Sẵn sàng các phương án cung ứng điện khi nắng gay gắt
Theo ghi nhận của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong mấy ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung đã dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng kỷ lục.
Điện tiêu thụ tăng vọt
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ điện ngày 17.5 đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay – 683 triệu kWh, tăng 41 triệu kWh so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2017 (642 triệu kWh – ngày 9.8.2017). Đáng nói, mức tăng 41 triệu kWh tương đương với sản lượng tiêu thụ của TP.Hà Nội trong ngày có thời tiết bình thường.
Cùng với sản lượng điện tăng vọt, công suất đỉnh của hệ thống điện cũng đã vượt xa công suất đỉnh cao nhất của năm 2017. Cụ thể, ngày 18.5, công suất đỉnh hệ thống đạt 32.863 MW, tăng trên 2.000 MW so với công suất đỉnh năm 2017 (đạt 30.857 MW vào ngày 9.8.2017) – lượng công suất tăng thêm vượt cả công suất của toàn Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.
Các đơn vị trực thuộc EVN đang ứng trực 24/24h trong những ngày nắng nóng, nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, tin cậy cho khách hàng. Ảnh: Việt Hà
Ghi nhận của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), trong ngày 17.5.2018, sản lượng điện tiêu thụ tại 27 tỉnh miền Bắc do EVN NPC quản lý đã đạt 207,18 triệu kWh, tăng 13,44% so với cùng kỳ năm 2017 và là mức tiêu thụ điện cao nhất trong các ngày từ đầu năm đến nay. Các tỉnh có mức tiêu thụ điện cao trong ngày 17.5 là: Hải Phòng với 16,87 triệu kWh, Hải Dương 16,21 triệu kWh; Bắc Ninh với 20,92 triệu kWh. Các tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên là những tỉnh có mức tiêu thụ điện thấp, chưa đến 1 triệu kWh/ngày.
Trước những diễn biến của thời tiết đặc biệt là mùa nắng nóng, tất cả các công ty điện lực thuộc EVN NPC đã xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể để đảm bảo điện với nhiều giải pháp ứng phó kịp thời trong tình hình cực đoan của thời tiết.
Trước mùa nắng nóng, các đơn vị thuộc EVNNPC đã thực hiện việc kiểm tra các trạm biến áp, máy biến áp, lập kế hoạch khắc phục các khiếm khuyến trên lưới điện, thực hiện hoán chuyển, san tải, nâng công suất các trạm biến áp có khả năng đầy tải, quá tải trong mùa nắng nóng cũng như tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, kêu gọi khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và an toàn… Còn thời điểm hiện tại, trong trường hợp cần thiết, các đơn vị thuộc EVN NPC phải kịp thời triển khai các biện pháp san tải, hoán đổi máy biến áp để tăng cường khả năng cấp điện; bố trí tăng cường lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời cao từ 35 độ C để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng.
Video đang HOT
Bên cạnh việc đảm bảo công tác kỹ thuật và vận hành trong mùa nắng nóng, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong nhân dân với nhiều hình thức trực quan, hiệu quả cũng đang được triển khai mạnh mẽ để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến, mặt khác góp phần giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ, gây sự cố gián đoạn cung cấp điện.
Tổng đài chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc 19001769 luôn ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, giải đáp những ý kiến, phản hồi của khách hàng trong mọi tình huống, mọi thời điểm.
Huy động toàn lực đảm bảo cấp điện
Ngay từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4830 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, trong đó có dự kiến lịch huy động các nhà máy điện trong mùa khô và cả năm 2018.
Hàng tháng, Cục Điều tiết điện lực đều làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan để rà soát kế hoạch cung cấp điện tháng tiếp theo. Căn cứ vào tình hình cung cấp điện, Cục Điều tiết điện lực đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Công văn số 2530 chỉ đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí quốc gia Việt Nam, Than – Khoáng sản Việt Nam có các biện pháp theo dõi sát sao tăng trưởng của phụ tải điện, diễn biến thủy văn, đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí cho phát điện, đảm bảo độ sẵn sàng cho các nguồn điện… Theo đó, các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí, thậm chí cả nhiệt điện dầu cũng được sẵn sàng huy động ở mức độ tối đa để đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng năm nay.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cao điểm mùa nắng nóng 2018 sẽ còn tiếp diễn và kéo dài trong các tháng 6, 7. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng, dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện. Dự báo, năm 2018, nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh Bắc bộ có thể đạt mức 38-39 độ C, cá biệt một số nơi như Sơn La, Hòa Bình có thể xuất hiện nắng nóng 40 độ C. Tại miền Trung, nắng nóng có thể gay gắt hơn, cao nhất đạt 39-40 độ C, có nơi có thể xảy ra nhiệt độ quanh ngưỡng 41- 42 độ C.
Theo Danviet
Điện lực tiệm cận mô hình thương mại hiện đại
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội, đến năm 2020 sẽ có khoảng 85% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt...
Xu thế phát triển
Nếu vài năm trước, thanh toán không dùng tiền mặt tưởng như chỉ là khẩu hiệu khi người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng truyền thống "tiền trao cháo múc", đến nay hình thức thanh toán qua thẻ, tài khoản, ví điện tử phát triển không ngừng. Cùng với đó là sự ra đời của dịch vụ ngân hàng và các mô hình thương mại hiện đại.
Chị Minh Hà (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị thường sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán mỗi khi đi siêu thị hay du lịch. "Sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán vừa không phải lo lắng khi mang quá nhiều tiền mặt theo người vừa không sợ đánh rơi tiền" - chị Hà nhận xét.
Hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng phát triển góp phần giảm thời gian thanh toán, an toàn cho người sử dụng. Ảnh: V.H
"Tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch hằng năm đều đạt trên 30%. Thanh toán qua internet tăng 81% và qua điện thoại di động tăng gần 70%. Tỷ lệ rút tiền mặt giảm dần qua các năm, đến nay còn khoảng 10%...". Ông Phạm Tiến Dũng
Hiện việc sử dụng tài khoản ngân hàng đã trở thành thói quen của nhiều người, bởi xu hướng mua sắm hiện đại phát triển nhanh chóng. Nắm bắt xu thế và để tạo thuận lợi cho người dân, các ngân hàng đã đầu tư mạnh cho dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã phát hành sản phẩm dịch vụ Ví Việt, một loại hình ví điện tử giúp thanh toán, mua sắm, chuyển tiền... trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Ra mắt tháng 8.2016, đến nay Ví Việt đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác, thuộc lĩnh vực điện lực, cấp nước, viễn thông, giao thông, du lịch, tài chính, thương mại... với hàng trăm dịch vụ thanh toán online, khoảng 10.000 điểm chấp nhận thanh toán, hàng triệu lượt người sử dụng.
Tại Hà Nội, từ tháng 9.2016, Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVN HANOI) đã cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện linh hoạt nhằm tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí... cho khách hàng, như: Trích nợ tự động tài khoản, thanh toán qua internet banking, mobile banking, thanh toán qua 15 ngân hàng hợp tác với EVN HANOI.
Theo ông Lê Việt Hùng - Phó Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVN HANOI, hàng tháng đơn vị nhắn tin thông báo chỉ số điện, số tiền điện sử dụng cho khách hàng, còn ngân hàng tự động khấu trừ tài khoản của khách. Khách hàng cũng có thể thanh toán qua ATM hoặc qua các tổ chức trung gian thanh toán qua internet. Đến hết năm 2017, EVN HANOI đã dừng việc thu tiền điện tại hộ gia đình.
Cần tăng cường an ninh, bảo mật
Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số người sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Hà Nội, song lượng người sở hữu tài khoản, thẻ thanh toán ngân hàng khá lớn. Để đẩy mạnh hình thức thanh toán này, mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, toàn bộ các siêu thị đều lắp đặt cổng thanh toán POS, chấp nhận các loại thẻ ngân hàng phát hành. Lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần theo từng năm, hiện chiếm tỷ lệ 10% - 15%.
Theo đó, đến cuối năm 2020, 100% siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác. 85% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phù hợp với khu vực nông thôn, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán.
Trong số đó phải kể đến mục tiêu 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng vào cuối năm 2020, là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, trong xu thế sử dụng thẻ và các dịch vụ ngân hàng ngày càng rộng rãi, cộng với những ưu đãi mà các ngân hàng đưa ra, mục tiêu này không khó hoàn thành.
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020, thành phố giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hà Nội chỉ đạo đơn vị cung cấp dịch vụ kết hợp với ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu, như điện, nước, học phí, cước viễn thông, truyền hình... Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán; đầu tư hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động, thẻ thanh toán không tiếp xúc...
Ông Phạm TiếnDũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận định, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng là giải pháp để giảm tải cho việc rút tiền mặt tại các máy ATM. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, khách hàng khi sử dụng điện thoại thông minh có thể chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng mọi lúc.
Theo Danviet
EVN yêu cầu các thành viên đảm bảo điện trong dịp lễ 30.4 và 1.5 Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, cung cấp điện tin cậy trên cả nước trong những ngày nghỉ lễ này. Theo văn bản số 1642 vừa ban hành của Tập đoàn, các đơn vị ưu tiên đảm bảo điện tại những địa...