Sản phụ chịu đau 15 tiếng sinh con ở nhà vì không dám tới bệnh viện
Một sản phụ ở Mexico đã chấp nhận chịu đựng những cơn đau đẻ suốt 15 tiếng đồng hồ để sinh con tại nhà vì không dám tới bệnh viện giữa thời điểm dịch bệnh.
Sau gần 15 tiếng đồng hồ chịu đựng những cơn đau đẻ, cô Karla Lopez Rangel nhận được lời cảnh báo “sắc lạnh” từ bà đỡ, “nếu cô không sinh đứa bé ngay bây giờ, chúng ta sẽ phải vào bệnh viện”.
Mặc dù đã mệt nhoài khi chịu những cơn đau liên hồi, nhưng cô Lopez hiểu rằng bệnh viện là nơi cuối cùng mà cô phải tới.
Sản phụ chịu đau 15 tiếng để sinh con ở nhà vì không dám tới bệnh viện giữa dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Vào những ngày cuối tháng 5, khoảng thời gian dự sinh của cô Lopez, số ca mắc Covid-19 tại thành phố Mexico City vẫn tăng nhanh, trong khi hàng chục cơ ở y tế đã chật cứng bệnh nhân. Thậm chí, hơn 30 nhân viên y tế của thành phố cũng đã qua đời sau khi mắc Covid-19.
Trong những tuần gần tới ngày sinh con, cô Lopez và chồng là anh Miguel Flores Torres lại càng trở nên lo lắng. Bởi Iztapalapa, khu vực mà tầng lớp lao động như vợ chồng cô Lopez đang sinh sống, chính là tâm dịch Covid-19 ở Mexico.
Điển hình, vào đầu tháng Năm, Iztapalapa là khu vực có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước. Những nghĩa trang gần Iztapalapa phải hoạt động 24 giờ/ngày để tiếp nhận thi hài bệnh nhân qua đời vì dịch bệnh.
Khi dịch bệnh bùng phát và gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mexico cũng là lúc anh Flores tạm thời mất việc làm. Những bệnh viện mà vợ chồng anh Flores có thể chi trả viện phí cũng đã bắt đầu tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Do đó, họ rất sợ tới bệnh viện bởi nguy cơ lây bệnh.
Càng gần tới ngày dự sinh, vợ chồng anh Flores đã đưa ra quyết định là lựa chọn sinh con ở nhà thay vì tới bệnh viện.
“Tôi nghĩ chuyện này quá nhiều rủi ro. Tôi khiếp sợ không biết chuyện gì có thể xảy ra nếu tôi nhập viện”, Reuters dẫn lời cô Lopez.
Cuối cùng, cặp vợ chồng 24 tuổi đã chuyển tới sinh sống trong một căn hộ nhỏ ở gần thành phố Mexico City, nơi mới chỉ có vài ca mắc Covid-19. Họ đã thuê bà đỡ từng có kinh nghiệm giúp các sản phụ sinh con tại nhà và tới siêu thị mua đồ dùng cần thiết phục vụ quá trình lâm bồn.
Việc sinh con tại nhà là điều bất thường tại Mexico, bởi dữ liệu từ chính phủ nước này cho thấy 90% ca sinh nở đều được thực hiện ở bệnh viện.
Điều mà cô Lopez không thể chuẩn bị và đoán trước được đó là mức độ khủng khiếp của những cơn đau đẻ. Do trong lần sinh con đầu tiên tại bệnh viện, cô Lopez đã được các y bác sĩ chăm sóc và tiêm thuốc nên cơn đau giảm đi rất nhiều. Do đó, đây thực sự là thử thách lớn với người mẹ trẻ.
Video đang HOT
Sau khi bị bà đỡ dọa đưa vào bệnh viện, cô Lopez đã dùng hết sức lực để rặn và thành công sinh con trai thứ hai.
“Tôi đã dùng mọi sức lực còn lại để rặn”, cô Lopez nhớ lại.
Kết quả, cậu con trai kháu khỉnh thứ hai nặng 3,4 kg của cô Lopez đã chào đời trong niềm vui của cả gia đình vào lúc hơn 5h30′ sáng.
Với số ca mắc Covid-19 vẫn tăng theo ngày tại Mexico, cô Lopez và chồng đã làm hết sức có thể để tránh cho các thành viên trong gia đình không bị lây bệnh. Song họ vẫn hy vọng có thể sớm tới chơi ở công viên và sở thú một khi lệnh cách giãn xã hội được gỡ bỏ.
“Chúng tôi muốn bọn trẻ được tận hưởng sự tự do nhất là khi chúng vẫn còn rất nhỏ”, cô Lopez chia sẻ.
Một số hình ảnh về quá trình sinh con tại nhà của cô Lopez:
7 sai lầm khi sinh con khiến mẹ đau đớn, mất sức, em bé lại khó ra
Khi bị cơn đau đẻ hành hạ, mẹ sẽ chỉ muốn hét to hay nhắm tịt mắt lại nhưng thực tế đây đều là hành động sai lầm.
Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, người mẹ sẽ bước sang giai đoạn cuối cùng là chuyển dạ và sinh con. Đây có lẽ là nỗi sợ hãi đối với nhiều mẹ bầu vì "truyền thuyết" đẻ con đau như gãy xương sườn hay không đau gì bằng đau đẻ.
Trên thực tế, mẹ hoàn toàn có thể giảm bớt đau đớn cho bản thân, rút ngắn thời gian sinh nở bằng cách tìm hiểu kĩ càng quá trình sinh con, kĩ thuật thở và rặn khi sinh. Rặn sinh và thở đúng cách sẽ giúp cho cuộc sinh nở của người mẹ diễn ra nhanh chóng hơn, đỡ mất sức và tránh được các biến chứng sinh như băng huyết sau sinh, tổn thương đến vùng kín,...
Trong quá trình sinh nở, mẹ bầu nên bình tĩnh, tự tin, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và tránh mắc 7 sai lầm dưới đây kẻo sẽ càng đau đớn, mất sức hơn.
1. La hét, khóc lóc
La hét hay khóc lóc là phản ứng sinh lý bình thường khi cơ thể phải chịu cơn đau. Tuy nhiên, vì cơn đau đẻ sẽ đến từ từ, tăng dần cấp độ nên mẹ hãy cố gắng làm quen, bình tĩnh, tránh việc la hét vì nó sẽ làm mẹ mất sức, gián đoạn nhịp thở và còn gây mất tập trung cho các y bác sĩ.
Mẹ la hét, khóc lóc khi sinh sẽ càng thêm mất sức.
2. Nhắm mắt
Nhiều mẹ cho rằng việc nhắm mắt sẽ giúp mình bình tĩnh hơn và dễ tập trung hơn vào nhịp thở để rặn sinh. Tuy nhiên, nếu nhắm mắt khi sinh con, mẹ sẽ dễ bị chóng mặt và không theo dõi được hướng dẫn của bác sĩ.
3. Dùng sức khi không có cơn co
Cơn co tử cung luôn mang tính chất chu kỳ. Khi cổ tử cung đã mở hết và em bé sẵn sàng ra ngoài thì số lượng cơn co trung bình sẽ là 3 cơn/10 phút.
Khi cơn co đến, mẹ sẽ có cảm giác đau đớn, bụng cứng lên, sau đó cảm giác đau sẽ giảm dần. Đó là khoảng thời gian cho mẹ tạm nghỉ và hồi sức. Mẹ cần theo dõi cơn co để chọn thời điểm rặn sinh chính xác, tránh dùng sức rặn khi đang vào khoảng nghỉ thì sẽ chỉ thêm mệt mà không có hiệu quả.
4. Rặn quá mạnh
Khi tử cung co vào cực mạnh là lúc mẹ cần rặn để bồi thêm lực giúp đẩy em bé ra ngoài. Nhưng mẹ cần chú ý là chọn thời điểm rặn chính xác quan trọng hơn nhiều so với lực rặn. Rặn sinh quá mạnh có thể làm tổn thương vùng kín, siết chặt cơ vùng chậu làm ảnh hưởng đến em bé.
5. Nằm bẹp xuống giường
Nằm thẳng lưng trên giường khi chuyển dạ sẽ chỉ làm cho mẹ thêm đau đớn và em bé khó ra hơn. Vì vậy khi rặn sinh, mẹ nên ngẩng đầu, cuộn người lại, đầu gối co lên và mở rộng hai chân. Ngoài ra, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về tư thế quỳ gối khi sinh con cũng rất hiệu quả.
Khi sinh nở, việc mẹ nằm bẹp thẳng lưng xuống giường sẽ khiến bé khó ra hơn.
6. Nín thở
Khi rặn sinh, nhiều mẹ có xu hướng nín thở để lấy thêm lực. Tuy nhiên thực tế, việc mẹ nín thở rất nguy hiểm vì nó làm gián đoạn oxy cung cấp tới thai nhi. Do đó, thay vì nín thở, mẹ hãy hít sâu, thở mạnh theo đúng nhịp hướng dẫn của bác sĩ.
7. Tập trung lực lên mặt
Khi sinh con, mẹ cần tập trung lực vào phần dưới của cơ thể để siết cơ sàn chậu lại chứ không phải tạo lực lên mắt, mặt. Nhiều trường hợp mẹ rặn đẻ sai cách, tập trung lực lên mặt, mắt dẫn đến tình trạng vỡ mạch máu, xuất huyết và tạo cục máu đông ở mắt.
Bị bọ ve cắn, 13 năm sau, người phụ nữ này vẫn phải vật lộn với căn bệnh mà ngay cả bác sĩ cũng chẩn đoán nhầm Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh Lyme có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng. Stephanie Buice, 41 tuổi trong một lần tình cờ đã bị bọ ve cắn khi cô đang thu hoạch trái cây. Sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận định cô không mắc bệnh và hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, mọi...