Săn trứng kiến kiếm tiền triệu ở Quảng Nam
Ở Quảng Nam, kiến đóng tổ rất nhiều trong rừng keo tràm, mỗi ngày thợ săn tìm đến lấy trứng đem bán kiếm tiền triệu.
Những năm gần đây, ở Quảng Nam phát triển nghề trồng cây keo tràm.
Rừng keo tràm là nơi kiến tìm đến đóng tổ trên ngọn cây, nhiều người dân địa phương đã kiếm thêm bằng nghề lấy trứng kiến.
Để lấy được trứng kiến, người dân dùng sào tre dài chừng 6 m, phía trên vót nhọn, gắn bao tải. “Kiến bò rất nhanh nên phải làm gọn gàng. Nếu chậm chạp sẽ bị kiến đốt sưng khắp người”, anh Linh – một thợ săn trứng kiến cho hay.
Anh Linh có kinh nghiệm săn trứng kiến được hơn 3 năm.
Mỗi khi đi săn, cây sào được anh dựng chéo góc với tổ kiến rồi đưa vào chọc thủng nơi kiến ở, nhằm tránh kiến rơi trúng người, sau đó lắc mạnh cho trứng rơi vào bao. Còn kiến rơi xuống cách xa người đến vài mét.
Theo anh Linh, đây là loại kiến ngựa, “tổ nào to, lá xanh, cành cây sà xuống thì nhiều trứng, còn tổ nào lá khô ít trứng, bình quân mỗi tổ chỉ được khoảng vài chục gram trứng kiến”.
Video đang HOT
Nghề săn trứng kiến có thể giúp kiếm thêm tiền triệu mỗi tháng, nên nhiều người theo học anh Linh. “Tuy nhiên đi được vài bữa, họ lại bỏ vì bị kiến cắn đau quá”, anh nói.
Chọc xong tổ, thợ săn dùng bột năng bỏ vào bao tải. Thứ bột này sẽ đuổi kiến đi, đồng thời giữ những con non nằm lại.
Thợ săn đổ bao tải ra thau nhựa để đuổi kiến lấy trứng. Trứng kiến có màu trắng đục, to bằng hạt gạo.
Những con kiến đã bám vào trứng thường bám rất chắc, không chịu bò ra ra khỏi trứng. Thợ săn phải dùng que kiên nhẫn xua đuổi kiến bò ra khỏi thau nhựa.
Thời điểm tháng 2 và 3 Âm lịch, kiến sinh sản nhiều, mỗi ngày lấy được 5-6 kg, các tháng còn lại ít hơn. Giá trứng kiến khoảng 200.000 đồng/kg.
Săn hết khu rừng này, anh Linh mang đồ nghề di chuyển đến khu rừng khác.
“Việc săn trứng kiến chỉ làm được vào buổi sáng, bởi đây là khoảng thời gian kiến hiền, còn trưa nắng, nhiệt độ cao kiến rất hung dữ”, anh nói.
Sơn Thủy
Theo VNE
Cuộc mưu sinh của những thợ săn "độc nhất vô nhị"
Những ngày qua, chuyện bầy trâu hoang hung dữ tấn công người tại Quảng Trị đã gây xôn xao dư luận. Từng thông tin về việc nhóm thợ săn thậm chí được thuê để bắt giữ đàn trâu hung dữ được báo chí cập nhật, đặc biệt quan tâm.
Những ngày qua, chuyện bầy trâu hoang hung dữ tấn công người tại Quảng Trị đã gây xôn xao dư luận. Từng thông tin về việc nhóm thợ săn thậm chí được thuê để bắt giữ đàn trâu hung dữ được báo chí cập nhật, đặc biệt quan tâm. Trở lại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, PV báo GĐ&XH Cuối tuần khá ngạc nhiên khi biết: Săn trâu (bò) hoang, thực chất là nghề tay trái "độc nhất vô nhị" ở địa phương này.
Ông Lương bên con bò ri vừa bắt giữ được
Những "thợ săn" đặc biệt
Theo giải thích của những người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi bò ri là do bò nhà lạc vào rừng sâu nhiều năm không ai chăm sóc nên trở thành bò rừng. Chúng rất hung dữ và sẵn sàng tấn công mục tiêu gặp trên đường, nhất là con người. Đã có nhiều trường hợp bị bò ri truy đuổi dẫn đến bị thương.
Chính sự nguy hiểm này mà phường săn bò ri ở đây bao gồm những thành viên khá đặc biệt. Không phải cần đến trai tráng khỏe mạnh, phường săn bò ri là những người ít nhất phải trên 40 tuổi. Muốn bắt được chúng không chỉ dùng sức lực mà còn phải vận dụng trí óc. "Chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới dám làm cái công việc nguy hiểm này. Trước đây có nhiều người chưa đi săn lần nào cũng hí hửng vào rừng săn bò ri, thế là lúc trở về bò thì chẳng thấy đâu mà thương tích đầy mình. Những người đó còn may mắn khi gặp được bò ri chứ có đoàn săn đi nhiều ngày mà không gặp được con bò nào lại thất thểu trở về. Bởi thế mà cái nghề này không phải ai cũng có thể làm được", ông Trần Văn Lương (SN 1952, trưởng phường săn Cam Thành) cho biết.
Trước mỗi chuyến đi, phường săn đều cử ông Bùi Văn Đa (SN 1941, người có nhiều kinh nghiệm nhất - PV) làm "trinh sát" theo dõi địa bàn hoạt động của đàn bò ri. Lần này, ông Đa cho biết trong khu vực khe Đá Mài cách đó chừng 30 km về hướng Bắc, giáp với địa phận tỉnh Quảng Bình có một đàn bò chừng 12 con đang sinh sống. Chúng rất tinh khôn và nhanh nhẹn, đặc biệt con đực đầu đàn thoát bẫy nhiều lần nên đã biết hết mọi cách đặt bẫy của thợ săn. Lên đường lần này ít nhất phải chuẩn bị lương thực trong ba ngày, một ít gạo nếp, lương khô, gia vị được mang theo còn rau rừng, cá suối, ếch nhái thì ở trong rừng không thiếu.
Khi tất cả đã tập trung đầy đủ ở nhà ông trưởng phường săn thì họ luôn bắt đầu chuyến đi bằng "nghi thức" dân dã: Rượu đế và một ít đồ nhậu. Lần này có tất cả 10 người tham gia. Tuy tất cả đã cao tuổi nhưng ai nấy đều khá dẻo dai và đặc biệt là khả năng hiểu biết về núi rừng rất sành sỏi. Chuẩn bị đầy đủ hành lý và dây buộc, tất cả cùng lên đường và không quên mang theo rượu uống cho ấm người vì trời đêm ở miền núi lạnh thấu xương.
Trên đường đi, ông Đa kể: "Xưa kia, cha ông của chúng tôi là những người sống ở miền cao Quảng Bình, vượt dãy Trường Sơn vào Quảng Trị sinh sống cách đây trên 500 năm. Thói quen chăn thả đại gia súc đã ăn vào máu thịt của những người dân nơi đây tựa dân du mục ở thảo nguyên. Điều đặc biệt hơn là vùng đất mà họ sinh sống về phần phía Bắc chỉ là rừng một mái có độ dốc rất lớn nên trâu bò không thể băng qua được. Vì thế, đàn trâu bò từ bao đời nay vẫn được thả rông ở trên rừng, muốn đưa về nhà thì chỉ còn cách đi săn. Qua thời gian, chúng bị hoang hóa, không còn thuần chủng nữa, sinh con đẻ cháu rồi trở thành bò ri như bây giờ".
Qua một ngày đường leo dốc dựng đứng và băng qua những rừng cây rậm rạm thì tất cả đều mệt lử. Trời cũng về chiều, chúng tôi chọn một chỗ đất cao ráo để dựng lán trại. Đêm núi rừng chào đón những vị khách bằng tiếng vo ve của muỗi rừng hòa trong thanh âm réo rắt của ếch nhái. Cơm nước xong, một số người trong phường săn ra suối bắt ếch núi và chém cá suối về làm bữa nhậu khuya. Ai nấy đều nín lặng và cầu mong đàn bò ri sớm xuất hiện. Trường hợp xấu nhất là về tay không, tốn tiền cơm gạo.
Đến sáng sớm khi chúng tôi thức dậy, một người trong phường săn hồ hởi báo tin đã nhìn thấy một đàn bò ri chừng hơn chục con ẩn hiện ở vùng núi bên kia. Bàn bạc kỹ lưỡng, họ quyết định ép chúng về khe núi Đá Mài. Một số người được phân công nhiệm vụ dựng chuồng đơm. Chuồng đơm được thiết kế bằng những thanh cây rừng cỡ bắp đùi người lớn, tựa như một cái hộp lớn. Chỉ có điều phải chọn địa hình thật đặc biệt để khi vào đó chúng không thể thoát ra được. Số người còn lại đi ép chúng về hướng chuồng đơm đã dựng sẵn. Ông Lương không quên căn dặn: "Nếu chúng quay trở lại tấn công thì biết làm thế nào rồi đấy, đừng có bỏ chạy nên tìm những góc khuất mà nấp hoặc leo lên cây. Chỉ một cú thúc hay dẫm đạp của nó là gãy xương như chơi".
Theo kinh nghiệm, các thợ săn không ép nguyên đàn mà chọn một con nào yếu nhất để đón lỏng. Thật tình cờ vì trong đàn bò này có một con đực mới lớn đánh nhau với con đầu đàn nên bị thương. Gần 4 giờ đồng hồ truy đuổi, nó mới dần kiệt sức và dạt về phía chuồng đơm. Khi con bò ri hung hăng đã sập bẫy, tất cả mọi người tiến đến, quẳng hàng chục cái thòng lọng được quăng vào trong, càng nhiều càng tốt làm sao cho nó bị vướng dây mà không thể chống trả được và chịu đứng yên. Nhưng khó nhất không phải là bắt bò ri mà làm sao đưa chúng sống sót trở về. Bởi bò ri còn sống có luôn giá trị hơn lúc chúng chết.
Đánh đổi mạng sống với nghề
Vết thương vẫn còn nhức nhối của ông Bùi Văn Đa
Bên chén rượu mừng "chiến lợi phẩm", ông Đa tâm sự: "Với con bò này nếu bán ra ít nhất cũng được 30 triệu đồng, chia ra thì mỗi người cũng được gần 3 triệu đồng rồi. Mỗi tháng may mắn được 2 lần như thế này thì cũng đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học. Người nông dân như chúng tôi đây làm ruộng cả năm cũng đủ ăn chứ không dư dả được nhiều. Trước đây nghèo khó, mỗi khi săn được bò ri về, thấy nhà của người nào trong phường săn chưa có bò phục vụ cho công việc đồng áng thì chúng tôi cùng thuần phục rồi giao con bò đó cho họ, sau đó tích cóp trả dần".
Lợi ích không đáng kể nhưng nghề này luôn chứa đựng những nguy hiểm. Giở vết thương ở mạn sườn vẫn chưa lành hẳn, ông Đa kể rằng khoảng sáu tháng trước ông cùng các bạn trong phường săn cơm đùm gạo bới vào rừng. Phát hiện một con bò ri đực rất to, đang ép nó thì bất ngờ nó lao vào thúc ông rơi xuống vực. Không những thế, còn bò hung hăng ấy còn nhảy từ trên cao xuống đạp thẳng chân vào mạn sườn làm gãy ba đốt. Những người ở trên phải dùng đất đá ném xuống nó mới chịu buông tha.
Không chỉ đối mặt với việc bò ri tấn công trở lại, những người đi săn cũng gặp không ít những nguy hiểm khác. Trong đó phải kể đến trường hợp thương tâm của ông Trần Văn Quyết (xã Cam Thành), ông đã phải bỏ mạng vì bị nước lũ cuốn trong lúc đi săn. Đợt đó mưa gió rất nhiều, nước suối dâng cao đến tận ngực chảy xiết. Chỉ một cái trượt chân nhỏ đã làm ông phải bỏ mạng. Vài ngày sau nước rút, người nhà và bạn săn mới tìm được xác cách đó chừng mười mấy cây số.
Biết sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong cái nghề này nên đã nhiều lần ông Đa cũng muốn dứt bỏ nhưng cuối cùng nghề đâu nghiệp đấy. Trong tâm trí ông, những chuyến đi là cả một bí ẩn, ông chờ đợi những con bò ri được thuần hóa. Đó cũng là khát vọng của đa số thợ săn đặc biệt ở vùng đất này...
Hôm 24/09, thông tin từ UBND xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho biết: Phường săn nhận hợp đồng đã "bẫy" thành công con trâu hoang thứ 8 và tiến hành thanh lý hợp đồng. Bầy trâu hoang tấn công con người, gây hoang mang lo sợ cho bà con đã được thuần phục hoàn toàn.
Theo Duy Văn (Gia đình & Xã hội)
Bắt được 8 con trâu điên, dân vẫn sợ vì còn 2 con Sau hơn một tháng đặt bẫy bắt bầy trâu thường xuyên tấn công người dân tại vùng rừng Đối Máu (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), nhóm thợ săn đã bắt được tám con, còn hai con trâu đã thoát khỏi vòng vây khiến nhiều người lo sợ. Ngày 25-9, ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho...