Sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp ổn định thị trường tiền tệ
Đây là khẳng định vừa được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trước những diễn biến của thị trường trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trước diễn biến của sự kiện biển Đông.
Các ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân
Tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý
Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: “Từ cuối năm 2011 đến nay, tình hình tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến hết sức tích cực. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh, thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng cao, NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức tới mức 35 tỷ USD”.
“Trước diễn biến tình hình trên biển Đông, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn diễn ra bình thường và thông suốt. Cụ thể, huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng. Tính đến ngày 16-5, huy động của hệ thống tăng 0,55% so với cuối tháng 4 và tăng 3,96% so với cuối năm 2013. Mặt bằng lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, lãi suất liên ngân hàng trong tầm kiểm soát của NHNN”, bà Hồng cho biết thêm.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá liên ngân hàng có một số thời điểm tăng, nhưng vẫn thấp xa so với mức tỷ giá trần quy định của NHNN, tỷ giá trên thị trường tự do tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý, và không loại trừ yếu tố đầu cơ, tung tin, làm giá để trục lợi.
Cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo, cán cân thanh toán thặng dư khoảng 10 tỷ USD và dự báo tiếp tục thặng dư trong cả năm 2014. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân đều được đáp ứng đầy đủ và kịp thời, thông suốt. NHNN không phải can thiệp trên thị trường ngoại hối.
Các tổ chức tín dụng đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN, dự phòng khả năng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Không nên mua vàng
Trên thị trường vàng, từ đầu tuần trước, giao dịch vàng trên thị trường có xu hướng tăng, giá vàng trong nước diễn biến tăng nhanh hơn so với giá vàng trên thị trường quốc tế.
Lý giải về diễn biến này, ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết: “Qua theo dõi, nắm bắt thị trường trong và ngoài nước cho thấy không có những nguyên nhân tác động từ các yếu tố kinh tế, mà chủ yếu do yếu tố tâm lý đầu cơ, làm giá. NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng khi quyết định mua, bán để tránh thiệt hại không đáng có”.
“Theo chúng tôi, người dân nào có vàng thì nên bán vàng vào thời điểm này vì giá đang cao hơn so với trước. Người dân nào có nhu cầu mua vàng thì tránh không nên mua bây giờ vì có thể sẽ bị thiệt lớn. Thái độ bình tĩnh, tin tưởng của những người dân sẽ giúp tránh được những thiệt hại không đáng có cho chính bản thân mình và góp phần tạo sự ổn định chung của thị trường”- ông Nguyễn Quang Huy đưa ra khuyến nghị.
NHNN theo dõi sát tình hình thị trường vàng, đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ áp dụng ngay các biện pháp bình ổn thị trường vàng trong trường hợp cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định: “Trước diễn biến tình hình tại biển Đông, NHNN sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng. Để đảm bảo sự ổn định, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho hệ thống, sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra, sẵn sàng thực hiện các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ ổn định tỷ giá”.
“Bên cạnh đó, NHNN và các bộ, ngành liên quan phối hợp tăng cường các biện pháp quản lý ngoại hối, theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây rối, đầu cơ trục lợi bất chính”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo ANTD
Hoãn phiên xử bầu Kiên và đồng phạm
14h chiều nay (16/4), phiên tòa xét xử bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng xét xử đã xin hội ý và quyết định hoãn phiên tòa xét xử.
Bầu Kiên đến tòa chiều nay bằng đôi dép lê tổ ong mầu trắng (Ảnh: Tuấn Hợp)
14h20 chiều nay HĐXX đọc quyết định hoãn phiên tòa.
Video đang HOT
14h5, HĐXX xin hội ý 5 phút về việc xem xét hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe của bị cáo Trần Xuân Giá.
14h chiều nay, Tòa bắt đầu làm việc. "Bầu" Kiên bước ra tòa với đôi dép lê tổ ong mầu trắng và vẫn bộ trang phục áo sơ mi, quần vải, "đóng thùng" như buổi sáng.
Trở lại phiên tòa khai mạc sáng nay, trước những lời đề nghị của các luật sư về việc tạm hoãn phiên tòa với các lý do mà luật sư đưa ra là do vắng mặt một số các cá nhân đại diện cho các đơn vị có quyền lợi liên quan. Ông Đào Văn Cường, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa.
"Các thành phần được Tòa triệu tập tuy vắng mặt hôm nay, nhưng trước đó họ đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên vẫn có căn cứ để tiếp tục phiên tòa. Hơn nữa do thời gian xét xử diễn ra dài ngày (15 ngày - PV) nên HĐXX tiếp tục triệu tập họ trong thời gian diễn ra phiên tòa, nếu thấy cần thiết", ông Cường cho biết quan điểm.
11h10, Tòa nghỉ trưa, chiều 13h30 Tòa tiếp tục làm việc
10h50, Chủ tọa phiên tòa khẳng định, phiên tòa xét xử vụ án vẫn diễn ra bình thường. Đối với những người đại diện cho một số cơ quan nhà nước, công ty, nếu trong quá trình xét xử, Tòa thấy cần thiết sẽ cho triệu tập.
"Bầu" Kiên thỉnh thoảng quay sang nói chuyện với các chiến sĩ CS hỗ trợ tư pháp (Ảnh Tuấn Hợp)
10h20, Tòa tạm nghỉ để hội ý.
10h15, sau khi các luật sư đề nghị hoãn tòa với nhiều lý do khác nhau thì bầu Kiên cho rằng phiên tòa cần được tiếp tục. Trong 4 tội danh mà cơ quan điều tra truy tố thì mình là người vô tội. "Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét xử vụ án. Tôi cho rằng tôi không liên quan đến vụ án Huyền Như nên toà xét xử trước 3 tội danh mà không liên quan đến Trần Xuân Giá. Sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không làm ảnh hưởng đến 3 tội danh còn lại vì đây là phiên tòa xét xử kéo dài", ông nói. Bầu Kiên mong vụ án sớm được làm sáng tỏ để người dân biết được bản chất của vụ án là gì.
Ngoài ra bầu Kiên đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính vì đây là 2 bộ có liên quan đến tội danh kinh doanh trái phép của ông, đồng thời bầu Kiên cũng yêu cầu mời đại diện của Văn phòng Chính phủ vì ông cho rằng Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cho 2 bộ này cấp phép để bầu Kiên được kinh doanh.
10h, các luật sư trình bày quan điểm về vụ án tại Tòa, theo đó luật sư đại diện cho bị cáo Trần Xuân Giá vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị xin hoãn phiên tòa xét xử với nhiều lý do, trong đó có lý do, thân chủ của mình là ông Trần Xuân Giá bị ốm không đến được được tòa.
9h50, cho ý kiến tại phiên tòa sáng nay, đa số các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và các luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp cho Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho rằng việc ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, là người rất quan trọng trong vụ án này, nhưng ông Giá đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa để đi chữa bệnh nên đề nghị HĐXX xem xét tạm hoãn phiên tòa.
9h48, Tòa tiếp kiểm tra sự có mặt của một số đại diện cơ quan nhà nước
Bị án Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ đại án lừa đảo xảy ra tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè có mặt tại tòa với tư cách tại tòa là người có liên quan đến vụ án (Ảnh Tuấn Hợp).
9h40, bị án Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ đại án lừa đảo xảy ra tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè có mặt tại tòa với tư cách tại tòa là người có liên quan đến vụ án mà nhóm "bầu" Kiên "dính" tội "cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng". Huyền Như xuất hiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới phóng viên
9h25, Tòa tiếp tục kiểm tra sự có mặt của các Ngân hàng tại Tòa, theo đó, 2 đại diện ủy quyền của chi nhánh Ngân hàng Công thương tại TPHCM và chi nhánh Nhà Bè đã có mặt.
9h, sau phần kiểm tra nhân thân các bị cáo, HĐXX tiếp tục kiểm tra sự có mặt của các luật sư tham gia bào chữa tại Tòa và kiểm tra sự có mặt của các đơn vị doanh nghiệp có liên quan. Tòa kiểm tra đại diện của các tông ty có mặt tại tòa, một số đơn vị công ty vắng mặt. Đại diện Cty Hòa Phát có mặt tại tòa, được cho là bị hại trong hành vi bị cáo buộc là lừa đảo của "bầu" Kiên.
Phạm Trung Cang vẫn đeo bao điện thoại khi đứng dậy trả lời các câu hỏi thẩm tra căn cước
Nữ bị cáo duy nhất tại phiên tòa - Nguyễn Thị Hải Yến, cựu kế toán trưởng ACBI
Bị cáo Lý Xuân Hải trông "xuống phong độ" nhiều so với thời điểm giữ chức TGĐ ACB
8h55, HĐXX tiếp tục kiểm tra căn cước của 7 bị cáo khác, bao gồm: Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Ông Võ Văn Thưởng làm Phó Bí thư Thành ủy TPHCM * TPHCM: Gần 100 công nhân đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc * Chưa thông đề xuất tăng thêm Đại tướng, Trung tướng công an * Hơn 100 ca tử vong do sởi!
8h40, sau vài lần chập chờn, điện đã sáng trở lại và tòa tiếp tục làm việc, kiểm tra nhân thân bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Bị cáo trả lời rất rành rọt, thể hiện trí nhớ rất tốt về các chức vụ từng kinh qua, địa chỉ gia đình, thời điểm bị bắt v.v...
8h15, HĐXX bắt đầu với phần tuyên bố xét xử vụ án, và kiểm tra nhân thân các bị cáo. Trong số các bị cáo, ông Trần Xuân Giá - cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB vắng mặt vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, việc kiểm tra nhân thân các bị cáo diễn ra được ít phút thì phòng theo dõi phiên xử qua màn hình và cả phòng xử án đột ngột mất điện.
Bầu Kiên điềm tĩnh, rành rọt trả lời các câu hỏi về nhân thân do HĐXX xét xử đưa ra
Những nếp nhăn đã xuất hiện trên trán ông bầu 50 tuổi
7h30, phòng xử án dần phủ kín người, đội ngũ luật sư hùng hậu gồm khoảng 20 người bắt đầu làm các thủ tục vào tòa để tham gia bào chữa.
Thời tiết oi bức của Hà Nội trong ngày hôm nay 16/4 như được tăng nhiệt thêm trong phòng xét xử, bởi sự xuất hiện của nhiều bị cáo vốn là những lãnh đạo cao cấp của ngân hàng ACB, sự căng thẳng của những người có liên quan và sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và dư luận.
Một người phụ nữ vẫy tay ra hiệu chào một bị cáo khi đoàn xe bít bùng chở cácbị cáo vào tòa. Người phụ nữ này đã đứng chờ trước cổng tòa từ vài chục phút trước
Bị cáo đáng chú ý nhất trong vụ án này là Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, thường được gọi là "bầu" Kiên) xuất hiện với chiếc áo sơ-mi màu xanh lam, kẻ sọc trắng. Mặc dù giữ một gương mặt rất điềm tĩnh nhưng vẻ bề ngoài gầy gò và nhiều nếp nhăn hơn hẳn thời điểm trước khi bị bắt cho thấy cựu Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB đã trải qua một quãng thời gian không hề dễ chịu.
Lực lượng công an có mặt đông từ sớm để đảm bảo an ninh trật tự và giao thông ở khuvực trong và xung quanh TAND TP Hà Nội
Dù 8h15 phiên tòa mới chính thức diễn ra, nhưng ngay từ 7h rất đông thân nhân các bị cáo đã có mặt để làm thủ tục vào trong phòng xử. Người thân của các bị cáo đến dự tòa khá đông, không giấu được vẻ căng thẳng.
Vợ ông Kiên cũng dự tòa, đeo kính đen ngồi lặng lẽ ở một góc phòng.
Trước đó, khoảng 6h30, xe bít bùng chở các bị cáo đã có mặt tại trụ sở TAND thành phố Hà Nội.
Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu" Kiên, SN 1964) cùng các bị cáo bị hầu tòa với 4 tội danh khác nhau. Riêng Nguyễn Đức Kiên được xác định là người chủ mưu cầm đầu vụ đại án kinh tế bị cơ quan tố tụng truy tố trước tòa với 4 tội danh: "kinh doanh trái phép"; "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "trốn thuế".
Bị can Phạm Trung Cang (SN 1954, nguyên Phó Chủ tịch ngân hàng ACB); Huỳnh Quang Tuấn, (thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB); Trần Xuân Giá, (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, (đều nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB); Lý Xuân Hải, (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) bị truy tố về tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Hai bị can Trần Ngọc Thanh, (Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội); Nguyễn Thị Hải Yến, (Kế toán trưởng Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng ACB và một số công ty khác với số tiền là 1.695,6 tỷ đồng.
Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo tại phiên tòa hôm nay có 16 luật sư:
Luật sư Hoàng Đôn Hùng, Vũ Xuân Nam, Ngô Huy Ngọc, Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Luật sư Lưu Tiến Dũng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Giá.
Luật sư Phùng Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ.
Luật sư Phạm Danh Tín (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang.
Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu) bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải.
Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho Lý Xuân Hải.
Luật sư Kiều Vũ Thị Uyên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh.
Lật sư Trần Bình Tuấn ((Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh.
Luật sư Phạm Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến.
4 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự gồm luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Á Châu; Luật sư Đỗ Ngọc Quang, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Như Thái Dũng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bảo vệ Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
* Tiếp tục cập nhật
Nhóm PV
Theo Dantri
"Bầu Kiên" cùng các bị cáo cố ý làm trái, lừa đảo ra sao? Hành vi cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank của các bị can gây thiệt hại cho ACB 718,908 tỷ đồng Trong phiên toàn xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn, ngoài "bầu Kiên" là nhân vật chính phiên tòa cũng đưa ra xét xử đối với các bị can Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang,...