Sản xuất nông sản vi phạm an toàn thực phẩm: Lợi nhỏ, hại lớn
An toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông, lâm, thủy sản không những liên quan đến chất lượng bữa ăn của hàng chục triệu người dân mà còn là sự sống còn của nền nông nghiệp. Dù vậy, chế tài xử lý trong lĩnh vực này vẫn thiếu và yếu, trong khi lợi nhuận cao khiến vi phạm ngày càng tinh vi hơn.
Sản xuất nông sản mất an toàn khiến người tiêu dùng ngày càng e ngại (ảnh minh họa)
Cố tình vi phạm
Kết quả giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, mặc dù chất lượng nông sản thực phẩm đã từng bước được cải thiện, song tỷ lệ mẫu vi phạm ở một số mặt hàng còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Năm 2011, tỷ lệ rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép là 4,43% (năm 2010 là 8,6%) tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh, hormone vượt quá giới hạn cho phép là 1,38% (năm 2010 là 4,3%) tỷ lệ mẫu thịt nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép là 0,36% (năm 2010 là 1,19%).
Ông Nguyễn Văn Thuận, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản nhận định, tình trạng mất ATTP đối với nông, lâm, thủy sản bắt nguồn từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Nông dân còn lạm dụng thuốc BVTV, bón phân không đúng cách dẫn tới sản phẩm rau, củ, quả không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, điều kiện nhà xưởng, chế biến bảo quản sản phẩm cũng chưa đảm bảo. Vì mục tiêu lợi nhuận, không ít nông dân lạm dụng hóa chất độc hại trong khâu bảo quản sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, dù các cơ quan chức năng và địa phương đã tích cực vào cuộc nhưng tình trạng vi phạm ATTP trong sản xuất nông nghiệp vẫn phổ biến do ý thức trách nhiệm của người sản xuất chưa cao. Thậm chí, còn tồn tại tình trạng, nông dân sản xuất hai loại rau, một loại dùng trong gia đình và một loại bán ra ngoài thị trường. Hơn nữa, các kết quả kiểm tra cũng chỉ ra, dù với dư lượng thuốc BVTV, các loại hoá chất được sử dụng cho chế biến, bảo quản chưa vượt quá giới hạn nhưng nếu sử dụng lâu ngày vẫn gây ra các bệnh về dạ dày, tiêu hóa… “Nguyên nhân phần lớn từ người sản xuất vì lợi nhuận mà bỏ qua ý thức, trách nhiệm của mình trong đảm bảo ATTP khi sản xuất nông, lâm, thủy sản. Không ít nông dân khá am hiểu về thuốc BVTV, nhưng cố tình lạm dụng để tạo năng suất, mẫu mã cho sản phẩm. Bởi vậy, cần có biện pháp xử lý nghiêm để răn đe”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị.
Mất điểm trên thị trường quốc tế
Cách đây không lâu, EU đã có cảnh báo về tình trạng một số loại rau gia vị của Việt Nam xuất sang thị trường này gặp phải sự cố về vi sinh vật. Ngay sau cảnh báo này, Bộ NN&PTNT đã phải chọn giải pháp an toàn, là tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này để chấn chỉnh sản xuất trong nước. Trong tháng 9 này, đoàn thanh tra Văn phòng Thú y và Thực phẩm của EU (FVO) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra hoạt động kiểm soát dư lượng và hóa chất trong động vật và sản phẩm động vật (bao gồm thủy sản nuôi và mật ong). Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, đợt thanh tra này của FVO rất quan trọng, nếu phía các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, mật ong của Việt Nam không đáp ứng được, thì nguy cơ sẽ bị EU đưa vào “danh sách đen” là rất cao.
Còn tại thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, tôm cũng đang gặp khó khăn. Sau nhiều lô hàng kiểm tra phát hiện dư lượng kháng sinh Ethoxiquin vượt mức cho phép, Nhật Bản đã áp dụng kiểm tra 100% các lô hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Hiện Bộ NN&PTNT đang cùng các doanh nghiệp và cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ. Trong khi đó, 30% lượng tôm của Việt Nam được xuất sang thị trường này. Không những vậy, ngay đầu tháng 9, Canada cũng đã thông báo sẽ bắt đầu thực hiện kiểm soát dư lượng chất Nitroamidazonl đối với hàng thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới. Nitroamidazonl là kháng sinh trị ký sinh trùng khá phổ biến, đặc biệt đối với cá tra tại Việt Nam. Dù chất này hiện đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục kháng sinh cấm sử dụng cho nuôi thủy sản, nhưng không ai dám chắc 100% lô hàng thủy sản của Việt Nam sẽ không “dính” chất này.
Trong bối cảnh các nước đều siết chặt ATTP, đặt chất lượng lên hàng đầu, thì việc điều chỉnh lại sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen trong sản xuất nông, lâm thủy sản là sống còn đối với nông sản Việt Nam. Dù động thái siết chặt ATTP của các nước cũng là một hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ trong nước, nhưng khi luật pháp quốc tế cho phép, thì sẽ không chỉ có Nhật Bản, Canada hay Mỹ, mà sẽ còn nhiều thị trường chú trọng siết chặt ATTP.
Xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất giá đỗ, rau mầm
Ngay sau khi Cục Bảo vệ thực vật có thông báo về việc phát hiện tình trạng sử dụng hóa chất để sản xuất giá ăn trên địa bàn TP, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán giá đỗ, rau mầm và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các cấp, các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm ATVSTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh giá đỗ, rau mầm tại địa phương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng các thuốc xử lý hạt, kích thích, điều hòa sinh trưởng trong sản xuất giá đỗ, rau mầm. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn ở địa phương, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền sâu rộng cho các cơ sở sản xuất giá đỗ, rau mầm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và các quy định về bảo đảm ATVSTP.
Theo ANTD