Săn lùng ‘bệnh X’: Nguy hiểm như Ebola, lan nhanh như COVID-19
Những bệnh nhân mắc triệu chứng lạ gần rừng nhiệt đới Congo báo hiệu khả năng xuất hiện một căn bệnh truyền nhiễm chết người còn nguy hiểm hơn COVID-19.
Tại một bệnh viện ở thị trấn Ingende, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), các bác sĩ tiếp nhận một nữ bệnh nhân sốt cao, tiêu chảy và có các triệu chứng của bệnh Ebola. Bệnh nhân phải điều trị cách ly và giấu danh tính để tránh bị người dân địa phương tẩy chay vì nghi mắc bệnh truyền nhiễm.
Nhưng kết quả xét nghiệm Ebola của cô và hai con gái đều âm tính.
” Chúng tôi đã tiếp nhận những trường hợp biểu hiện rất giống bệnh Ebola, nhưng khi làm xét nghiệm thì lại âm tính “, bác sĩ Christian Bompalanga, người đứng đầu dịch vụ y tế ở Ingende, cho biết các bác sĩ ở đây đang tiến hành các cuộc kiểm tra bổ sung để tìm hiểu căn bệnh lạ này.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh có triệu chứng lạ gần rừng nhiệt đới Congo. (Ảnh: CNN)
Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu người phụ nữ này không mắc Ebola? Thay vào đó, nếu cô là bệnh nhân đầu tiên mắc “Bệnh X”, một căn bệnh nhiễm trùng mới có khả năng lan ra khắp thế giới như COVID-19, đồng thời có tỷ lệ tử vong từ 50% – 90% như Ebola?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra giả thuyết “Bệnh X” có tồn tại. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế cho rằng đợt bùng phát virus gây ra căn bệnh này có thể lây lan căn bệnh hiểm nghèo trên toàn thế giới. Đây không phải là một viễn cảnh khoa học viễn tưởng, mà là một nỗi lo ngại có cơ sở khoa học.
” Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi “, bác sĩ Dadin Bonkole nói. ” Ebola đã từng chưa được biết đến. COVID-19 cũng từng như vậy. Chúng ta cần phải sợ những căn bệnh mới “.
Nguy cơ đe dọa nhân loại
Theo giáo sư Jean-Jacques Muyembe Tamfum, người phát hiện ra virus Ebola, nhân loại phải đối mặt với vô số loại virus mới có khả năng gây tử vong có nguồn gốc từ các khu rừng mưa nhiệt đới của châu Phi.
Vào năm 1976, ông Muyembe lấy những mẫu máu đầu tiên từ các nạn nhân của một căn bệnh bí ẩn gây xuất huyết đã giết chết khoảng 88% bệnh nhân và 80% nhân viên làm việc tại bệnh viện Yambuku Mission. Các mẫu máu được gửi đến Bỉ và Mỹ. Các nhà khoa học gọi loại virus hình con giun được phát hiện trong các mẫu này là “Ebola”, theo tên con sông gần với ổ dịch Zaire.
Việc xác định và nghiên cứu Ebola được thực hiện nhờ liên kết giữa vùng sâu vùng xa ở châu Phi với các phòng thí nghiệm công nghệ cao của phương Tây. Giờ đây, phương Tây phải dựa vào các nhà khoa học Congo và các nơi khác của châu Phi để dự báo về những dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai.
Video đang HOT
Dù bệnh nhân có các dấu hiệu tương tự Ebola ở Ingende đang hồi phục, các chuyên gia vẫn e ngại trước khả năng xuất hiện một loại virus chết người mới. Các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân này được kiểm tra tại chỗ và gửi đến viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo (INRB) ở Kinshasa. Tại đây, các mẫu được xét nghiệm thêm những bệnh khác có triệu chứng tương tự nhưng tất cả đều cho kết quả âm tính, căn bệnh người phụ nữ này mắc phải vẫn còn là một bí ẩn.
Giáo sư Muyembe cảnh báo rằng nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người sẽ xảy ra trong tương lai. Theo ông, rất có khả năng dịch bệnh mới sẽ còn nguy hiểm hơn COVID-19.
Các đại dịch xảy ra trong quá khứ như bệnh sốt vàng da, các dạng cúm khác nhau, bệnh dại, Brucella và Lyme đều lây từ động vật sang người, thường là qua vật trung gian như động vật gặm nhấm hoặc côn trùng.
Sự lây lan virus HIV trên toàn cầu cũng bắt nguồn từ một loài tinh tinh và nó trở thành một đại dịch toàn cầu. SARS, MERS và SARS-CoV-2 đều là các virus truyền sang người từ các “ổ chứa” không xác định (thuật ngữ các nhà virus học sử dụng để chỉ các vật chủ tự nhiên của virus) trong giới động vật. Đại dịch COVID-19 được cho là có nguồn gốc từ loài dơi ở Trung Quốc.
Nhân loại phải đối mặt với vô số loại virus mới có khả năng gây tử vong có nguồn gốc từ các khu rừng mưa nhiệt đới của châu Phi. (Ảnh: CNN)
Số virus mới đang gia tăng
Kể từ khi phát hiện virus gây sốt vàng da lây nhiễm từ động vật sang người vào năm 1901, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra ít nhất 200 loại virus khác có khả năng truyền sang người. Theo nghiên cứu của Mark Woolhouse, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại đại học Edinburgh, mỗi năm có từ 3 đến 4 loại virus mới được tìm thấy, phần lớn chúng có nguồn gốc từ động vật.
Các chuyên gia cho rằng việc số lượng virus mới ngày càng gia tăng phần lớn là kết quả của sự tàn phá nền sinh thái và nạn buôn bán động vật hoang dã.
Khi con người tàn phá thiên nhiên khiến môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, các loài động vật như chuột, dơi và côn trùng sống sót có thể chuyển tới sống gần con người. Chúng thường bị nghi ngờ là vật trung gian truyền bệnh cho người.
Các nhà khoa học liên hệ những đợt bùng phát của đại dịch Ebola trong quá khứ với việc con người tàn phá rừng nhiệt đới. Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng có tới 25 trong số 27 ổ dịch Ebola nằm dọc theo khu vực sinh sống của các quần thể sinh vật rừng nhiệt đới ở Trung và Tây Phi. Những khu vực này đều từng bị hủy hoại bởi con người.
Các chuyên gia cho biết thêm, các đợt bùng phát bệnh Ebola lây từ động vật sang người thường xảy ra ở những nơi có mật độ dân số cao và có điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.
Trong 14 năm đầu của thế kỷ 21, một khoảng diện tích rừng lớn hơn Bangladesh đã bị đốn hạ trong rừng nhiệt đới tại lưu vực sông Congo. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu tình trạng phá rừng và xu hướng gia tăng dân số như hiện nay còn tiếp diễn, rừng nhiệt đới Congo có thể sẽ hoàn toàn biến mất vào cuối thế kỷ 21. Khi điều đó xảy ra, động vật và những loại virus mà chúng mang theo sẽ tiếp cận ngày càng gần với con người.
Các loài động vật như chuột, dơi và côn trùng thường bị nghi ngờ là vật trung gian truyền bệnh cho người. (Ảnh: CNN)
Nguy cơ từ buôn thú hoang
Cách thức chính xác mà con người mắc phải Ebola và COVID-19 vẫn còn là một bí ẩn, nhưng các nhà khoa học tin rằng nguy cơ xuất hiện thêm những căn bệnh lây truyền từ động vật như sang người sẽ tăng vọt khi ngày càng nhiều động vật hoang dã bị giết thịt.
Động vật hoang dã là nguồn cung cấp protein truyền thống cho người dân sống trong rừng nhiệt đới, nhưng ngày nay, loại thịt này còn được buôn bán bên ngoài khu vực bắt nguồn và xuất khẩu ra toàn thế giới. Liên hợp quốc ước tính mỗi năm có tới 5 triệu tấn thịt động vật hoang dã được khai thác từ lưu vực sông Congo.
“Bệnh X” có thể đang tiềm ẩn bên trong bất kỳ con vật nào bị săn bắt để giết thịt. Nguồn thịt này lại được những người nghèo mang đến thành phố để phục vụ nhu cầu về khẩu vị và thú cưng của người giàu.
Các nhà khoa học cũng từng liên hệ hình thức mua bán này với các loại bệnh truyền nhiễm. Virus cúm H5N1, hay còn gọi là cúm gia cầm, và SARS đều bắt nguồn từ vấn nạn này. Tuy nguồn gốc chính xác của virus gây ra COVID-19 vẫn chưa được xác nhận, nhưng mối nghi ngờ lớn nhất vẫn là các khu chợ buôn bán và giết thịt động vật hoang dã.
Liên hợp quốc ước tính mỗi năm có tới 5 triệu tấn thịt động vật hoang dã được khai thác từ lưu vực sông Congo. (Ảnh: CNN)
Việc thương mại hóa buôn bán thịt động vật hoang dã không chỉ là con đường tiềm ẩn để bệnh dịch lây lan mà còn là dấu hiệu của sự tàn phá nghiêm trọng rừng nhiệt đới Congo, khu rừng lớn thứ hai thế giới sau Amazon.
Hầu hết các ấn phẩm khoa học đều giả định rằng sẽ xuất hiện thêm nhiều bệnh lây nhiễm khi con người tiếp tục tàn phá môi trường sống tự nhiên. Một khi có bất kỳ loại virus chưa xác định nào bắt đầu lây sang người, hậu quả để lại có thể vô cùng tàn khốc. Các đại dịch COVID-19 và Ebola chính là minh chứng xác thực nhất.
Các nhà khoa học thế giới dồn tâm huyết nghiên cứu dơi để ngăn đại dịch tiếp theo
Màn đêm buông xuống tại công viên Pedra Branca ở Rio de Janeiro là lúc 4 nhà khoa học Brazil bắt đều chiếu đèn tiến vào rừng rậm rạp. Họ đang trong nhiệm vụ bắt dơi và tìm phương pháp ngăn ngừa đại dịch toàn cầu tiếp theo.
Các nhà khoa học bắt dơi tại công viên Pedra Branca. Ảnh: AP
Buổi "đi đêm" vào rừng này nằm trong dự án của Viện Fiocruz (Brazil) thu thập và nghiên cứu virus có trong động vật hoang dã, bao gồm dơi, mà nhiều nhà khoa học cho rằng có liên quan đến dịch COVID-19.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết mục tiêu là nhận dạng những virus dễ lây lan và nguy hiểm đến tính mạng con người. Bên cạnh đó là sử dụng thông tin thu thập được để ngăn các virus này lây truyền từ động vật hoang dã sang người - ngăn chặn trước đại dịch toàn cầu tiếp theo trước khi nó bùng phát.
Ở một thế giới kết nối cao, dịch bệnh tại thường có nguy cơ lây lan toàn cầu, như điều xảy ra với dịch COVID-19. Đội ngũ các nhà khoa học tại Brazil nằm trong nhóm trên toàn thế giới đang chạy đua để giảm thiểu nguy cơ đại dịch thứ hai trong thế kỷ này.
Chuyên gia Gagandeep Kang tại Đại học Y Christian (Ấn Độ) nhận định rằng câu hỏi không còn là nếu mà là bao giờ. Các nhà khoa học trên thế giới đang đổ dồn tập trung vào loài có vú biết bay duy nhất - dơi. Dơi được cho là vật chủ của nhiều virus lây lan gây bệnh dịch trong thời gian gần đây như COVID-19, SARS, MERS, Ebola.
Có tới 1.400 loài dơi sống trên toàn cầu, trong đó một số loài có thể đạt tuổi thọ hơn 30 năm. Chúng mang điểm chung là tuy mang virus nhưng không có nhiều dấu hiệu thể hiện bên ngoài.
Bà Raina Plowright tại Đại học Montana (Mỹ) nhận xét: "Dơi sở hữu hệ miễn dịch bất thường liên quan đến khả năng bay của chúng". Để bay, loài dơi thường cần nguồn năng lượng lớn và tỷ lệ chuyển hóa của chúng thường tăng gấp 16 lần. Các nhà khoa học tin rằng tiến hóa giúp loài dơi hồi phục từ sức ép khi bay đã giúp chúng có thêm năng lực tự bảo vệ trước các mầm bệnh.
Ông Arinjay Banerjee tại Đại học McMaster (Canada) đánh giá việc tìm ra bí mật hệ miễn dịch của dơi sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cơ chế lây lan virus của chúng và tìm ra chiến lược điều trị trong tương lai với các dịch bệnh.
Bà Cara Brook tại Đại học California (Mỹ) nhấn mạnh: "Virus phải thoát ra từ vật chủ và lây lan khiến chúng ta nhiễm bệnh. Tình trạng phá hủy các khu vực đa dạng sinh học, như rừng nhiệt đới, đồng nghĩa với việc có tỷ lệ cao hơn tương tác giữa động vật hoang dã và con người".
Đó là lý do các nhà khoa học Brazil lựa chọn công viên Pedra Branca - một trong những rừng tự nhiên trong khu vực thành thị lớn nhất thế giới. Không chỉ nghiên cứu dơi, họ còn tìm hiểu về mèo hoang và mèo nuôi tại gia đình có trường hợp mắc COVID-19.
Phòng nghiên cứu của Viện Fiocruz. Ảnh: AP
Nhân tố chính khiến dơi thường tiếp xúc với người và súc vật là do môi trường sống trong tự nhiên của chúng bị hủy hoại. Ở Australia, việc chặt cây bạch đàn vốn là nguồn mật hoa của một loài dơi địa phương khiến chúng phải tìm đến khu dân cư sinh sống như ngoại ô thành phố Brisbane có tên Hendra.
Từ đây, chúng lây truyền virus sang ngựa và rồi sang người. Được ghi nhận lần đầu năm 1994, virus này được đặt tên Hendra và rất nguy hiểm, khiến 60% người nhiễm tử vong. Sự việc tương tự xảy ra ở Bangladesh khi dơi hoang dã vào thành phố là lây truyền virus Nipah.
Bà Hannah Kim Frank tại Đại học Tulane (Mỹ) nhận định rằng phương pháp để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh là hạn chế tương tác giữa dơi hoang dã với con người cùng súc vật, gia cầm.
Một số nhà khoa học Bắc Mỹ còn ủng hộ đề xuất giới hạn tiếp cận của công chúng với những hang có dơi sinh sống. Loài dơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, chúng ăn côn trùng như muỗi, phát tán hạt giống và thụ phấn một số loài cây.
Cháy rừng thiêu rụi gần một nửa diện tích hòn đảo di sản thế giới Fraser Đám cháy rừng lớn trên đảo Fraser ngoài khơi bờ biển phía Đông của bang Queensland (Australia) vẫn đang dữ dội và tình hình nguy hiểm hiện nay được dự báo sẽ kéo dài sang tuần tới. Đảo Fraser, nổi tiếng với những khu rừng nhiệt đới và cồn cát, nằm trong danh sách di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục,...