‘Săn’ những thương hiệu phở nhất nhì Hà Nội
Đó là những hàng phở góp phần làm nên thương hiệu “phở Hà Nội” một thời và nay vẫn giữ được hương vị thơm ngon truyền thống của đặc sản phở Hà thành xưa.
Phở Thìn béo ngậy
Quán phở Thìn, 13 Lò Đúc xuất hiện và tồn tại ở Hà Nội đã được hơn 30 năm, đến nay vẫn chỉ có duy nhất món phở bò tái lăn. Độ béo ngậy trong nước dùng của phở Thìn là điểm khác biệt lớn nhất so với các loại phở khác. Những miếng thịt bò thái mỏng được xào tái cùng gừng trên chảo mỡ nóng già, miếng thịt vừa ngọt, vừa ngậy lại thơm hương gừng.
Độ béo ngậy trong nước dùng của phở Thìn là điểm khác biệt lớn nhất so với các loại phở khác. Ảnh: Lê Xuyền
Nước dùng của phở Thìn nhiều mỡ béo và kém trong hơn một số hàng phở khác, nhưng vị thơm ngon đậm đà thì không hề thua kém. Lớp váng mỡ mỏng phủ trên những sợi mì trắng mềm có thể khiến nhiều thực khách không thích ăn chất béo còn e dè. Nhưng khi xì xụp vị ngọt và đằm của nước phở thì họ thật khó lòng từ chối những lần thưởng thức sau.
Dương Quỳnh Trang, 23 tuổi (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Dù đã ăn phở ở khá nhiều quán nhưng hương vị phở thìn vẫn là ngon và đặc biệt hơn cả. Nếu là ăn cho no thì có thể ra quán phở gần nhà, nhưng để thưởng thức và cảm nhận thì nhất định phải ra phở Thìn ở Lò Đúc”.
Phở Bát Đàn… Hà Nội chính hiệu
Phở bò Bát Đàn được nhiều thực khách đánh giá là phở Hà Nội chính hiệu. Không những bởi hương vị thơm ngon làm say lòng nhiều người mà còn bởi cách chế biến vẫn mang nét truyền thống.
Video đang HOT
Bát phở đầy ắp thịt bò với nước dùng sóng sánh nhưng không vắt chanh, không ăn cùng giá hay rau húng quế như các quán khác. Khi thực khách hỏi chanh thì chủ quán giải thích rằng, phở Hà Nội xưa không dùng gia vị chanh mà chỉ dùng dấm, và chỉ có dấm mới làm cho món phở bò ngon đúng vị.
Dấm phải là dấm trắng không có tỏi, vì tỏi sẽ làm mất mùi vị của nước phở. Đó là nguyên lý của phở Hà Nội xưa và phở Bát Đàn là một trong những quán còn giữ đúng nguyên lý đó cho đến nay.
Phở Bát Đàn chỉ dùng với dấm trắng bởi có như vậy thì mới giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên của nước dùng và thịt bò. Ảnh megafun.vn
Nước dùng của phở Bát Đàn có phần mặn mà hơn so với các loại phở khác. Nhưng vị mặn ấy lại cuốn hút thực khách khi được hòa quyện cùng vị thanh đạm của xương hầm, vị ngọt của những miếng thịt tái mềm thơm lừng cùng vị chua của dấm.
Một nét đặc biệt không thể lẫn vào đâu được của quán phở gia truyền 49 Bát Đàn là thực khách phải “tự thân vận động” nếu muốn ăn phở: tự lấy bát, xếp hàng chờ và tự tìm chỗ ngồi. Thực khách thấy phở ngon, yêu thích hương vị phở Bát Đàn nên không ngại xếp hàng “tự phục vụ”.
Thanh thanh phở… Sướng
Phở Sướng (Đinh Liệt, Hoàn Kiếm) thường được người sành ăn khen là có vị ngọt thanh đạm hơn hẳn các quán phở khác. Nước dùng của phở trong veo, ngọt dịu có màu vàng nhạt với những váng mỡ nhỏ li ti nhưng không hề ngấy. Đây chính là điểm cuốn hút thực khách đến với phở Sướng.
Xứng đáng với tên gọi phở Sướng vì thực khách chỉ cần ngửi cũng đã thấy sướng. Hương vị đặc trưng nhất của phở Sướng chính là mùi thơm ngậy tự nhiên của thịt bò, không bị lấn át bởi hành tươi, gừng nướng hay hương húng quế.
Xứng đáng với tên gọi phở Sướng vì thực khách chỉ cần ngửi cũng đã thấy sướng. Ảnh 36pho.vn
Đi ăn phở Sướng cho sướng cái miệng và sướng cả cái bụng với bát phở to đầy ắp bánh cùng những miếng thịt bò thơm ngọt. Bác Lê Xuân Thu 64 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đặc trưng của phở Sướng chính là ở cái vị thanh mà ngọt, béo ngậy mà không ngấy của nước dùng và thịt. Sau gần 10 năm trung thành với phở Sướng, hương vị ấy vẫn không có nhiều thay đổi”.
Phở “bưng” vỉa hè
Quán phở vỉa hè trên phố Hàng Trống là quán duy nhất có kiểu thực khách phải vừa bưng bát phở vừa ăn. Quán không có bàn ghế sang trọng mà chỉ có những chiếc ghế nhựa bé tẹo để ngồi, phở phải bê trên tay và nếu nóng quá không cầm nổi thì phải lấy thêm một chiếc ghế khác để bát phở.
Phở “bưng” hàng Trống không chỉ đặc biệt bởi phong cách ăn rất dân dã và đúng chất vỉa hè mà ở đây vẫn giữ được hương vị đặc trưng của phở Hà Nội xưa. Bát phở nóng hổi nghi ngút khói, thực khách vừa bưng vừa xuýt xoa, hít hà hương thơm ngào ngạt của thịt bò hòa quyện với hành và rau thơm.
Phở “bưng” dân dã đúng chất vỉa hè nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của phở Hà Nội xưa.
Quán chỉ mở từ chiều muộn đến 9h tối và lúc nào cũng đông đúc. Thực khách đến phải tự tìm chỗ ngồi, tự lấy giấm và gia vị, khom lưng và bó gối đủ kiểu thì mới có thể xì xụp bát phở nóng đến bỏng lưỡi, nước dùng trong veo, ngọt đậm đà và thơm nức mũi.
Ngọc Thúy (ĐH Lao động xã hội) chia sẻ: “Vừa bưng bát phở vừa ăn, thậm chí vừa đứng vừa ăn vì khách đông không còn ghế để nhồi nhìn có vẻ “khổ sở”, nhưng đó lại là cái hay riêng có của phở Hàng Trống. Hơn nữa phở ngon, rất xứng đáng với những vất vả mình bỏ ra”.
Hà Nội hiện có hàng ngàn quán phở và mỗi quán lại có những hương vị đặc trưng riêng nhưng không phải quán nào cũng có thể làm hài lòng những thực khách sành ăn. Mỗi thực khách lại có những cảm nhận và khẩu vị khác nhau, các quán phở có tiếng khác như phở Lý Quốc Sư, phở Cường hàng Muối, phở gia truyền Lý Sáng ở phố Phùng Hưng, phở Phú Xuân ở hàng Da,… cũng là những điểm đến hấp dẫn cho những người thích thưởng thức và cảm nhận hương vị thơm ngon của phở Hà Nội.
Theo Báo Đất Việt
Đi ăn phở trộn phố Lãn Ông
Khi cái lạnh của mùa đông chưa kịp đi, người Hà thành lại xôn xao với phở trộn phố cổ - một "khúc biết tấu" độc đáo được người thủ đô sáng chế và ưa dùng trong tiết trời nóng mùa hè. Trong những ngày này, góc hàng trên phố Lãn Ông lại bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp vào mùa phở trộn.
Trong nền văn hóa ẩm thực, có lẽ bề dày lịch sử của phở Việt đã kết hợp với sự tinh tế trong cách ăn uống của người Hà thành để tạo nên danh sách đa dạng các loại phở. Ở Hà Nội, khi nhắc tới phở người ta vẫn quen với những cái tên vốn dân dã như phở Thìn, phở Tư lùn, phở Thịnh... Đôi khi một vài con phố nào đó lại &'nổi danh" nhờ món phở truyền thống ấy như phở Lý Quốc Sư, phở Nam Ngư hay phở Bát Đàn...
Ngoài phở nước truyền thống, đất Tràng An cũng là nơi hội tụ nhiều thứ phở biến tấu ngon miệng khác như phở cuốn, phở chiên, phở xào, phở chay... Trong những "khúc biến tấu" độc đáo, người ta vẫn nhớ tới phở trộn như một món ăn thanh cảnh, dễ ăn và dành riêng cho tiết trời mùa hè.
Những ngày đầu tháng tư, khi Hà Nội còn chưa dứt những đợt gió mùa và mưa lạnh, góc phố cổ đã bắt đầu nhộn nhịp bởi phở trộn - một món ăn khá mới mẻ. Giống như những sáng tạo về phở khác, món phở trộn cũng được các ông, bà chủ quán biến tấu để "chiều lòng khách" trong từng thời điểm và để đổi vị dễ ăn.
Có mặt trên đầu phố Lãn Ông mới lúc chập choạng tối đã thấy lố nhố khách đứng đợi mặc dù chủ bán mới đang dọn hàng. Phở trộn cũng giống như nhiều quán ngon nổi tiếng trong phố cổ thường hoạt động theo giờ, và chỉ bán vào buổi tối. Nên ngày nào cũng vậy, lúc nhà chủ mới dọn hàng, chỉ khoảng 6 giờ rưỡi tối, đã thấy lố nhố khách hàng đứng đợi. Người ta biết rằng, không đến sớm sẽ thật khó mà được thưởng thức món ăn độc đáo này vì đa phần các quán chỉ mở hàng trong khoảng 2 đến 3 tiếng, đôi khi lại hết hàng sớm hơn.
Hai loại phở trộn thông dụng, được nhiều người lựa chọn nhất là phở gà trộn và phở trộn thập cẩm. Một xuất phở trộn có phở sợi đặt trong tô cùng với thịt, rau thơm, giá, lạc, một chút nước mắm chua ngọt; và bên cạnh là bát nước dùng được hầm từ xương với vị thơm của gừng và hành hoa...
Nếu như phở bò truyền thống luôn được đánh giá cao thì ở món ăn mới mẻ này, phở trộn gà lại giành được nhiều cảm tình của thực khách. Vị béo của thịt gà sẽ kết hợp hài hòa với rau thơm và sợi phở khô hơn cả. Còn những ai vốn thích phở bò sẽ được hài lòng với phở trộn thập cẩm (thành phần cũng giống như phở trộn gà nhưng có thêm thịt bò và nhiều loại rau quả).
Có lẽ điều mà phở trộn hấp dẫn thực khách là sợi phở rất trắng, ăn mềm, giòn tự nhiên. Những sợi phở ấy được trộn cùng thịt gà và gia vị nên đậm đà, béo nhưng không ngậy, giữ được nguyên mùi hương từ những rau thơm và gia vị.
Phở trộn được người Hà Nội làm và thưởng thức quanh năm nhưng chỉ từ đầu tháng ba trở đi, những góc phố cổ mới thực sự "vào mùa". Chưa thấy có trong các quán xá, nhà hàng sang trọng nào, món này thường được bày bán nhiều ở những góc hàng vỉa hè như phố Hàng Chỉ, Trần Quốc Toản, Lương Văn Can...Và đặc biệt, phở trộn phố Lãn Ông luôn được "nổi danh" nhất.
Phố cổ Hà Nội không chỉ đẹp bởi nét cổ kính, truyền thống của kiến trúc mà còn đẹp hơn bởi văn hóa ẩm thực vỉa hè độc đáo. Những góc quán phở trộn sát lề đường, trong những ngõ nhỏ đặc trưng hay căn phòng be bé... dường như khiến hương vị món ăn thêm ngon miệng và gần hơn với văn hóa Hà thành truyền thống.
Theo NS
Bản đồ phở Hà Nội Phở - món ngon không xuất phát từ Hà Nội nhưng lại cực nổi tiếng ở đây. Nếu là người mới tới Hà Nội, chắc chắn bạn cần 1 "bản đồ" để tìm được những quán phở trứ danh. Phở bò: Hà Nội có cực nhiều, cực nhiều hàng phở ngon, trong đó phở Bò lại chiếm tỷ lệ áp đảo. Phở Sướng:...