Sản phụ bị vỡ gan tự phát được cứu sống ngoạn mục
Mắc hội chứng HELLP khi đang mang thai ở tuần 35, sau đó sản phụ lại bị vỡ gan tự phát khiến tính mạng của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (30 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Các thầy thuốc tặng hoa chúc mừng chị Tâm đã khỏe mạnh và trở về với gia đình
Nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực hết mình của các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, chị Tâm đã được cứu sống trong niềm vui vỡ òa của gia đình và các thầy thuốc.
Chia sẻ về hành trình gần 100 ngày cấp cứu, giành giật sự sống cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh Tâm, PGS.TS Nguyễn Văn Chi – Phụ trách Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngày 13/4/2020, trong bối cảnh Bệnh viện Bạch Mai vừa được dỡ lệnh cách ly vì đại dịch Covid-19, Khoa Cấp cứu A9 nhận được đề nghị hỗ trợ của Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc về sản phụ 30 tuổi, sinh con lần thứ 3 với chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, vỡ gan, suy đa tạng sau phẫu thuật lấy thai. Ngay lập tức, kíp cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai được nhấn nút, sẵn sàng đón sản phụ từ cổng viện.
PGS.TS Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc Bệnh viện
Nhiễm độc thai nghén nặng và có biểu hiện của hội chứng HELLP là một biến chứng khá thường gặp trong sản khoa nhưng vỡ gan tự phát trong hội chứng này là vô cùng hiếm gặp, mỗi năm thế giới cũng chỉ ghi nhận vài chục ca. Quá trình điều trị cho bệnh nhân vô cùng khó khăn do bệnh nhân mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy gan nặng, tiếp tục chảy máu. Cuộc chiến với bệnh nhân này kéo dài trong nhiều tuần, liên tục giải quyết câu chuyện suy gan và hội chứng suy tế bào gan, rối loạn đông máu, suy các phủ tạng khác…
Hành trình 100 ngày đưa bệnh nhân trở về từ cửa tử
Ngày 13/04, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, vào viện Sản nhi Vĩnh Phúc, chẩn đoán: suy thai – tiền sản giật, được mổ lấy thai. Sau mổ, bệnh nhân mất máu nhiều, tụt huyết áp, tiến hành mổ lại thấy vỡ gan, đờ tử cung, được tiến hành cắt tử cung bán phần, nhét gạc cầm máu nhu mô gan, chuyển Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc mất máu – chảy máu ổ bụng – rối loạn đông máu – suy gan cấp, được tiến hành hồi sức tích cực, mổ lại đốt cầm máu diện gan vỡ, chèn gạc cầm máu. Sau mổ bệnh nhân vẫn tiếp tục chảy máu nhiều qua sonde dẫn lưu ổ bụng. Tất cả các chế phẩm máu truyền vào lúc này đều không có hiệu quả.
Trước tình huống nguy kịch, ngay trong buổi tối ngày 14/04/2020, bệnh nhân được hội chẩn do PGS.TS Nguyễn Văn Chi – Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chủ trì kết luận: Chảy máu trong ổ bụng do vỡ gan – Hội chứng HELLP – sau mổ đẻ thai 35 tuần, chỉ định truyền các chế phẩm máu, chụp DSA xét can thiệp nút mạch để giải quyết tình trạng chảy máu trước.
Hồi 19h30 ngày 14/4/2020, bệnh nhân được nút mạch cầm máu các nhánh hạ phân thùy gan IV, V. Sau can thiệp, bệnh nhân còn tình trạng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng. Tiếp tục được hồi sức tích cực, điều chỉnh tình trạng mất máu, rối loạn đông máu bằng truyền chế phẩm máu, thay huyết tương, lọc máu liên tục 5 lần. Tình trạng sốc, rối loạn đông máu – suy đa tạng bệnh nhân cải thiện. Ổ máu tụ dưới bao gan áp xe hóa kích thước 11×4 cm, cấy dịch ổ áp xe ra klebsiella pneumonia (một loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh cơ hội). Bệnh nhân được tiến hành chọc dẫn lưu ổ áp xe dưới hướng dẫn siêu âm nhiều lần, ra ít dịch, ổ áp xe không cải thiện kích thước.
10h ngày 17/06, bệnh nhân được hội chẩn toàn viện do TS. Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, huyết học, điện quang, sản khoa… đã thống nhất kết luận: Ổ áp xe gan tồn dư, chỉ định phẫu thuật làm sạch ổ áp xe. Ngày 22/06, bệnh nhân được mổ làm sạch ổ áp xe, đặt 2 dẫn lưu vào ổ áp xe. Tình trạng nhiễm trùng cải thiện, ổ áp xe thu nhỏ. Sau 3 tháng điều trị tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng sức khỏe bệnh nhân Tâm hiện tại ổn định và được ra viện ngày 29/7/2020.
Mặc dù Bệnh viện Bạch Mai vừa trải qua giai đoạn cách ly vô cùng khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, sự quyết tâm cao nhất của tập thể các thầy thuốc, bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm đã hồi phục một cách ngoạn mục và trở về với gia đình thân yêu của mình sau gần 100 ngày điều trị.
PGS.TS Đào Xuân Cơ và PGS.TS Nguyễn Văn Chi tặng hoa chúc mừng bệnh nhân
Hồi sinh nhờ sự chung tay của cộng đồng
Mắc bệnh nặng, hiểm nghèo mà hoàn cảnh gia đình bệnh nhân lại vô cùng khó khăn. Số tiền quá lớn, vượt quá khả năng chi trả với gia đình thuần nông. Nắm được thông tin đó, Phòng Công tác xã hội đã luôn quan tâm, động viên gia đình, không chỉ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân mà còn động viên gia đình yên tâm điều trị. Tổng số tiền kêu gọi được lên tới 230.400.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu, bốn trăm nghìn đồng) đã giúp gia đình chị Tâm trang trải viện phí và an tâm điều trị.
Trong đó: Ngày 18/4/20, anh Tuấn – Hội Sim thẻ Việt Nam ủng hộ 15 triệu; Ngày 19/4/20, Nhóm Bồ Đề Tâm ủng hộ 9,4 triệu; Ngày 20/4/20, chị Hằng ở Lò Đúc ủng hộ 5 triệu qua chuyển khoản bệnh viện; Ngày 26/4/20, CLB thiện nguyện xanh Phúc Yên ở Vĩnh Phúc đã trao 40 triệu đồng và CLB Cầu nối trái tim ở Thanh Trì ủng hộ 51,5 triệu; Ngày 04/5/20, Tập thể lớp học A8 Trường THPT Bán công Triệu Thái ở Vĩnh Phúc ủng hộ 32,5 triệu. Phòng CTXH đã kết nối với Công ty TNHH Jah Was ViNa là công ty bệnh nhân làm việc kêu gọi công đoàn, công ty, đồng nghiệp ủng hộ một ngày lương tổng hỗ trợ 77 triệu đồng trao ngày 08/6/20.
Đánh giá về ca bệnh này, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đây là ca bệnh khó, hiếm gặp, tiên lượng nặng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Thành công này thể hiện sự phối hợp ăn ý, tinh thần trách nhiệm cao nhất của các thầy thuốc Khoa Cấp cứu, Khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Gây mê hồi sức, Trung tâm Điện quang, Huyết học cùng sự chia sẻ của cộng đồng, các nhà hảo tâm thông qua sự kết nối của Phòng Công tác xã hội. Sự tậm tâm hết mình vì người bệnh của các thầy thuốc và sự chung tay của cộng đồng đã giúp bệnh nhân hồi sinh, trở về bên gia đình thân yêu. Đây cũng là minh chứng cho thế mạnh nổi bật của Bệnh viện Bạch Mai là một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt tuyến cuối với nhiều chuyên gia hàng đầu để cứu chữa những ca bệnh nặng và hiếm gặp.
Chia sẻ niềm vui và hạnh phúc khi được cứu sống và trở về gặp lại các con, chị Tâm cho biết: “Với tôi, đây đúng là một giấc mơ và tôi như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài”. Chị Tâm gửi lời cảm ơn đến các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã không quản ngại khó khăn, bằng tất cả tài năng, trí tuệ của người thầy thuốc để cứu sống chị và con gái. Vợ chồng chị cũng gửi lời cảm ơn đến Phòng Công tác xã hội, các nhà hảo tâm đã chung tay, giúp đỡ, chia sẻ yêu thương để gia đình chị vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.
Sản phụ ngừng tim 120 phút được cứu sống diệu kỳ hiện giờ ra sao?
Trở về nhà sau 21 ngày nằm viện, chị Tân ôm chặt đứa con gái bé bỏng, phải xa mẹ ngay khi chào đời, thiếu giọt sữa ấm nồng của mẹ...
Lần đầu tiên trở lại khám ở Bệnh viện Bạch Mai sau 1 tháng ra viện, chị Hoàng Thị Tân (30 tuổi, Hà Nội) không khỏi lo lắng, dù chị đã hoàn toàn bình thường sau cơn bạo bệnh tưởng chừng không thể gặp lại các con và gia đình, đặc biệt là đứa con vừa chào đời.
Không chỉ lo lắng, thậm chí chị còn cảm thấy sợ bởi đầu tháng 4, chị là "nhân vật chính" trong câu chuyện cổ tích "sản phụ hồi phục kỳ diệu sau 2 lần ngừng tim, lâu nhất là 120 phút" tại chính Bệnh viện Bạch Mai - nơi khi đó đang bị cách ly toàn diện vì dịch COVID-19.
Nhớ lại những ngày tháng điều trị tại bệnh viện đặc biệt ấy, chị Tân nói "mừng không tả được" khi chị được như bây giờ.
Hình ảnh mới nhất của mẹ con chị Tân. Ảnh: GĐCC
Hôm 24/4, sau khi ra viện, chị trở về nhà và lần đầu được gặp, được ôm đứa con gái bé bỏng vừa chào đời trước đó đúng 3 tuần. Đúng ngày sinh con, chị gặp tai biến kinh hoàng, phải đi cấp cứu, không kịp gặp con.
Dù ngay khi tỉnh lại ở bệnh viện, chị được gia đình cho xem ảnh của con, được gọi video để nhìn mặt em bé, nhưng khoảnh khắc được ôm đứa con nhiều thiệt thòi, chị khóc không ngừng. "21 ngày trời đằng đẵng, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ trải qua khoảng thời gian như thế..." - chị Tân xúc động. Từ khi được về gần con, chị ôm con nhiều hơn, như muốn bù đắp cho cô con gái nhỏ...
Em bé phải uống sữa ngoài vì mẹ không có sữa, dù thiếu hơi ấm của mẹ ngay lúc vừa sinh ra nhưng em được ông bà hai bên chăm bẵm. Sau 2 tháng, em bé đã tăng được 2 cân, bụ bẫm, xinh xắn. "Mình ra viện, về nhà được gia đình tẩm bổ, cũng tăng cân rồi" - chị Tân vui mừng "khoe".
Những dòng chữ trên báo sau này tỉnh lại chị đọc được: "Chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng sau phẫu thuật cắt tử cung do rau bong non chưa loại trừ tắc mạch ối, đặc biệt 2 lần ngừng tim", khiến chị chỉ biết cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn cuộc đời, bởi rất hiếm những người ngừng tim lâu như vậy có thể hồi sinh mạnh mẽ, thậm chí không hề bị thương tổn não như chị.
Sản phụ Tân tỉnh táo và gặp lại chồng sau 5 ngày cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chiến đấu với tử thần. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
"Hôm về quê, nhiều người biết chuyện đến hỏi thăm gia đình liên tục. Ra đường, cũng nhiều người nhận ra, hỏi thăm nhiều" - người phụ nữ 30 tuổi là công nhân công ty mô hình nói về những điều khác lạ trong cuộc đời chị.
"Phải sống thật tốt, thật khoẻ mạnh để xứng đáng với những nỗ lực tuyệt vời của các bác sĩ - những người đã sinh ra tôi lần nữa" - chị xúc động.
Chia sẻ về hành trình 21 ngày cấp cứu, giành giật sự sống cho sản phụ Hoàng Thị Tân, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Trưa 3/4, trong bối cảnh Bệnh viện Bạch Mai đang bị cách ly vì đại dịch COVID-19, khoa Cấp cứu nhận được yêu cầu hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) về sản phụ 30 tuổi, sinh con lần thứ 3 với chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng sau phẫu thuật cắt tử cung do rau bong non chưa loại trừ tắc mạch ối.
Bác sĩ Bạch Mai ép tim cho sản phụ trên đường vào khoa Cấp cứu.
Kíp cấp cứu của khoa đã sẵn sàng đón bệnh nhân nặng tại vùng đệm của bệnh viện. Khi tiếp nhận, bệnh nhân đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được ép tim cấp cứu ngay trên cáng, dưới trời mưa tầm tã, chuyển vào khu can thiệp kỹ thuật cao, được hồi sức bằng những kỹ thuật hiện đại nhất.
Sau khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Đến 16h20 cùng ngày, bệnh nhân ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục thay nhau thực hiện ép tim. Sau 60 phút ép liên tục, trái tim của sản phụ Tân vẫn không có nhịp.
Với sự quyết tâm còn nước còn tát, các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành, sau hơn 120 phút ép tim liên tục, bằng sự kiên trì và quyết tâm của kíp cấp cứu A9, sản phụ Tân tái lập tuần hoàn.
Tuy nhiên, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn rất bấp bênh, nguy cơ tử vong rất cao, mặc dù đã tiến hành các biện pháp hồi sức hiện đại.
Chị Tân ngày ra viện, tặng hoa cho PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai
Tiếp tục 24 giờ điều trị tích cực, tình trạng huyết động của bệnh nhân dần ổn định, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần sự hỗ trợ của máy thở, tiếp tục truyền máu.
Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần. Sau 72 giờ, huyết động bệnh nhân đã ổn định hơn. Điều đáng mừng là sau thời gian dài ngừng tim nhưng các dấu hiệu về tri giác của bệnh nhân có biểu hiện phục hồi.
Đến chiều 7/4, sau khi đã ngừng tất cả các thuốc an thần, sản phụ Tân đã hoàn toàn tỉnh táo mà không cần đến các máy hỗ trợ hô hấp và một số thiết bị chuyên sâu hỗ trợ tuần hoàn. Bệnh nhân đã được gặp lại chồng sau 5 ngày thập tử nhất sinh, 2 lần chạm lưỡi hái tử thần.
Sản phụ gặp lại chồng sau cơn nguy kịch Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, Hoàng Thị Tân nhận ra chồng bên cạnh. Anh đang nắm tay chị, nước mắt lăn trên mặt. Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, 2h sáng yên ắng. Chỉ có Tân, 30 tuổi, chồng là Hoàng Văn Toàn và một bác sĩ đứng bên cạnh. Thấy vợ tỉnh lại, Toàn khóc. Tân vẫn còn mệt, ngực...