Sẵn sàng cùng Mỹ không kích Syria, Pháp vẫn thừa nhận ông Assad thắng trận
Pháp thừa nhận Tổng thống Syria Bashar Assad đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này, song vẫn đang cùng Mỹ lên kế hoạch cho một đòn phủ đầu nhằm vào Damascus.
“Ông Assad đã thắng trận, chúng ta phải thừa nhận điều này. Nhưng ông ấy vẫn chưa giành được hòa bình”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 2-9 tuyên bố, nhấn mạnh một giải pháp chính trị được quốc tế công nhận là điều mà Syria cần để tái lập hoà bình, Reuters đưa tin.
Một hệ thống pháo của Pháp ở Syria. Ảnh: ITN
Theo nhà ngoại giao Pháp, Paris sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để thúc đẩy vai trò của mình trong tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông.
Bình luận bất ngờ được Pháp đưa ra trong bối cảnh quân đội của ông Assad, với sự hỗ trợ của Nga, đã liên tiếp giành thắng lợi trước khủng bố và phiến quân. Các tay súng đối lập hiện chỉ còn hiện diện ở tỉnh Idlib, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và tỉnh Deir ez-Zor, nằm cạnh đường biên Iraq.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cho rằng ngay cả khi lực lượng của ông Assad giành lại quyền kiểm soát Idlib, điều đó cũng sẽ không giải quyết được những vấn đề gốc rễ gây ra cuộc chiến cách đây 7 năm.
Ông Le Drian đồng thời nhắc lại những lời đe dọa tấn công phủ đầu của phương Tây nếu ông Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib.
Pháp có vai trò mờ nhạt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, từ khi cuộc nội chiến nổ ra tại quốc gia Trung Đông vào năm 2011. Tuy nhiên, Paris gần đây liên tục có các động thái gia tăng hiện diện quân sự như việc xây dựng căn cứ trên lãnh thổ Syria hay cùng Mỹ nã hơn 100 tên lửa vào các mục tiêu ở Damascus với cáo buộc lực lượng trung thành với ông Assad tấn công hoá học hồi tháng 4.
Thiện Minh
Video đang HOT
Theo cand.com.vn
"Kìm chân" Trung Quốc, phương Tây tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương
Các quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương đang trở thành mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và phương Tây khi nhiều nước lo ngại sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón nhà vua Tonga Tupou VI tại Bắc Kinh hồi tháng 3 (Ảnh: AFP)
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ, Australia, Pháp và Anh sẽ mở các đại sứ quán mới tại Thái Bình Dương, tăng cường nhân sự các cấp, đồng thời hợp tác thường xuyên hơn với lãnh đạo của các quốc đảo trong khu vực này. Mục đích của những động thái trên là nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng tại những quốc đảo với dân cư thưa thớt ở Thái Bình Dương mang ý nghĩa quan trọng vì mỗi quốc gia này đều có quyền bỏ phiếu tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, các quốc đảo Thái Bình Dương cũng kiểm soát những khu vực rộng lớn ở một đại dương với nhiều tài nguyên.
Chiến lược của Trung Quốc
Tàu bệnh viện Peace Ark của quân đội Trung Quốc rời cảng ở Papua New Guinea sau chuyến thăm năm 2014 (Ảnh: Hải quân Trung Quốc
Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã chi 1,3 tỷ USD cho các khoản vay ưu đãi và quà tặng, trở thành nhà viện trợ lớn thứ hai tại Thái Bình Dương sau Australia. Sự hiện diện của Trung Quốc khiến phương Tây lo ngại rằng các quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương sẽ bị quá tải và có thể trở thành con nợ của Bắc Kinh.
Theo thống kê của Reuters, chương trình cho vay của Trung Quốc tại 11 quốc gia Nam Thái Bình Dương đã tăng vọt từ 0 lên 1,3 tỷ USD trong 10 năm trở lại đây. Dù Australia vẫn là nhà tài trợ chính tại khu vực, nhưng Trung Quốc đã trở thành chủ nợ song phương lớn nhất ở Nam Thái Bình Dương tính tới thời điểm hiện tại.
Những khoản vay từ Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng tiền vay nước ngoài của Tonga, 50% nợ nước ngoài của Vanuatu. Xét về con số cụ thể, Papua New Guinea là nước nợ Trung Quốc nhiều nhất với gần 590 triệu USD, chiếm 25% tổng nợ nước ngoài của quốc gia này.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Tonga Akilisi Pohiva đã kêu gọi sự ủng hộ từ chính phủ các nước trong khu vực để đề nghị Trung Quốc xóa bỏ các khoản nợ cho đảo quốc này.
"Các nước ở Thái Bình Dương cần phải ký một kiến nghị đề nghị chính phủ Trung Quốc xóa nợ. Tôi cho rằng đây là cách duy nhất để chúng tôi có thể tiếp tục phát triển", ông Pohiva nói.
Hiện một số quốc đảo Thái Bình Dương như Palau và Tuvalu vẫn công nhận Đài Loan - hòn đảo mà Trung Quốc luôn coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời và là vấn đề nhạy cảm nhất của Bắc Kinh. Ước tính có khoảng 1/3 các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Do vậy, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh viện trợ cho các quốc gia này nhằm lôi kéo các nước đứng về phía Bắc Kinh, thay vì Đài Bắc.
Để xây dựng ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các khoản viện trợ.
Theo người đứng đầu lực lượng vũ trang Fiji Viliame Naupoto, quốc đảo này dự kiến sẽ nhận một tàu thủy văn có khả năng khảo sát đáy biển từ Trung Quốc vào cuối năm 2018. Đây sẽ là món quà quân sự đầu tiên mà Bắc Kinh tặng cho một quốc đảo Thái Bình Dương .
Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định đây là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ Fiji - một trong số những nền kinh tế nổi trội hơn trong khu vực.
"Fiji có nền kinh tế vững mạnh nhờ ngành du lịch phát triển, cho phép quốc đảo này có nhiều lựa chọn về tài chính", cựu quan chức ngoại giao Australia nhận định.
Cách đối phó của phương Tây
Các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương (Ảnh: Spruson.com)
Theo các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ, để đối phó với các động thái của Trung Quốc, Australia, New Zealand và Mỹ cho biết sẽ tăng cường viện trợ kinh tế và mở rộng hiện diện ngoại giao tại Thái Bình Dương.
"Chúng tôi lo ngại các động thái của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc (các quốc gia Thái Bình Dương) không có khả năng chi trả nợ nần", một nguồn tin chính phủ Mỹ am hiểu về kế hoạch của Washington tại Thái Bình Dương cho biết.
Quan chức Mỹ nhận định Washington cần duy trì sự hiện diện tương xứng tại các quốc gia ở Thái Bình Dương nhằm giúp các quốc gia này hiểu rằng họ còn có nhiều lựa chọn khác ngoài Trung Quốc, cũng như nhận thức được những hệ quả mà họ có thể phải gánh chịu nếu nhận viện trợ từ nước ngoài.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Trước đó hồi đầu năm, Đại sứ Trung Quốc tại Australia từng nói Bắc Kinh luôn cẩn trọng để đảm bảo rằng những nước vay tiền của Trung Quốc đều có khả năng trả nợ.
Theo nguồn tin chính phủ Mỹ, Washington sẽ tăng cường số lượng nhân viên ngoại giao tại Palau, Liên bang Micronesia và Fiji trong hai năm tới. Trong khi đó, chính phủ Australia dự kiến sẽ bổ nhiệm cao ủy đầu tiên của nước này tại Tuvalu trong vài tuần tới. Ngoài ra các nguồn tin chính phủ và ngoại giao cũng tiết lộ với Reuters rằng Anh sẽ mở cơ quan ngoại giao tại Vanuatu, Tonga và Samoa trước cuối tháng 5/2019. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ tổ chức một hội nghị có sự tham gia của các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương vào năm tới.
Các nước phương Tây đang đẩy mạnh việc tìm cách xây dựng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Vào tuần tới, các lực lượng từ Papua New Guinea, Fiji và Tonga sẽ tham gia cùng các đối tác từ Mỹ, Pháp và Nhật Bản trong cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 2 tuần ở vùng biển ngoài khơi phía bắc Australia. Trung Quốc cũng sẽ tham dự cuộc tập trận này theo lời mời của nước chủ nhà Australia.
"Các đồng minh (phương Tây) sẽ duy trì động lực liên tục trong khu vực. Ấn Độ - Thái Bình Dương là một vùng biển lớn và một lực lượng hải quân vững mạnh sẽ tạo nên một lực lượng quốc phòng vững mạnh", Andrea Thompson, Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Ngày này năm xưa: Cái chết của "bông hồng nước Anh" Ngày 31/8/1997, Công nương Diana, người được mệnh danh là "bông hồng nước Anh" đã qua đời sau vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng tại hầm chui Pont de l'Alma ở Paris, Pháp. Tai nạn vào lúc nửa đêm Công nương Diana. Ảnh: Reuters Trước đó vào ngày 30/8, Công nương Diana (36 tuổi) đã cùng với bạn trai Dodi Fayed, con...