Sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi dịch Covid-19 lan rộng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 25-4 ghi nhận 10 ca mắc mới Covid-19 (người bệnh thứ 2.834 đến 2.843), đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Ca bệnh thứ 2.834 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh; các ca bệnh thứ 2.835, 2.836, 2.837, 2.838, 2.839, 2.840 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa; các ca bệnh thứ 2.841, 2.842 và 2.843 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Đoàn công tác do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguy cơ dịch Covid-19 lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề cao cảnh giác, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam Bộ. Mặc dù kiểm soát biên giới đường bộ đã làm tốt, nhưng kiểm soát biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này. Sau khi khảo sát tại Kiên Giang, Bộ Y tế đã đồng ý thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để có thể chủ động và tích cực ứng phó với dịch bệnh khi kịch bản xấu xảy ra.
Ngành Y tế cũng đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng… Tất cả kịch bản này đều được rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra. Bộ Y tế đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm Covid-19, càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh bấy nhiêu. Đồng thời huy động được sự tham gia của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chiều 25-4 cho biết, hiện có ba người bệnh (thứ 2.765, 2.781 và 2.815) đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có diễn biến tăng nặng nhanh. Điểm chung của những người này là trước khi mắc Covid-19, họ có thể trạng khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền kèm. Được biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất với các cơ sở điều trị cho người bệnh Covid-19, tất cả các ca bệnh có dấu hiệu khó thở, thở gắng sức đều phải coi là ca bệnh nặng để theo dõi và phòng ngừa kịp thời, hạn chế tình trạng bệnh nặng lên, gây khó khăn cho công tác điều trị. Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu khi có ca bệnh diễn biến phức tạp phải kết nối với Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19, để Hội đồng chuyên môn có sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh diễn biến nặng và nguy cơ tử vong.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 Nano Covax cho biết, tất cả tình nguyện viên tham gia giai đoạn hai tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax đều an toàn, không có phản ứng nặng sau tiêm. Trong giai đoạn hai, ở mũi thứ nhất có 560 người tiêm thử nghiệm; đến mũi thứ hai do bốn người có lý do khách quan nên rút khỏi danh sách tiêm, số người tiêm giảm còn 556 người. Các tình nguyện viên được chia làm bốn nhóm, tiêm ba mức liều 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg và giả dược. Cả ba mức liều đều sinh miễn dịch, trong đó mức liều 25 mcg được đánh giá có hiệu quả cao nhất. Nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo kết quả của giai đoạn hai lên Bộ Y tế và dự kiến vào ngày 27-4 sẽ trình Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế Kế hoạch triển khai tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax giai đoạn ba.
UBND tỉnh An Giang cho biết, đã có công văn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe…; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết…
Ngày 25-4, tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho chín nhóm đối tượng ưu tiên. Gần 50 người ở hai điểm tiêm mẫu là Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, các điểm tiêm đều được bố trí theo quy tắc một chiều, bảo đảm đúng các quy định. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, tất cả các trường hợp được tiêm vắc-xin đều không xuất hiện phản ứng nặng sau tiêm và được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe sau khi trở về nhà. Đợt này, Nam Định tiếp nhận 9.600 liều vắc-xin, tỉnh sẽ tổ chức tiêm tại 270 điểm trên toàn địa bàn, phấn đấu hoàn thành việc tiêm vắc-xin trước ngày 13-5.
Ngày 25-4, Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết đã có công văn gửi Bộ trưởng Y tế đề xuất phối hợp hỗ trợ 300 nghìn khẩu trang tiêu chuẩn N95 cho cán bộ y tế Cam-pu-chia chống dịch theo cam kết của Chính phủ Việt Nam. Công văn căn cứ từ chương trình phúc lợi đoàn viên của Công đoàn Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Diligo Holdings đã ký cho đoàn viên công đoàn và người lao động ngành y tế. Theo đó, Công ty cổ phần Diligo Holdings có công văn mong muốn góp phần cùng Chính phủ và Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam giúp đỡ cán bộ y tế và nhân dân Cam-pu-chia chống dịch 300 nghìn chiếc khẩu trang được sản xuất trong nước theo tiêu chuẩn châu Âu (tương đương với khẩu trang N95). Sự chung tay đồng hành của Công đoàn Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Diligo Holdings trong việc hỗ trợ khẩu trang chuyên dụng cho cán bộ y tế Cam-pu-chia đúng thời điểm này là nghĩa cử cao đẹp, hết sức có ý nghĩa, góp phần nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế của hai nước.
Các địa phương phải sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vaccine phòng Covid-19
"Không được phép để liều vaccine phòng Covid-19 nào phải hủy vì lý do không tổ chức tiêm. Địa phương nào không tổ chức tiêm, chúng tôi sẽ thu hồi vaccine và thông báo rộng rãi", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đây là ý kiến chỉ đạo của GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vaccine Covid-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố.
Video đang HOT
Chậm nhất đến ngày 5-5 phải kết thúc đợt tiêm chủng đầu tiên
GS, TS Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Việt Nam nỗ lực cố gắng có vaccine. Nguồn vaccine do COVAX Facility tài trợ là hơn 811 nghìn liều về Việt Nam ngày 1-4 đã được phân bổ cho các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-21 của Chính phủ.
Hiện nay, vaccine do COVAX Facility tài trợ đã về với các địa phương, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tiêm nhanh chóng kết thúc đợt tiêm chủng đầu tiên này trước ngày 5-5.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 15-4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và Bộ Y tế "không được phép để bất cứ liều vaccine nào phải huỷ do không tổ chức tiêm được". Do đó, các địa phương không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi vaccine và thông báo rộng rãi.
Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 theo đúng kế hoạch. Hiện nay chúng ta đã tiêm chủng cho hơn 73 nghìn người. Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Có thể thấy mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Không có bất kỳ trường hợp nào bị huyết khối sau tiêm tại Việt Nam. Dẫn chứng của Bộ Y tế cho biết đối với vaccine 5 trong 1 được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cũng có tỷ lệ phản ứng sau tiêm hơn 50%.
Thông tin tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng. Hôm qua (ngày 15-4), Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.
Hiện nay chúng ta có mạng lưới 1.500 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở ba miền bắc, trung, nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Với quan điểm "tiêm đến đâu an toàn đến đó" và bảo đảm an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm...
"Chúng ta đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao, tự tin xử lý tốt các trường hợp có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Tuy chúng ta nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do nào mà tiêm chậm 811 nghìn liều, các địa phương phải triển khai nhanh, không để liều nào không được tiêm khi hết hạn sử dụng do thời hạn sử dụng vaccine phòng Covid-19 của COVAX chỉ đến 31-5-2021 ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kết quả tiêm vaccine đợt 1 rất đáng khích lệ, các địa phương sớm triển khai kế hoạch tiêm chủng
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến ngày 14-4, 9/19 tỉnh thành phố kết thúc đợt tiêm 1 với kết quả đáng khích lệ.
Các địa phương Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu Gia Lai, Khánh Hòa, Đà Nẵng đã kết thúc tiêm, sử dụng tối đa hóa rất hiệu quả nguồn vaccine cung ứng. Các địa phương này tận dụng việc tiêm bảo đảm mũi tiêm đủ 0,5mm cho mỗi người được tiêm, số lượng được tiêm nhiều hơn số liều ghi trong lọ là 10 liều.
"Một lọ có 6,5 mm, tương đương với 13 liều vaccine, các địa phương này đã tiêm được 11-12 liều/lọ. Các anh, chị đã rất có trách nhiệm với số lượng vaccine đã được cung ứng và triển khai tiêm rất hiệu quả trong quá trình sử dụng vaccine", bà Hồng cho biết.
Có bốn tỉnh sử dụng tốt và tiêm được hơn 90% số vaccine được cấp là Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Bình Dương. Ba tỉnh có tỷ lệ sử dụng vaccine đợt 1 so với số vaccine được cấp từ 80-90% là Hải Phòng, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh.
Hiện còn ba tỉnh chưa đạt được kết quả tiêm chủng đúng tiến độ, trong đó có Đồng Tháp đã tiêm được 286 đối tượng tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngự, còn 100 liều dự kiến hoàn thành trong tuần này.
Hai tỉnh là Quảng Ninh, Hải Dương do cần phải phê duyệt kế hoạch, tổ chức thực hiện theo đợt nên số lượng vaccine còn hơn 50%. Hai địa phương này đang có kế hoạch triển khai trong tháng 4 và lồng ghép trong đợt tiêm vaccine thứ 2.
Bà Dương Thị Hồng nhận định, hầu hết các địa phương nhanh chóng triển khai kế hoạch tiêm vaccine. Nhưng do vaccine này mới nên một số địa phương còn thận trọng, dè dặt, ngắt quãng dẫn tới tiến độ chưa được như mong muốn.
Để triển khai tiêm vaccine đợt 2, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chuyển vaccine cho 28 tỉnh, thành phố miền bắc; chín tỉnh tại miền trung; bốn tỉnh tại Tây Nguyên; tám tỉnh tại miền nam (dự kiến cấp tiếp cho 12 tỉnh vào tuần thứ 3 tháng 4). Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để các địa phương sử dụng.
Hiện nay mới có 18 địa phương ban hành kế hoạch triển khai, huy động lực lượng địa phương bảo đảm tiến độ và an toàn tiêm chủng tiêm vaccine, 45 địa phương chưa ban hành kế hoạch. Bà Dương Thị Hồng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố này sớm triển khai kế hoạch và có chỉ đạo sát sao bảo đảm tiến độ tiêm chủng và bố trí kinh phí triển khai.
Tại một số địa phương tiến độ tiêm chưa đạt mong muốn, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương liên tục triển khai, giám sát, hướng dẫn các tuyến triển khai tiêm vaccine cuốn chiếu, không làm gián đoạn giữa các đợt tiêm... "Thời gian tới đây, số lượng vaccine đợt 2 nhiều hơn đợt 1 nên việc phối hợp giữa y tế dự phòng và hệ điều trị cần phải chặt chẽ, giám sát kịp thời sau tiêm chủng, xử trí sau tiêm chủng an toàn, tránh rủi ro đáng tiếc, đạt tỷ lệ tiêm chủng cao bền vững", bà Hồng nói.
Do nguồn cung toàn cầu còn hạn chế, khi nhận vaccine hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, chúng ta phải chấp nhận vaccine có hạn sử dụng ngắn. Đa số vaccine có hạn tối đa sáu tháng nhưng vừa rồi vacicne chúng ta nhận được chỉ dưới hai tháng nên các địa phương phải tăng cường chỉ đạo sát sao, khẩn trương, tăng khả năng điều phối giữa các tỉnh, huyện, xã sử dụng hiệu quả nguồn vaccine, để không phải hủy vaccine khi hết hạn mà còn sử dụng tối đa nguồn vaccine trong mỗi lọ.
"Chúng tôi nhận định vaccine Covid-19 mới, thông tin về an toàn tiêm chủng còn tiếp tục được cập nhật, đặc biệt phản ứng nặng sau tiêm chủng nên chúng ta cần có hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, tăng cường công tác truyền thông về an toàn vaccine, truyền thông đầy đủ về biến cố bất lợi của vaccine, tránh gây hoang mang. Chúng tôi tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao của các địa phương sẽ triển khai thành công chiến dịch đợt 2, thành công hơn đợt 1", bà Hồng nói.
Bộ trưởng Y tế: "Dịch chưa thể kết thúc trong năm 2021" "Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay được, thậm chí kể cả năm 2021. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác chống dịch, chuẩn bị kịch bản cho mọi tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là"... Bộ Y tế họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng...