Sẵn sàng cơ động, giúp dân mọi lúc, mọi nơi
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn đã khiến nhiều địa phương tại các tỉnh Bắc Trung bộ ngập lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, các đơn vị BĐBP tại các khu vực bị ảnh hưởng đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng dầm mình trong mưa lũ để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân; giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Cán bô, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị căng dây báo hiệu nguy hiểm ở những tuyến đường bị sạt lở. Ảnh: Đình Tiến
“Khúc ruột” miền Trung chìm trong biển nước
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến cuối ngày 5-9, mưa lũ đã làm chết 4 người ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế; 15.281 ngôi nhà bị ngập tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị; sơ tán tại chỗ 3.760 hộ; 12.574ha lúa bị ngập; 928 điểm trường không tổ chức khai giảng được.
Một tuần trôi qua, với những cơn mưa to không ngớt, đã khiến hơn 8.000 nóc nhà ở tỉnh Quảng Bình chìm trong biển nước. Chiều 5-9, toàn bộ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã ngập trong nước lũ, tất cả nhà dân đều chỉ còn mái nhô lên khỏi biển nước. Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa lấy hai tay gạt nước mưa phủ khắp khuôn mặt, giọng ông hòa lẫn tiếng mưa ào ào như trút: “600 hộ dân Tân Hóa đã ngập sâu trong biển nước, nước dâng lên đến tầng 2 của trụ sở UBND xã. Với những cơn mưa trắng trời như thế này, có lẽ nước lũ sẽ còn tiếp tục dâng cao”.
Theo người dân địa phương thì xã Tân Hóa là nơi “hứng” nước của gần hai phần ba huyện Minh Hóa. Sau đó, nước sẽ đổ ra sông Rào Nan để về xuôi. Tuy nhiên, hiện, cửa chảy ra sông Rào Nan vẫn ở thế nút cổ chai nên cứ nước dồn xuống là Tân Hóa ngập nặng.
Tại Hà Tĩnh, thủy điện Hố Hô và Hương Sơn do lượng mưa lớn buộc phải xả lũ, khiến xảy ra tình trạng ngập lụt, đường sá bị chia cắt. Một số hộ dân vùng thấp trũng buộc phải di dời tài sản, gia súc đến nơi an toàn. Hà Tĩnh có 5.473 ngôi nhà chìm trong nước lũ, hàng ngàn héc ta lúa và hoa màu chìm trong nước.
Video đang HOT
Mưa to kéo dài và nước lũ ở thượng nguồn sông Sê Pôn đổ về khiến 1.456 ngôi nhà ở Quảng Trị bị ngập; gần 4.500ha lúa, 400ha hoa màu và 170ha cây trồng hằng năm bị hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường tại khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) bị chia cắt, nhiều công trình hư hỏng, trong đó có cầu Ra Lây (huyện Đakrông) bị nước xoáy làm sạt lở đường dẫn lên cầu. 10 khóm của thị trấn Lao Bao (huyện Hướng Hóa) gồm: Đông Chín, Vĩnh Hoa, Xuân Phước, Duy Tân, Cao Việt, Ka Tăng, Trung Chính, Tân Kim, Ka Túp, An Hà bị ngập sâu trong nước. Chiều 5-9, mực nước sông Sê Pôn đã xuống thấp nên nhiều khu vực ở miền núi đã hết ngập, các ngầm tràn, khe suối bị nước dâng chia cắt đã cơ bản thông tuyến.
Kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra
Ông Ngô Thanh Đá cho biết, trong số hơn 600 ngôi nhà ở Tân Hóa chìm trong biển nước, thì có hơn 400 gia đình có nhà phao nên mọi sinh hoạt của người dân đều chuyển lên các nhà phao này. Tuy nhiên, khi nước lên cao quá, nhiều nhà phao bị quá cỡ dây buộc nên cán bộ, chiến sĩ BĐBP, các lực lượng khác và chính quyền huyện Minh Hóa phải đến hỗ trợ buộc lại ở nơi cao hơn. Những gia đình không làm được nhà phao đã được di dời đến những nơi cao như trụ sở xã, trường học. Trong khi đó, toàn bộ tuyến đường từ thị trấn Quy Đạt về xã Tân Hóa đã bị nước lũ bao phủ. Phương tiện duy nhất có thể tiếp cận được địa bàn này chính là ca nô công suất lớn của BĐBP và các lực lượng. Những chiếc thuyền độc mộc cỡ nhỏ của người dân địa phương không thể đi được do địa hình hiểm trở, nước chảy rất mạnh.
Trước tình hình trên, để đảm bảo sinh hoạt cho người dân, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã huy động thêm 1 ca nô công suất lớn cùng 10 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng khác vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết như mỳ tôm, nước uống, dầu ăn… hỗ trợ người dân xã Tân Hóa cùng với chính quyền địa phương. Đường vào Đồn Biên phòng Cà Xèng, qua 3 bản thuộc đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa còn ngập sâu đến hơn 5m nước, có đoạn dài hơn 1 km. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên hai tuyến biên giới túc trực cùng với địa phương sẵn sàng chờ lệnh, tiếp nhận hàng cứu trợ để trao tận tay những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại Hà Tĩnh, trước tình hình mưa lũ nêu trên, BĐBP Hà Tĩnh đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ và 3 phương tiện tàu cứu hộ, cứu nạn ứng trực tại các vùng lũ bị cô lập nhằm kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; đồng thời, thường trực vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm đến các hộ gia đình đang bị cô lập, không để gia đình nào thiếu đói.
Tại Quảng Trị, trực tiếp chỉ đạo công tác giúp dân ứng phó lũ lụt tại địa bàn huyện Hướng Hóa, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết: “Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, từ chiều 3-9, chúng tôi đã huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị trên tuyến về các địa bàn trọng yếu để hỗ trợ người dân sơ tán, di dời tài sản trong đêm khi nước sông Sê Pôn ngày càng dâng cao… Mặt khác, các lực lượng đã có mặt tại các địa điểm xung yếu túc trực 24/24 như khu vực cầu, cống, đập tràn để vận động, tuyên truyền người dân không nên qua lại trên các tuyến đường nguy hiểm. Đồng thời, đơn vị sử dụng ca nô vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống đến các vùng ngập lụt để cung cấp cho người dân”.
Nước lũ dâng cao, khiến ngôi nhà mới xây của ông Nguyễn Văn Sỹ, 48 tuổi, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị ngập nước. Dầm mình trong cơn lũ, ông Sỹ không khỏi hoảng hốt: “Dù đã được các chú BĐBP phổ biến diễn biến của thời tiết, nhưng tôi không ngờ nước lũ dâng nhanh đến thế. Người lớn, trẻ nhỏ, lợn, gà, đồ đạc trong nhà chưa kịp di tản thì nước lũ đã ập về, một vùng mênh mông toàn nước. Nhưng cũng thật may, các chú BĐBP đã đến ứng cứu gia đình tôi kịp thời. Chúng tôi thoát lũ cũng đều là nhờ các chú BĐBP”.
Sau khi nước lũ rút, UBND tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương cử các đoàn công tác về địa bàn xung yếu khắc phục hậu quả; rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. BĐBP Quảng Trị đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền và nhân dân các huyện miền núi khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, lực lượng quân y được tăng cường xuống các địa bàn xung yếu để tổ chức vệ sinh phòng dịch, khám cấp phát thuốc miễn phí, khử trùng tiêu độc nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực biên giới Việt Nam – Lào.
PV-CTV
Theo Biên phòng
Người dân Hà Tĩnh hối hả thu hoạch lúa trong lũ
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước khiến người dân phải hối hả tập trung thu hoạch hết diện tích lúa còn lại, hạn chế tối đa thiệt hại của lũ lụt.
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm 19h ngày 04/9/2019, về lúa và hoa màu có 2.855,5 ha lúa bị ngập úng gồm, huyện Hương Sơn: 152 ha; Vũ Quang: 25 ha; Can Lộc: 684 ha; Cẩm Xuyên: 878,5 ha; Hương Khê: 900ha, Thạch Hà: 97 ha, TX Hồng Lĩnh 119 ha; Hoa màu có 269,5 ha bị ngập úng, gồm Hương Sơn: 21ha; Vũ Quang: 1,5 ha; Hương Khê: 175ha, Thạch Hà: 72 ha. Ngoài ra còn có 1.330 ha bưởi trên địa bàn huyện Hương Khê đã đến thời kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng, 540 vườn hộ tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên bị ngập cục bộ.
Hơn 100 đoàn viên thanh niên huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giúp bà con thôn 5, thôn 6 ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân thu hoạch diện tích lúa còn lại.
Về tình hình ngập úng, đến 5h ngày 05/9/2019 trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có 27 xã bị ngập, trong đó: huyện Hương Khê có 18 xã (07 xã bị ngập sâu: Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Gia Phố); huyện Hương Sơn 06 xã (Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Phú, Sơn Bình; huyện Vũ Quang 02 xã bị ngập (Đức Giang, Đức Bồng); huyện Can Lộc 01 xã Song Lộc.
Hiện tại, ở Hà Tĩnh có 1 người chết đuối tại hồ Bình Sơn, thị trấn Hương Khê (ông Lê Văn Bân, 55 tuổi, xóm Vĩnh Giang, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê). Về vụ việc 09 người dân tộc Chứt của Bản Rào Tre vào rừng lấy lá nón từ ngày 02/9, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, chiều 03/9 có 01 người dân đã về (anh Hồ Văn Cương) và cho biết số người còn lại đang trú ẩn an toàn tại các lán trại trên núi.
Người dân phải hối hả tập trung thu hoạch hết diện tích lúa còn lại, hạn chế tối đa thiệt hại của lũ lụt.
Ngày 5/9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra tiến độ thu hoạch vụ hè thu và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt ở một số địa phương.
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể chỉ đạo, phối hợp cùng nhân dân tập trung thu hoạch diện tích lúa còn lại; phối hợp với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người dân sấy, hông và tiêu thụ lúa.
Theo tinh thần chỉ đạo của ông Lê Đình Sơn là: "Phải tập trung thu hoạch hết diện tích lúa còn lại, hạn chế tối đa thiệt hại của lũ lụt".
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt ở các địa phương bị ngập nặng
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng yêu cầu chính quyền các huyện bên cạnh tập trung chỉ đạo thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại, cần xem xét, tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX dịch vụ sấy lúa để liên kết, hỗ trợ nông dân chế biến, bảo quản lúa sau thu hoạch. Đồng thời, phải theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để hướng dẫn người dân chủ động các phương án bảo vệ tài sản, hạn chế tối thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trần Phong
Theo CLO
Sát cánh cùng nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong những ngày đầu tháng 9, các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to kéo dài, gây ngập lụt ở nhiều nơi. BĐBP các tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện, sát cánh cùng chính quyền, nhân dân địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên...