Sản xuất trong nông nghiệp: Con đường chưa bằng phẳng
Các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, mới chỉ tập trung các giải pháp kỹ thuật, chưa tính đầy đủ khả năng tiếp cận thị trường và thu nhập của nông dân.
Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất (GAP) về lý thuyết không chỉ tạo điều kiện cho đầu ra thuận lợi mà còn giúp người nông dân tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, tránh tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại. Không khó để nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP khi nhu cầu về các sản phẩm sạch, có thể truy suất nguồn gốc đang tăng mạnh tại thị trường trong nước và là yêu cầu đầu tiên từ các đối tác, bạn hàng nước ngoài. Thế nhưng, với cách làm theo kiểu hô hào, “đánh trống bỏ dùi”, không ít nơi, nông dân đang có xu hướng quay lưng với mô hình và trở lại lối canh tác truyền thống.
Khác với cách theo kinh nghiệm: trồng, tưới, bong phân rồi chờ thu hoạch, áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt hàng chục đến hàng trăm tiêu chí kỹ thuật. Từ khâu làm đất đến lúc có sản phẩm đầu ra, tất cả các công đoạn phải thực hiện nghiêm và ghi chép tỷ mỷ theo đúng quy trình, thời gian. Trước bộn bề thủ tục phải thực hiện, nông dân vẫn hào hứng đăng ký tham gia với hy vọng: sản phẩm được đảm bảo về chất lượng, nâng cao được giá trị, đồng nghĩa với việc họ sẽ có thu nhập cao và ổn định.
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: báo Ninh Bình)
Tuy nhiên, thực tế triển khai không như mong đợi. Quy trình sản xuất khắt khe với ngày công, chi phí bỏ ra đáng kể không tỷ lệ thuận với đầu ra và giá bán sản phẩm. Đầu ra vẫn trong tình trạng phập phù, giá bán chỉ bằng sản phẩm thông thường khiến không ít nông dân chán nản, thậm chí nhiều người quay lưng, trở về với lối canh tác truyền thống.
Video đang HOT
Sản xuất thiếu gắn kết với thị trường. Nguyên nhân chính được chỉ ra khiến mô hình GAP ở Việt Nam chưa phát huy hiệu quả. Nông dân sản xuất theo chuẩn thì cứ sản xuất, còn đầu ra “sống chết mặc bay”. Con thuyền GAP không có người cầm lái, định hướng, ắt sẽ chịu cảnh đắm, nhẹ hơn là tự trôi dạt không phương hướng! Chưa kể, chi phí để có được một phiếu cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn GAP cũng không nhẹ.
Tại Tiền Giang, phí chứng nhận GlobalGAP cho khoảng 20 ha vườn cây ăn trái dao động ở mức 3.100 – 3.200 USD (tương đương khoảng 60 – 65 triệu đồng Việt Nam), còn VietGAP khoảng 40 triệu đồng. Không chỉ phải bỏ ra số tiền lớn, nông dân còn mất thêm một năm ròng để thực hiện khoảng 70 tiêu chuẩn của VietGAP và 234 tiêu chuẩn của GlobalGAP trước khi các tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận.
Thời gian qua, có rất nhiều mô hình trồng lúa, cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, theo sau đó là chăn nuôi được triển khai. Tuy nhiên, do đầu tư kiểu đứt đoạn, bị động về khâu tiêu thụ, sản phẩm làm ra hoặc không bán được hoặc bị đánh đồng với những sản phẩm không sạch khác khiến phạm vi triển khai ngày càng thu hẹp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thừa nhận: các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt mới chỉ tập trung các giải pháp kỹ thuật, chứ chưa tính đầy đủ khả năng tiếp cận thị trường và thu nhập của nông dân nên khó duy trì bền vững và mở rộng.
Vốn làm ăn theo lối nhỏ lẻ, manh mún, tiến trình “GAP hóa” trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta ắt hẳn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ có vậy, nông sản Việt mới có thể vươn xa, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, thị trường là động lực để thúc đẩy quy trình sản xuất theo GAP. Khắc phục những bất cập hiện nay, bài toán thị trường phải đi trước một bước. Bên cạnh đó cũng cần một chiến lược bài bản và nhất quán cho mô hình này. Sự kiện đầu năm 2014, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tài trợ 70 triệu USD cho Công ty cổ phần Bảo vật Thực vật An Giang phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Hay mới đây, hàng chục ha nhãn đặc sản tại Vĩnh Long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được các đối tác Mỹ chấp thuận vào thị trường khó tính này đang là những khẳng định chắc chắn về hiệu quả của GAP. Không chỉ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân mà còn kiến tạo những giá trị mới cho hàng nông sản Việt trên trường quốc tế./.
Minh Khánh
Theo_VOV
Đầu tư cho nông nghiệp: Cần đúng mức và đúng chỗ
Đầu tư "đúng mức" và "đúng chỗ" cho nông nghiệp, đồng thời thay đổi cơ chế chính sách cho lĩnh vực này là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Đối mặt với vô vàn thách thức, từ suy thoái kinh tế thế giới đến thiên tai, dịch bệnh hoành hành nhưng ngành nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây liên tục ghi nhận những thành quả thắng lợi. Thế nhưng, đầu tư cho nông nghiệp lại liên tục tụt giảm, chỉ còn dưới 6% tổng mức đầu tư, năm sau thấp hơn năm trước. Nông nghiệp ngày càng trở nên tụt hậu, bấp bênh, thấp kém cả về chất lượng và giá trị gia tăng.
Nông nghiệp từ lâu đã được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, đóng góp đều đặn hàng năm là 26 tỷ USD, chiếm khoảng 20% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nông nghiệp, nông thôn cũng là nơi sinh sống, làm ăn của 70% dân số với hàng triệu lao động. Trong lúc kinh tế suy thoái, khủng hoảng, nhiều lao động không tìm được việc làm ở thành phố khi ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ thu hẹp, đã trở về đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, có thu nhập ổn định. Người dân nông thôn cũng nhờ sản xuất thuận lợi mà kinh tế vững vàng, xóa đói giảm nghèo được cải thiện.
Thế nhưng, vấn đề được nhắc đến rất nhiều lần trong các hội nghị, hội thảo và trên cả diễn đàn mỗi kỳ quốc hội nhưng vẫn chưa giải quyết được là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng bị sụt giảm, teo tóp. Thêm nữa, tiền đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn không chỉ ít mà nhiều trường hợp lại chưa "trúng" với những gì nông nghiệp, nông thôn đang cần để có thể phát triển. Vì thế khiến nông nghiệp phát triển ỳ ạch, nông thôn còn nghèo, đời sống nông dân thì bấp bênh.
Những năm qua, chúng ta mới phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, nghĩa là mở rộng sản xuất, khai thác đất đai, nguồn lực để nâng cao năng suất; chứ chưa chú trọng đến phát triển theo chiều sâu, đến chất lượng, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Chúng ta mải vui với những số lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới, thế nhưng lại chưa chú ý đến lợi nhuận thu về sau mỗi vụ lúa hai sương một nắng của nông dân. Ấy thế mới có nghịch lý, một nước cường quốc xuất khẩu gạo trong nhiều năm nhưng người dân nhiều nơi lại chịu cảnh thiếu đói mùa giáp hạt, người trồng lúa vẫn là những người nghèo nhất.
Ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết để tạo nên một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng ở không ít địa phương, lãnh đạo cơ sở đã biến chương trình này như thực hiện những dự án, dồn tiền xây dựng kết cấu hạ tầng hết sức hoành tráng, to rộng. Trong khi sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân có quá nhiều điều thiết thực lại không được tập trung đầu tư.
Vẫn biết là đất nước còn khó khăn, tiền không nhiều, thế nên càng cần phải tiêu tiền thế nào cho đúng, cho hiệu quả. Những chương trình dự án đầu tư cho phát triển nông thôn theo kiểu phong trào hào nhoáng, để lấy thành tích cần được dừng lại hoặc xóa bỏ để tập trung đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản xuất như khoa học công nghệ, thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của nông dân... Được như vậy, kinh tế nông nghiệp sẽ phát triển toàn diện, hiệu quả hơn.
Một khi nông nghiệp, nông thôn bị tụt hậu, yếu kém, nghĩa là trụ đỡ lung lay thì nền kinh tế đất nước thật khó phát triển ổn định, vững bền. Một khi 70% dân số ở nông thôn không có thu nhập đảm bảo cuộc sống, vấn đề an sinh chưa ổn thỏa thì đất nước cũng khó giải quyết được các vấn đề kinh tế- chính trị khác.
Vì thế, đầu tư "đúng mức" và "đúng chỗ" cho nông nghiệp, đồng thời thay đổi thể chế, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này để thúc đẩy đầu tư là vấn đề cần được xem xét một cách thấu đáo, bài bản, và càng sớm càng tốt. Bởi tuy được coi là một nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới nhưng hiện nay, sản xuất nông nghiệp nước ta có rất nhiều lỗ hổng, bị tụt hậu so với các nước hàng chục năm về công nghệ và giá trị gia tăng. Hãy đừng để nền nông nghiệp của chúng ta chạy sau các nước thêm nữa!./.
Hương Lan
Theo_VOV
Australia hỗ trợ 1,4 triệu USD cho nông dân vùng Tây Bắc Dự án "Cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam thông qua tăng cường tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường của các sản phẩm trái cây ôn đới và bán ôn đới" kéo dài án 4 năm (2014-2018) với kinh phí gần 1,4 triệu USD, được Chính phủ Australia tài trợ. Dự...