 15/2, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo thí điểm thành lập các tổ chăm sóc cộng đồng hỗ trợ người mắc COVID-19 tại 4 quận, huyện có số ca mắc tăng nhanh, và huy động thêm sinh viên ngành y để giảm tải áp lực y tế cho các trạm y tế cơ sở.
TP không thành lập thêm các trạm y tế lưu động nhưng sẽ tăng cường nhân lực, vật lực cho các trạm hiện có bằng việc huy động thêm sinh viên một số trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành y để bổ sung trong thời gian từ 16-2 đến 16-3.
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ thí điểm tổ chăm sóc cộng đồng tại các quận Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền và huyện An Dương, mỗi quận huyện từ 5 – 7 tổ để hỗ trợ cho trạm y tế lưu động và những người dương tính. Thời gian thực hiện thí điểm là 10 ngày, sau đó sẽ đánh giá hiệu quả báo cáo lãnh đạo TP.
Sở Y tế thực hiện lập kế hoạch luân chuyển, bổ sung lực lượng y tế ở các bệnh viện khác cho các cơ sở điều trị tầng 3 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Bệnh viện Kiến An khi nhu cầu điều trị tăng. Đối với cơ sở điều trị tầng 2, thực hiện đào tạo bác sĩ chuyên ngành khác điều trị COVID-19.
Thanh tra ngành y tế tổ chức kiểm tra tất cả các quầy thuốc, hiệu thuốc, xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc không đúng quy định.
UBND TP cũng chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của trạm y tế lưu động trên địa bàn khi hiện nay có nhiều bệnh nhân F0 điều trị tại nhà chưa được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời hoặc liên hệ với trạm y tế lưu động gặp khó khăn.
Đánh giá cấp độ dịch COVID-19 theo hướng dẫn mới: TP HCM tăng 36 xã, phường thành vùng vàng
Chiều 15/2, Sở Y tế TP HCM cho biết bắt đầu từ ngày 14/2, TP HCM đánh giá cấp độ dịch COVID-19 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Theo đó, thành phố có 275 phường, xã đạt cấp 1, tương đương vùng xanh, 37 phường, xã ở cấp độ 2- tương đương vùng vàng (tăng 36 phường, xã cấp 2 so với cách đánh giá cũ).
Cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của cả nước, đã có 48 tỉnh, thành vùng xanhĐỌC NGAY
Bộ Y tế nhắc 9 tỉnh tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổiĐỌC NGAY
F0 điều trị tại nhà theo dõi nhịp thở thế nào?ĐỌC NGAY
Đối với 37 phường, xã trong tuần qua có cấp độ dịch ở cấp 2, có 4 nhóm nguyên nhân chính:
Tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ mũi không đạt quy định sẽ bị tăng thêm 1 mức độ lây nhiễm, do đó làm tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 28 phường, xã (2 phường ở quận 8, 7 phường ở quận Bình Tân, 10 phường ở quận Gò Vấp, 1 phường ở quận Tân Phú, 6 phường ở TP Thủ Đức, 2 xã ở huyện Hóc Môn).
Mức độ lây nhiễm ở mức 2 nhưng khả năng đáp ứng ở mức trung bình nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2. Nhóm này có 5 phường, xã (3 phường ở quận 12, 1 phường ở quận Gò Vấp và 1 xã ở huyện Nhà Bè).
Mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2, nhóm này có 1 phường ở quận 6.
Tỉ lệ ca tử vong/100.000 dân vượt ngưỡng quy định (6 ca/100.000 dân). Do đó đối với những phường, xã có mật độ số dân dưới 16.667 người, chỉ cần 1 ca tử vong trong tuần thì sẽ vượt ngưỡng và tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 3 phường (2 phường ở quận 5 và 1 phường ở quận 8).
Sở Y tế nhấn mạnh các phường, xã cần phải tập trung vận động người dân tiêm vaccine đủ mũi, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ; tăng cường truyền thông để người dân khi phát hiện triệu chứng nghi nhiễm hoặc tự test nhanh dương tính phải khai báo ngay cho trạm y tế để chăm sóc, cấp phát thuốc điều trị COVID-19 kịp thời, hạn chế thấp nhất tỉ lệ chuyển nặng và tỉ lệ tử vong do COVID-19.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 415.709.604 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.854.552 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 338.060.925 người, 71.776.671 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.708 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới là 1.820.850 và 9.283 ca tử vong. Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 177.515 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 166.631 ca; tiếp theo là Pháp (142.253 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.747 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil (776 ca) và Nga (704 ca).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đến nay là 79.600.599 người, trong đó có 948.439 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.721.845 ca nhiễm, bao gồm 509.903 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 27.659.052 ca bệnh và 639.689 ca tử vong. Cả hai quốc gia này đã một lần nữa trở thành một điểm nóng lây nhiễm do làn sóng Omicron.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 146 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 109,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 93,42 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 52,39 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,37 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,2 triệu ca nhiễm.
AstraZeneca thông báo, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận đặt mua bổ sung 1 triệu liều Evusheld (150mg tixagevimab kết hợp cùng 150mg cilgavimab) – hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài của AstraZeneca với chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm (phòng ngừa) COVID-19 cho các nhóm dân số bị suy giảm miễn dịch.
Trước đó, 700.000 liều Evusheld đã thỏa thuận đặt mua từ đầu, hiện đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế trên khắp Mỹ. Vì vậy, tổng số liều đã đặt mua và sử dụng được nâng lên thành 1,7 triệu liều. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ phân bổ miễn phí số lượng liều bổ sung này cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ.
Ruud Dobber, Phó Chủ tịch Điều hành BioPharmaceuticals Business Unit, thuộc AstraZeneca, cho biết, trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp Mỹ và với sự lây lan mạnh của biến chủng Omicron, việc cung cấp thêm biện pháp bảo vệ cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước dịch bệnh này – là vô cùng cấp bách.
Chúng tôi tự hào được tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống lại COVID-19 với Evusheld – hỗn hợp kháng thể tác dụng kéo dài đầu tiên nhận được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ cho chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm COVID-19. Đây đồng thời là liệu pháp kháng thể được cấp phép cho chỉ định này mà vẫn có thể duy trì được khả năng trung hòa biến thể Omicron và các biến thể đáng lo ngại khác cho đến nay.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lên tiếng clip "chết 5 ngày, đóng 30 triệu mới cho nhận xác"
Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc bệnh viện yêu cầu đóng 30 triệu đồng mới cho nhận xác "chết 5 ngày" là không đúng.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip về việc gia đình một người bệnh đội khăn tang đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM yêu cầu được gặp lãnh đạo bệnh viện. Clip chạy tiêu đề nội dung "Bệnh viện nhận chữa 29 ngày với chi phí 1 tỉ 48 triệu đồng. Người bệnh chết 5 ngày không giao lại đòi thêm 30 triệu".
Clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Đến trưa 15/2, clip thu hút hơn 5,4 ngàn bình luận với 7,9 ngàn lượt chia sẻ và hơn 2 triệu lượt xem. Nhiều bình luận cho rằng bệnh viện không đúng, không nhân đạo và gay gắt lên án.
Về sự việc này, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn độc quyền PGS.TS BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và GS.TS BS Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để bạn đọc hiểu đa chiều vấn đề.
Bác sĩ nói về tình trạng bệnh nhân khi nhập viện
*Thưa GSTS BS Trương Quang Bình, ông có thể thông tin tổng thể về tình trạng người bệnh khi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM?
Người bệnh Huỳnh Văn L. (SN 1953, quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được đưa đến bệnh viện ngày 29/12/2021 trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, dọa phù phổi cấp, dọa choáng tim (Killip III). Người bệnh có nhiều bệnh nền: viêm phổi cộng đồng, tăng huyết áp, hội chứng tăng sinh tủy đang điều trị Hydroxyurea, nhồi máu não cũ di chứng liệt tay chân trái, đái tháo đường đang điều trị insulin.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nơi gia đình quay clip đưa lên mạng (Ảnh: PHẠM DŨNG)
Bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng khá nặng, bên cạnh bệnh nhồi máu cơ tim cấp rất nguy hiểm thì bệnh nhân còn bị bệnh thận mạn giai đoạn 4 (giai đoạn 5 là giai đoạn cuối), tổn thương mạch máu thận, nhồi máu não cũ. Tình trạng người bệnh rất nặng, sức đề kháng giảm, đang dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp. Bệnh lý nhồi máu cơ tim của bệnh nhân là nặng và trên nền có tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể thì tỉ lệ tử vong trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim là từ 40% đến 45%.
Khoa tim mạch can thiệp đã tiếp nhận bệnh nhân và tiến hành chụp động mạch vành tim. Kết quả chụp động mạch vành tim cho thấy bị bệnh thân chung và nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp, đặc biệt có một nhánh lớn bị tắc hoàn toàn.
Ngày hôm sau hội chẩn ngay với khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn. Đánh giá là có nguy cơ tử vong cao với tỉ lệ 43% (theo thang điểm đánh giá nguy cơ trước cuộc mổ EURO Score). Với đánh giá như vậy, phẫu thuật viên đã giải thích với người nhà để lựa chọn các phương pháp điều trị cũng như chi phí điều trị, chi phí khi người bệnh trở nặng. Nếu không phẫu thuật thì tiên lượng tử vong gần.
*Thưa GSTS BS Trương Quang Bình, sau khi bệnh viện giải thích thì gia đình có đồng ý phương án điều trị của bác sĩ?
Gia đình đã đồng ý để tiến hành phẫu thuật. Người bệnh được phẫu thuật bắc hai cầu nối; cuộc phẫu thuật diễn ra theo kế hoạch và người bệnh ổn. Sau đó đưa vào phòng hậu phẫu, hồi sức sau khi mổ tim và tiến hành lọc máu liên tục.Tại đây có lúc người bệnh khá lên nhưng không may người bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nặng khiến tình trạng tim nặng.
Người bệnh tiếp tục được điều trị bằng những loại kháng sinh mạnh. Người bệnh cần hồi sức kéo dài, với các phương tiện hồi sức cao dẫn đến tốn kém nhiều chi phí.
*Sau khi người bệnh trở nặng, phương án điều trị của bệnh viện có như lúc đầu không, thưa GSTS BS Trương Quang Bình?
Với đánh giá là tình trạng tim mạch đã tạm ổn và vấn đề chính của người bệnh tại thời điểm đó là nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, suy thận nên chúng tôi đã chuyển bệnh nhân vào khoa hồi sức tích cực để điều trị và bệnh viện đã giải thích cặn kẽ, rõ ràng cho gia đình. Khi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực thì có lúc bệnh nhân khá hơn nhưng lại bị suy sụp trở lại do bệnh nhân có nhiều bệnh nền xấu. Bệnh viện đã báo cho gia đình và gia đình mong muốn đưa bệnh nhân về vào ngày thứ 26/1/2022.
Gia đình đội tang đến bệnh viện
*Vì sao khi gia đình đưa về thì thấy hai mắt người bệnh bị dán băng keo?
Do bệnh nhân thở máy nên chúng tôi cho bệnh nhân sử dụng thuốc mê để giúp bệnh nhân ngủ sâu hơn, không chống máy thở.
Trong lúc mê thì bệnh nhân không nhắm mắt, không chớp mắt. Nếu bệnh nhân không chớp mắt và không nhắm mắt thì giác mạc sẽ bị khô và tổn thương giác mạc.
Để tránh tổn thương giác mạc cho những bệnh nhân mê thì các bác sĩ dán băng keo trên mí mắt để khép mí mắt lại. Việc dán băng keo trên mi mắt là một biện pháp phòng ngừa, bảo vệ mắt.
*Về vấn đề cơ thể người bệnh bị phù khi gia đình chuẩn bị đưa về, GSTS BS Trương Quang Bình có thể giải thích rõ hơn?
Hồ sơ bệnh án thể hiện khi người nhà nhận bệnh nhân thì tim bệnh nhân vẫn còn đập. Bệnh nhân có được chạy thận để rút bớt dịch dư thừa trong cơ thể.
Tuy nhiên, việc rút nước ra qua chạy thận gặp nhiều khó khăn do tình trạng tim mạch không được tốt lắm, tình trạng huyết áp không ổn định, tình trạng dùng các thuốc vận mạch nên hiệu quả lọc thận không cao.
Thêm nữa, bệnh nhân vẫn phải được truyền dịch dinh dưỡng, truyền các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm cho nên tình trạng dư dịch trong cơ thể là khá nhiều.
Tình trạng chạy thận ít hiệu quả, tình trạng cần truyền dịch, tình trạng dinh dưỡng kém đã tạo nên hiện tượng phù nhiều.
Do đó, khi khoa Hồi sức tích cực di chuyển người bệnh ra thì người nhà thấy bệnh nhân phù, mắt bị dán nên người nhà đặt nghi vấn bệnh nhân đã mất 5 ngày trước đó.
Không thể nói là bệnh nhân tử vong từ nhiều ngày trước vì chúng tôi khẳng định rằng dù bệnh nhân mê, dù bệnh nhân phù nhiều, dù bệnh nhân được dán kín mắt nhưng tim vẫn còn đập, trên người bệnh nhân không sử dụng máy tạo nhịp, đây là sự hiểu lầm của gia đình.
Chúng tôi thấu hiểu sự hiểu lầm của gia đình vì thân nhân không phải trong ngành y để biết được những chi tiết chuyên sâu của bệnh.
Trước thời kỳ COVID chúng tôi mỗi ngày cho người nhà thăm bệnh nhưng hiện nay không cho thăm bệnh mà chỉ sử dụng video call. Do không được thăm bệnh nên người nhà không nhìn thấy được người bệnh 3 ngày trước như thế nào.
*Với số tiền 1 tỉ 48 triệu đồng cho 29 ngày điều trị, cư dân mạng cho rằng quá cao, GSTS BS Trương Quang Bình có thể cho biết thêm vì sao chi phí lên hơn 1 tỉ đồng?
Về chi phí: tổng cộng là 1 tỉ 48 triệu đồng được thanh toán 7 lần, người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả 556 triệu đồng và số còn lại gia đình chi trả. Gia đình thanh toán đầy đủ và yêu cầu cuối cùng vào chiều 25/1 được thể hiện thông tin lưu trên phần mềm của bệnh viện.
*Về việc có thông tin cho rằng bệnh viện yêu cầu đóng 30 triệu mới cho nhận xác, thông tin này cụ thể ra sao?
Số tiền 30 triệu đồng nằm trong chi phí điều trị của 1 tỉ 48 triệu đồng và có được bảo hiểm y tế chi trả. Số tiền này là đóng trước một ngày người bệnh xuất viện. Như vậy thông tin người bệnh mất rồi vẫn kêu đóng tiền mới cho nhận xác là không đúng.
Về mặt chi phí điều trị bệnh viện rất minh bạch và được thể hiện 7 lần đóng viện phí. Đến chiều 26/1, người nhà đưa người bệnh về với gia đình.
*Khi gia đình phản ứng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM có giải thích thêm để gia đình thấu đáo sự việc không, thưa GSTS BS Trương Quang Bình?
Sau khi gia đình phản ứng tại sảnh bệnh viện như nội dung đăng tải trên mạng, PGS.TS BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã gửi thư mời gia đình lên ngồi lại với bệnh viện để được giải thích thêm những vấn đề gia đình chưa rõ. Chúng tôi cũng đã họp tất cả bộ phận liên quan để nhìn lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến vụ việc này. Trong quá trình này thì gia đình vẫn giữ liên lạc với bệnh viện.
Đến hôm nay (15/2), bệnh viện đã cử một đoàn cán bộ đến Đồng Tháp thăm hỏi gia đình. Bệnh viện muốn đến gia đình chia sẻ nỗi đau và giải thích những vấn đề liên quan đến chuyên môn và tài chính.
Bệnh viện luôn chia sẻ với người bệnh khó khăn
"Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp công lập nên không thể tự ý miễn giảm viện phí cho người bệnh nhưng về tính nhân văn, nhân đạo, bệnh viện đã kêu gọi nhà hảo tâm và các nguồn tài chính đóng góp của doanh nghiệp để chia sẻ viện phí cho người bệnh gặp khó khăn.
Hầu hết các khoa đều có bộ phận công tác xã hội tiếp cận và tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư của gia đình để có cách giúp đỡ tương ứng.
Đối với một số gia đình khó khăn khi xuất viện còn một phần chi phí chưa thể chi trả thì lãnh đạo bệnh viện vẫn ký cho người bệnh sau khi Phòng Công tác Xã hội đã xác minh hoàn cảnh gia đình", PGSTS BS Nguyễn Hoàng Bắc thông tin.
Lào Cai thông tin về ca Covid-19 tử vong sau khi điều trị tại nhà Một bệnh nhân Covid-19 ở Lào Cai điều trị tại nhà nhưng sau đó chuyển nặng và tử vong tại bệnh viện khi bị suy hô hấp do biến chứng xơ phổi. Tối qua 24.1, Trung tâm phòng chống Covid-19 tỉnh Lào Cai đã thông tin chính thức về trường hợp bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà đã tử vong. Đó là...