Sẵn sàng các phương án tàu xe cho người dân trở lại làm việc sau Tết
Ngày 9/2 (ngày mùng 5 âm lịch) là ngày nghỉ thứ 8 trong trong đợt nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 9 ngày, vì thế nhiều người dân đã tranh thủ trở lại các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TPHCM.
Theo ghi nhận của phóng viên chiều tối 9/2, tuyến Quốc lộ 1 và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vành đai 3 trên cao thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ, vì vậy mà lực lượng chức năng đã phải khuyến cáo người dân nên lựa chọn tuyến đường đi khác để tránh phải chờ đợi lâu.
Tuyến Quốc lộ 1 và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vành đai 3 trên cao thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ. Ảnh minh họa: TTXVN
Trao đổi với phóng viên chiều 9/2, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, các phương tiện vẫn đang di chuyển bình thường nhưng tốc độ chậm do lượng xe đổ về Hà Nội từ khu vực phía Nam rất lớn.
“Hiện tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra ở khu vực Km185 kéo dài đến nút giao Pháp Vân theo chiều Cầu Giẽ – Pháp Vân, do khu vực nút giao Pháp Vân bị quá tải, không đáp ứng năng lực lưu thông của các phương tiện. Còn lại, trên toàn tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường. Do đó, ngày hôm nay, chủ đầu tư chưa phải xả trạm”, ông Vũ Ngọc Oánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, theo báo cáo của các bên thì lượng khách dồn về các bến chiều tối nay chỉ tương đương với những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, công ty đã chỉ đạo các bến tăng cường nhân lực, vật lực sẵn sàng phục vụ lượng khách về bến, đặc biệt là ngày nghỉ cuối cùng của đợt nghỉ Tết này vào ngày 10/2.
Tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay, lượng khách chiều tối 9/2 về bến tăng khoảng 20- 25% so với ngày thường, tương đương khoảng 17.000-20.000 lượt khách. Dự kiến ngày 10/2, lượng khách sẽ về bến nhiều hơn. Bến đã chuẩn bị chu đáo phục vụ bà con trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết dài.
“Đối với các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến, lãnh đạo bến đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cam kết tăng cường xe trên tuyến đồng thời đề nghị các Sở Giao thông Vận tải các địa phương phối hợp điều động xe các tuyến ít khách để tăng cường cho tuyến cao điểm…”, ông Nguyễn Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình thông tin, từ chiều ngày hôm qua đến chiều tối 9/2, lượng khách đổ về bến xe Mỹ Đình đã bắt đầu tăng, dự kiến ngày mai sẽ là ngày cao điểm. Chủ yếu các tuyến sẽ tăng mạnh là Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ…
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Thanh tra giao thông Hà Nội cho biết, dự báo áp lực đổ dồn về các tuyến đường phía Nam như Quốc lộ 1, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ từ hôm nay (9/2) và ngày mai 10/2 rất lớn. Để đảm bảo cho người dân đi lại được thuận lợi, các lực lượng thanh tra giao thông vận tải phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, đội thanh niên tình nguyện được huy động 100% quân số, chia thành nhiều chốt trực đảm bảo an toàn cho người dân trở lại Thủ đô sau Tết.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, để đảm bảo hành khách đi lại thuận tiện bằng xe buýt, Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt bố trí xe đảm bảo số lượng và chất lượng tham gia hoạt động trên các tuyến. Cùng với đó, xe buýt cũng được bố trí xe tăng cường phục vụ hành khách tại các bến xe, khu vực nhà ga, các tuyến đường qua khu vực vui chơi…
Còn tại Ga Hà Nội, các đơn vị liên quan sẵn sàng cho kế hoạch đón hành khách tập trung trở lại Thủ đô sau Tết cũng như phục vụ hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam sau Tết. Theo dự kiến của ga Hà Nội, trong 2 ngày 9, 10/2 , trung bình mỗi ngày có khoảng 10.0000 lượt khách/ngày đến ga Hà Nội. Chủ yếu khách đến ga Hà Nội những ngày này từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định….
Đại diện lãnh đạo Chi nhánh vận tải đường sắt Hà Nội thông tin, hàng ngày sẽ có 10 đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam. Thông thường những ngày này các toa tầu đều đầy khách và khách cũng lên rải rác tại các ga.
Theo ông Hà Quốc Hùng, Trưởng ga Hà Nội, vấn đề đảm bảo trật tự an ninh tại khu vực nhà ga đã được tăng cường tối đa từ các lực lượng phối hợp nhằm không để xảy ra các vụ việc phức tạp, đảm bảo phục vụ người dân trở về sau Tết an toàn, thuận lợi nhất.
Trong lĩnh vực hàng không, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cùng với Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất luôn là những điểm nóng trước và sau Tết Nguyên đán. Trao đổi với phóng viên, đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho hay, trong những ngày qua đặc biệt là ngày hôm nay lượng khách từ Nội Bài đi các tỉnh phía Nam tăng cao, dự kiến ngày 10/2 sẽ tăng đỉnh điểm. Về phía cảng đã có sự chuẩn bị để phục vụ chu đáo người dân.
Đại diện một Hãng hàng không thông tin, để phục vụ người dân trở lại làm việc, Hãng đã tăng cường thêm chuyến, đặc biệt là tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.
Để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và sở Giao thông Vận tải các địa phương tăng cường công tác này.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký cho biết, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong những ngày nghỉ Tết còn lại và lễ hội Xuân năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí.
Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải quản lý hoạt động của phương tiện về: tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các vi phạm theo quy định.
“Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam phải chỉ đạo các cảng vụ triển khai các biện pháp an toàn; trong đó, phải chú trọng kiểm tra các phương tiện chở khách, đặc biệt là phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu ngành đường sắt tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra…
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định về an toàn, an ninh hàng không; Cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại đảm bảo đúng lịch trình, hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay lớn; chỉ đạo các hãng hàng không giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm hủy chuyến trong các ngày cao điểm sau Tết Nguyên đán 2019./.
Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Theo BNEWS.VN
Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài chưa từng thấy, trạm thu phí phải xả
Từ chiều tối hôm qua, 8/2, lượng phương tiện dồn về cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ quá lớn, gây ùn tắc kéo dài chưa từng có dù mới là chiều mùng 4 Tết Nguyên đán.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, do lượng phương tiện dồn về quá lớn, chủ đầu tư buộc phải xả trạm thu phí Thường Tín theo hướng Hà Nam - Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để tránh ùn tắc.
"Chưa bao giờ lượng phương tiện dồn về khu vực trạm thu phí Thường Tín lớn như chiều 8/2. Để tránh ùn tắc, chúng tôi buộc xả trạm trong 30 phút, từ 17h20 đến 17h50. Sau đó, tình hình lưu thông đã trở lại bình thường"- ông Oánh thông tin.
Tối ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ ùn tắc nghiêm trọng chưa từng có, chủ đầu tư buộc phải xả trạm
Đáng nói, vào chiều tối qua, tình trạng ùn ứ xảy ra trên cả hai chiều, kéo dài từ Km182 - Km186 do khu vực nút giao Pháp Vân (không thuộc phạm vi dự án) bị quá tải.
Nhiều lái xe cho biết, họ bị ùn tắc tại khu vực trạm thu phí Thường Tín khoảng 5 giờ. "Tôi phải nhích xe từng centimet. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới đến được trạm thu phí Thường Tín, và khi qua được trạm thì vẫn tiếp tục ùn tắc. Và đến gần 20h tối cùng ngày tôi mới về được đến trung tâm Hà Nội"- anh Nguyễn Đức Đạt, ở Vụ Bản, Nam Định chia sẻ.
Cũng theo ông Oánh, những ngày bình thường, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phục vụ khoảng 50.000 lượt xe/ngày đêm, tuy nhiên, trong những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, lượng xe tăng lên đột biến, khoảng trên 100.000 lượt xe/ngày đêm.
"Đặc biệt, ngày 2/2/2019 (ngày 28 Tết), lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã tăng lên mức kỷ lục 112.000 lượt xe/ngày đêm", ông Oánh chia sẻ và cho biết, sắp tới, chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng tiến hành đầu tư mở rộng nút giao Pháp Vân để giảm thiểu tình trạng ùn ứ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Về giải pháp chống ùn tắc trong hai ngày cuối nghỉ Tết Kỷ Hợi khi các phương tiện từ khu vực phía Nam đổ dồn về Hà Nội, ông Oánh cho hay: "Chúng tôi đã chủ động bố trí 100% quân số để tiến hành phân luồng tại chỗ, phân luồng từ xa và tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để đảm bảo giao thông trên tuyến".
Theo ANTD
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có xả trạm ngày thứ hai liên tiếp? Hiện ùn ứ vẫn xảy ra ở khu vực Km185 kéo dài đến nút giao Pháp Vân theo chiều Cầu Giẽ - Pháp Vân, do khu vực nút giao Pháp Vân bị quá tải... Chiều qua (8/2), do lượng xe đổ về quá lớn, trạm thu phí Thường Tín buộc phải xả trạm trong 30 phút để tránh ùn tắc kéo dài Chiều...