Sản xuất lúa gạo: Yếu công nghệ, liên tục “khát” vốn
Tại hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam với chủ đề: “Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo” tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm qua (19/9), nhiều ý kiến tiếp tục chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành lúa gạo trong nước đang đối mặt.
Công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp lạc hậu
Theo báo cáo tại hội thảo (do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức), mặc dù ngành trồng trọt nói chung, ngành lúa gạo nói riêng phải sử dụng rất nhiều phân bón (khoảng 11 triệu tấn các loại), nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), công nghệ sản xuất phân bón hóa học ở nước ta phần lớn đều là cũ từ thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20.
Nông dân huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây
Hiện chỉ có khoảng 10% các cơ sở/nhà máy sản xuất phân bón trong tổng số 735 cơ sở/nhà máy được đầu tư theo công nghệ tiên tiến. Rất ít các cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất thế hệ mới do hạn chế về năng lực và vốn đầu tư. Ngoài ra, giá thành của các loại phân bón thế hệ mới còn tương đối cao so với sản phẩm truyền thống nên bà con chưa sử dụng rộng rãi.
“Tương tự, trong ngành lúa gạo, chi phí cho thuốc BVTV chiếm tới 5-7% tổng chi phí sản xuất lúa ở Việt Nam. Nhưng theo báo cáo của Cục BVTV, trong số hơn 4.000 sản phẩm thuốc BVTV, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học” – ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trình bày trong phần báo cáo của mình.
Theo ông Sơn, điều đáng nói là Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ sản xuất nguyên liệu thuốc BVTV mà phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó công nghệ gia công, tạo các dạng thuốc BVTV tiên tiến như SC, WG, WDG… còn chậm được ứng dụng, dạng thuốc được sản xuất phổ biến trong nước là EC nên dung môi lỏng, dễ gây ô nhiễm thứ cấp cho môi trường và sức khoẻ con người.
Video đang HOT
Ngành gạo gặp “cơn khát vốn”
Nhiều đại biểu cho rằng, sau 30 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam đạt nhiều thành tích đáng nể và hạt gạo Việt Nam hiện đã đến hơn 150 nước, mang về lượng ngoại tệ ước đạt ít nhất 50-60 tỷ USD cho nền kinh tế và kéo theo các ngành phụ trợ rất phát triển.
Ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam, xét về tổng thể có thể coi là ngang với Thái Lan và đứng trên các nước Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia… Bằng chứng là từ lâu, các hợp đồng đấu thầu Chính phủ của Indonesia, Malaysia, Philippines hầu như đều chỉ chọn gạo Việt Nam và Thái Lan vào danh sách tham dự, vì chỉ có 2 nước này mới đáp ứng được thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định khi họ có nhu cầu. Một số chương trình đấu thầu gạo cứu trợ khẩn cấp của WFP – Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) cũng chỉ định rõ gạo Việt và Thái.
Tuy nhiên, hàng chục năm nay, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn cứ lặp đi lặp lại, buộc các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc, “giải cứu” giá lúa gạo cho nông dân. Dù vậy, các biện pháp “giải cứu” luôn có độ trễ, thụ động và quan trọng là cũng khó giải quyết vì sản lượng lúa hàng hóa lúc chính vụ thường quá lớn và thu hoạch dồn dập trong một thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) nhận định: Đặc thù của ngành gạo mang tính mùa vụ. Lúc cao điểm thu hoạch, lượng hàng hóa cần phải giải phóng trong thời gian ngắn tăng gấp 2-3 lần. Áp lực thu hoạch, sấy, vận chuyển và thu mua thường luôn bị quá tải và doanh nghiệp phải cần nguồn tiền lớn để thu mua nhanh một lượng lớn lúa, giúp giữ giá lúa không giảm sâu.
“Phía doanh nghiệp lúc này không thể nào có đủ vốn lớn vài trăm tỷ đồng để mua lúa (trước đó đã đầu tư vốn lớn xây nhà xưởng, thiết bị máy móc…), do đó luôn ở tình trạng “khát” tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng lại hầu như chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp, không chấp nhận nhiều hình thức tín chấp. Tài sản thế chấp của doanh nghiệp quy mô khá chỉ ở mức 100 – 200 tỷ đồng là tối đa, đủ mua vào từ 10.000 – 20.000 tấn gạo. Trong khi đó, lượng hàng hóa chính vụ thu hoạch thừa ra cho xuất khẩu lên đến hàng triệu tấn gạo cho toàn vùng ĐBSCL. Bài toán “cơn khát vốn” phải tính vì nó rất cần thiết cho ngành lương thực” – ông Anh phân tích.
Ngoài yếu tố thị trường theo quy luật cung cầu, theo ông Anh, vấn đề thiếu vốn trong ngành gạo là một trong các nguyên nhân chính không giúp ngăn được đà giảm giá lúa gạo cho nông dân vào vụ thu hoạch rộ, làm doanh nghiệp cũng lỡ mất cơ hội kinh doanh khi không đủ tiền để mua nhanh lượng lúa hàng hóa này. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực mong muốn các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp để giải được nút thắt trên, giúp mọi cá thể trong chuỗi cung ứng có thu nhập tốt hơn và phát triển bền vững, đưa ngành gạo tiến lên giai đoạn mới.
Theo Danviet
Sự thật thông tin cá sấu lớn nổi đầu trên sông ở Cà Mau
Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, thông tin "Cà Mau, cá sấu lớn lại nổi đầu trên sông" được đăng tải trên mạng xã hội ở tài khoản Facebook "HongKong 68" hoàn toàn sai sự thật.
Thông tin sai sự thật đăng tải trên tài khoản Facebook "HongKong 68". Ảnh: Facebook
Thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng...
Những ngày qua, trên tài khoản Facebook "HongKong 68" có đăng tải dòng trạng thái có nội dung: "Cà Mau, cá sấu lớn lại nổi đầu trên sông". Cùng với nội dung trên, tài khoản này còn đăng kèm 8 tấm ảnh minh họa cá sấu nổi đầu trên mặt nước.
Tài khoản Facebook "HongKong 68" chia sẻ: "Dù ngành chức năng tỉnh Cà Mau ra sức tìm kiếm dấu vết cá sấu lạ trên sông. Công an xã Tam Giang phát hiện một số dấu chân, dấu bò trườn của cá sấu dài tầm 6m lưu lại ở mé sông khi con nước ròng rút cạn. Ngay tức khắc, các biện pháp cảnh giới cá sấu gây hại được chính quyền thông báo rộng rãi nhân dân trên địa bàn. Nhiều người dân phát hiện hô hào truy bắt nhưng do nước lớn và sông quá rộng nên người dân cho rằng cá sấu đã bơi vào mấy con kinh rạch nhỏ ẩn nấp".
Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, chính quyền địa phương huyện Năm Căn chỉ đạo công an xác minh làm rõ. Sau khi kết hợp cùng địa phương xác minh, cơ quan công an có báo cáo kết luận thông tin đó không có thật. Qua xác minh của Công an huyện Năm Căn, tài khoản Facebook "HongKong 68" là Fanpage của quán trà HongKong 68 có địa chỉ tại số 56A, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
Từ trước đến nay, trên địa bàn xã Tam Giang chưa phát hiện cá sấu. Thông tin tài khoản Facebook "HongKong 68" đăng tải là không chính xác, hoàn toàn sai sự thật. Trang facebook trên chuyên về ăn uống, việc đăng tải thông tin trên với khả năng câu like cho nhiều người biết đến địa điểm kinh doanh ăn uống.
Theo ghi nhận của PV, đến 19h45 ngày 3/9, thông tin đăng tải trên Fanpage "HongKong 68" vẫn còn với 130.000 like, hơn 2.600 bình luận, hơn 2.200 lượt chia sẻ. Trong đó, có nhiều bình luận hoang mang của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, đến sáng 4/9 thì thông tin trên được gỡ bỏ. Trước thông tin đăng tải sai sự thật trên, UBND huyện Năm Căn đã có báo cáo gửi sở Thông tin và Truyền thông để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Vài tháng trước, chủ tài khoản Facebook có tên là Bảo Trân, Bảo Yến đã đăng tải hình ảnh thịt heo với thông tin: "Tới Cà Mau rồi; Thề k (không - PV) ăn thịt heo luôn" cũng là thông tin sai sự thật, không có căn cứ xác thực, gây hoang mang dư luận;... Do đó, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp cùng sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook.
Vào tháng 8/2019, trang thông tin điện tử damkhoinghiep.vn có đăng bài "Cà Mau: Có một "ốc đảo" bình yên như thế giữa thành phố không bình yên" cũng được khẳng định là sai sự thật, có tính chất vu khống,...Vì vậy, sở TT&TT tỉnh Cà Mau đề nghị sở TT&TT TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm đối với trang thông tin điện tử "damkhoinghiep" theo quy định pháp luật.
Hậu quả nhãn tiền nhưng không biết sợ
Trước đó, tại Bình Định, cơ quan chức năng đã mời làm việc và buộc khắc phục hậu quả đối với 2 người dân TP.Quy Nhơn vì đăng tin bắt cóc trẻ em sai sự thật trên Facebook cá nhân. Cụ thể, một số người dân tại TP.Quy Nhơn đăng tải trên Facebook về việc xuất hiện nhóm bắt cóc trẻ em tại khu Vườn Bông, khu vực 3, phường Lê Hồng Phong (bà N.T.M.S sử dụng tài khoản Facebook T.M và ông T.H.H.V, sử dụng tài khoản Facebook Tr.M.Tr đăng tải clip kèm nội dung: "Thông báo khẩn cấp hiện nay ở Quy Nhơn đã xuất hiện tụi bắt cóc trẻ em".
Công an TP.Quy Nhơn đã vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy các thông tin trên là sai sự thật. Đơn vị này đã mời chủ 2 tài khoản Facebook trên đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm, củng cố hồ sơ, xử lý 2 người trên theo quy định của pháp luật. Tại buổi làm việc, 2 người này đã thừa nhận hành vi sai trái của mình, cam kết không tái phạm và có hình thức khắc phục hậu quả, xóa bài viết, đăng thông tin đính chính, đồng thời xin lỗi về việc đã đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Còn nhớ mùa mưa bão năm ngoái, chỉ vì một bình luận "cho vui" trên Facebook, kỹ sư làm việc tại nhà máy thuỷ điện Nậm Mô, Nghệ An đã khiến hàng nghìn người dân hoang mang. Công an huyện Kỳ Sơn đã khẩn trương tiến hành xác minh nội dung đăng tải về nguy cơ vỡ đập thủy điện và triệu tập kỹ sư này đến trụ sở làm việc. Tại cơ quan điều tra, người này cho biết, chỉ bình luận với bạn bè cho vui, thông tin trên là không đúng. Trước thông tin sai sự thật này, cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với vị kỹ sư "thích đùa".
Luật sư Lê Văn Nam (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi của trang Fanpage "HongKong 68" trong việc đăng tải thông tin sai sự thật là vi phạm quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Cụ thể, điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định 174 nêu rõ: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân".
Việt Tâm
Theo ĐS&PL
Cần Thơ: Trồng xoài "ăn" 400-450 triệu/năm, lại không sợ đụng hàng TP.Cần Thơ hiện có trên 2.710ha trồng xoài các loại thì riêng xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) đã chiếm đến 1.774ha, chiếm gần 70% tổng diện tích. Đáng chú ý, có rất nhiều nhà vườn trồng xoài thu được hiệu quả kinh tế cao. Dễ trồng, dễ "ăn" Lý giải về con số diện tích ấn tượng trên, bà Nguyễn Thị Thu...