Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Cánh cửa hẹp đến thực phẩm an toàn
Mặc dù được coi là một xu hướng phát triển trong tương lai nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Để đạt được mục tiêu lọt vào top 15 thế giới, NNHC cần phải vượt qua nhiều khó khăn cả về đầu ra lẫn đầu vào.
Theo Bộ NNPTNT, doanh số tiêu thụ nông sản hữu cơ của Việt Nam năm 2016 là 30 triệu euro (hơn 760 tỷ đồng), đứng thứ 16, trong khi nước đứng thứ 15 là Australia chi tới 941 triệu euro, cũng là một con số khá chênh lệch. Tính riêng doanh số tiêu thụ nông sản hữu cơ nội địa, Việt Nam hiện mới đạt 500 tỷ đồng/năm.
Đúng hướng nhưng nhiều cái khó
Dự thảo đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NNPTNT đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm khoảng 7 – 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.
Dự thảo khẳng định hệ thống canh tác NNHC là hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người, bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường, là một trong những giải pháp khả thi nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tìm được đầu ra cho sản phẩm là một trong những cách để phát triển sản xuất hữu cơ.
Dù vậy, thực trạng sản xuất hữu cơ Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bởi sau quá trình công nghiệp hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp và nguồn nước đã bị nhiễm hóa chất. Bên cạnh đó nguồn giống, các chế phẩm hữu cơ còn hạn chế.
Đứng ở phía doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, phân phối, ông Trần Hoàng Ý – Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn, có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước, cho rằng diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn. Ngay khâu đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.
Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai), cho biết hợp tác xã của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.
Video đang HOT
Trong khi đó, người nông dân cũng không nhiệt tình với sản xuất hữu cơ, một phần do quen với sự tiện lợi của dùng hóa chất, thuốc BVTV và phần lớn do thị trường hữu cơ còn nhỏ hẹp, chủ yếu là bán lẻ. Họ không yên tâm sản xuất vì sợ không bán được hàng, chưa kể quy trình đạt được giấy chứng nhận hữu cơ lâu dài, tỉ mỉ và tốn kém. Một khoảnh ruộng trồng rau 2-5 ha để có chứng nhận hữu cơ của Mỹ hoặc châu Âu thường tốn gần 10.000 đôla (khoảng 200 triệu) và mỗi năm đều phải tái đánh giá.
Giải pháp nào?
Để tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất hữu cơ, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, việc trước hết cần nâng cao nhận thức cho người nông dân. Nhưng một thực tế đáng buồn ở địa phương ông là có nhiều lớp học tổ chức cho nông dân, dù đi học được tiền nhưng số lượng người tham dự lại rất khiêm tốn.
Ngoài việc đề xuất có chế tài cho những trường hợp sản xuất không an toàn, ông Bính cũng mong có các chương trình hỗ trợ người nông dân vay vốn để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ.
Ông Nguyễn Ngọc Luân cũng cho rằng nhận thức về bảo vệ môi trường của người nông dân còn yếu. Trong khi ở các nước châu Âu, người nông dân làm NNHC trước hết vì môi trường, từ đó họ đã thu hút được người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho sản phẩm vì môi trường.
Bên cạnh yếu tố con người, ông Luân đặc biệt đề cao việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật và hệ thống chứng nhận hữu cơ – đây cũng là hai trong 6 nhóm giải pháp (Giải pháp đầu vào, Vốn đầu tư, Cơ chế chính sách, Thị trường, Hệ thống chứng nhận, Khoa học kỹ thuật) mà Bộ NNPTNN đề xuất.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Cà Mau cho rằng cần xác định rõ lợi thế của từng tỉnh, từng vùng và có quy hoạch rõ ràng. Bởi vì, đặt một nhà máy cách khu trồng trọt chăn nuôi hữu cơ khoảng 20km cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn nước của sản xuất, khiến sản phẩm không còn là hữu cơ nữa. Các doanh nghiệp làm hữu cơ phải tính thời hạn đầu tư. Làm hữu cơ không chỉ thể tính 5-10 năm mà phải từ 20-30 năm trở lên.
Dù NNHC là hướng đi trong tương lai nhưng PGS TS Dương Hoa Xô, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông sản Hữu cơ Việt Nam cho rằng, NNHC chỉ nên được coi là một phân khúc của thị trường. Trên thế giới, NNHC chiếm chưa đến 10% sản lượng. “Vấn đề quan trọng là chúng ta cần sản xuất đúng cách để có được các sản phẩm an toàn, chấm dứt tình trạng thực phẩm bẩn”, ông Xô nói.
Theo ông Xô, để phát triển NNHC, nhà nước cần ưu tiên vấn đề chứng nhận và thị trường cho sản phẩm. Đặc biệt cần chọn đối tượng sản phẩm ưu tiên để phát triển. Ví dụ, rau có thể không cần diện tích tập trung, nhưng làm tôm hay cây công nghiệp hữu cơ cần nhiều diện tích lớn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất không làm tràn lan mà cần chọn những sản phẩm NNHC có lợi thế cạnh tranh. “Đặc biệt cần tập trung các hộ nông dân và địa phương vào khâu chế biến, vì chỉ có chế biến mới có thể tạo dựng những sản phẩm có giá trị gia tăng và làm theo chuẩn của thị trường bậc cao”, ông Toản đề nghị.
Theo Danviet
Giá hồ tiêu thấp kỷ lục 39.000 đồng/kg, chờ FTA cứu?
Giá hồ tiêu đang chạm đáy khi vài ngày trước "rơi" xuống mức 39.000 đồng/kg, đẩy người trồng tiêu vào những khó khăn chưa từng có.
Nhiều dự báo là hồ tiêu có thể tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng đó cũng chỉ là những dự báo...
Giá chạm đáy
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tuần trước, giá tiêu ở Đồng Nai đột nhiên giảm tới 1.500 đồng/kg, xuống còn mức 38.000 đồng/kg. Tại các địa phương khác, giá tiêu cũng không có dấu hiệu khởi sắc, trong đó, tại Gia Lai đã xuống dưới 40.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), đã khá lâu rồi, giá tiêu mới giảm xuống mức 40.000 đồng/kg. Điều đáng nói là trước đây, dù giá tiêu có giảm, giá thành sản xuất vẫn ở mức thấp, còn hiện tại, giá thành lên đến 49.000 đồng/kg, nên với mức giá này, nông dân lỗ nặng.
Nông dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: T.L
Một số chuyên gia nhận định, giá tiêu có thể chưa dừng ở đây, mà còn giảm tiếp do sản lượng đã vượt xa so với nhu cầu. Ông Bính dự đoán, vụ 2019-2020 sẽ là niên vụ mà giá hạt tiêu chạm xuống tận đáy mới, đẩy người trồng tiêu vào tình cảnh vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn.
Việt Nam hiện có khoảng 100.000ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng 247.000 tấn. Tuy nhiên, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp, chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017.
Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu 224.000 tấn tiêu, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn vào năm 2019. Dự báo đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn.
Chờ cơ hội từ FTA
Bộ Công Thương đánh giá, trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đối với mặt hàng hồ tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh.
Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, có thể nói hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP.
Đối với EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).
Do đó, theo Bộ Công Thương, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Hiện, Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện công tác quảng bá hồ tiêu ở thị trường nước ngoài, đồng thời hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của mình, trong đó, đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Mỹ, EU. Các chương trình xúc tiến thương mại này được triển khai trên cơ sở thường xuyên, định kỳ đã và sẽ tạo cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương kỳ vọng, với các giải pháp về thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới sẽ đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường. Theo đó, thị trường xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam dần dần được mở rộng và đa dạng hóa, đồng thời cũng sẽ định hướng cho sự phát triển của sản xuất trong nước, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân.
Theo Danviet
Giá tiêu giảm sâu ngoài dự tính, bán 1kg lỗ 10.000 đồng Sau một thời gian dài cầm cự ở mức giá trên 40.000 đ/kg, giá hạt tiêu những ngày qua đã giảm mạnh và xuống dưới mốc nói trên. Nhiều khả năng giá tiêu sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong niên vụ 2019/2020. 1 kg tiêu lỗ 10.000 đồng Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồi tiêu Chư Sê...